Các vụ thu hoạch nông nghiệp, nguồn lương thực của thế giới sẽ bị tàn phá do những đợt nắng nóng kéo dài, nhiều nhà sinh thái học cảnh báo: “Khi nhiệt độ cao hơn mức lý tưởng cho cây trồng 1º C, nó có thể làm giảm 10% năng suất của các vụ ngũ cốc”.
Ngoài ra, các lớp băng ở Greenland và Tây Nam Cực tan ra, cộng với nhiệt độ tăng lên ở các đại dương có thể làm mực nước biển dâng thêm 6 feet (1,83m) trong thế kỷ 21 và sẽ làm giảm năng suất của các vụ thu hoạch lúa tại châu Á, nơi gieo trồng 90% lúa gạo của thế giới.
Ảnh minh họa (nguồn: TTXVN)
Đặc biệt, đối với Việt Nam, nước biển dâng cao sẽ tràn vào một phần diện tích của đồng bằng châu thổ sông Mê Kông. Vì vậy, Việt Nam có thể không còn dư thừa lúa gạo để xuất khẩu như trước, gây nguy cơ lớn cho 20 nước nhập khẩu gạo.
Bên cạnh đó, mối đe doạ an ninh lương thực và ổn định chính trị của 53 triệu người sinh sống tại Peru, Bolivia và Ecuador là khi tình trạng các sông băng trên núi và nguồn nước sông biến mất. Cơ quan Giám sát Sông băng Thế giới cho biết 2010 là năm thứ 19 liên tiếp thế giới mất đi các sông băng trên núi, kể cả các dãy núi như Andes, Rockies, Alps, Himalayas và Cao nguyên Tây Tạng.
Tại Nam Phi, khoảng 20% sông băng, thường cung cấp nước cho các trang trại và nhiều thành phố ở các khu vực ven biển, đã biến mất. Ông Yao Tandong nhà nghiên cứu sông băng hàng đầu Trung Quốc cho biết, các sông băng ở cao nguyên Tây Tạng đang tan chảy với tốc độ ngày càng nhanh, nhiều con sông băng nhỏ đã mất dần. Tình trạng tan chảy của các sông băng trên Cao nguyên Tây Tạng sẽ là khó khăn của Trung Quốc. Nhưng đó cũng sẽ là khó khăn của nhiều nước khác.
Ngoài ra, Trung Quốc, Ấn Độ và những nước khác đang có kế hoạch xây dựng nhiều nhà máy nhiệt điện, vốn là nơi thải ra một lượng khí thải lớn, đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng nóng lên toàn cầu.
Do đó, các nhà khoa học kêu gọi hai nước cần nỗ lực cứu các sông băng trên núi, bằng cách nhanh chóng chuyển các khoản đầu tư năng lượng từ các nhà máy nhiệt điện sang các nhà máy điện địa nhiệt, phong điện và sử dụng năng lượng Mặt Trời.