16:51 EDT Thứ tư, 18/09/2024

Trang nhất » Chân dung » Chân dung

Hồi ức Phan Chánh Dưỡng (3): Bao nhiêu chữ ký cho 6 ly cà phê?

Thứ sáu - 20/03/2015 20:24
LTS: Ba thập kỷ trước, công cuộc đổi mới tại Việt Nam đã có những thành tựu quan trọng, với Đại hội 6 của Đảng là bước ngoặt lịch sử. Nhờ cải cách thể chế, sức sống của một nền kinh tế, của cả một xã hội, đã bật dậy mạnh mẽ.

Ông Phan Chánh Dưỡng, nguyên thành viên nhóm tư vấn kinh tế cho Thủ tướng, “thủ lĩnh” của nhóm “Thứ Sáu” - nhóm chuyên gia kinh tế đã tham gia một cách dũng cảm và hiệu quả vào công cuộc đổi mới kinh tế, là một trong những người có nhiều trải nghiệm sâu sắc về giai đoạn đáng nhớ ấy.

Ông được đánh giá là người hội đủ phẩm chất cần có của một doanh nhân, tầm nhìn xa và sự quyết đoán của một nhà nghiên cứu kinh tế luôn gắn với thực tiễn, sự điềm tĩnh và kiên nhẫn cùng nỗ lực không ngừng nghỉ với trách nhiệm công dân sâu sắc để có thể vượt qua nhiều nghịch cảnh, đóng góp phần sức lực không nhỏ vào việc hồi sinh vùng đất Nhà Bè, giải bài toán quy hoạch Nam Sài Gòn, hình thành khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng... tại TP.HCM.

Được sự cho phép của tác giả, BizLIVE trân trọng gửi đến độc giả những dòng hồi ức của ông - trích từ tập ký “Nước xuôi gió ngược” - về một thời đất nước đổi mới, với những bài học kinh nghiệm cho đến giờ vẫn còn nhiều giá trị. 
Kỳ 3: Bao nhiêu chữ ký cho 6 ly cà phê?

Thật không ngờ, con thuyền buồm Cholimex đang xuôi dòng nước, đột nhiên gặp trận cuồng phong thổi ngược. Quả thật, người ngoài cuộc lúc nào cũng “sáng” ! Các cụ “sờ mu rùa” nói đúng, thật họa phước khó lường. 4 cái “mex” được Trung ương vào kiểm tra xem nó thuộc “dòng dõi” nhà ai, họ “Tư” hay họ “Xã”? 

Cuộc kiểm tra kéo dài gần 3 tháng. Nhưng kiểm tra chỉ để thông báo một kết luận có lẽ đã quyết định trước. Các “mex” không còn quyền xuất nhập khẩu trực tiếp nữa. Tất cả đều phải qua một công ty đầu mối vừa được thành lập là Imexco thuộc TP.HCM. Direcximco chỉ giữ lại xí nghiệp chế biến đông lạnh thực phẩm Cầu Tre (còn duy trì tới ngày nay). Ficonimex thì tự giải tán. Pharimex chỉ gia công chuyên ngành dược, quy mô không lớn nên còn giữ lại. 

Cholimex kinh doanh sản xuất tổng hợp, có hiệu quả, nhưng ngành kinh doanh của Cholimex phải là quốc doanh. Do đó, Cholimex trở thành công ty quốc doanh kể từ tháng 7/1983 (công ty Cholimex vẫn tồn tại đến ngày nay). 

Cuộc dẹp loạn của Trung ương đã thành công! Đã loại được các ông thương gia khỏi ban lãnh đạo các công ty có đuôi ”ex”. Nhưng cả nước lại được một kinh nghiệm làm kinh doanh hàng đổi hàng, tránh né được sự quản lý giá cứng nhắc của cơ chế quan liêu bao cấp thời ấy.

Tiền thân của nhóm “Thứ Sáu”

Từ lúc thành lập, Cholimex huy động được vốn góp 6.445.000 đồng, tương đương 1.289 lượng vàng (đến tháng 8/1981 không nhận thêm cổ phần). Theo giấy phép thì doanh nghiệp này được hoạt động 10 năm nhưng chỉ hoạt động được hai năm thì Trung ương vào kiểm tra tài chính, sau đó chuyển thành công ty quốc doanh.

Kết quả hai năm hoạt động theo cơ chế giá thị trường, Cholimex tích lũy được 535 triệu đồng (nếu lấy tỷ giá bình quân hàng xuất khẩu năm 1982 là 70 đồng/USD thì giá trị tích lũy tương đương 7,6 triệu USD).

Công ty chi lãi cho cổ đông góp vốn trong hai năm hết 23 triệu đồng, tương đương 14% liền lời của công ty (theo lời hứa hẹn khi huy động vốn của lãnh đạo quận 5 cũng như giấy phép cho phép theo tính chất công tư hợp doanh là chia 50% cho tập thể cổ đông góp vốn). Công ty nộp vào ngân sách quận 5 tổng cộng 81 triệu đồng.

