17:01 EDT Thứ tư, 18/09/2024

Trang nhất » Chân dung » Chân dung

Nguyên Phó Chủ tịch nước: Phát triển đừng quên nguồn cội

Thứ hai - 04/05/2015 07:42
Đối với Nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa, niềm vui khi nhìn thấy quê hương được giải phóng có lẽ không có gì bằng.

Sau 40 năm thống nhất đất nước, nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa mong rằng, những thành tựu mà các thế hệ đi trước gây dựng cần tiếp tục được phát triển, nhằm mang đến sự ổn định và phồn vinh cho dân tộc.

Cảm xúc của chiến thắng 40 năm về trước; nhận định về thành tựu trong xây dựng, phát triển và những suy tư, đề xuất để đất nước tiến vững chắc trong tương lai là chủ đề cuộc trò chuyện của Báo Điện tử Chính phủ với nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa, chứng nhân của một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc ngay trong những ngày cả nước tưng bừng kỷ niệm chiến thắng.

 

Nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa (Ảnh: VGP/Mạnh Hùng)

 

Điều may mắn của tôi là gia đình được đoàn tụ sau chiến tranh

Mở đầu câu chuyện, nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa cho rằng, chiến thắng 30/4/1975 có ý nghĩa rất lớn, cao cả, trọng đại và thiêng liêng đối với cả dân tộc Việt Nam. Mục tiêu đấu tranh thống nhất đất nước của cả dân tộc đã đạt được.

Là người con của Nam Bộ, niềm vui khi nhìn thấy quê hương được giải phóng đối với bà Trương Mỹ Hoa có lẽ không có gì bằng. Hạnh phúc và những giọt nước mắt xúc động trước đoàn tụ của cả dân tộc, trong đó có gia đình bà, không thể nào phai nhạt cho đến tận ngày hôm nay. Thêm nữa, là người trực tiếp tham gia kháng chiến và chịu nhiều gian khổ trong lao tù, bà còn có một niềm vui nữa là được thoát ra khỏi nhà lao của đế quốc.

Nguyên Phó Chủ tịch nước xúc động: “Nếu không có giải phóng miền Nam thì gia đình tôi không biết bao giờ mới được đoàn tụ. Ba đi tập kết, Má ở lại hoạt động cách mạng, 6 chị em ở lại miền Nam cùng Má thì có 5 người ở tù, số năm ở tù của cả 5 chị em gần nửa thế kỷ (48 năm). Có lẽ may mắn lớn nhất của gia đình tôi là được đoàn tụ đầy đủ các thành viên trong ngày thống nhất đất nước”.

Bà cho biết, năm nào cũng vậy, cứ đến ngày này, cảm xúc vừa vui mừng, vừa bùi ngùi đan xen lẫn lộn. Những đồng đội, rất nhiều người đã hy sinh trong tù khi tuổi vừa mười chín đôi mươi, không còn sống để chứng kiến chiến thắng và thành quả của cách mạng. Có lẽ, sự xúc động của 40 năm trước dâng trào hơn. Sau 4 thập kỷ, chứng kiến biết bao sự thay đổi, biến chuyển của đất nước, với những thành tựu to lớn cùng với những thách thức của hội nhập và phát triển, giờ đây, cảm xúc trở nên lắng đọng, sâu xa.

Bây giờ hơn nhiều lần xưa

Nguyên Phó Chủ tịch nước chia sẻ suy nghĩ: Khi đất nước hội nhập, đời sống kinh tế, tinh thần cũng phát triển lên. Nhưng sự mở cửa cũng dễ làm người ta lạc bước. Bởi vậy, có lẽ việc quan trọng nhất hiện nay, quyết định sự bền vững trong phát triển của đất nước là xây dựng, bồi đắp những giá trị tinh thần, giá trị dân tộc cho thế hệ trẻ, mà điều đầu tiên là không bao giờ được quên đi cội nguồn dân tộc, không được quên cái gốc, sự hy sinh của cha anh để đem lại chiến thắng.

Trước đây, Sài Gòn là Hòn ngọc Viễn Đông, nhưng chỉ là bề ngoài và cho một nhóm người thôi. Vì vậy mới có câu ca rằng:

Sài Gòn hòn ngọc Viễn Đông

Bên ngoài sướng đẹp bên trong khổ sầu.

Phải được chứng kiến cụ thể thì mới có thể thấy được thành quả của công cuộc cách mạng, thành quả mà chiến thắng 30/4/1975 đã đem lại cho nhân dân. Ngày nay, miền Nam và rộng hơn nữa là Việt Nam đã thay đổi rất nhiều, phát triển hơn xưa về mọi mặt: Hạ tầng cơ sở, giáo dục, y tế, thương mại...

