12:08 EST Thứ ba, 14/01/2025

Trang nhất » Chân dung » Chân dung

Chúng ta gặp nhiều sức ép từ Trung Quốc

Thứ hai - 11/05/2015 23:59
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh thừa nhận nhiều mặt hàng xuất khẩu là thế mạnh của Việt Nam đang gặp khó khăn lớn trong những tháng gần đây.

Phát biểu tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng nay, 11-5, ông nói: “Hai tháng gần đây thị trường xuất khẩu của nhiều mặt hàng đang xấu đi, nhiều mặt hàng nông nghiệp không tiêu thụ được sản phẩm… Tất cả các mặt trận chúng ta đều đang gặp sức ép.”

Bộ trưởng cho biết, trong lần thăm Trung Quốc gần đây, Tổng bí thư đã đặt vấn đề xuất khẩu gạo của Việt Nam với cả Tổng bí thư và Thủ tướng Trung Quốc, nhưng lãnh đạo nước này nói “rất thẳng thắn” là Trung Quốc sản xuất dư lương thực nhưng vẫn nhập gạo của Việt Nam do giá gạo của Việt Nam rẻ.

Ông Vinh kể tiếp, Trung Quốc đặt ra điều kiện là doanh nghiệp Trung Quốc nào muốn có hạn ngạch nhập 10.000 tấn gạo thì phải tiêu thụ 1.000 tấn trong nước, không thì không cho.

Điều kiện này, ông Vinh nói, khiến cho gạo Việt Nam “đang tồn” ở Lào Cai.

“Nhiều mặt hàng khác cũng bị cạnh tranh rất căng thẳng, chứ không chỉ là dưa hấu như báo chí đang nói đâu,” ông Vinh nói.

Báo cáo của Chính phủ do Bộ trưởng Vinh trình bày, tuy vậy, không có những chi tiết này.

Báo cáo thừa nhận, tốc độ tăng trưởng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 2,14%, thấp hơn mức tăng 2,68% của cùng kỳ năm 2014. (sản lượng lúa Đông Xuân thu hoạch ở các tỉnh phía Nam giảm 100.000 tấn, tức giảm 9%).

Báo cáo cho biết, trong quí 1-2015 nhập siêu từ Trung Quốc ước lên tới 8,1 tỉ đô la Mỹ. Tuy nhiên, nhờ thặng dư trong thương mại với nhiều thị trường khác nên trong quí 1, cả nước nhập siêu trên 1,8 tỉ đô la Mỹ, bằng 5,1% tống kim ngạch xuất khấu. Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) xuất siêu khoảng 919 triệu đô la Mỹ (nếu kể cả dầu thô xuất siêu gần 2 tỉ đô la Mỹ); còn khu vực doanh nghiệp trong nước nhập siêu gần 3,8 tỉ đô la Mỹ.

Đánh giá chung tình hình quí 1-2015, Bộ trưởng nhận xét: Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp; chỉ số giá tiêu dùng tăng ở mức thấp; tiến độ thu NSNN đạt khá; tăng trưởng tín dụng tăng, lãi suất giảm; tỷ giá, thị trường ngoại tệ ổn định; tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện tăng cao hơn cũng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu vẫn tỏ ra lo ngại nhiều khó khăn, thách thức vẫn còn đó.

Ông Giàu chỉ rõ, mức tăng trưởng của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ở mức thấp, chỉ tăng 2,14% so với mức tăng 2,68% cùng kỳ năm trước.

Giá gạo Việt Nam loại 5% tấm giảm từ mức 413,8 đô  la Mỹ (quí 4-2014) xuống còn 362,9 đô la Mỹ/tấn (quí 1-2015); giá dầu thô giảm từ 74,6 xuống còn 51,6 đô la Mỹ/thùng; giá chè giảm từ 2,64 xuống còn 2,44 đô la Mỹ/kg;... theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế.

Theo ông Giàu, một số ý kiến trong ủy ban lo ngại về xu hướng nhập siêu lớn trong những tháng đầu năm 2015, khi chỉ trong 4 tháng đã nhập siêu 3 tỉ đô la Mỹ, tương đương khoảng 6% tổng kim ngạch xuất khẩu, cao hơn so với chỉ tiêu Quốc hội là 5%, trong đó có nguyên nhân do kim ngạch xuất khẩu nông nghiệp, thủy sản giảm 15,8% so cùng kỳ; đồng thời ủy ban cũng lo ngại sự phụ thuộc lớn vào nhập khẩu từ 1-2 thị trường.

Sau 3 năm xuất siêu liên tục, hiện tượng nhập siêu đã quay trở lại trong 4 tháng đầu năm 2015, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 5,7 tỉ đô la Mỹ, cao hơn mức 3,8 tỉ đô la Mỹ của cùng kỳ năm 2014; khu vực có vốn đầu tư đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 2,7 tỉ đô la Mỹ, thấp hơn mức 5,8 tỉ đô la Mỹ của cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu đang có xu hướng tăng chậm, chỉ khoảng 6,4%, thấp hơn so với mục tiêu là 10%.

Đáng lưu ý là xuất khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài quí 1-2015 tăng 12,9% so với cùng kỳ và chiếm tỷ trọng chi phối trong nhiều mặt hàng. Có 8/21 nhóm hàng chủ yếu (chiếm 68% tổng kim ngạch xuất khẩu) do khu vực FDI chiếm trên 90% hoặc 100% như dầu thô, điện thoại các loại và linh kiện, điện tử máy tính và linh kiện..., trong khi xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước giảm 5,1%. Kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của khu vực doanh nghiệp trong nước gồm nhóm hàng nông lâm thủy sản và nhiên liệu, khoáng sản lần lượt giảm 15,8% và 37,2%.

Hoạt động xuất khẩu của Việt Nam chịu sự tác động từ sự sụt giảm của giá cả hầu hết các loại hàng hóa trên thế giới, trong đó có cả những hàng hóa xuất khẩu mà Việt Nam có lợi thế, do vậy, xuất khẩu năm 2015 dự báo sẽ khó khăn hơn, nhất là cầu bên ngoài còn yếu và nhiều nước giảm giá mạnh đồng tiên so với đồng đô la Mỹ, đẫn đến thâm hụt thương mại trong năm 2015 ở mức cao.

Ông Giàu cũng cảnh báo, nợ công tiếp tục gia tăng với tốc độ cao, đồng thời trong năm 2015, dự báo nghĩa vụ trả nợ ở mức cao. Nghĩa vụ trả nợ so với tổng thu NSNN năm 2015 dự kiến ở mức 31%, cao hơn nhiều so với kế hoạch đề ra trong Chiến lược nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Theo chiến lược này, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ (không kể cho vay lại) so với tổng thu ngân sách nhà nước hàng năm không quá 25% và nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia hàng năm dưới 25% giá trị xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ.

Tư Giang

Nguồn tin: TBKTSG

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Các sáng lập viên

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 243

Máy chủ tìm kiếm : 3

Khách viếng thăm : 240


Hôm nayHôm nay : 71912

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 476585

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 52588261



thiet ke ho ca koi mai hien di dong cong ty to chuc su kien thang may tai hang thang mang tai khach