04:46 +07 Chủ nhật, 15/09/2024

Trang nhất » Biến đổi khí hậu » Biến đổi khí hậu

Đằng sau những con đập trên sông Mê Kông

Thứ hai - 17/10/2011 15:09
Giữa lúc vùng hạ lưu sông Mê Kông đang đối mặt với trận lũ lịch sử thì tại TP.HCM, Trung tâm con người và thiên nhiên (PanNature) đã tổ chức tọa đàm “Đằng sau những con đập thủy điện trên sông Mê Kông”- như một lời cảnh báo .

Trước sức ép vượt qua suy thoái và tăng trưởng kinh tế, các quốc gia tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng đang chú trọng đầu tư vào lĩnh vực năng lượng với sự hậu thuẫn của các thế chế tài chính quốc tế và trong nước. Một cuộc chạy đua về khai thác và tiêu thụ năng lượng đang diễn ra làm hé lộ những mặt trái, với hệ quả là những bất ổn về các vấn đề an ninh phi truyền thống như môi trường, lương thực và sinh kế của người dân.

“Miễn bàn” với Trung Quốc?
 
Description: http://sgtt.vn/ImageHandler.ashx?ImageID=156916
Theo các chuyên gia đến từ Thái Lan, tại cuộc họp thượng đỉnh Asean lần thứ 18, ngày 7.5.2011, Thủ tướng Lào đồng ý với Thủ tướng Việt Nam hoãn việc xây đập. Nhưng đến tháng 7.2011, Chính phủ Lào gởi cho chủ đầu tư thông báo quá trình PNPCA (Quy trình thủ tục thông báo, tham vấn trước và thỏa thuận) đã hoàn tất. Và Lào bắt đầu xây dựng. Ảnh: TL
Theo TS. Đào Trọng Tứ, giám đốc Trung tâm phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu, kế hoạch phát triển thủy điện của Trung Quốc trên dòng chính sông Mê Kông đến năm 2020 có 8 dự án. Hiện họ đã xây xong đập Man Wan – Mãn Loan (1993), Dachaoshan – Đại Triều Sơn (2003), Jinghong – Cảnh Hồng (2009); sẽ hoàn thành tiếp các đập Gongguaqiao – Cống Quả Kiều (2011), Tiểu Loan – Xiaowan (1012)... Đến 2020 sẽ hoàn thành tiếp ba đập nữa là Nouzhadu – Noạ Trát Độ, Ganlanba – Cảm Lâm và Mensgong – Mãnh Tống.

Các thủy điện này làm ngập đất, rừng; làm thay đổi toàn bộ chế độ dòng chảy trong ngày cũng như theo mùa – kéo theo sự thay đổi môi trường vùng hạ lưu; làm thay đổi năng suất sinh học sơ cấp của hệ sinh thái; làm lở bờ và hiện tượng biển xâm thực… Tất nhiên, vùng hạ lưu các đập cũng sẽ ít phù sa, tác động tiêu cực đến các loài thủy sinh, chặn đường đi cho chu trình sinh sản của các loài cá... Thế nhưng, Trung Quốc luôn nói rằng, các con đập thủy điện của họ tạo ra các hồ điều tiết nước – giảm lượng nước vào mùa lũ và tăng lượng nước cho mùa khô(?!).

Đó là chưa nói đến việc các thủy điện này tạo ra các hồ tích nước lớn (khoảng 60 tỉ mét khối nước) có nguy cơ gây địa chấn và vỡ đập. Nhận định về kế hoạch khai thác sông Mê Kông của Trung Quốc, Tyson Roberts thuộc Viên nghiên cứu nhiệt đới Smithsonian (Mỹ), nói: “Xây các đập thủy điện, khai thông thủy lộ với tàu bè thương mại quá tải sẽ giết chết dòng Mê Kông”. Nhưng, với hệ thống đập này, Trung Quốc hoàn toàn có thể kiểm soát nguồn nước sông Mê Kông. Họ có lợi toàn diện khi tham gia phát triển thủy điện trên sông này nên họ bất chấp, theo ông Tứ.

