Làm ăn lớn
Hợp tác xã Đức Huệ đã tập hợp nông dân tổ chức sản xuất diện tích lớn, liên kết với doanh nghiệp đem lại lợi nhuận cao cho nông dân.
Phó chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Đồng Tháp Võ Công Minh
Khi đó, Hợp tác xã Đức Huệ mới thành lập được 5 tháng, chỉ làm dịch vụ cày xới với 15 thành viên. Sau khi nghe lời phát biểu gợi mở của lãnh đạo tỉnh, ông Thấm suy nghĩ, làm sao có diện tích lớn để Hợp tác xã làm hết tất cả các khâu nhằm giảm giá thành. Sau nhiều ngày đêm trăn trở, ông nảy ra ý tưởng thuê đất của nông dân trong xã để có cánh đồng lớn. Trong nông dân cũng đã cho nhau thuê đất, hàng năm trả tiền hoặc lúa, ông thấy nếu Hợp tác xã thuê giá cao hơn thì sẽ thuê được nhiều và Hợp tác xã sẽ giảm giá thành để vẫn có hiệu quả. Ông tính mức thuê một hécta, một năm 60 triệu đồng hoặc nông dân nhận lại 21 tấn lúa thì trả chi phí đầu tư cho Hợp tác xã 66 triệu đồng.
Ông Thấm (thứ 2 từ phải) cùng công nhân lái máy nông nghiệp của Hợp tác xã Đức Huệ.
Hăm hở đưa ý tưởng ra bàn trong Ban Quản trị Hợp tác xã, nhiều người lắc đầu, vì lo Hợp tác xã sẽ thua lỗ. “Tôi kiên trì thuyết phục và phân tích thiệt hơn mãi mới thông qua được. Tuy nhiên, Hợp tác xã có 15 thành viên thì 5 người rút vốn, không tham gia nữa”, ông kể. Nhờ trời ủng hộ, cùng thời điểm, vụ thu đông bị cơn mưa đá làm lúa ngã rạp, xung quanh thiệt hại từ 30 - 70% nhưng ruộng của ông làm có kỹ thuật nên thiệt hại chỉ khoảng 5%. Mọi người thấy hiệu quả đã tin tưởng giao gần trăm hécta.
Ông Thấm phân tích, khi đem đất cho Hợp tác xã thuê, nông dân không cần phải ra đồng mà vẫn có lời nhiều hơn tự làm. Trong lúc, họ có thời gian làm công việc khác nâng cao thu nhập. Còn Hợp tác xã có diện tích lớn để thực hiện cơ giới hóa đồng bộ, áp dụng khoa học kỹ thuật nên giảm giá thành, tăng lợi nhuận. Đặc biệt là cánh đồng lớn, làm ra hạt lúa có chất lượng nên thu hút doanh nghiệp tham gia vào.
Hiện nay, Hợp tác xã đã tăng lên 55 thành viên, 260 ha có hệ thống đê bao khép kín, tưới tiêu bằng trạm bơm, vốn trên 14 tỷ đồng, hoạt động 10 loại dịch vụ. Bên cạnh, liên kết với nhiều doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào và bao tiêu đầu ra cho trên 700 ha ngoài Hợp tác xã.
Tin tưởng vào tương lai mở rộng sản xuất, ông Thấm cho biết, sang năm 2016 sẽ xây dựng thương hiệu lúa sạch, đồng thời, làm thử nghiệm 10ha hoa màu theo tiêu chuẩn VietGAP để đa dạng hóa nông sản, nâng cao thu nhập hơn nữa. Ông bộc bạch, mấu chốt thành công là tổ chức làm ăn bài bản cho nông dân thấy được quyền và lợi ích rõ ràng. Khi làm ăn bài bản, chính quyền cũng hỗ trợ. Đó là hỗ trợ 50% lãi suất vay vốn mở rộng diện tích, san bằng đồng ruộng trong 3 năm.
Lan tỏa
Ông Thấm là con út trong gia đình 9 anh em. Lúc trước, gia cảnh khó khăn nên ông học hết lớp 12 rồi nghỉ. Hiện nay, ông vẫn độc thân, sống cùng mẹ già. Cha ông cũng ăn chay trường, lo tu hành trong chùa và mất cách nay gần một năm. Hiện tại, ngoài việc làm kinh tế, ông Thấm còn nối nghiệp cha lo công việc trong chùa. Mẹ ông Thấm, bà Phan Thị Sáu, 78 tuổi, nói: “Thấm đi suốt ngày, lo việc Hợp tác xã, giờ còn lo vận động quà tết để chuẩn bị phát cho người nghèo”.
Thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp. Ảnh: Báo Bạc Liêu
Một trong những người đem ruộng cho Hợp tác xã thuê đầu tiên là ông Trần Quang Thanh, 64 tuổi ở ấp Mỹ Phước 2, xã Mỹ Quý.
Ông Thanh kể: “Gia đình tôi có 4,6 ha, con cái đi làm ăn xa, vợ chồng già làm không nổi nên thu nhập từ ruộng lại bấp bênh. Khi ông Thấm tới nhà hỏi thuê đất, tôi không đắn đo mà đồng ý ngay. Vì mình có cố gắng làm đi nữa cũng không lời được như vậy”. Ngoài tiền cho thuê ruộng, ông còn có 3 máy gặt đập liên hợp để gặt thuê cho Hợp tác xã, thu nhập khá giả.
Hàng xóm với ông Thanh là ông Phan Văn Chiến, phải qua ba vụ mới cho Hợp tác xã thuê đất. Ông Chiến kể, ông có 4 ha ruộng, làm lúa 40 năm rồi nhưng ngày càng gặp khó, đến thu hoạch là nơm nớp lo sợ bị ép giá. “Quan sát cách làm của ông Thấm ba mùa, thấy có hiệu quả, trả tiền thuê sòng phẳng, tôi mới đồng ý giao toàn bộ đất cho ông Thấm thuê”, ông Chiến cười vui vẻ. Ở xã Mỹ Quý, có ông Võ Văn Đức cho Hợp tác xã thuê nhiều đất nhất, đến 10 ha, không chỉ vậy còn góp vốn trên 850 triệu đồng.
Nhiều doanh nghiệp cũng đã tìm đến với ông Thấm. Mới nhất, ngày 22/12/2015, giám đốc một doanh nghiệp xuất nhập khẩu gạo ở tỉnh An Giang vượt hơn trăm cây số tìm đến ký hợp đồng sản xuất lúa chất lượng cao Jasmine và Bôca (Nhật) để xuất khẩu, từ đầu năm 2016 với 200 ha. Doanh nghiệp đầu tư giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và bao tiêu lúa. Còn 5 doanh nghiệp khác đã hợp tác với Hợp tác xã mấy năm qua là Cty Lương thực Đồng Tháp, Cty Giống cây trồng Đồng Tháp, Cty Phạm Hoàng, Cty Hợp Trí và Cty An Điền. Ông Thấm tươi cười: “Khi chúng tôi có nghìn hécta ruộng thì giá thành sản xuất càng hạ và sẽ có nhiều doanh nghiệp hợp tác chặt chẽ hơn”.
Hòa Hội
Nguồn tin: Tiền Phong
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Đang truy cập : 119
Hôm nay : 25674
Tháng hiện tại : 399663
Tổng lượt truy cập : 52511339