18:39 +07 Thứ năm, 19/09/2024

Trang nhất » Chân dung » Chân dung

Không biết thì không thể yêu

Thứ năm - 02/02/2012 08:00
Giáo sư Vũ Đức Vượng (ảnh) quê gốc ở Nam Định, được học bổng du học ở Mỹ năm 18 tuổi và tốt nghiệp Đại học Oa-sinh-tơn (Washington University in St.Louis), bang Mit-sơ-ri. Ông đã định cư ở Mỹ hơn 40 năm, là người chứng kiến và hiểu rõ cuộc sống và những vấn đề của cộng đồng người Việt tại Mỹ. Với tư tưởng tiến bộ, ông nỗ lực “để Việt kiều cũng như người Mỹ hiểu hơn về Việt Nam một cách đúng sự thật nó đang diễn ra”.

Tình yêu với quê hương

Những năm sau 1975 dòng người Việt Nam di cư sang Mỹ trong tình trạng tay trắng và không có công ăn việc làm. Rào cản về ngôn ngữ cùng với sự khắc nghiệt của nơi đất khách quê người làm cho họ lâm vào tình cảnh bi đát. Ông Vượng là người đã góp phần giúp cho những người này tìm việc làm và ổn định cuộc sống tại Mỹ, đồng thời khuyến khích người Mỹ bỏ cấm vận để bình thường hoá quan hệ giữa hai nước.
Ông Vượng cho biết: “Những ký ức kinh hoàng và sự khốn khó của những người lưu vong đã làm cho tâm lý hận thù rất nặng nề trong những người Việt tại Mỹ lúc bấy giờ. Đa phần trong số họ có định kiến và cái nhìn chống đối Việt Nam. Vừa giúp người mới đến, vừa giúp họ thay đổi suy nghĩ về quê hương của mình là công việc của tôi”.

Giáo sư Vũ Đức Vượng từng là Giám đốc khu vực Pacific Mountain Region của Ủy ban Dịch vụ Những người bạn Hoa Kỳ (AFSC). Ông được đào tạo về chính trị, cộng đồng và luật. Từ năm 1975, ông chủ yếu làm việc trong lĩnh vực tổ chức cộng đồng.

Từ năm 1984 tới năm 1997, ông lãnh đạo Trung tâm Tái định cư dành cho người tị nạn Đông Nam á tại San Phran-si-xcô (Centre for Southeat Asian Refugee Resettlement). Ông cũng làm việc cho Văn phòng lập pháp bang Ca-li-phooc-ni-a và phụ trách Văn phòng Điều tra thống kê vùng phía Tây thành phố San Phran-si-xcô trong đợt điều tra thống kê năm 2000. Sau đó, ông chuyển hẳn sang dạy đại học (được 15 năm) và từ mấy năm nay, ông chuyển sang chương trình SYA vì ông muốn “gieo mầm Việt Nam cho người Mỹ” - một cách đóng góp của ông cho Việt Nam.

Gieo hạt giống tình yêu
Mẫu
mực
ông

trồng
cây
đức

Thảo
hiền
cha
mẹ
kết
quả
nhân


Ngọ Ngọc Thơ

Một điều rất quan trọng là thế hệ người Việt tiếp theo được sinh ra tại Mỹ dù ít liên quan đến quá khứ nhưng họ cũng nhìn Việt Nam bằng cái nhìn bị ảnh hưởng từ cha mẹ họ. Báo chí tiếng Việt cũng như những người hướng dẫn cộng đồng người Việt tại Mỹ còn bị ảnh hưởng của quá khứ, nên thường đưa thông tin một chiều, chống lại Việt Nam, tìm mọi cách ngăn cản người Việt trở về quê hương vì sợ bị tẩy não.

Khi được hỏi bí quyết để giúp những người Việt trẻ tại Mỹ thay đổi cái nhìn về Việt Nam ông Vượng trả lời: “Cách tốt nhất để thay đổi những gì mà cha mẹ họ và báo chí đã nhồi vào trong đầu họ là để họ tự nhìn, quan sát và tự đánh giá bằng cảm nhận của chính họ. Bây giờ tôi đi dạy học về chính trị và xã hội, viết báo, tổ chức lớp học về lịch sử và văn hoá Việt, dẫn học sinh về Việt Nam để họ tận mắt nhìn thấy quê hương mình”.

