17:13 +07 Thứ năm, 19/09/2024

Trang nhất » Biến đổi khí hậu » Biến đổi khí hậu

Những thách thức cho ĐBSCL

Thứ năm - 24/12/2020 11:02
ĐBSCL đang trải qua một loạt những thách thức lớn nhất trong lịch sử hình thành và phát triển của mình. Nhóm thách thức thứ nhất liên quan tới đất, nước và môi trường. Thách thức thường được nhắc tới đầu tiên là nước biển dâng và nhập mặn do biến đổi khí hậu. Hiện nay, mỗi năm nước biển dâng trung bình khoảng 3 – 4 mm.
Tuy không phủ nhận tầm quan trọng của hiện tượng này, song cần nhớ là mức sụt lún do khai thác nước ngầm quá mức và do các công trình xây dựng và hạ tầng gây ra thực tế cao hơn mức này nhiều lần. Hơn nữa, việc nhập mặn tuy bất lợi cho lúa nhưng lại có lợi cho tôm, cá và các hoạt động nuôi trồng thủy sản khác vốn đem lại lợi ích kinh tế cao hơn nhiều lần, đồng thời ít gây biến đổi và tác hại môi trường hơn nhiều so với
thâm canh lúa ba vụ.
Thách thức thứ hai, cũng được nói tới rất nhiều trong những năm gần đây, là sự suy giảm về cả khối lượng và chất lượng nước do mạng lưới chằng chịt hơn 140 đập thủy điện lớn ở thượng nguồn gây ra. Thiếu nước ở ĐBSCL đã ngày càng trở nên nghiêm trọng trong mùa khô. Mặc dù trong mùa mưa, các đập của Trung Quốc chiếm chưa tới 10% lượng nước trong toàn bộ hệ thống nhưng vào mùa khô, tỷ lệ này có thể lên tới 40% – 50%, khiến cho thời điểm tiếp nhận cũng như lượng nước ở hạ nguồn bị phụ thuộc rất lớn vào việc vận hành các đập của Trung Quốc. Bên cạnh đó, một lượng lớn phù sa và cát bị kìm giữ bởi các đập thượng nguồn – ước lượng lên tới 50% – cũng làm ĐBSCL mất đi nguồn nguyên liệu bồi đắp quý giá. Điều này cùng với nạn khai thác cát bừa bãi và vô độ trong nhiều năm khiến tình trạng mất đất và sạt lở ven biển trở nên hết sức trầm trọng.
Thách thức nguy hiểm hơn – đang hàng ngày hàng giờ bào mòn sức sống của ĐBSCL – thực ra đến từ những chính sách hay tập quán canh tác bất cập gây nên. Về chính sách, định hướng thâm canh nông nghiệp – đặc biệt là lúa ba vụ – vừa không hiệu quả và thiếu bền vững, vừa gây ra hàng loạt tác hại môi trường. Về tập quán canh tác, nguồn nước mặt trở nên ô nhiễm nặng nề do việc sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu quá mức để duy trì lúa ba vụ và tăng sản lượng nông nghiệp. Thêm vào đó, ô nhiễm từ hoạt động nuôi trồng và chế biến thủy sản làm tình trạng ô nhiễm càng trở nên nghiêm trọng. Không dừng lại ở đây, một mặt do nước mặt quá ô nhiễm, mặt khác vì tình trạng quản lý yếu kém nước ngầm nên nguồn nước ngầm “cha chung không ai khóc” bị khai thác quá mức trong thời gian dài.
Điều này, cùng với áp lực của các công trình xây dựng và hạ tầng, khiến nền đất bị sụt lún nghiêm trọng, có nơi lên tới 2 – 3 cm mỗi năm – cao hơn nhiều lần so với mực nước biển dâng. Nếu tình trạng này tiếp diễn, chỉ trong 30 – 50 năm nữa, phần lớn hạ nguồn ĐBSCL sẽ tụt xuống dưới mực nước biển. Không chỉ chịu những thách thức nghiêm trọng về đất, nước và môi trường, ĐBSCL còn đang trải qua những biến động quan trọng về nhân khẩu học, số lượng và chất lượng lao động. Đầu tiên, trong giai đoạn 2009 – 2019, tỷ lệ tăng dân số bình quân của vùng ĐBSCL chỉ là 0,05%/năm, thua xa mặt bằng chung của cả nước là 1,14%/năm.
Nguyên nhân chính của tình trạng này là do ĐBSCL có tỷ suất di cư thuần cao nhất cả nước, lên tới -39,9‰, chủ yếu là do tình trạng thiếu cơ hội việc làm và cơ hội kinh tế tại địa phương. Thực tế là kể từ năm 2017 cho đến nay, lần đầu tiên trong lịch sử hình thành và phát triển của mình, ĐBSCL ghi nhận sự suy giảm tuyệt đối về dân số. Hệ quả tất yếu của tình trạng này là hiện tượng thiếu lao động trở nên ngày càng phổ biến, đồng thời mức độ già hóa dân số trở nên ngày một trầm trọng.
