19:08 +07 Thứ tư, 27/09/2023

Trang nhất » Chân dung » Chân dung

Hồi ức Phan Chánh Dưỡng (2): Công ty cổ phần đầu tiên sau 30/4

Thứ sáu - 20/03/2015 07:16
LTS: Ba thập kỷ trước, công cuộc đổi mới tại Việt Nam đã có những thành tựu quan trọng, với Đại hội 6 của Đảng là bước ngoặt lịch sử. Nhờ cải cách thể chế, sức sống của một nền kinh tế, của cả một xã hội, đã bật dậy mạnh mẽ.

Ông Phan Chánh Dưỡng, nguyên thành viên nhóm tư vấn kinh tế cho Thủ tướng, “thủ lĩnh” của nhóm “Thứ Sáu” - nhóm chuyên gia kinh tế đã tham gia một cách dũng cảm và hiệu quả vào công cuộc đổi mới kinh tế, là một trong những người có nhiều trải nghiệm sâu sắc về giai đoạn đáng nhớ ấy.

Ông được đánh giá là người hội đủ phẩm chất cần có của một doanh nhân, tầm nhìn xa và sự quyết đoán của một nhà nghiên cứu kinh tế luôn gắn với thực tiễn, sự điềm tĩnh và kiên nhẫn cùng nỗ lực không ngừng nghỉ với trách nhiệm công dân sâu sắc để có thể vượt qua nhiều nghịch cảnh, đóng góp phần sức lực không nhỏ vào việc hồi sinh vùng đất Nhà Bè, giải bài toán quy hoạch Nam Sài Gòn, hình thành khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng... tại TP.HCM.

Được sự cho phép của tác giả, từ 3/3, BizLIVE trân trọng gửi đến độc giả những dòng hồi ức của ông - trích từ tập ký “Nước xuôi gió ngược” - về một thời đất nước đổi mới, với những bài học kinh nghiệm cho đến giờ vẫn còn nhiều giá trị. 
Kỳ 2: Công ty cổ phần đầu tiên sau 30/4
Cuối năm 1980, hợp đồng trao đổi hàng trong chuyến đi Cà Mau khá thuận lợi. 8 tấn tôm khô đã giao đủ. Các mặt hàng trên sau khi gia công tái chế, đóng gói lại đủ chuẩn xuất khẩu, trao đổi hàng với khách Hồng Kông sau đó.
Chỉ đạo của quận 5 là để lại 800 kg tôm khô bán cho hợp tác xã thực phẩm quận để chuẩn bị hàng phân phối cho cán bộ dịp Tết Nguyên đán. Do đó, khi tôm khô từ Cà Mau chuyển lên, tôi chuyển giao tay ba cho hợp tác xã tại kho hàng thực phẩm Nguyễn Tri Phương.

Một tháng sau, anh Ba Hòa bảo tôi qua hợp tác xã xin nhận tiền thanh toán 800 kg tôm khô (đây là hàng Tết bán bổ sung ngoài kế hoạch, hợp tác xã bán ra lấy tiền mặt, nên cũng phải trả cho chúng tôi bằng tiền mặt).

Tôi đến trụ sở chính của hợp tác xã tại bến Hàm Tử, nhân viên bảo là lãnh đạo mắc bận họp vì chuyến xe heo từ tỉnh chở về ngày hôm qua, có hai con bị bệnh.

Đúng là các đồng chí bận thật, phải lo thịt cho dân ăn Tết mà. Ngày hôm sau tôi lại đến, nhưng vẫn không gặp được, các đồng chí lại bận họp tại hiện trường, vì hai con heo đã chết.

Ngày thứ ba tôi lại trở lại, lãnh đạo lại bận tiếp, lần này các đồng chí lại đang bàn việc hủy hai con heo đó!

Tôi bị sốc và tần ngần ở đấy không biết phải làm gì. Thì may quá cuộc họp vừa xong. Tôi đưa giấy giới thiệu có chữ ký của anh Ba Hòa và trình bày việc đến nhận tiền mặt. Đồng chí chủ nhiệm Bảy Bắc bảo là anh không biết 800 ký tôm đã giao cho cửa hàng nào trong quận. Về tiền mặt thì cửa hàng nào bán thì cửa hàng đó trực tiếp thanh toán luôn.

Hợp tác xã có tới 24 cửa hàng tại 24 phường, tôi không biết đi đâu tìm. Sực nhớ ra là phải đi đến kho Nguyễn Tri Phương nơi tháng trước tôi giao tôm khô tay ba, luôn tiện tôi sẽ đòi 12 cái bao bố ba vạ đựng tôm mà Năm Căn cho mượn (bao bố ba vạ là loại bạo bố đựng được 100 kg gạo hay ba vạ lúa nặng 68 kg lúa, thời đó rất hiếm nên khi bán hàng, chủ hàng luôn đòi lại cái bao).

May quá thủ kho có mặt, dẫn tôi vào kho xem. Thì thấy, 12 bao tôm khô vẫn còn ở đấy!

