17:58 EDT Thứ tư, 18/09/2024

Trang nhất » Biến đổi khí hậu » Biến đổi khí hậu

Hạ tầng xanh cho vùng châu thổ sông Cửu Long

Chủ nhật - 06/02/2022 21:10

Vùng hạ lưu châu thổ sông Mekong trên lãnh thổ của Việt Nam là nơi kết nối giữa sông và biển: dòng sông Mekong vĩ đại trong nhóm mười con sông lớn nhất trên thế giới về lưu lượng nước cũng như tải lượng phù sa đổ ra vùng biển Đông dạt dào kết nối với Thái Bình Dương như là vùng đại dương lớn nhất địa cầu.


Hơn 40 năm qua, miệt châu thổ sông Cửu Long được biết đến như một vùng đất chuyên sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản lớn nhất, mang trọng trách đóng góp phần lớn nhất lương thực cho cả nước, đến độ phải tận dụng tất cả nguồn tài nguyên thiên nhiên như nguồn tài nguyên đất, nguồn tài nguyên nước và nguồn tài nguyên sinh thái để trở thành nông sản cho con người.

Hàng tỷ ngày công của nông dân và người lao động đã được sử dụng cho sản xuất lúa và hoa màu, tôm cá. Ngân sách quốc gia phải sử dụng để tạo ra hàng chục ngàn con kinh đào, xây hàng trăm trạm bơm nước, cống điều tiết lớn nhỏ và đắp hàng vạn con đê bao nhằm mục tiêu kiểm soát tưới tiêu ngang dọc đồng bằng. Có lẽ ít ai hình dung được tổng số con kinh đào ở vùng châu thổ này nếu nối liền lại sẽ tạo ra một đường dẫn nước dài hơn gấp đôi đường vòng xích đạo trái đất! Tất cả các nỗ lực chỉ hướng đến một mục tiêu tạo ra tối đa lượng lương thực và thực phẩm để thỏa mãn nhu cầu thức ăn của người dân và vươn đến vị trí những nước hàng đầu xuất cảng gạo, cá và nông sản khác. Có thể nói mục tiêu “an ninh lương thực” đã vượt qua mong mỏi trong hơn 4 thập kỷ vừa làm, vừa xoay trở, vừa ráng sức vươn lên, vượt qua chính mình… như một thành quả đáng tự hào.

Tuy vây, dường như ánh sáng vinh quang này vẫn không che được mặt tối của vùng châu thổ: người nông dân sau bao năm vẫn nằm trong vùng trũng so với cả nước trong các tiêu chí về nhóm thu nhập nghèo và trũng cả về trình độ học vấn, cũng như hưởng thụ xã hội, nếu không xét đến những mất mát, biến dạng về văn hóa và tập quán của miền sông nước. Chất lượng môi trường sống đã bắt đầu tồi tệ và tính đa dạng sinh học đã nhanh chóng suy giảm.

Hơn mười năm qua, tỷ lệ người dân lần lượt  rời bỏ quê nhà ra đi tìm kế sinh nhai mới cứ gia tăng dần theo từng năm trong các thống kê mới nhất và đã trở thành một hiện tượng xã hội, vì nguồn lao động trẻ trong vùng đang thiếu hụt rất đáng lo ngại. Ngay cả năng suất và sản lượng lúa và cá da trơn đường như đã đạt đến ngưỡng giới hạn lớn nhất về mặt sinh học nhưng sức khỏe lớp thổ nhưỡng, kể cả các vi sinh vật hữu ích trong đất, đang suy kiệt dần, cho dù có đủ phân bón hóa học vẫn được người nông dân tiếp tục gia tăng bỏ xuống đồng ruộng.

Thực chất, các dinh dưỡng trong đất nuôi cho cây là một quá trình tích lũy hằng trăm năm, hàng ngàn năm từ những hạt phù sa do dòng nước nổi hàng năm bồi tụ, nhưng chỉ vài thập kỷ khai thác kiểu thâm canh tăng vụ, chúng ta đã cưỡng bức rút hết nỗ lực bồi đắp của thiên nhiên, mà không tạo điều kiện cho đất nghỉ ngơi, hồi phục.

Đã đến lúc chúng ta nhận thấy chính sách can thiệp thô bạo vào tự nhiên để bắt nguồn lợi đất, nước và vi sinh vật hữu ích cho mục tiêu tăng số lượng lương thực, chủ yếu là lúa gạo, không còn ý nghĩa, đặc biệt trong bối cảnh các tác động bất lợi của hiện tượng biến đổi khí hậu và nước biển dâng ngày một rõ rệt và gia tăng cả tần số và cường độ theo dạng biến động thời tiết và thiên tai cực đoan. Thêm vào đó, sự hình thành chuỗi các dự án đập – hồ chứa thủy điện trên cả dòng chính và dòng nhánh ở thượng nguồn, đặc biệt tập trung ở Trung Quốc và Lào khiến dòng phù sa giảm sút đe dọa lớn đến sự ổn định nền và gia tăng biến dạng, xói lở bờ sông, lòng dẫn và vùng bờ dọc ven biển.

