04:26 +07 Thứ sáu, 20/09/2024

Trang nhất » Chân dung » Chân dung

PGS.TS Lê Anh Tuấn: Nếu buông xuôi sẽ tệ hại hơn

Thứ tư - 31/08/2016 16:33

Khá đơn độc trong việc bảo vệ sông Mekong và đánh động xã hội về biến đổi khí hậu, PGS.TS Lê Anh Tuấn, phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Biến đổi khí hậu (DRAGON) đã tìm đến nhiều diễn đàn quốc tế để thông tin, tìm kiếm thông tin…
 


PGS. TS Lê Anh Tuấn: “Cách đây mấy ngày, Lào đã khởi công đập Don Sahong, tôi có cảm giác đã quá muộn rồi khi nói về những con đập trên sông Mekong và rà soát hiệp định sau 21 năm giữa các thành viên MRC”.

 

–  Là chuyên gia Việt Nam duy nhất tiếp cận vị trí dự án Khong-Loei-Chi-Mun, Thái Lan, ông biết chắc dự án này sẽ gây hại tới hạ lưu… nhưng có thực sự nó sẽ tốt cho dân thượng nguồn?

– Thái Lan nghiên cứu dự án này hơn 20 năm nay và muốn giải quyết tình trạng thiếu nước ở vùng Đông Bắc Thái. Nếu triển khai 100% dự án, không chỉ ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) mà Lào, Campuchia cũng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Lúc đầu cứ nghĩ người Thái sẽ đồng ý nhưng không phải vậy. Cái hay của những nông dân, những người phải dời đi chỗ khác vì mất đất, những người mất sinh kế do làm đập dâng, cá không ra – vô được, đã được các tổ chức phi chính phủ giúp theo dõi, giám sát và họ có diễn đàn.

Thị trưởng của Loei nói dự án này dân của ông không được lợi. Họ sẵn sàng mời các nhà báo Myanmar, Campuchia, Việt Nam… nghe và thảo luận về dự án.

Họ quan niệm tham vấn cộng đồng, không chỉ người ở tại chỗ mà cả những người liên quan dù ở tuốt đàng xa; phải bày ra hết để lấy ý kiến.

– Dân Thái đã đi kiện?

– Họ nói nước là của chung. Theo thuyết nhà Phật “Anh lấy của người khác, gây hại cho người khác là tội”. Ở Pak Mun, dân chứng minh cá tăng rõ ràng sau khi toà buộc nhà đầu tư mở cửa sáu tháng và do đó họ tiếp tục đòi mở thêm sáu tháng nữa.

Gần đây người Thái cầu cứu các trường đại học. Các nhà khoa học giúp họ thu thập số liệu, ghi hình, thống kê coi loài nào bị ảnh hưởng, cuối cùng ra những con số đủ sức thuyết phục để toà chấp nhận dân đi kiện.

Những luật sư làm việc với cộng đồng, giúp dân hiểu biết luật pháp và các tổ chức phi chính phủ tập huấn cho nông dân ra những báo cáo đủ sức kiện những quyết định sai lầm.

– Từng công tác ở Lào, ông có tin rằng thuỷ điện sẽ làm cho Lào giàu lên?

– Chính phủ có thể tăng thu nhập nhưng phân phối chưa tới người dân, vì trong 30 năm đầu nhà đầu tư hưởng trọn sau khi đóng một phần thuế. Thực tế sẽ tạo bất bình đẳng giữa giàu và nghèo do cách phân phối lợi nhuận.

– Ông quan tâm điều gì nhất trong những vấn nạn do hậu quả cạnh tranh nguồn nước?

– Sự xáo trộn xã hội dẫn tới méo mó quan hệ, dồn đẩy dân cư rất nhiều… Cần có những thước đo. Tại xứ mình nếu không được phép khảo sát để có giải pháp sẽ khó làm, có khi còn bị coi như phá hoại.

Ví dụ những người di cư lên Biển Hồ, họ đã đi 2 – 3 thế hệ, bây giờ muồn tìm đường về cũng không phải dễ. Họ giống như những đứa con vô thừa nhận.

– So với dân thượng nguồn, người dân vùng hạ lưu biết rất ít về thực trạng chia cắt, giành giật nguồn nước và chưa biết phải làm gì?

Phải kiên trì giải thích chứ biết làm sao!

– Nói với cộng đồng ở ĐBSCL phải nói hết ý?

