17:49 EDT Thứ tư, 18/09/2024

Trang nhất » Biến đổi khí hậu » Biến đổi khí hậu

BẢN KIẾN NGHỊ: Về việc quy hoạch và quản lý các dự án thủy điện Việt Nam

Thứ ba - 26/11/2013 06:22
Kính gửi: Quốc hội Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam


Chúng tôi, các tổ chức sau đây, gồm Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam (VRN), Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature), và Trung tâm Hỗ trợ Quản lý Tổng hợp Tài nguyên nước (Ciwarem), cùng hoạt động vì mục tiêu bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, cùng chia sẻ mối quan tâm về tác động xã hội, môi trường mà các dự án thủy điện đã và đang gây ra. Chúng tôi có một số kiến nghị gửi đến quý đại biểu quốc hội về vấn đề quy hoạch và quản lý các dự án thủy điện của Việt Nam như sau:
 
Thông tin Cơ sở để kiến nghị:

Với mạng lưới sông ngòi tương đối dày và điều kiện địa hình thuận lợi, Việt Nam được coi là một trong những quốc gia có tiềm năng về thủy điện. Trong hơn 20 năm qua, nguồn tiềm năng này đã được khai thác mạnh mẽ phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Hiện nay, Việt Nam có 268 công trình thủy điện lớn vừa và nhỏ đã đi vào vận hành, 205 dự án đang được xây dựng và hàng ngàn hồ chứa đã được quy hoạch.

Không thể phủ nhận trong nhiều năm qua, thủy điện đã góp phần quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu năng lượng của quốc gia. Theo số liệu của EVN, thủy điện hiện  đóng góp 45,17% tổng sản lượng điện của mạng lưới  điện toàn quốc.

 Tuy nhiên, bên cạnh một số đóng góp cho các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, việc phát triển thủy điện quá nhanh và nóng đã  bộc lộ nhiều  bất cập. Thủy điện đã gây ra nhiều tác động tiêu cực đến môi trường, sinh thái, xã hôi. Một diện tích khá lớn đất rừng, đất nông nghiệp và các loại đất khác đã bị chiếm dụng vĩnh viễn bởi các công trình này. Theo báo cáo của Bộ Công thương, từ năm 1995 đến nay, Việt Nam đã chuyển  đổi 50.000 ha đất rừng, đất nông nghiệp và các loại đất khác để làm thủy điện. Thủy điên làm thay đổi dòng chảy tự nhiên, cả trong mùa lũ và mùa kiệt, làm giảm đáng kể lượng phù sa xuống hạ lưu. Thủy điện có tác động lớn đến xã hội, một số lượng dân phải tái định cư, và tùy quy mô dân số, văn hóa bản địa ở mức độ khác nhau sẽ bị tác động. Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và PTNT đối với 21 dự án thủy điện ở 12 tỉnh,  hơn 75.000 hộ dân phải di dời phục vụ việc xây dựng công trình thủy điện và chịu ảnh hưởng sâu sắc về mặt sinh kế và đời sống. Ngoài ra, công tác quản lý các dự án thủy điện vừa và nhỏ còn nhiều lỏng lẻo. Theo kết quả chương trình giám sát Quốc hội, có tới 30% thủy điện nhỏ chưa được kiểm định về mặt an toàn, 66% chưa có phương án bảo vệ được phê duyệt và 55% số đập chưa có phương án phòng chống lụt bão. Hơn nữa, hàng loạt các sự cố như vỡ đập ở Gia Lai, nứt thân đập ở Quảng Nam hay xả lũ ở Miền Trung và Tây Nguyên trong thời gian qua gây ra những mối quan ngại lớn về vấn đề an toàn và quản lý vận hành đập. Trong tháng 11/2013, cùng với mưa lớn, hàng loạt các hồ thủy điện ở miền Trung và Tây Nguyên đã đồng thời xả lũ với lưu lượng lớn gây nhiều thiệt hại về người và tài sản cho người dân vùng hạ du. Theo thống kê sơ bộ tại miền Trung, có tới 31 người bị chết, 9 người mất tích và 225 ngôi nhà bị cuốn trôi trong đợt lũ vừa qua.

Trước thực trạng trên, việc Chính phủ loại 424 dự án thủy điện, chiếm tới 34,2% trong tổng số 1239 dự án, ra khỏi quy hoạch sau quá trình rà soát  là một quyết định cần thiết. Tuy nhiên, các sự cố liên quan đến thủy điện gần đây cho thấy thủy điện vẫn tiềm tàng nhiều rủi ro và thách thức.
 