Không chỉ thiếu lao động, chất lượng nguồn nhân lực của ĐBSCL từ lâu là một vấn nạn nhưng vẫn chưa được khắc phục. Về giáo dục phổ thông, tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên biết chữ ở ĐBSCL là 94,2%, thấp hơn bình quân cả nước (95,8%) và chỉ cao hơn vùng Tây Nguyên (91,3%). Tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên đã tốt nghiệp THPT ở ĐBSCL chỉ là 11,3%, thấp nhất và thua xa mức bình quân của cả nước là 17,3%. Tương tự như vậy đối với chất lượng đào tạo lao động: tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên có trình độ chuyên môn kỹ thuật ở ĐBSCL chỉ là 9,7% – thấp nhất và thua xa mức bình quân của cả nước là 19,2%; tỷ lệ lao động đã qua đào tạo ở ĐBSCL là 13,6% – một lần nữa thấp nhất và kém xa mức bình quân của cả nước là 23,1%.
Nhóm thách thức thứ ba là về kinh tế. Trong khi các động lực tăng trưởng kinh tế truyền thống chính của vùng ĐBSCL như lúa và thủy hải sản đang có dấu hiệu đạt ngưỡng tới hạn thì các động lực tăng trưởng mới vẫn còn yếu ớt, thậm chí chưa thành hình. Đây là lý do chính khiến các tỉnh ở ĐBSCL trăn trở với bài toán chuyển đổi cơ cấu và đổi mới mô hình tăng trưởng nhưng chưa tìm được câu trả lời thỏa đáng. Thách thức này càng trở nên bức xúc khi ĐBSCL tụt hậu ngày càng xa so với vùng Đông Nam Bộ, thậm chí cảm nhận mình bị
“bỏ rơi” trong sự phát triển chung của cả nước.
Nhóm thách thức thứ tư là về khoa học – công nghệ. Đây là những “cú sốc” không chỉ đối với ĐBSCL mà còn cho cả Việt Nam, và thậm chí có tính toàn cầu. Những công nghệ mới như internet vạn vật và dữ liệu lớn, tối ưu hóa công nghiệp chế tạo – chế biến nhờ trí thông minh nhân tạo, hiệu chỉnh gen không chỉ đối với thực vật mà cả con người v.v. sau một thời gian dài tiến hóa, đã trở nên chín muồi và sẽ làm thay đổi một cách cơ bản cách chúng ta sống, làm việc, sản xuất và tương tác với nhau. Là một “vùng trũng” về công nghệ, lại đang dựa chủ yếu vào nền sản xuất nông nghiệp truyền thống và công nghệ lạc hậu, những cú sốc này sẽ tạo ra nhiều thách thức to lớn cho ĐBSCL. Nếu biết tận dụng, các công nghệ mới này sẽ mở ra những cơ hội hết sức to lớn. Ngược lại, ĐBSCL sẽ tụt hậu ngày càng xa so với cả nước và thế giới.
Trong nguy có cơ – không phải mọi “thách thức” đều bất lợi. Trái lại, chúng buộc các tỉnh ĐBSCL phải nhìn nhận lại một cách thấu đáo về mục tiêu phát triển, đánh giá lại các động lực tăng trưởng hiện có, suy nghĩ lại về thế mạnh và nguồn lực của mình, để từ đó tư duy lại về mô hình phát triển. ĐBSCL cần xây dựng cho mình, không chỉ là mô hình tăng trưởng kinh tế mới, mà quan trọng hơn là một mô hình phát triển mới. Hơn ba thập kỷ qua, mô hình kinh tế truyền thống tập trung vào sản xuất nông nghiệp thay vì kinh tế nông nghiệp, số lượng thay vì chất lượng, manh mún hơn là tích tụ ruộng đất, phân mảnh thay vì liên kết thành chuỗi cung ứng…
Mặc dù ĐBSCL đã thành công trong việc thoát đói, giảm nghèo, nhưng vùng đất này vẫn chưa đem lại được sự thịnh vượng cho phần lớn người dân của mình. Bằng chứng là tốc độ phát triển của Vùng đã chậm lại một cách đáng kể, mức sống của người dân thấp hơn mức trung bình của cả nước, và Đồng bằng sông Cửu Long ngày càng tụt hậu về hầu hết các khía cạnh phát triển kinh tế – xã hội.

Theo Kỷ yếu Mekong Connect 2020/ Báo cáo thường niên về kinh tế ĐBSCL của VCCI
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Các sáng lập viên

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 181

Máy chủ tìm kiếm : 4

Khách viếng thăm : 177


Hôm nayHôm nay : 30363

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 614579

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 50033213



thiet ke ho ca koi mai hien di dong cong ty to chuc su kien thang may tai hang thang mang tai khach