Tuy nhiên, theo kết luận của đoàn kiểm tra, kết quả tích lũy được theo số liệu của Cholimex  không phải là lợi nhuận, mà theo cách hạch toán của cơ chế tài chính lúc bấy giờ là… chênh lệch giá. Toàn bộ chênh lệch giá phải nộp về ngân sách Nhà nước, như vậy việc chia lãi cho cổ phần tư nhân như trên là chi vượt! Đây cũng là một trong những lý do chấm dứt họat động của công ty theo hình thức có cổ phần tư nhân. 

Sau đợt kiểm tra của Trung ương, tất cả vốn cổ phần của tư nhân trong Cholimex được rút ra theo nguyên giá gốc (giá trị còn khoảng 50%). Trên thực tế, việc chia lãi trong hai năm cũng cho phép mỗi cổ phần nhận được số tiền tương đương hai cây vàng.

Sau khi chuyển thành doanh nghiệp Nhà nước, Công ty Xuất nhập khẩu trực dụng chuyên ngành quận 5 có tên mới là Công ty Cung ứng hàng xuất khẩu quận 5, tên giao dịch đối ngoại vẫn được giữ là Cholimex. Về nhân sự cũng có thay đổi lớn: Giám đốc Hồng Tôn Như (anh Ba Hòa) xuống làm Phó giám đốc, hai vị công thương gia (anh Nghê Ký Thuật và anh Trần Bỉnh Giang) thôi chức Phó giám đốc để làm chuyên viên. 

Ủy ban Nhân dân quận 5 bổ nhiệm giám đốc mới là anh Phan Lê Đoàn và phó giám đốc mới là anh Huỳnh Quang Triêm. Tôi từ trưởng phòng kế hoạch cũng được đẩy lên làm phó giám đốc. Anh Trần Bá Tước lên làm trưởng phòng kế hoạch của công ty mới. Lúc bấy giờ, các quận huyện đều được thành lập các công ty cung ứng hàng xuất khẩu như quận 5, nhưng hàng xuất khẩu phải xuất qua Tổng công ty IMEXCO (trực thuộc Ủy ban Nhân dân TP.HCM). 

Sau khi được điều chỉnh lại tổ chức, quy mô hoạt động của Cholimex như một công ty chân hàng, tổng vốn còn khoảng trên dưới một triệu USD. So ra với các quận huyện khác thì, Cholimex thuộc hàng công ty lớn của TP.HCM.

Đến khi anh Ba Hòa - người sáng lập ra Cholimex qua đời, anh Phan Lê Đoàn về lại Quận ủy quận 5 thì bộ máy công ty sắp xếp lại (năm 1985). Tôi trở thành Giám đốc Cholimex và anh Trần Bá Tước là Phó giám đốc. Ủy ban Nhân dân quận 5 còn bổ nhiệm thêm hai phó giám đốc là anh Cao Lập và anh Trần Ngọc. 

Số chuyên viên kinh tế được đào tạo trước năm 1975 trong nền kinh tế thị trường trước đây tham gia vào công ty tăng lên. Một số chương trình nghiên cứu kinh tế theo dạng chuyên đề được triển khai (đây chính là tiền thân của nhóm nghiên cứu kinh tế Thứ Sáu về sau).

Công ty Cholimex bước vào một hành trình mới theo một lộ trình quanh co, nhưng có những bước phát triển mới.

Nhớ lại trong đợt kiểm tra của Trung ương, có một chi tiết tuy rất nhỏ nhưng thể hiện sự khác biệt về quản lý kinh doanh giữa hai miền. Khi cuộc kiểm tra bước vào vai đoạn kết thúc, một vị lãnh đạo cấp phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, ông Q., vào kiểm tra thực địa. Đoàn ông Q. đề nghị Cholimex cho đi tham quan các cơ sở gia công hàng xuất khẩu. Công ty cùng đoàn thống nhất đi tham quan 6 điểm ở quận 5, quận 6 và quận 10. Đến chiều đi tham quan nông trường An Hạ thuộc quận 5.

Tôi là người chịu trách nhiệm đưa đoàn đi. Đi được 4 điểm, xe đang đi đến điểm thứ 5. Ông Q. hỏi tôi gần đây có điểm nào ngoài 6 điểm đã chọn không?Tôi nhớ là có một điểm gia công phân loại tôm khô. Ông đề nghị ghé qua. 

Tôi liền ghé qua điểm gia công của ông Phước. Đoàn chúng tôi 6 người vào, ông Phước mời ngồi trên cái bàn gỗ dài. Ông Q. vừa hỏi qua loa tình hình gia công, thì bên đường có một em bưng qua 6 ly cà phê đá qua cho đoàn... Ông Q. ngạc nhiên hỏi, chúng tôi đến tham quan đột suất, sao ông biết mà chuẩn bị thức uống nhanh thế? 

Tôi chưa kịp trả lời thì ông Phước nói ngay, dễ lắm! Tôi giơ 6 ngón tay là bên kia đường họ bưng qua ngay! 