Các kiến nghị:

Trước bối cảnh trên cùng với một số kết quả nghiên cứu hiện có, chúng tôi có một số kiến nghị cụ thể về vấn đề phát triển thủy điện như sau:

1. Thắt chặt việc quản lý đối với công tác xây dựng thủy điện: Thực trạng trong thời gian qua cho thấy cần thắt chặt hơn nữa công tác quản lý và thực hiện quy hoạch cũng như đối với tất cả các dự án thủy điện đang vận hành. Các cơ quan quản lý cần khẩn trương, nghiêm túc đánh giá toàn diện quy trình vận hành của các công trình thủy điện đơn lẻ cũng như các công trình bậc thang, vấn đề an toàn đập, an toàn hạ lưu.

2. Quy định rõ trách nhiệm và thẩm quyền của các bên liên quan: cần quy định rõ ràng trách nhiệm của từng bên (chủ đầu tư, cơ quan chủ quản, chính quyền các cấp) trong quá trình quản lý và giám sát sự vận hành của nhà máy, đặc biệt trinh khi tích nước và xả nước.

3. Tiếp tục rà soát quy hoạch phát triển thủy điện: Chính phủ cần chỉ đạo các cơ quan chức năng gồm Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các bên liên quan tiếp tục rà soát, loại bỏ các dự án không đảm bảo an toàn. Trong thời gian này, tạm thời đình chỉ các dự án đã được cấp phép nhưng đang có những vấn đề tác động chưa được làm rõ, đặc biệt là các dự án ở vùng miền Trung và Tây Nguyên nhằm đảm bảo an ninh môi trường và an toàn cho các cộng đồng ở khu vực hạ lưu. Ngoài ra, nên xem xét trì hoãn việc xây dựng các dự án trong quy hoạch chưa có đánh giá đầy đủ về chi phí môi trường – xã hội.

4. Thực hiện các đánh giá thiệt hại liên quan đến thủy điện: Hàng loạt những sự cố gần đây cho thấy cần mối tương quan giữa lợi ích kinh tế và chi phí môi trường - xã hội cần được nghiên cứu để tạo cơ sở cho công tác xây dựng quy hoạch phát triển. Ngoài ra, các thiệt hại từ các sự cố liên quan đến thủy điện cần tính toán và lượng hóa một cách cụ thể thể để tạo cơ sở cho việc yêu cầu bồi thường và đảm bảo quyền lợi , sinh kế cho của cộng đồng dân cư bị tái định cư và bị ảnh hưởng.

5. Thực hiện nghiêm công tác ĐMC đối với các quy hoạch thủy điện các lưu vực sông: Nghị định số 29/2011/NĐ-CP đã quy định về việc đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC) đối với quy hoạch thủy điện cấp quốc gia. Chính phủ cần ưu tiên thực hiện ĐMC cho các kế hoạch phát triển thủy điện trong từng lưu vực sông để xem xét các vấn đề liên quan như môi trường, xã hội và tính phù hợp đối với các quy hoạch phát triển hay kế hoạch bảo tồn thiên nhiên khác trước khi cho phép chuyển sang giai đoạn sau.

5. Ngoài ra, việc cho phép cho các tổ chức, cá nhân Việt Nam đầu tư phát triển thủy điện trên các lưu vực sông liên quốc gia chung với Việt Nam (Mê Công, Hồng, Mã, Cả…) cũng như việc phát triển thủy điện của các nước trong khu vực (Trung Quốc, Lào, Thái Lan, Campuchia) có ảnh hưởng tới Việt Nam cũng cần được nghiên cứu xem xét đầy đủ.

Rất mong Quốc hội và các cơ quan chức năng xem xét các kiến nghị trên để đảm bảo an toàn cho cộng đồng, quyền lợi của nhân dân, và nâng cao tính bền vững trong các chương trình phát triển nói chung và thủy điện nói riêng.

Xin trân trọng cảm ơn
 
  THAY MẶT CÁC TỔ CHỨC KIẾN NGHỊ

 
Các tổ chức cùng soạn thảo và gửi bản kiến nghị này bao gồm: Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam (VRN), Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature), và Trung tâm Hỗ trợ Quản lý Tổng hợp Tài nguyên nước (Ciwarem). Đây là những tổ chức, mạng lưới cùng hoạt động vì mục tiêu bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, cùng chia sẻ mối quan tâm về tác động xã hội, môi trường mà các dự án thủy điện đã và đang gây ra.
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Các sáng lập viên

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 163

Máy chủ tìm kiếm : 5

Khách viếng thăm : 158


Hôm nayHôm nay : 35674

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 592957

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 50011591



thiet ke ho ca koi mai hien di dong cong ty to chuc su kien thang may tai hang thang mang tai khach