Kể từ lần điều chỉnh kép tỷ giá ngày 19/8, NHNN đã liên tục phát đi thông điệp rằng tỷ giá VND/USD có dư địa đủ lớn để linh hoạt trước các diễn biến bất lợi trên thị trường quốc tế và trong nước không chỉ từ nay đến cuối năm mà cả những tháng đầu năm 2016.
Bên cạnh đó, NHNN cũng nhiều lần khẳng định sẽ tiếp tục phối hợp đồng bộ các biện pháp và công cụ chính sách tiền tệ, sẵn sàng bánngoại tệ can thiệp khi cần thiết nhằm đảm bảo cân đối cung cầu ngoại tệ, xóa bỏ các kỳ vọng sai lệch về tỷ giá để ổn định thị trường ngoại tệ và tỷ giá trong biên độ cho phép.
Vẫn là chưa đủ, để củng cố thêm cho định hướng này, NHNN đã liên tiếp có những động thái mạnh mẽ: Giảm trần lãi suất tiền gửi USD của tổ chức kinh tế và cá nhân tại các ngân hàng thương mại lần lượt xuống mức 0% và 0,25% (thay cho các mức 0,25% và 0,75% trước đây); Ban hành Thông tư 15 siết chặt việc bán ngoại tệ từ ngày 5/10 .
Chưa đầy hai tháng, với nhiều biện pháp can thiệp dồn dập, NHNN đang chứng tỏ sự quyết liệt trong việc chấn chỉnh và giảm động cơ găm giữ ngoại tệ của doanh nghiệp và người dân, đẩy lùi tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế.
Và phản ứng ban đầu của thị trường dường như đã đúng ý của nhà điều hành. Nhiều người đã đổ xô đi bán USD khi USD không còn được trả lãi nếu gửi vào ngân hàng, nhu cầu mua vào để phòng ngừa cũng giảm.
Bốn ngày gần đây, giá USD tại các ngân hàng liên tục giảm mạnh, có ngân hàng đã lùi giá giao dịch tới 115 -120 đồng/USD. Không chỉ tại các ngân hàng mà giá USD chợ đen cũng liên tục đi xuống, với mức giảm 80 đồng trong những ngày qua, tiệm cận gần về mức niêm yết tại các ngân hàng.
Dự trữ ngoại hối có “mỏng” ?
Hồi cuối tháng 7/2015, Thống đốc NHNN cho biết nguồn dự trữ ngoại tệ của nước ta hiện khoảng 37 tỷ USD, cùng với 10 tấn vàng, và nếu tính cả các khoản khác như tiền gửi của kho bạc, của các TCTD ở NHNN (không phải bằng tiền đồng) thì tổng cộng khoảng 40 tỷ USD.
Trong khi đó, lượng ngoại tệ bán ra trên cộng với số ngoại tệ bán ra trước đó trong đợt điều chỉnh tỷ giá tháng 1 và tháng 5, theo bài báo trên TBKTSG, có thể đã vượt 7 tỷ USD.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng khuyến cáo NHNN không nên sử dụng dự trữ quốc gia quá nhiều để can thiệp thị trường và ổn định tỷ giá. Theo ông, tại thời điểm này, NHNN không nên sử dụng quá 10% dự trữ quốc gia.
TS. Nguyễn Trí Hiếu
Mặc dù dự trữ ngoại hối được các nhà quản lý công bố tăng mạnh trong 3 năm qua và tạo điều kiện cho cơ quan quản lý đủ lực can thiệp.
Tuy nhiên theo số liệu của Bộ Công thương ước tính năm nay kim ngạch nhập khẩu sẽ ở ngưỡng 173 tỷ USD. Căn cứ trên mức nhập khẩu này, không loại trừ khả năng dự trữ ngoại hối của Việt Nam đang ở dưới ngưỡng an toàn 3 tháng.
Ông Hiếu cho rằng dự trữ ngoại hối của Việt Nam hiện tại vẫn hơi mỏng trong khi có thể sẽ phải đối mặt với nhiều sức ép trong thời gian tới. Khả năng FED điều chỉnh tăng lãi suất USD và Trung Quốc có thể phá giá NDT sẽ càng gây áp lực lên tỷ giá của Việt Nam.
Theo InfoNet
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Đang truy cập : 242
•Máy chủ tìm kiếm : 4
•Khách viếng thăm : 238
Hôm nay : 3610
Tháng hiện tại : 292063
Tổng lượt truy cập : 50720607