Tóm lại, ba đe dọa lớn thách thức sự phát triển bền vững của vùng châu thổ chính gồm hai yếu tố ngoại vi là biến đổi khí hậu cùng chuỗi đập thủy điện ở thượng nguồn và một yếu tố nội tại do các hoạt động của con người ở chính bên trong đồng bằng.

Ba yếu tố cùng tác động, nếu không có giải pháp hữu hiệu để hạn chế thì nguy cơ đảo lộn tiến trình kiến tạo đồng bằng sẽ trở thành quá trình biến dạng và tan rã vùng đất thấp trũng về mặt địa hình, phẳng gần như đồng nhất về mặt địa mạo và non yếu, rời rạc về mặt địa chất.

Vùng châu thổ Cửu Long phải chuyển mình dưới những tác động thay đổi bất lợi, cần phải có những cải cách về cơ cấu kinh tế, cải tổ chính sách đầu tư song hành với các yêu cầu chuyển đổi hệ thống sản xuất theo hướng thuận thiên, xem trọng tất cả các nguồn tài nguyên nước ngọt, nước lợ và nước mặn.

Bất kỳ quyết định gì cho vùng châu thổ từ nay và trong tương lai cũng phải xem xét đến các yếu tố chọn lựa theo nguyên tắc “không hối tiếc” hoặc “ít hối tiếc”. Bài học vội vã áp đặt các quyết định duy ý chí chủ quan, thiếu xem xét các tác động sinh thái lâu dài trong quá khứ đã để lại những hệ quả mà việc khắc phục bây giờ rất khó khăn.Các hệ sinh thái, tính đa dạng sinh học về loài thực và động vật phải được bảo tồn, phục hồi và mở rộng trở lại. Điều này sẽ thúc đẩy và tạo điều kiện tốt cho việc chống đỡ thiên tai, hạn chế các tác động bất lợi của khí hậu mà còn thúc đẩy sự trở lại tốt hơn cho môi trường sống. Đây là tiền đề và xem như là các yếu tố hạ tầng xanh, thúc đẩy cho các hoạt động du lịch tự nhiên và tạo nên động lực, tăng tính hấp dẫn cho các nguồn đầu tư. Các dòng ngân sách quốc gia cần phải gia tăng đầu tư cho vùng châu thổ, nên đặt ưu tiên cho các hệ thống giao thông, cầu đường hiện đại vốn rất yếu kém nhiều năm qua. Việc phục hồi, lưu trữ và hấp thụ các nguồn tài nguyên nước mưa và nước lũ, giảm dần sử dụng nước ngầm là một chiến lược cần quan tâm. Điều này bảo đảm cho vấn đề cấp nước sinh hoạt an toàn, kể cả một phần nào đó dành cho chăn nuôi, cây trái và hoa màu, đặc biệt cho vùng ven biển vào mùa khô hạn và nước mặn xâm nhập sâu.

Trong chiến lược vươn tầm cho vùng châu thổ theo hướng phát triển bền vững, ngoài việc vận động chính sách cải tổ phù hợp cho hệ thống quản trị đồng bằng theo một tầm vĩ mô thì ở tầm vi mô đơn vị nhỏ hơn đến từng nông hộ, người nông dân cũng phải chuyển mình theo các thay đổi với sự đồng hỗ trợ của các tổ chức xã hội, các nhà khoa học và doanh nghiệp. Nông dân không chỉ là người sản xuất nông nghiệp thuần túy như bao đời nay, mà họ phải dần dần trở thành những nhà nông doanh (agro-businessmen).

Vấn đề này không thể một sớm một chiều để biến một người chỉ biết trồng lúa thâm canh thành một người biết canh tác đa canh, nắm bắt thị trường, biết gia tăng giá trị hàng nông sản và thích ứng tốt các diễn biến bất lợi của thời tiết – thiên tai. Bao giờ cũng vậy, chuyển mình thay đổi trong các thử thách là một quá trình lột xác với nhiều đau đớn, rủi ro.

Việc quan tâm đến các nhóm yếu thế trong xã hội để họ có một điều kiện sống tốt hơn, tư vấn cho họ những quyết định hợp lý và tạo điều kiện tốt cho họ trụ được trong thử thách, cũng là một tinh thần của ý nghĩa “không để bất kỳ ai bị bỏ lại” mà Liên Hiệp Quốc đã kêu gọi các quốc gia lưu ý trong việc phát triển bền vững. Vùng châu thổ sông Cửu Long phải tiếp tục được tồn tại và phát triển vì một tương lai phồn thịnh, an toàn và bền vững hơn, đồng hành với các tiến bộ khoa học và công nghệ.

PGS.TS Lê Anh Tuấn* (theo TGHN)

—————-

(*) Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu, Trường Đại học Cần Thơ.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin cũ hơn

 

Các sáng lập viên

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 180

Máy chủ tìm kiếm : 5

Khách viếng thăm : 175


Hôm nayHôm nay : 35674

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 593297

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 50011931



thiet ke ho ca koi mai hien di dong cong ty to chuc su kien thang may tai hang thang mang tai khach