Tháng 1-2007, ông Vượng đã tổ chức chuyến thăm Việt Nam cho đoàn hơn 40 người gồm sinh viên người Mỹ gốc Việt, sinh viên người Mỹ và một số giảng viên của trường San Jose. Chuyến đi nằm trong chương trình “Cơ hội giáo dục toàn cầu” (Global Education Opportunity) gọi tắt là GEO.

Theo đánh giá của ông Vượng, chuyến đi đã làm cho những sinh viên Việt kiều hiểu hơn về quê hương mình bằng chính những trải nghiệm của họ. Ai cũng muốn tìm hiểu về nguồn gốc của mình, những người Việt trẻ tại Mỹ cũng vậy. “Trước đây họ nhìn Việt Nam bằng con mắt của cha mẹ họ - những người di cư sang Mỹ những năm 70 thế kỷ trước. Còn bây giờ, khi họ đến đây, họ nhìn Việt Nam bằng chính con mắt của mình. Đa số những sinh viên của tôi khi đã đến Việt Nam một lần thì đều muốn được trở lại”.

Ông nhận thấy những sinh viên người Việt tại Mỹ cũng như những sinh viên Mỹ rất thích thú với văn hoá Việt Nam. Họ thích tìm hiểu về món ăn, truyền thống lịch sử, lối sống của người Việt... “Nhiều sinh viên của tôi đã rất ngạc nhiên khi biết về những truyền thống văn hoá của người Việt, họ bắt đầu tìm thấy tình yêu và niềm tự hào về nguồn gốc của mình, về đất nước của mình”.

Chuyến trở về Việt Nam của những sinh viên Mỹ gốc Việt đã kết thúc. Họ trở về Mỹ mang theo những tấm hình chụp tại Việt Nam, những mảnh lụa Hà Đông, những con tò he, những chiếc áo dài... và cả một cái nhìn mới về quê hương của mình. Mỗi người đều có một quê hương để nhớ mỗi khi đi xa, để trở về sau khi đã mỏi gối chồn chân, để biết mình sinh ra từ đâu và để tự hào. Ông Vũ Đức Vượng là người đã giúp kết nối tình yêu quê hương cho những Việt kiều xa quê.

Bài học về lòng yêu nước

“Giúp học sinh hiểu về Việt Nam sẽ khiến cho Việt Nam luôn ở trong tim họ”. Đó chính là lý do khiến Giáo sư Vũ Đức Vượng, Hiệu trưởng SYA mang chương trình tiên tiến này đến Việt Nam. Mặc dù đang là giảng viên các trường đại học của Mỹ, Giáo sư sẵn sàng về Việt Nam để mở 1 ngôi trường có ít học sinh nhất nhưng lại có nhiều thử thách nhất để cho các học sinh Mỹ của mình tới Việt Nam và giúp họ hiểu về đất nước và con người Việt Nam. SYA (viết tắt của School Year Abroad, có nghĩa là: Niên học ở nước ngoài) do một tổ chức giáo dục Mỹ lập ra từ năm 1964. Sáng kiến của chương trình SYA là hằng năm tổ chức một niên học ở nước ngoài cho sinh viên vừa hấp thụ văn hóa vừa tìm hiểu thực tế một quốc gia ngay trong lòng dân nước ấy. Các học sinh tuổi 16-18 thích đi nước nào tùy ý chọn.

Hiện nay, SYA đã có khóa học ở 5 nước: Pháp, ý, Tây Ban Nha, Trung Quốc, Việt Nam. Mỗi khóa học không đông nhưng ý nghĩa rất lớn. Bốn nước kia đã hoạt động từ khá lâu và có khoảng 50-60 học sinh ở mỗi nước, Việt Nam mới có 3 khóa: năm 2010 với 13 học sinh và năm nay 2011 có 15.

Giáo sư Vũ Đức Vượng cho biết, người Việt Nam có câu “Vô tri bất mộ” - nghĩa là không biết thì không thể yêu mến được. Khi đã biết rồi thì càng thêm nhiều tình cảm. Mặc dù, số các bạn trẻ Mỹ tới Việt Nam mỗi năm không nhiều nhưng ông hy vọng hạt giống mình gieo bây giờ, 20 năm nữa sẽ cho quả ngọt.

