Miền Tây chịu hạn nghiêm trọng nhất trong 100 năm

Miền Tây chịu hạn nghiêm trọng nhất trong 100 năm
Báo cáo tại hội nghị phòng chống hạn, xâm nhập mặn các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tổ chức sáng 17/2 tại TP Cần Thơ, Bộ trưởng NN-PTNT Cao Đức Phát cho biết, năm 2016 sẽ là đợt hạn mặn nghiêm trọng nhất trong gần 100 năm qua ở vùng này.

Từ cuối năm 2014, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino tình hình thời tiết, thiên tai trên phạm vi cả nước nói chung và vùng ĐBSCL nói riêng diễn biến bất thường, cực đoan. Đây là đợt thiên tai khốc liệt, hạn hán nghiêm trọng nhất ở ĐBSCL đã tác động nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống của người dân.

Hàng trăm nghìn ha lúa đã và đang có nguy cơ bị ảnh hưởng do hạn hán, xâm nhập mặn. Nếu thời tiết tiếp tục không thuận lợi và không có các giải pháp tích cực, diện tích bị ảnh hưởng có thể lên tới 340.000 ha, chiếm gần 30% vụ Đông Xuân 2015-2016 toàn vùng.

Miền Tây chịu hạn nghiêm trọng nhất trong 100 năm

Đập tạm thời vụ ngăn chặn xâm nhập mặn ở Hậu Giang.

 Ảnh Minh Anh

Theo ông Phát, tại ĐBSCL mùa mưa đến muộn và kết thúc sớm, không có lũ, mực nước cao nhất năm tại Tân Châu chỉ đạt 2,55m, thấp nhất trong 90 năm qua. Năm 2015 và những tháng đầu năm 2016, tổng lượng mưa thiếu hụt so với trung bình nhiều năm 30-60% ngay trong những tháng mùa mưa.

Nhiều nơi xâm nhập mặn sâu vào cửa sông trên 80 km, hạn hán, thiếu nước đã xảy ra ngay cả trong các tháng mùa lũ năm 2015. Mùa khô năm 2015-2016, ĐBSCL có nguy cơ thiếu nước ngọt.

“Dù chúng ta có biện pháp ứng phó nhưng thiệt hại vẫn xảy ra và sẽ nghiêm trọng hơn, do vậy cần phải cấp bách thống nhất các biện pháp ứng phó khác", người đứng đầu ngành nông nghiệp nhấn mạnh.

Theo dự báo, lượng mưa 6 tháng đầu năm 2016 ở ĐBSCL có khả năng cao hơn 10-20% năm trước nhưng tổng lượng dòng chảy sông Mê Kông về khu vực lại có nguy cơ thiếu 20-40% so với trung bình nhiều năm. Do đó mực nước sông Cửu Long sẽ ở mức thấp và chịu ảnh hưởng mạnh của thủy triều.

Miền Tây chịu hạn nghiêm trọng nhất trong 100 năm
Tình trạng khô hạn, thiếu nước sản xuất diễn ra gay gắt ở Trà Vinh. Ảnh: Minh Anh

Xâm nhập mặn cao, sớm, sâu hơn mùa khô năm 2015 và trung bình nhiều năm (trên sông Tiền, sông Hậu độ mặn 4g/lít, xâm nhập sâu 50 - 60km, có thời kỳ trên 70 km). Độ mặn trên sông Cửu Long và các kênh rạch sẽ tăng cao, kéo dài từ cuối tháng 1 đến đầu tháng 5/2016.

Chỉ đạo tại hội nghị, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành, địa phương trong vùng phải có nhận thức đúng đắn về sự nghiêm trọng của tình hình hạn hán, xâm nhập mặn, phải coi phòng chống thiên tai là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu để có chỉ đạo quyết liệt với nhiều giải pháp cấp bách và lâu dài, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của từng địa phương.

Đồng thời, cần tăng cường thông tin, tuyên truyền để nhân dân có sự hiểu biết đúng về tình hình hạn hán, xâm nhập mặn đang diễn ra hết sức gay gắt hiện nay và cả trong tương lai để cùng chính quyền chủ động các biện pháp phòng, chống và sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.

Theo ông Phúc, về lâu dài, ĐBSCL được đánh giá là một trong những khu vực chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Theo kịch bản biến đổi khí hậu, đến cuối thế kỷ 21 nước biển có thể dâng gần 1 m. Đồng thời, các nước từ thượng nguồn đã và đang có những tác động đến dòng chảy sông Mê Kông nên nguy cơ tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt ở ĐBSCL ngày càng gay gắt.

"Điều này đòi hỏi các bộ, ngành cần tiếp tục có các nghiên cứu để có các biện pháp thích nghi, ứng phó phù hợp", Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Nguồn tin: zing.vn