16:46 EDT Thứ tư, 18/09/2024

Trang nhất » Biến đổi khí hậu » Biến đổi khí hậu

Xây thuỷ điện lưu vực Mekong: Tác hại toàn diện và khôn lường

Thứ tư - 18/11/2015 06:55

Hội thảo “Thuỷ điện Mekong: khoa học, chính sách và tiếng nói cộng đồng” và diễn đàn “Tiếng nói của người dân Mekong: Thông điệp gởi tới Chính phủ các nước thuộc lưu vực sông Mekong về đập thuỷ điện” do trung tâm Con người và thiên nhiên tổ chức tại tỉnh An Giang từ ngày 11 – 12.11.2015, thu hút đông đảo cộng đồng dân cư địa phương và mười tổ chức quốc tế ở ba nước Việt Nam, Thái Lan, Campuchia.



Không ai chịu trách nhiệm!

“Không ai trong các nhà đầu tư chịu trách nhiệm…”, ông Jake Bruner, trưởng đại diện tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) cho rằng không xem xét đầy đủ các tác động tiềm ẩn của việc xây đập thuỷ điện đối với các quốc gia và cộng đồng ở hạ nguồn, không chịu trách nhiệm chứng minh tổn thất do các con đập gây ra là thiếu sót lớn trong việc ra quyết định xây đập.

Chính phủ Campuchia đã cảnh báo, nếu 12 dự án thuỷ điện trên dòng chính sông Mekong xây dựng, sản lượng cá ở Campuchia đến năm 2030 sẽ giảm 50%. Hiện nay, cá trên sông Mekong cung cấp tới 70% lượng protein trong chế độ dinh dưỡng của người dân ở vương quốc này. Người dân Campuchia bức xúc hơn khi đập Don Sahong, công suất 260MW trên dòng Mekong cách biên giới Campuchia chỉ 2km.

Vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có gần 20 triệu người sinh sống với 4 triệu ha đất tự nhiên nhưng tiềm năng nuôi sống lên tới 300 triệu người.PGS.TS Lê Anh Tuấn, phó viện trưởng viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu – trường đại học Cần Thơ khẳng định, sông Mekong (thứ sáu trong mười con sông lớn trên thế giới) sẽ ảnh hưởng hệ sinh thái nếu mực nước thấp như năm nay, xâm nhập mặn về sớm hơn, sâu hơn.

Sự suy giảm nghiêm trọng lượng phù sa và gần như vĩnh viễn không khôi phục được, khiến hệ sinh thái đất ngập nước và tính đa dạng sinh học ở ĐBSCL bị huỷ hoại. Khó khăn sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản chắc chắn sẽ làm cho sinh kế người dân vùng ĐBSCL gặp rất nhiều khó khăn và gây ra những tác hại dây chuyền khác từ tổn thất về kinh tế, xã hội và môi trường ở trong khu vực này. Nguồn thuỷ sản trên 440.000 tấn/năm, tương đương 1 tỉ USD/năm sẽ biến mất.

Cộng đồng dân cư thiếu thông tin

Bà Ame Trandem, đại diện tổ chức Sông ngòi quốc tế, cho rằng tất cả đập thuỷ điện đã, đang và sắp xây dựng tại Trung Quốc, Lào hoàn toàn không có báo cáo tham vấn trước với uỷ hội sông Mekong. Cộng đồng dân cư Mekong hoàn toàn thiếu thông tin là điều có thật.

Các công ty vào đầu tư xây dựng không quan tâm đến người dân thực sự muốn gì hay các quốc gia láng giềng muốn gì, trong khi uỷ hội sông Mekong không thể giải quyết được hết các vấn đề nảy sinh. Theo bà, dòng sông cần tiếng nói chung, bởi các đập thuỷ điện dòng chính sẽ ngăn chặn 50% lượng phù sa và làm giảm khoảng 60% lượng thuỷ sản, tất nhiên sẽ tác động rất lớn đến sự sống của hàng chục triệu người.

Vấn đề ở đây là các nhà đầu tư đập thuỷ điện thường bị chi phối bởi yếu tố kinh tế, và không phải chịu trách nhiệm về những tác động gây ra nên họ dễ dàng phớt lờ luật pháp địa phương cũng như các chuẩn mực quốc tế. Khi tìm kiếm được nhiều lợi nhuận ở đập thuỷ điện và không chịu trách nhiệm gì cả, thì thuỷ điện có vẻ hấp dẫn nhiều nhà đầu tư khác, mặc cho dân chúng phải gánh chịu hậu quả.

“Đập Sesan ở Bắc Campuchia mọc lên thì rừng ở đó bị khai thác, còn dân cư phải ra đi”, ông Long Sochet ở tỉnh Pursat, Campuchia, nói rằng mực nước trên hồ Tonle Sap đã giảm sâu so với trước, chất lượng nước thay đổi, nguồn cá suy giảm thấy rõ. Ông Dương Văn Lợi, ấp Vàm Nao, xã Tân Trung, huyện Phú Tân, cũng thấy mực nước ở tỉnh An Giang suy giảm; và đồng bằng thực sự mất mùa nước nổi khiến những người nghèo ở ĐBSCL kiếm tiền từ giăng câu, chài lưới trên sông khó khăn hơn. “Nhiều người đã bỏ xứ lên Bình Dương, Biên Hoà làm công nhân, làn sóng di cư sẽ nhiều hơn, đi xa hơn”, ông Lợi lo lắng nói. Bà Huỳnh Kim Duyên ở Đầm Dơi, Cà Mau, vùng cực Nam ĐBSCL, nói: “Nước ngọt từ sông Mekong giảm, xâm ngập mặn, sụt lún đất ở các huyện U Minh, Thới Bình, Trần Văn Thời… đang tăng lên”.