Thực tế Trung Quốc nhìn nhận Mê Kông như là dòng sông riêng của nước họ nên họ có thể làm bất kỳ điều gì họ muốn. Cho nên họ phát triển thủy điện một cách độc lập, không thông báo cho các quốc gia hạ lưu cùng chia sẻ lưu vực sông. Không nhìn nhận quyền lợi của các quốc gia chia sẻ tài sản chung nên phần thiệt hại thuộc về các nước ở khu vực hạ lưu. Theo ông Tứ, thực tế, các nước thuộc lưu vực sông Mê Kông vẫn chưa biết ứng xử với quốc gia đầu nguồn này như thế nào khi họ không tham gia Ủy hội Mê Kông, không phê chuẩn Công ước của Liên hiệp quốc về Luật sử dụng các nguồn nước quốc tế cho các mục đích không phải là giao thông thủy!

Trong khi, theo Cục bảo vệ môi trường Hoa Kỳ, công lý môi trường là sự đối xử một cách bình đẳng và tham gia có ý nghĩa của tất cả mọi người, bất kể sắc tộc, màu da, quốc tịch, thu nhập hướng tới mục tiêu chung về phát triển, xúc tiến và thực thi các quy định chính sách và luật pháp về môi trường.

Tiền lệ Xayabury?
Description: http://sgtt.vn/ImageHandler.ashx?ImageID=156917
Đập Xayaburi ở vùng bắc Lào là nơi có nguy cơ động đất mạnh mang tính phá huỷ khá lớn.

Ngoài tám đập thủy điện trên dòng chính thuộc lãnh thổ Trung Quốc, các quốc gia vùng hạ lưu cũng đã quy hoạch 12 thủy điện trên dòng chính. Theo TS. Carl Middleton, Giảng viên Khoa khoa học chính trị, Đại học Chulalongkorn, hiện trong khu vực đã có 11 trong 12 đập thủy điện trên dòng chính đã được đề xuất. Phần lớn điện từ những dự án này (dự kiến) sẽ được xuất sang Thái Lan và Việt Nam; trong khi giới đầu tư đến từ nhiều quốc gia như Thái Lan, Nga, Việt Nam… nhưng nhiều nhất vẫn là Trung Quốc.

“Phát pháo” đầu tiên mở đường cho những dự án thủy điện thuộc vào loại khổng lồ kể trên là đập Xayabury. Vì vậy, theo ông Carl Middleton, quyết định về số phận của đập Xayabury giữ vai trò then chốt, quyết định có hay không làn sóng đầu tư vào thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông.

Thủy điện này sẽ tác động đến an ninh trực tiếp của hơn 20.000 con người và hàng triệu con người chịu tác động gián tiếp. Thế nhưng, “độ tin cậy vào thủy điện này không chắc chắn do sự thay đổi chế độ thủy văn dưới tác động khó lường của biến đổi khí hậu”, theo ông Carl Middleton. Nhưng vấn đề quan trọng dễ nhận thấy nữa là lợi ích kinh tế từ việc người dân sử dụng điện không thể bồi đắp nỗi chí phí thiệt hại về tài nguyên có thể xảy ra không đồng đều giữa các vùng trong một quốc gia và giữa các quốc gia trong lưu vực.

Bất bình đẳng gia tăng khi phần lớn lợi ích từ dự án mang lại là nguồn thu cho các nhà đầu tư, các nhà cung cấp tài chính và Chính phủ Lào; trong khi sản lượng đánh bắt thủy sản sẽ giảm từ từ 270.000 – 600.000 tấn/năm cùng với 41 loài cá có nguy cơ tuyệt chủng. “Dự án thủy điện Xayabury đã xây dựng các báo cáo đánh giá tác động môi trường, đánh giá tác động xã hội, tuy nhiên còn rất hạn chế - nó không thừa nhận tác động xuyên biên giới”, ông Carl Middleton nói.

Cho đến nay không có đánh giá nào chú trọng một cách đúng mức các vấn đề thay đổi mang tính khu vực hoặc mang tính địa phương liên quan đến các lĩnh vực an ninh về kinh tế, sức khỏe, lương thực và môi trường của dự án, dù những vấn đề như thế này đã được đề cập trong bản báo cáo đánh giá môi trường chiến lược (SEA). Nhiều chuyên gia tham gia Tọa đàm cũng thừa nhận, các tham vấn ở Việt Nam, Campuchia và Thái Than chưa sâu; còn ngay tại Lào thì hoàn toàn không có tham vấn.
 
