World Bank: Nước biển dâng nhanh hơn dự báo

World Bank: Nước biển dâng nhanh hơn dự báo

Theo báo cáo mới được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố, mực nước biển đang dâng lên nhanh hơn dự báo trước đây và bão cũng mãnh liệt hơn.

Các chuyên gia ước tính, nước biển dâng cao thêm 50 cm vào những năm 2050, sẽ gây ra hậu quả tàn phá nặng nề hơn, làm cho những cánh đồng bị ngập lụt trong thời gian dài hơn, và những vùng châu thổ ngập nước với những cánh đồng và nguồn nước uống bị xâm mặn. Báo cáo cũng tính toán rằng các trận bão sẽ tăng về cường độ (cấp 4 và 5).
 

Đáng chú ý, đồng bằng sông Cửu Long nằm trong số ba vùng châu thổ (gồm sông Mekong, sông Irrawaddy và sông Chao Phraya), tất cả những diện tích đất quan trọng nằm dưới 2m so với mực nước biển, đặc biệt bị nguy hiểm.

 

Đồng bằng sông Cửu Long nằm trong số ba vùng châu thổ đặc biệt bị nguy hiểm. 


Cụ thể, tại vùng đồng bằng sông Mekong (sản xuất khoảng 50% tổng sản lượng nông nghiệp của Việt Nam), khi nước biển dâng 30 cm, có thể xảy ra sớm vào năm 2040, có thể gây thiệt hại khoảng 12% sản lượng gạo.
 

Sản xuất thủy hải sản bị ảnh hưởng, chi phí để các loài tôm và cá da trơn thích ứng với biến đổi khí hậu vùng đồng bằng sông Cửu Long là từ 130 – 190 triệu USD mỗi năm.
 

Các thành phố vùng duyên hải, với sự tập trung dày đặc về mật độ dân số và tài sản vật chất, cũng đang bị đặt trước nguy cơ những cơn bão cường độ mạnh, nước biển dâng trong thời gian dài, và những trận bão ven biển bất ngờ. TP HCM, cùng với Bangkok (Thái Lan), Jakarta (Indonesia), Manila (Philippines), và Yangon (Myanmar) là những thành phố được dự đoán sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất. Khoảng 60% khu vực đã xây dựng tại TP HCM được dự đoán chịu tác động khi nước biển dâng thêm 1m.
 

Tại buổi họp báo chiều 20.6 tại Hà Nội, trả lời Sài Gòn Tiếp Thị, bà Anjali Acharya, trưởng nhóm Môi trường của WB tại Việt Nam cho hay, báo cáo này chưa đưa ra khuyến nghị chính sách cụ thể, chỉ đưa ra các bằng chứng khoa học, để thúc đẩy thảo luận ở Việt Nam, theo hướng giảm carbon, hướng tới tăng trưởng xanh, bền vững hơn. Đồng thời khuyến cáo Việt Nam có nghị trình về biến đổi khí hậu, bao gồm thích ứng và giảm thiểu, đầu tư hệ thống cảnh báo sớm ở đồng bằng sông Cửu Long.
 

WB cũng có chương trình hỗ trợ Việt Nam trong quản lý tài nguyên thiên nhiên và môi trường, giúp Việt Nam nghiên cứu giống lúa chịu mặn, các ngành công nghiệp carbon thấp, tham gia chương trình giảm phá rừng. Bà này cũng lưu ý Việt Nam đang dịch chuyển trong nấc thang sử dụng năng lượng, đang trong quá trình đô thị hóa gia tăng.
 

Việt Anh

Nguồn tin: SGTT