Sông Mê Kông, dòng sông cuối cùng trên thế giới chưa bị đắp đập trên phần lớn chiều dài, đang dần thay đổi bởi những dự án phát triển thủy điện dòng chính. Ngoài 6 con đập đã được hoàn thành ở thượng nguồn phía Trung Quốc và một chuỗi các đập khác đã được lên kế hoạch, ở hạ nguồn 11 đập thủy điện đã được đưa vào kế hoạch xây dựng tại Lào và Campuchia.
Theo Báo cáo Môi trường Chiến lược về thủy điện dòng chính Mê Kông (ICEM, 2010), các con được đề xuất ở hạ nguồn sẽ gây ra hàng loạt tác động tiêu cực cho toàn lưu vực. Nếu đập được xây dựng, dòng chảy và bản chất tự nhiên của dòng sông sẽ vĩnh viễn thay đổi, ảnh hưởng tới chất lượng và lưu lượng nước, suy giảm lượng phù sa màu mỡ. Điều này sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành thủy sản và nông nghiệp, ảnh hưởng sâu rộng tới đời sống và sinh kế của người dân sống ven sông và an ninh lương thực. Hệ thống đập cũng đe dọa hệ sinh thái thủy sinh và ven bờ, đẩy một số loài đặc hữu của sông Mê Kông vào thảm họa tuyệt chủng.
Tuy nhiên, bất chấp các khuyến cáo nên dừng việc xây dựng các con đập đến khi có các nghiên cứu sâu hơn, chính phủ Lào đã khởi công xây dựng Xayaburi – con đập đầu tiên trên dòng chính hạ nguồn cuối năm 2012, đến nay đã hoàn thành khoảng 30% tiến độ. Tháng 10/2013, Chính phủ Lào tiếp tục thông báo quyết định triển khai dự án thủy điện dòng chính thứ hai – Don Sahong tại tỉnh Champasak, con đập được cảnh báo sẽ có tác động to lớn đến khu vực hạ nguồn của Campuchia và Việt Nam, đặc biệt là đối với nguồn lợi thủy sản. Bởi lẽ, theo cảnh báo của nhiều nghiên cứu, con đập sẽ chặn đứng dòng di cư duy nhất của cá vào mùa khô.
Quy trình Thông báo, Tham vấn và Thỏa thuận (PNPCA) trong sáu tháng – một thủ tục bắt buộc đối với tất cả các dự án sử dụng nước dòng chính – đã được Ủy hội sông Mê Kông (MRC) chính thức khởi động đối với dự án Don Sahong từ ngày 25 tháng 07 năm 2014. Tại Việt Nam, hội thảo tham vấn quốc gia đầu tiên đã được Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam tổ chức tại Cần Thơ ngày 25/10/2014. Theo dự kiến, sẽ có hai hội thảo tham vấn quốc gia tiếp tục được tổ chức tại Hà Nội và Cần Thơ. Ngoài ra, hiện nay các tổ chức xã hội, nghề nghiệp liên quan cũng đang tích cực tổ chức các hoạt động tham vấn ý kiến của cộng đồng và các vùng sinh thái Đồng bằng Sông Cửu Long. Kết quả tham vấn dự kiến sẽ được tổng hợp vào báo cáo tham vấn quốc gia gửi đến Ủy hội sông Mê Kông quốc tế.
Buổi tọa đàm là cơ hội để các cơ quan truyền thông lắng nghe và truyền tải tiếng nói của các nhà khoa học và ý kiến của người dân về việc xây dựng đập thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông. Kết thúc tọa đàm, các khách mời đã đưa ra một số khuyến nghị như chính phủ Việt Nam cần có một thái độ dứt khoát hơn, cần đặt vấn đề thủy điện trong bối cảnh Luật pháp quốc tế hoặc cơ chế ASEAN… Vấn đề truyền thông xuyên suốt từ trung ương đến địa phương là rất cần thiết cho một tiếng nói chung của Dân tộc Việt Nam.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Đang truy cập : 346
•Máy chủ tìm kiếm : 12
•Khách viếng thăm : 334
Hôm nay : 61966
Tháng hiện tại : 617685
Tổng lượt truy cập : 52729361