– Nói hết thì nhiều người không hiểu, nhiều khi cho là mình “khoe” kiến thức nên phải nói từ từ. Có người nghe xong thấy hoang mang, nhưng theo tôi như vậy còn tốt hơn là thờ ơ.

– Nói tới biến đổi khí hậu có phải là việc quá khó?

– Không quá khó nếu đi từ những điểm gần gũi nhất, ví dụ trời nắng nóng phải sử dụng năng lượng nhiều hơn, sử dụng thiết bị phát thải nhiều hơn… chi phí cao hơn, hao mòn thiết bị nhiều hơn và khi người ta đánh thuế căn cứ lượng phát thải, phát thải càng nhiều đánh thuế càng nặng. Họ điều tra tại gốc để tính thuế thì việc cạnh tranh của chúng ta sẽ vất vả hơn.

Xã hội Việt Nam “chưa thấy quan tài chưa đổ lệ”. Biến đổi khí hậu đối với sản xuất kinh doanh, công nghiệp, nông nghiệp đều có cách đi, có mô hình và đến lúc phải có nhiều mô hình như công ty Rynan Agrifoods của TS Nguyễn Thanh Mỹ (Trà Vinh), mô hình lúa-sen, sen-cá, sen-cá-du lịch ở Đồng Tháp…

– Vừa giảng dạy, vừa nghiên cứu – cập nhật những diễn biến sự cố với sông Mekong và chủ động tham gia các hội thảo quốc tế để nói những tác động liên quan đến sông Mekong và ĐBSCL, có khi nào ông thấy vấn đề nào đó quá tầm?

– Đôi khi tôi sẵn sàng đóng phí để nghe những hội thảo và trình bày cho quốc tế biết điều gì đang xảy ra. Và từ đó nhiều nhà khoa học cùng chia sẻ thông tin. Chứ nhiều khi tìm tài liệu trong nước không có, nếu có cũng không cho.

Cũng có những sự cố làm mình đuối khi nhiều dự án đã đưa thiết bị, nhân lực vô mà không làm được. Có khi nửa đêm bị gọi giật ngược chỉ vì câu hỏi “Tại sao đi giữa khuya, đi làm gì?”

Tôi phải giải thích các chuyên gia ra sông vào lúc đó mới đúng lúc triều lên chứ không thể đo theo giờ hành chánh được.

Xin cho các chuyên gia nước ngoài vào trong thời gian ngắn nên các chuyên gia phải tranh thủ, khi nghe nói khó quá họ về hết, không làm được.

Tôi không ngại vấn đề quá tầm chỉ sợ không có cơ chế trợ giúp. Nguồn trợ giúp khách quan, chân chính, biết cách đánh giá và quy ra hết thiệt hại, từ đó quy ra tiền chứ không phải cứ đưa ra mức nào đó mà không nêu ra được căn cứ tính toán.

– Có khi nào ông thấy nản?

– Nản thì cũng có nản, nhưng vẫn phải làm chứ buông xuôi còn tệ hại hơn. Hôm tôi viết bài báo nói về lợi bất cập hại trên sông Mekong, trước khi Trung Quốc xả đập cứu hạ lưu theo lời hứa, sau này MRC quốc tế công bố kết quả và Thái Lan chạy lại mô hình khẳng định nước chỉ tới Kratié. Không có báo cáo nào nói nước tới ĐBSCL. MRC Việt Nam không nói gì, còn trước đó họ gọi điện tới tấp, hăm he đủ điều.

– Có “tệ hại” nào đã xảy ra mà ông nhìn thấy?

– Phóng viên bên Trung Quốc tới nơi tôi làm việc hỏi tôi rồi ra bến Ninh Kiều quay cảnh sông nước nói nhờ Trung Quốc xả đập mà có, tôi giải thích với họ đó là do ảnh hưởng triều lên.

Cách đây mấy ngày, Lào đã khởi công đập Don Sahong, tôi có cảm giác đã quá muộn rồi khi nói về những con đập trên sông Mekong và rà soát hiệp định sau 21 năm giữa các thành viên MRC.

Thế giới thay đổi, xã hội thay đổi, có lẽ lúc ký hiệp định cách đây 21 năm, chúng ta không hình dung vấn đề phức tạp như bây giờ.

Hương Lan thực hiện Hoàng Tường hoạ chân dung
TGTT

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Các sáng lập viên

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 115

Máy chủ tìm kiếm : 3

Khách viếng thăm : 112


Hôm nayHôm nay : 6201

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 630904

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 50049538



thiet ke ho ca koi mai hien di dong cong ty to chuc su kien thang may tai hang thang mang tai khach