Tôi kêu trời, tôm khô để trong bao bố ngần thời gian trong một kho ẩm thấp thì chỉ còn để làm phân mà thôi. Anh thủ kho bèn bảo tôi rằng, chừng nào các cửa hàng đến nhận tôm khô, anh mới mở bao ra! Khi giao xong anh sẽ trả mấy cái bao bố cho tôi.

Phá rào, bung sản xuất

Sau hai đợt cải tạo công thương nghiệp, mạng lưới kinh tế thị trường tại miền Nam tan rã, hàng hóa lưu thông giữa các tỉnh thành buộc phải thông qua hệ thống thương nghiệp Nhà nước thực hiện. Trong khi đó, hệ thống này lại không đủ khả năng đảm đương!

Xã hội liền tự hình thành ra loại thương lái nhỏ để đưa sản phẩm sản xuất của nông thôn cung ứng cho thành thi. Và ngược lại, tiểu thương đưa hàng công nghiệp của thành phố về nông thôn. Để chống tư thương hoạt động ngoài hệ thống quốc doanh, Nhà nước đề ra một loạt biện pháp như lập trạm kiểm soát hàng hóa cũng như đi lại của người dân di chuyển qua lại mọi tỉnh thành, ngăn sông cấm chợ, để tận diệt tư thương, quản lý giá cả hàng hóa.

Trong khi đó tại TP.HCM, người thiếu ăn, xí nghiệp thiếu nguyên liệu cho sản xuất. Lương cán bộ công nhân viên không đủ sống. Đại bộ phận gia đình đều phải làm thêm hay sống nhờ vào tiền viện trợ của bà con ở nước ngoài hay ở thôn quê chi viện lương thực đem lên. Đời sống người lao động vô cùng khổ sở vì những chính sách quản lý kinh tế xã hội nêu trên.

Những chuyến đi buôn hàng đổi hàng trong nước cũng như trao đổi hàng với nước ngoài đạt hiệu quả về kinh doanh khá lớn. Riêng tôi nhận thức thêm được việc quản lý trong mỗi khâu kinh doanh mới là yếu tố tạo nên hiệu quả lớn lao. Nhưng lớn nhất là lãnh đạo thành phố đã nhận ra phương hướng, biện pháp vực dậy nền sản xuất công nghiệp tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn.

Đồng thời qua đó tạo ra mối liên kết giữa các xí nghiệp công nghiệp Trung ương đóng trên địa bàn với thành phố, và giữa thành phố với các tỉnh có nguồn hàng xuất khẩu, mối liên kết tam giác này được hình thành qua phương thức gia công sản xuất, phương thức kinh doanh hàng đổi hàng, từ đó từng bước thoát ra khỏi vòng kim cô của cơ chế quản lý giá, quản lý lưu thông tiền mặt, và cả mạng lưới ngăn sông cấm chợ được tổ chức dầy đặc ở các cấp địa phương! Nền kinh tế từ trạng thái giẫy giụa như bị bóp cổ đến nghẹt thở, thì nay được nới tay ra.

Chúng ta có thể tưởng tượng một cảnh tượng mà trong đó, mọi cấp và đơn vị kinh tế đều trong trạng thái người này thò tay bóp cổ một người nào gần đó, trong khi cổ mình cũng bị một bàn tay nào đó bóp chặt,  nên bàn tay còn lại phải cố chống trả, giữ lấy cái cổ của mình để đỡ bị nghẹt…

Thì giờ đây, nhờ sự đột phá trên, một bàn tay được mở ra, mọi người đều có thể thở được. Nhưng một bàn tay còn lại vẫn còn giữ lấy cổ mình, vì bất cứ lúc nào cũng có thể có một bàn tay nào đó lại thò ra bóp cổ ta. Cơ chế quản lý thời đó tạo ra những bàn tay vô hình như thế!

Thế là một chủ trương táo bạo của TP.HCM ra đời, lãnh đạo thành phố cho phép quận 5 thành lập một công ty với hình thức pháp lý là công ty công tư hợp doanh, với chức năng là công ty xuất nhập khẩu trực dụng lấy tên là Cholimex (Xuất nhập khẩu Chợ Lớn) do anh Ba Hòa làm Giám đốc.

Hai anh thương gia gốc Hoa là Nghê Ký Thuật và Trần Bỉnh Giang làm Phó giám đốc, cô Kha Chủ Ân làm Kế toán trưởng, tôi làm Trưởng phòng Kế hoạch, giấy phép được ký vào ngày 15/4/1981, thời hạn hoạt động là 10 năm.

Công ty được huy động vốn, tay nghề, kinh nghiệm của người Hoa trên địa bàn thành phố. Được tổ chức sản xuất và trực tiếp kinh doanh xuất nhập khẩu nhầm phục vụ cho mục tiêu của lãnh đạo thành phố đề ra.

Đây thực sự là công ty cổ phần đầu tiên của nước ta sau ngày đất nước được thống nhất.

