Tuy nhiên, năm nay, tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn nghiêm trọng do tác động của hiện tượng El Nino trở thành mối lo ngại lớn tại các nước ở hạ nguồn. Mùa khô hàng năm bắt đầu sớm hơn nhiều so với thông thường, khiến mực nước sông Mekong xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ, ảnh hưởng đến hàng triệu người sống dọc theo sông. Trong ảnh là một con kênh khô nước ở tỉnh Nakhonsawan, phía bắc thủ đô Bangkok, Thái Lan.
Khu vực chịu ảnh hưởng của hạn hán tại đông bắc Thái Lan, nơi tiếp giáp sông Mekong.Để chống chọi với tình hình hạn hán năm nay, Thái Lan dự kiến dẫn 47 triệu m3 nước từ sông Mekong để cung cấp cho hoạt động tưới tiêu ở cánh đồng và trang trại trong 3 tháng tới. Chính phủ nước này cũng muốn chuyển dòng với lượng nước lớn hơn, bất chấp cảnh báo của chuyên gia môi trường về sự ảnh hưởng đến hạ lưu. Ảnh: Sakchai Lalit
Cánh đồng nứt toác do hạn hán tại huyện Long Phú, phía nam Sóc Trăng, tỉnh nằm ở cuối lưu vực sông Mekong, ngày 2/3. Tình hình hạn hán và xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long đang diễn biến hết sức phức tạp. Do mùa mưa năm 2015 đến muộn và kết thúc sớm, dòng chảy thượng nguồn sông Mekong bị thiếu hụt, mực nước thấp nhất trong vòng 90 năm qua nên xâm nhập mặn đã xuất hiện sớm hơn so với cùng kỳ trung bình nhiều năm gần 2 tháng và được cho là chưa từng thấy trong lịch sử quan trắc xâm nhập mặn. Ảnh: AFP
Đất nông nghiệp tại tỉnh Cà Mau khô và nứt do hạn hán lâu dài, ảnh hưởng nghiêm trọng tới các trang trại và hộ gia đình ở đồng bằng sông Cửu Long, gây thiếu nước cho hàng nghìn hộ gia đình. Theo ước tính của Climate Code Red, kinh tế Việt Nam có thể chịu thiệt hại khoảng 6,7 tỷ USD (chiếm 4% GDP) vì hạn hán trong năm 2016. Ảnh: VNA/VNS
Hai người đàn ông dùng lưới bắt cá cạnh một con đập ngăn mặn trên con kênh ở huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng, ngày 8/3. Đến thời điểm này, 12 tỉnh ở miền Tây của Việt Nam bị ảnh hưởng xâm nhập mặn. Năm 2016, tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn được đánh giá là đặc biệt nghiêm trọng, nặng nhất 100 năm qua ở khu vực miền Tây. Trước tình hình này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề nghị các tổ chức quốc tế thực hiện hỗ trợ, cứu trợ nhân đạo khẩn cấp cho người dân bị thiệt hại nặng nề do hạn hán, xâm nhập mặn. Về lâu dài, cần thu hút các dự án Hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) để xây dựng công trình và nâng cao năng lực quản lý để ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn. Ảnh: AFP
Khu vực xây dựng đập thủy điện ở huyện Xayabury (miền bắc Lào) nằm trên sông Mekong. Tại Lào, nhiều công trình thủy điện đang được xây dựng, ảnh hưởng đến hoạt động di cư của các đàn cá và chặn lượng phù sa bồi đắp ở phía hạ lưu. Campuchia có thể là nạn nhân của đập nước Lào, nhưng chính nước này cũng đang có kế hoạch xây hơn 40 đập lớn trên sông Mekong và các nhánh phụ. Chúng sẽ có tác động sinh thái lớn đến khu vực phía nam của Việt Nam. Ảnh: AFP
Hiện tượng hạn mặn không phải mới xuất hiện năm nay mà đã kéo dài trong những năm trở lại đây. Người nông dân tại nhiều vùng ở hạ lưu sông Mekong đã phải hứng chịu cảnh hạn hán, đất đai canh tác bị thu hẹp và sản lượng nuôi trồng thủy sản giảm sút trong nhiều năm qua. Ông Virapan Tipsuna ngồi trên ruộng lúa nứt nẻ ở làng Baan Nard, tỉnh Nongkhai, Thái Lan ngày 10/3/2010, năm mà mực nước dòng Mekong xuống thấp kỷ lục trong hơn 3 thập kỷ. Ảnh: Getty
Cây cầu ở quận Muang, tỉnh Nongkhai, khu vực biên giới Thái Lan và Lào, trơ cột vì mực nước sông Mekong giảm kỷ lục 6 năm trước. Ngoài hiện tượng thời tiết và tác động của biến đổi khí hậu, các đập thuỷ điện mà những nước ở thượng nguồn xây dựng là một trong những nguyên nhân làm ảnh hưởng đến dòng chảy và tình trạng khô hạn, làm giảm lượng thủy hải sản ở hạ lưu. Ảnh: Getty
Nước biển xâm nhập ở Cà Mau, Việt Nam, khiến cây cối không thể sống được. Việc các nước đồng loạt xây dựng các đập thủy điện là dấu hiệu đáng lo ngại đối với hàng trăm triệu người dân vùng hạ lưu sông Mekong. Đập thuỷ điện có thể trở thành "quả bom" chết người. Kinh nghiệm cho thấy, các công trình này sẽ phá huỷ gây xói mòn, thay đổi đáng kể lượng phù sa và trầm trích hạ lưu. Bên cạnh đó, các con đập trên sông Mekong và các nhánh có thể khiến tình hình hạn hán, xâm nhập mặn trở nên nghiêm trọng hơn. Ảnh: Guardian
Hạn hán và độ mặn tăng cao, cùng việc sử dụng nước của các quốc gia ở khu vực thượng lưu và lạm dụng các nguồn tài nguyên sông Mekong là hai vấn đề thách thức đối với Uỷ hội Sông Mekong. Lãnh đạo các nước gồm Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam thuộc Ủy hội Sông Mekong cùng đại diện từ Trung Quốc và Myanmar cần cùng nhau giải quyết các thách thức liên quan tới hạn hán và ngập mặn, đang ảnh hưởng tới đời sống và kinh tế của hàng triệu người sống dọc con sông lớn này. Ảnh: Asiasentinel.com
Zing.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Đang truy cập : 132
•Máy chủ tìm kiếm : 3
•Khách viếng thăm : 129
Hôm nay : 32904
Tháng hiện tại : 617120
Tổng lượt truy cập : 50035754