TP HCM bây giờ không chỉ rực rỡ ánh đèn như trước đây mà rực rỡ cả ở chất lượng cuộc sống, người dân tự hào sống ở Thành phố này.

Đôi lúc có những việc người dân không hài lòng, như việc phá đi một công trình kiến trúc cũ hay chặt đi những hàng cây đã có từ lâu đời để làm công trình mới... Theo bà Trương Mỹ Hoa, khi phá cái cũ hay sửa chữa cũng cần phải cân nhắc kỹ, người lãnh đạo thời nay cần phải có phong cách quản lý mới, chú trọng thông tin để nhân dân hiểu việc mình làm, để người dân đồng thuận, đồng hành. Trước đây, khi tiếp quản Sài Gòn, một trong những điều kỳ diệu nhất là Thành phố còn gần như nguyên vẹn, cả về tài sản và con người.

Còn miền Nam bây giờ khác xưa như thế nào thì xin dẫn lời bác nông dân ở Gò Công, tỉnh Tiền Giang: “Ngày xưa một năm có một vụ lúa, nhiều gia đình đói khổ phải đi tha hương. Còn bây giờ, nhờ hệ thống thủy lợi dẫn nước vào tận ruộng, một năm ba vụ lúa. Giao thông cùng với nhiều điều kiện sống khác thuận lợi, có điện, có nước sạch… Cuộc sống bây giờ không phải hơn mười lần xưa mà hơn vài chục lần”.

Thời nào, dân cũng là gốc

Nhìn lại 40 năm, nguyên Phó Chủ tịch Trương Mỹ Hoa cho rằng, điều vui mừng nhất hiện nay là đất nước ta chính trị ổn định, tạo đà cho phát triển kinh tế. Sự ổn định chính trị hiện là tài sản quý giá của đất nước, cần gìn giữ, đặc biệt khi một số nước xung quanh luôn xảy ra bất ổn. Các vấn đề như xóa đói giảm nghèo, giáo dục, y tế, bình đẳng giới, chăm sóc trẻ em… đều được Chính phủ quan tâm, chăm lo. Vị trí của đất nước ngày được nâng cao trong hội nhập quốc tế.

Tuy nhiên, vẫn còn đó những băn khoăn, trăn trở. Theo bà Trương Mỹ Hoa, thứ nhất phải thúc đẩy sự nghiệp đổi mới toàn diện hơn, đi vào chiều sâu, giải quyết hiệu quả các vấn đề kinh tế-xã hội. Cùng với đó, tập trung thực hiện tốt mục tiêu trở thành nước công nghiệp hóa. Và đặc biệt, làm sao để hội nhập với quốc tế thành công, nhất là khi tham gia vào các thỏa thuận thương mại mới.

Một điều nữa hết sức quan trọng là phải giải quyết tốt vấn đề an ninh, chủ quyền biên giới, biển đảo của đất nước. Phải xác định rằng đây là vấn đề được nhân dân đặc biệt quan tâm. Phải làm cho nhân dân hiểu được quá trình đấu tranh của mình, đồng thời đẩy mạnh giáo dục về chủ quyền đất nước cho học sinh, để sau này thế hệ kế tiếp sẽ tiếp tục đấu tranh giành lại chủ quyền của mình.

Cuối cùng, cần ưu tiên giải quyết những vấn đề tiêu cực như tham nhũng, nhũng nhiễu người dân, lợi ích nhóm, quan liêu, xa rời dân. Phải nâng cao phản biện của xã hội để tiếng nói người dân đóng góp cho chính quyền tốt hơn. Thời chiến cũng như thời bình, dân phải là gốc.

 

Tham gia phong trào sinh viên từ những năm 1960, bị địch bắt năm 1964, suốt 11 năm tuổi trẻ (từ 1964-1975), bà Trương Mỹ Hoa bị giam trong các nhà tù vì tham gia cách mạng. Trong tù, bà vẫn tiếp tục đấu tranh, làm Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban cán sự Đảng, Trưởng Ban lãnh đạo đấu tranh các nhà lao.
Ngày 7/3/1975, được trả tự do, bà vào chiến khu, tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh. Bà trở về Sài Gòn trong một đơn vị tham gia chiếm lĩnh các mục tiêu ở Gia Định vào ngày 30/4. 

Nguồn tin: Chinhphu.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Các sáng lập viên

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 143

Máy chủ tìm kiếm : 2

Khách viếng thăm : 141


Hôm nayHôm nay : 35674

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 591490

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 50010124



thiet ke ho ca koi mai hien di dong cong ty to chuc su kien thang may tai hang thang mang tai khach