“Hãy nghĩ đến con cháu mai sau”

Bà Kumpin Aksorn, đến từ tỉnh Ubon Ratchathani, Thái Lan, cho biết, các nhà đầu tư phớt lờ ý kiến từ cộng đồng dân cư ở vùng hạ lưu, chính phủ và nhà đầu tư không chịu lắng nghe người dân.

Dù vậy, 6.473 người dân Thái Lan, Campuchia và Việt Nam sống ở lưu vực Mekong đã ký tên trong Tuyên bố chung bày tỏ quan ngại về dự án thuỷ điện dòng chính Mekong và không muốn có thêm đập thuỷ điện Don Sahong.

Tuyên bố nêu rõ: “Các đập được xây dựng trên dòng chính sông Mekong và các dòng sông khác trong khu vực đã gây ra những thay đổi tới hệ sinh thái, đe doạ cuộc sống, sinh kế và kinh tế tại lưu vực sông Mekong. Những người dân tộc thiểu số, phụ nữ và trẻ em là những người bị tác động và ảnh hưởng nhiều nhất bởi những thay đổi đó. Các đập thuỷ điện cũng là tác nhân khiến biến đổi khí hậu ngày càng trầm trọng hơn. Những đập thuỷ điện gây tác động ảnh hưởng bao gồm Pak Mun, Yali, Nam Theun 2, Theun-Hinboun, Xayaburi và một số đập khác trên dòng chính (tên Lan Thương), 
nơi Mekong chảy từ Hy Mã Lạp Sơn và bị cắt khúc khi chảy qua Vân Nam, Trung Quốc”.

Ông Channarong Wongla, tỉnh Loei, Thái Lan, nhấn mạnh: “Chúng tôi đang gánh chịu hệ quả của những con đập thuỷ điện và muốn dừng xây đập. Chúng tôi muốn các chính phủ gặp trực tiếp người dân và những nghiên cứu về các dự án thuỷ điện phải minh bạch, có tham khảo và lắng nghe ý kiến của người dân, đặc biệt với là đập Don Sahong”. Ông Nguyễn Hoàng Cầu, đại diện cho nhóm dân làng tỉnh Cà Mau, khẳng định rằng những người dân ở khu vực Mekong muốn bảo vệ dòng sông cho các thế hệ con cháu mai sau và quá trình ra quyết định đối với các dòng sông này phải có tiếng nói của người dân”.           

Ngày 28.10, bộ Tài nguyên và môi trường (TNMT) đã tổ chức hội thảo tham vấn quốc gia về Báo cáo nghiên cứu tác động của các công trình thuỷ điện trên dòng chính sông Mekong (gọi tắt là nghiên cứu MDS) tại Hà Nội. Hội thảo tương tự được tổ chức tại TP.HCM hai ngày sau đó.

Nghiên cứu được thực hiện từ năm 2012 do bộ TNMT chủ trì thực hiện với phạm vi nghiên cứu bao gồm 13 tỉnh, thành ĐBSCL và 14 tỉnh vùng Biển Hồ – Campuchia. Nghiên cứu vừa hoàn thành tháng 10.2015 và dự kiến lấy ý kiến rộng rãi vào cuối năm nay.

Theo các kết luận chính của nghiên cứu MDS, thì tác động của việc xây dựng 11 công trình thuỷ điện trên dòng chính sông Mekong lên khu vực châu thổ sông Mekong là không đáng kể. Chẳng hạn, theo nghiên cứu này, tác động đến mực nước của ĐBSCL là “rất nhỏ”, chỉ 2cm. Trong điều kiện vỡ đập tại thuỷ điện Sambor thì đỉnh lũ tại ĐBSCL do vỡ đập Sambor cũng chỉ là 0,4m; đồng thời tác động do thay đổi độ mặn tại ĐBSCL là tương đối nhỏ, chỉ trên dưới 1g/l.

Hay như với lĩnh vực thuỷ sản, dự thảo báo cáo kết luận tổng lượng sụt giảm thực tế của sản lượng cá trên đồng bằng sông Mekong, vùng đồng bằng ngập nước của Campuchia và Tonle Sap “tương đối nhỏ”, chỉ lần lượt là 1.206 tấn, 2.572 tấn và 56 tấn, tổng cộng 3.834 tấn. Mức tổn thất các loài thủy sinh khác “cũng không lớn”, lần lượt là 227 tấn, 462 tấn và 10,5 tấn, tổng cộng 700 tấn. Do đó, không có thay đổi lớn về sản lượng thuỷ sản đánh bắt…

 Ngọc Bích

Nguồn tin: TGTT

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Các sáng lập viên

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 129

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 128


Hôm nayHôm nay : 35674

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 591102

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 50009736



thiet ke ho ca koi mai hien di dong cong ty to chuc su kien thang may tai hang thang mang tai khach