Bây giờ, ông đã bắt đầu thấy được “quả ngọt” của 20 năm trước. Khi đó, Việt Nam vẫn chưa mở cửa với thế giới, việc ra vào Việt Nam không được thuận lợi như hiện nay, một số người Mỹ muốn tới Việt Nam đã được ông giúp đỡ. Trong số những người đó, có những người hiện đang làm việc tại Đông Nam á, trong đó có Việt Nam và đảm nhận những trọng trách lớn.

Với tư tưởng tiến bộ, ông đã làm cho người Việt tại Mỹ cũng như người Mỹ hiểu đúng hơn về Việt Nam. Chính những chuyến đi về Việt Nam đã làm họ thay đổi cách nhìn.

Vậy nhưng khi nói về những việc đã làm, ông chỉ khiêm tốn: “Tôi không có dự án gì lớn, sống bằng nghề dạy học. Quan điểm của tôi: Mọi người phải có mục đích lớn và phải làm hết khả năng trong phạm vi có thể của mình. Mỗi người có một cơ hội của mình. Trong khả năng nhỏ bé của một nhà giáo, tôi muốn giúp học sinh biết thêm về Việt Nam”.

Bài toán giáo dục

Là một nhà giáo dục, ông tâm sự: Tôi phải thừa nhận là nền giáo dục của Việt Nam cần phải thay đổi một vài điểm căn bản để dân tộc ta bắt kịp với thế giới trong thế kỷ XXI này. Một điểm then chốt là chúng ta cần dạy cho học sinh biết công tác, biết tự tìm tòi, biết đánh giá, lựa chọn con đường đi cho chính mình. Lúc còn nhỏ, tôi chỉ biết học là học, học để thuộc bài, học để thi cho đậu, học để lấy bằng… Có những môn mình thích thì mình tha thiết, học lấy học để, học không chán, nhiều khi còn bỏ ăn bỏ ngủ… Những môn không thích hoặc yếu kém thì tìm hết cách tránh né và chỉ học lấy lệ, đủ để thi cho đậu là được rồi, sau đó “chữ thầy giả thầy” ngay. Mãi đến quá nửa thế kỷ tuổi đời, tôi mới “vỡ nhẽ” ra là việc học có hai phần chính: học để “làm việc” và học để “làm người”. Thường môn học nào cũng có ứng dụng cho cả hai và rất ít môn chỉ dùng được vào một việc thôi. Toán chẳng hạn, phần lớn dùng để “làm việc” nhưng toán cũng dạy cho mình phân biệt rõ ràng cái đúng, cái sai… và từ đó, có thể giúp người đang lớn lên biết tự kỷ luật phần nào. Ngược lại, triết lý hoặc xã hội học giúp mình tự hiểu mình, hiểu người và từ đó hy vọng là sẽ biết xử sự, biết “làm người” nhưng cũng có ứng dụng vào công việc, vào chính sách xã hội. Nếu chúng ta cải tổ được nền giáo dục từ chương sang thực dụng, từ nhai lại sang sáng kiến và từ cạnh tranh sang cộng tác, Việt Nam chúng ta sẽ có cơ hội tìm được chỗ đứng vững vàng trong thế kỷ mới này.

Chúng ta bàn nhiều đến đổi mới giáo dục đại học nhưng thực chất là cần đổi mới từ trước đó rất lâu, từ bậc mầm non chẳng hạn. Không chỉ cải tổ giáo dục từ trong nhà trường mà phải cải tổ từ trong gia đình.

Đặt trọng tâm mở rộng văn hoá ngang tầm với kinh tế

Đây là một trong những vấn đề mà Giáo sư Vũ Đức Vượng trăn trở. Ông tâm sự: Với khoảng ba triệu người trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài: con số tuy nhỏ nhưng triển vọng không nhỏ. Tuy nhiên, đó mới là triển vọng. Thực tế, khối người Việt ở nước ngoài, cũng như đa số người Việt trong nước, chưa đủ thức tỉnh, chưa đủ nhìn rộng và chưa đủ quyết tâm đặt quyền lợi quốc gia lên trên hết để có thể tận dụng triển vọng này.