Chiều về, tôi hỏi lại người trong đoàn, vì sao lãnh đạo thắc mắc chuyện 6 ly cà phê như thế. Anh em trả lời rằng, ở miền Bắc, nếu tiếp đoàn khách có thức uống như buổi sáng thì trước đó phải có chỉ đạo của giám đốc cho bộ phận hành chính biết để chuẩn bị (trà, thuốc lá, số lượng...). 

Nếu phải mua ngoài thì bộ phận hành chính phải làm giấy ứng tiền, có chữ ký của trưởng phòng và kế toán trưởng. Sau đó qua thủ quỹ ứng tiền mới có thể đãi khách được. Quốc doanh quản lý thu chi rất chặt chẽ! 

Tôi thật sự ngạc nhiên! Với 6 ly cà phê mà phải cần đến một quy trình hành chính với bao chữ ký như thế, thì tốc độ vận hành của nền kinh tế sẽ như thế nào?

Sau này, tôi mới hiểu ra đó là cơ chế quan liêu bao cấp! Một cơ chế quản lý kinh tế luôn kiểm soát lẫn nhau, thiếu niềm tin vào con người, do đó năng suất sẽ rất kém!

Phương thức kinh doanh hàng đổi hàng

Đầu thập niên 1980, trong tình hình mối quan hệ giao thương của Việt Nam với các nước theo nền kinh tế thị trường còn chưa được khai thông, việc kinh doanh xuất nhập khẩu thật sự khó khăn. 

Đầu tiên là phải thông qua các mối quan hệ để móc nối với thương nhân nước ngoài, với điều kiện là họ có thể tiêu thụ các loại nông, lâm, thủy sản của ta, và cung cấp trở lại cho ta các loại vật tư, nguyên liệu ta cần. 

Lúc bấy giờ, phương thức kinh doanh thích hợp nhất là hàng đổi hàng, kèm theo điều kiện khách hàng giao hàng trước cho ta tại cảng Sài Gòn theo giá CIF và ta giao hàng xuất khẩu cũng tại cảng Sài Gòn theo giá FOB. Điều này đòi hỏi thương nhân nước ngoài phải tin tưởng vào công ty của ta thì mới giao dịch thành công được.

Khi có khách hàng, công ty phải làm đơn xin phép với cơ quan cấp trên (Sở Công an, Sở Ngoại vụ, Sở Ngoại thương, Ủy ban Nhân dân). Khi đã được phép, phương án đàm phán phải được gửi trước cho cấp trên, nhất là Sở Công an để được theo dõi, bảo vệ. 

Nội dung phương án đàm phán như sau:

- Lịch trình khách hàng vào làm việc (gồm thời gian vào ra, khách sạn, phương tiện đi lại, nơi ăn uống, nơi làm việc, danh sách người tham gia đàm phán...).

- Nội dung mục đích yêu cầu của thương vụ (dự kiến mục tiêu đạt được, các tình huống có thể xảy ra...).

- Sở Công an sẽ cử người cùng tham gia tiếp thương nhân (với tư cách là nhân viên của công ty).

Sau khi đưa thương nhân rời khỏi sân bay, công ty phải làm bản báo cáo tổng kết cuộc đàm phán để gửi lên cho các cơ quan có liên quan, kể cả bản ghi nhớ thỏa thuận các thương vụ mua bán theo hình thức hàng đổi hàng. 

Sau này, các loại hồ sơ xuất nhập khẩu có thể dùng được gửi bằng telex và được ghi nhận như một bản hợp đồng. Mọi việc thu chi đều phải thông qua hệ thống thanh toán của ngân hàng, để có sự kiểm soát, nhưng việc buôn bán vẫn trên cơ sở hàng đổi hàng là chủ yếu.

Đối với việc kinh doanh trong nước, cơ chế quản lý tiền tệ của ngân hàng đều buộc các công ty mua bán với nhau phải thanh toán qua ngân hàng theo hình thức chuyển khoản. Nếu công ty bán hàng thu tiền mặt thì cũng phải nộp tất cả tiền mặt vào ngân hang ngay chiều hôm đó. Khi cần chi tiền mặt thì làm kế hoạch để ngân hàng duyệt cho rút tiền mặt, không được phép toạ chi (nghĩa là thu được tiền mặt mà không nộp vào ngân hàng, vẫn giữ ở công ty). 

Nhưng các quy định trên rất khó thực hiện, do đó việc kinh doanh trong nước thể hiện qua những hợp đồng lớn với các tỉnh bạn cũng phải thực hiện theo phương thức hàng đổi hàng (tổng trị giá hàng tương đương nhau, được tính bằng ngoại tệ). 

Tuy nhiên, giá cả, doanh số mua bán được ghi trên hợp đồng phải ghi bằng tiền đồng Việt Nam, dù đó chỉ là con số tương đối nhưng cũng đáp ứng được yêu cầu về quản lý giá theo giá bao cấp lúc bấy giờ.

PHAN CHÁNH DƯỠNG

Nguồn tin: BizLive

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Các sáng lập viên

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 126

Máy chủ tìm kiếm : 5

Khách viếng thăm : 121


Hôm nayHôm nay : 35674

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 591220

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 50009854



thiet ke ho ca koi mai hien di dong cong ty to chuc su kien thang may tai hang thang mang tai khach