“Trăm hoa đua nở”

Trên thành phố cũng thành lập một công ty xuất nhập khẩu trực dụng, lấy tên là Direcximco, với tính chất là doanh nghiệp Nhà nước, với vốn liếng được tích lũy từ những chuyến xuất nhập khẩu hàng đổi hàng do anh Ba Toàn lãnh đạo trước đó. Anh Ba Toàn (Lâm Tư Quang), Phó ban Hoa vận TP.HCM lúc bấy giờ đứng ra thành lập. Công ty trực thuộc Sở Công nghiệp.

Ngoài ra, lãnh đạo thành phố còn cho phép Hội Công thương và Sở Y tế thành lập thêm hai công ty Ficonimex và Pharimex. Như vậy, cả 4 “mex” này đều lần lượt được thành lập vào năm 1981.

Ngoài 4 “mex”, các công ty quốc doanh đã có trước đó như công ty lương thực thành phố, công ty xuất nhập khẩu nông sản thực phẩm và sau này có thêm công ty Ramico, còn có một số xí nghiệp trực thuộc trung ương trên địa bàn thành phố như Dệt Thành Công, xí nghiệp thuốc lá, xí nghiệp rượu bia… cũng nhảy ra làm kinh doanh xuất nhập khẩu, để có thể tự chủ nguyên liệu cho sản xuất. Thật là “trăm hoa đua nở ”. Những hiện tượng này đã thổi lên một luồng gió mới vào nền kinh tế nước ta.

Luồng gió này thổi ngược ra hướng Bắc, thế là tại Quy Nhơn miền Trung, đến Hải Phòng, rồi Hà Nội đều hình thành các công ty mang cái đuôi “ex” với phương thức hoạt động tương tự, cũng gặt hái được nhiều thành tích.

Từ đó, mô hình được nhân rộng hơn, tại TP.HCM, nhiều quận huyện đều có công ty làm chân hàng cho các MEX, thậm chí còn chuẩn bị hình thành công ty xuất nhập khẩu tương tự, các tỉnh thì đang ráo riết tham gia vào phong trào “mex” này.

Đối với chúng tôi (những con nghé) tình hình đó hết sức khích lệ vì đời sống xã hội đang được khôi phục trở lại, chúng ta vui mừng đã tìm ra một hướng đi mới! Nhưng những “bậc thầy” đầy kinh nghiệm “sờ mu rùa” thì cho rằng, “ họa phúc khó lường”, cầu tổ tiên phù hộ cho “nhà ngươi”!

Sau hai năm hoạt động, Cholimex đã trở thành công ty lớn của thành phố. Chúng tôi đã xây dựng được 8 xí nghiệp trực thuộc, trong đó có 5 xí nghiệp gia công sản xuất chế biến làm hàng xuất khẩu (gồm nông, lâm, thủy hải sản, dược liệu) và 3 xí nghiệp công nghiệp (lắp ráp radio - TV, trung tâm tin học, may xuất khẩu ). Ngoài ra còn liên doanh sản xuất với các xí nghiệp trung ương (cung cấp nguyên liệu, bao tiêu sản phẩm).

Nhờ thế, Cholimex đã có những mặt hàng tiêu dùng chiến lược như bột ngọt, bột giặt, mì ăn liền, rượu bia, thuốc lá, vải… Lúc bấy giờ, Nhà nước hạn chế nghiêm ngặt nhập hàng tiêu dùng, do đó nếu công ty nào có những mặt hàng trên sẽ rất dễ trao đổi với các tỉnh lấy hàng xuất khẩu. Radio, TV nhãn hiệu Cholimex; bột ngọt, bột giặt, mì ăn liền, túi sách, áo pull Cholimex đã có mặt ở khắp các tỉnh thành.

Đối với quận 5, Cholimex được xem là trụ cột của quận ở mọi lĩnh vực: tổ chức hội chợ, xây dựng khu văn hóa (khu “Đại thế giới” quận 5), xây hội trường mới, trợ cấp lương cho toàn bộ cán bộ của quận. Hằng năm, việc bán hàng tiêu dùng phục vụ Tết giá rẻ (giá bao cấp) cho cán bộ công nhân viên ngành giáo dục, ngành y tế đều được Cholimex thực hiện nghiêm chỉnh.

Đặc biệt nhất, cuối năm 1981, để quận 5 đạt được chỉ tiêu là quận đóng góp thuế cao nhất thành phố, Cholimex chấp nhận “hỗ trợ không hoàn lại” khoản thiếu hụt đó một cách vui vẻ (lúc bấy giờ Cholimex không thuộc diện đóng thuế). Đối với thành phố, công ty luôn tham gia tích cực các đợt phong trào quyên góp như xây dựng thủy điện Trị An, hỗ trợ hàng hóa cho Hà Nội và các tỉnh phía Bắc…

Khi ấy, thật là trên dưới một lòng, nhà nhà hoan hỉ. 1.300 cán bộ công nhân viên Cholimex tự hào khi công ty mình ăn nên làm ra.

PHAN CHÁNH DƯỠNG

Nguồn tin: BizLive

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Các sáng lập viên

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 117


Hôm nayHôm nay : 23756

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 673079

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 35077541



thiet ke ho ca koi mai hien di dong cong ty to chuc su kien thang may tai hang thang mang tai khach