Description: http://sgtt.vn/ImageHandler.ashx?ImageID=156918
Cho đến nay không có đánh giá nào chú trọng một cách đúng mức các vấn đề thay đổi mang tính khu vực hoặc mang tính địa phương liên quan đến các lĩnh vực an ninh lương thực, kinh tế, sức khỏe.
Tuyên bố chung tại Hội nghị thượng đỉnh Mê Kông lần 1 (2010), các nhà lãnh đạo 4 chính phủ (Việt Nam, Thái Lan, Lào, Campuchia) thừa nhận sự hợp tác giữa chính phủ các thành viên trong những năm tới là cần thiết nhằm tối ưu hóa việc sử dụng đa mục tiêu nước và vì lợi ích chung của tất cả các nước ven sông, để tránh bất kỳ tác động bất lợi nào do hiện tượng tự nhiên và con người gây ra, bảo vệ giá trị lớn lao của các hệ sinh thái tự nhiên và cân bằng kinh tế.

Do đó, Quy trình thủ tục thông báo, tham vấn trước và thỏa thuận (PNPCA) đối với Xayabury khởi động từ tháng 9.2010, tháng 4.2011 diễn ra cuộc họp của Ủy ban liên hợp thuộc Ủy hội sông Mê Kông quốc tế. Lào đề xuất tiếp tục xây đập, Thái Lan, Việt Nam, Campuchia kêu gọi nới rộng thời gian ra quyết định, bày tỏ quan ngại về những tác động xuyên biên giới, cần có nghiên cứu và tham vấn sâu rộng. Và thời hạn xem xét, ra quyết định đã dời tới cuộc họp cấp bộ trưởng vào cuối năm 2011.

Thế nhưng đến nay đã lộ diện những ý kiến bất đồng nội bộ… Theo các chuyên gia đến từ Thái Lan, tại cuộc họp thượng đỉnh Asean lần thứ 18, ngày 7.5.2011, Thủ tướng Lào đồng ý với Thủ tướng Việt Nam hoãn việc xây đập. Nhưng đến tháng 7.2011, Chính phủ Lào gởi cho chủ đầu tư thông báo quá trình PNPCA đã hoàn tất.

Vậy, liệu chính phủ các nước thành viên Ủy hội sông Mê Kông (RMC) có nên tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc đảm bảo thịnh vượng và không can thiệp theo luật quốc tế? Thái Lan nên chia sẻ trách nhiệm ra sao với vai trò vừa là chủ đầu tư, vừa là nhà cung cấp tài chính và vừa là nhà mua điện? Chúng ta có nên xác định mức độ tác động xuyên biên giới trên dòng Mê Kông với từng quốc gia?

Theo ông Daniel King, giám đốc Chương trình Luật châu Á, Tổ chức EarthRingghts International, hiệp định Me Kông năm 1995 còn có nhiều khoảng trống. RMC không có cơ chế về các quy định có tác động toàn lưu trong phát triển dòng chính Mê Kông. Vì vậy cần có một cơ quan quản lý độc lập thực hiện các thiết lập và thực thi các tiêu chuẩn thiết kế, bảo trì và vận hàng các thủy điện. Đồng thời cần cải thiện nhiều hơn nữa về hợp tác vùng, lập Quỹ quản lý lưu vực sông Mê Kông và phải cân nhắc đưa Trung Quốc và Myamar vào khung pháp lý và thể chế.
 
Những thể hiện cam kết của Chính phủ Lào và nhà đầu tư Ch. Karn Chang và Tập đoàn điện lực Thái Lan về dự án Xayabury: Tháng 5.2007 biên bản ghi nhớ dự án, tháng 11.2008 bản công bố mức độ ảnh hường; tháng 7.2010 biên bản thỏa thuận về giá bán điện; tháng 10.2010 hợp đồng chuyển nhượng khai thác.
 

Quang Chung

Nguồn tin: SGTT

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Các sáng lập viên

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 41


Hôm nayHôm nay : 2413

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 468067

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 49886701



thiet ke ho ca koi mai hien di dong cong ty to chuc su kien thang may tai hang thang mang tai khach