Việt Nam ta vẫn còn bị nhiều hiểu lầm: Hình ảnh sâu đậm nhất về Việt Nam vẫn là cuộc chiến. Một số lớn người nước ngoài coi ta là “nạn nhân” và họ có cảm tình. Một số khác vẫn còn mang hận thù hoặc ít nhất là hiểu lầm cũng từ cuộc chiến. Thế nào đi nữa - thương hay ghét - ta cũng không muốn bị vẽ bởi cây cọ chỉ có một màu chiến tranh. Thêm nữa, thế hệ thứ hai của người Việt ở hải ngoại nay đã trưởng thành: Một số nhỏ còn viết, nói được tiếng Việt khá sõi nhưng đa số chỉ có thể nói chứ không biết đọc viết và một số không nhỏ không nghe hoặc không nói được gì. Một điểm chung là hầu như tất cả đều chỉ hiểu sơ sài về văn hoá Việt. Một số em, cháu có phương tiện hoặc người thân còn ở Việt Nam nên đã về nước để học hỏi và biết về văn hoá Việt. Đa số còn đang vật lộn với sách vở do người ngoại quốc viết để tìm hiểu về quá khứ của chính họ. Đây là thời điểm và cơ hội tốt cho Nhà nước Việt Nam vừa giúp thế hệ trẻ này tìm “về nguồn”, phát huy được văn hoá Việt.

Giáo sư Vượng đề xuất riêng ở nước Mỹ, nơi có gần hai triệu dân gốc Việt, Việt Nam nên lập khoảng 4-6 phòng văn hoá trong vòng 10 năm tới, với khá đủ dịch vụ: phòng đọc sách, báo cho những ai muốn theo dõi tình hình Việt Nam; các lớp Việt ngữ cho những ai muốn trau dồi tiếng Việt; các buổi trình diễn hoặc hội thảo về văn hoá Việt, giới thiệu các tài năng của người Việt trong và ngoài nước.
Về tổ chức, các phòng văn hoá này trực thuộc Chính phủ Việt Nam, nhân viên phải có đủ khả năng “đem chuông đi đánh xứ người” và do Chính phủ tài trợ tương xứng.

Trong thế kỷ vừa qua, Việt Nam thắng lợi nhiều về quân sự, đạt nhiều kết quả về ngoại giao và đang tiến hành chuyển mình nhanh về kinh tế. Đã đến lúc chúng ta không thể coi nhẹ mặt trận văn hoá mà phải đặt trọng tâm ngang hàng với ba lĩnh vực kia.

Về mục tiêu, tưởng không có gì quan trọng hơn việc giúp người Việt, thế hệ thứ hai, thứ ba trở đi có phương tiện học tiếng Việt, trau dồi văn hoá Việt và từ đó, họ sẽ là những sứ giả tiếp tay cho công cuộc bang giao của Việt Nam với thế giới bên ngoài.

Bên cạnh đó, các phòng văn hoá cũng là phương tiện phát huy văn hóa Việt với những người ngoài cộng đồng ta.

Về cộng tác giữa người Việt trong và ngoài nước, các phòng văn hoá này sẽ là những cơ cấu thuận lợi để phát huy các liên hệ giữa những cá nhân, tổ chức, những chương trình hữu ích cho cả hai phía. Và nhất là giữ được cá tính của người Việt trong những thế hệ mai sau.

Giáo sư Vũ Đức Vượng tin tưởng ta đã thấy rất nhiều những tổ chức do người gốc Việt đề xướng để tự nguyện giúp cho đồng bào bên nhà; nhiều người trong giới trí thức và giới công nghệ trao đổi với các đối tác trong nước. Đây là cơ hội tốt để Chính phủ Việt Nam tiếp tay vào việc phát huy các “đầu cầu” đã được người Việt ở nước ngoài tạo lập.

Theo Minh Phong

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Các sáng lập viên

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 156

Máy chủ tìm kiếm : 2

Khách viếng thăm : 154


Hôm nayHôm nay : 32264

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 616480

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 50035114



thiet ke ho ca koi mai hien di dong cong ty to chuc su kien thang may tai hang thang mang tai khach