“Hiện nay, gạo Việt vẫn chưa bị phía Mỹ cấm nhập khẩu. Sắp tới, phía Mỹ sẽ sang Việt Nam để hướng dẫn, bàn bạc thêm về vấn đề này” – ông Đô nói.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 5 tháng đầu năm 2016, Việt Nam chi tới 140 triệu USD (hơn 3.080 tỉ đồng) để nhập khẩu thuốc trừ sâu từ Trung Quốc, tính ra mỗi tháng Việt Nam phải chi hơn 616 tỉ đồng, mỗi ngày Việt Nam phải dành ít nhất 20,5 tỉ đồng.
Tính đến năm 2013, danh mục thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng ở nước ta có gần 1.700 hoạt chất, trong khi các nước trong khu vực chỉ có khoảng 400-600 loại hoạt chất.
Tuy nhiên, con số mà các cơ quan thống kê đưa ra mới chỉ là phần nổi của tảng băng. Bằng nhiều con đường không chính ngạch, thuốc bảo vệ thực vật từ Trung Quốc liên tục được tuồn vào Việt Nam với số lượng rất lớn, khó kiểm soát, nhiều chủng loại không nằm trong danh mục cho phép của cơ quan chức năng.
Đáng nói, hơn 80% lượng thuốc bảo vệ thực vật ở nước ta được sử dụng không đúng phương pháp, gây ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân và tồn dư trong sản phẩm nông nghiệp. Vì sử dụng sai phương pháp với một lượng lớn thuốc bảo vệ thực vật nên các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam dễ gặp trở ngại đối với những thị trường nghiêm ngặt về vệ sinh an toàn thực phẩm như Mỹ, Nhật, châu Âu…
Theo số liệu của Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA), tính từ năm 2012 đến tháng 8.2016, có tổng số 16 doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam bán sang thị trường này bị trả về với tổng số 412 container, tương ứng gần 10.000 tấn gạo bị trả về. Điều này là tiếng chuông báo động đối với gạo Việt Nam, nếu không cẩn trọng rất có thể sẽ mất đường vào thị trường Mỹ.
Cũng vì lý do này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có khuyến cáo đối với các doanh nghiệp xuất khẩu gạo vào thị trường Mỹ.
Trao đổi với báo điện tử Một Thế Giới, GS Võ Tòng Xuân cho hay, chất lượng gạo Việt Nam hiện nay chưa có gì cải tiến. Cũng vì thế mà rất khó để có thể chào hàng với giá cao như Thái Lan hay Campuchia.
“Các quốc gia trên thế giới, họ rất chú trọng đến sức khỏe nên không chấp nhận có sự hiện diện của một chất độc hại nào trong bữa ăn. Gạo xuất sang các quốc gia này đều phải là gạo sạch, hóa chất vượt ngưỡng là sẽ bị trả về. Nếu chúng ta chỉ chú trọng vào sản lượng mà không chú ý chất lượng thì gạo Việt không thể cạnh tranh nổi” – GS Võ Tòng Xuân nói.
Theo GS Xuân, không chỉ gạo mà nhiều sản phẩm khác cũng rơi vào tình trạng này. Do đó cần phải nhanh chóng khắc phục, nếu không sẽ mất hết các thị trường xuất khẩu bởi dư lượng hóa chất vượt mức cho phép của các thị trường đó.
Ngoài ra, theo vị chuyên gia này, Việt Nam cũng cần phải xây dựng cho gạo Việt một thương hiệu riêng, có chất lượng cao để cạnh tranh với thế giới, thiết lập quyền sở hữu trí tuệ để không nước nào có thể bắt bẻ được.
“Tóm lại, hàng hóa của Việt Nam muốn xuất khẩu tốt cần có chất lượng cao, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có quyền tác giả. Bước vào sân chơi hội nhập thì những quy định này còn khắt khe hơn nữa” – ông Xuân nhấn mạnh.
Đây cũng là trăn trở chung của nhiều chuyên gia kinh tế khi mà một đất nước có thế mạnh về lúa gạo như Việt Nam, sản lượng xuất khẩu hàng đầu thế giới nhưng chất lượng gạo vẫn thua xa nhiều nước, chưa có được một thương hiệu riêng cho gạo Việt, đời sống của người nông dân trồng lúa cũng trở nên khó khăn, bấp bênh.
Một thế giới
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Đang truy cập : 57
•Máy chủ tìm kiếm : 14
•Khách viếng thăm : 43
Hôm nay : 2322
Tháng hiện tại : 467976
Tổng lượt truy cập : 49886610