16:41 EDT Thứ tư, 18/09/2024

Trang nhất » Chân dung » Chân dung

TS Võ Trí Thành: “Đã chơi thì phải tự tin”

Thứ tư - 23/12/2015 05:26

Tiến trình hội nhập sâu rộng cho thấy những bước ngoặt mà Việt Nam cần thay đổi để phát triển. Chúng ta cần chơi với những người giỏi hơn để có thể học hỏi.


Theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, năm 2015 được coi là một năm quan trọng của Việt Nam, là năm cuối thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2011- 2015. Và năm 2015 cũng được coi là năm hội nhập sâu rộng của Việt Nam khi kết thúc đàm phán và ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) quan trọng.

Để hiểu rõ hơn về những tác động của tiến trình hội nhập đối với các doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Chuyên gia kinh tế – TS Võ Trí Thành.

Thưa ông, năm 2015 được coi là năm hội nhập của Việt Nam khi chúng ta đã kết thúc đàm phán và đi đến ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do quan trọng. Ông đánh giá thế nào về kết quả này?

TS Võ Trí Thành: Việt Nam đã ký kết rất nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), nhưng đặc biệt nhất là TPP và FTA Việt Nam – EU mở ra cơ hội rất lớn cho Việt Nam trong thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài; đồng thời cũng mở rộng đầu tư trong nước.

Với TPP và FTA Việt Nam – EU, Việt Nam được quyền tiếp cận nhiều thị trường rộng lớn với sức mua cao nhất thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Canada, EU… Đây là cơ hội lớn để doanh nghiệp trong nước, cũng như nhà đầu tư nước ngoài tìm hiểu Việt Nam.

Bên cạnh đó, niềm tin vào cải cách của Việt Nam cũng mạnh mẽ hơn vì hai hiệp định này có nhiều điều khoản liên quan đến cải cách, chính sách, quy chế, điều tiết như DNNN, cạnh tranh, thương mại điện tử, mua sắm chính phủ, tiêu chuẩn lao động, môi trường, quyền sở hữu trí tuệ... Quá trình này thúc đẩy cải cách ở Việt Nam, tạo niềm tin cho nhà đầu tư về một sân chơi bình đẳng, minh bạch, rõ ràng.

Trong 3 năm qua có thể thấy, Việt Nam đang trở thành tâm điểm thu hút đầu tư khi những Tập đoàn lớn nhất Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU… đều đã tìm đến nghiên cứu và tìm hiểu thị trường Việt Nam. Rõ ràng tác động đã nhìn thấy, không cần chờ đến khi kết thúc đàm phán hay ký kết hiệp định hoặc đợi được phê chuẩn.

Đặc biệt, hàng tỷ USD đã đầu tư vào lĩnh vực dệt của Việt Nam để tận dụng ưu thế về quy tắc xuất xứ “từ sợi trở đi” nhằm tiếp cận thị trường và hưởng thuế suất 0%. Hoa Kỳ đang nằm trong top 10 nhà đầu tư của VN. Nhưng các nhà đầu tư Hoa Kỳ vẫn kỳ vọng trở thành nhà đầu tư lớn nhất của VN.

Tuy tiến trình hội nhập đang đến rất gần nhưng nhiều ý kiến cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam vẫn “mơ hồ” về quá trình hội nhập? Ông nhận định thế nào về điều này?

Có thể nói doanh nghiệp Việt đã có 25 năm kinh nghiệm hội nhập kể từ năm 1990 đến nay và cũng đã trưởng thành hơn rất nhiều. Mặc dù thấy nhiều thách thức nhưng đại đa số doanh nghiệp Việt Nam vẫn ủng hộ hội nhập, cho rằng hội nhập đem lại nhiều cơ hội rất lớn để kinh doanh và đầu tư.

Cái mà chúng ta lo ngại hơn là chuyển hóa những cam kết, quy định, cách chơi vào chiến lược kinh doanh thì doanh nghiệp Việt còn yếu. Hầu hết các doanh nghiệp lớn đều đã có chiến lược và sự chuẩn bị gấp rút cho hội nhập.

Tuy nhiên ở Việt Nam, doanh nghiệp vừa và nhỏ còn nhiều, thậm chí có những doanh nghiệp “nhỏ li ti”, khả năng tiếp cận và tận dụng cơ hội để làm ăn còn khá yếu.

Trong đó, có một vài doanh nghiệp vẫn cố gắng bươn chải, học hỏi để vươn lên. Nhưng cũng có không ít doanh nghiệp có khả năng sống sót cao, chờ vấp ngã rồi học hỏi và phát triển từ vấp ngã. Nếu chuẩn bị tốt thì chi phí tuân thủ thấp hơn, còn ngược lại chi phí sẽ cao.

Xuất khẩu của Việt Nam tăng liên tục, nhưng chi phí phải trả như phí chống bán phá giá còn rất cao. Do vậy, điều đáng lo ngại ở đây là nếu chúng ta muốn làm ăn bài bản, trả phí tổn đàng hoàng thì chi phí tuân thủ ít hơn. Kinh nghiệm 20 năm qua cho thấy, nếu chưa có sự chuẩn bị kỹ càng và chỉ học hỏi dần từ vấp ngã thì doanh nghiệp Việt vẫn sống sót, trưởng thành và hội nhập được nhưng cái giá phải trả sẽ cao hơn.

Ông đánh giá thế nào về những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam trong thời gian qua?

Nhìn chung các chỉ số về môi trường kinh doanh của Việt Nam đang được xếp hạng ở mức trung bình khá. Nếu xét về thu nhập thì chúng ta không phải là quá thấp. Nhưng nhìn dưới góc độ cải cách và tận dụng cơ hội, thì còn khoảng trống lớn trong cải thiện môi trường kinh doanh mà Việt Nam cần nỗ lực hơn.

Mặc dù đã đạt được tiến bộ trong nhiều lĩnh vực về cải cách, song nhìn chung chặng đường phía trước vẫn còn gian nan. Bên cạnh đó, Việt Nam cần tận dụng cơ hội từ việc ký kết, thực thi các hiệp định thương mại tự do chất lượng cao nhằm thúc đẩy cải cách thể chế, tạo điều kiện để hội nhập thành công.

Xin ông cho biết đánh giá tổng thể về mức độ hội nhập của Việt Nam?

Nhiều ý kiến cho rằng, với một đất nước còn đang tiến lên cơ chế thị trường, trình độ phát triển và năng lực thể chế còn nhiều yếu kém mà năng nổ tham gia các FTA như Việt Nam là một nghịch lý. Đây là việc mà nhiều nước lớn còn e ngại.

Nhưng liệu có phải chúng ta đang đi quá nhanh không? Theo tôi là không. Nhanh nhất phải kể đến năm 1989, khi đó nền kinh tế của chúng ta mở cửa chỉ trong một đêm. Tiến trình hội nhập sâu rộng cho thấy những bước ngoặt mà Việt Nam cần thay đổi để phát triển. Chúng ta cần chơi với những người giỏi hơn để có thể học hỏi.

Theo các tính toán thì Việt Nam được hưởng lợi lớn nhất khi tham gia TPP, tính tương đối so với xuất khẩu, GDP của Việt Nam. Tất nhiên, bên cạnh những ngành hưởng lợi sẽ có những ngành gặp khó khăn. Nhưng nhìn tổng thể, nền kinh tế Việt Nam vẫn được lợi.

Trước đây với Việt Nam, Hoa Kỳ vẫn là một thị trường cao cấp và khó tính với những yêu cầu hết sức nghiêm ngặt nhưng chỉ sau 1-2 năm, Hoa Kỳ đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Điều này cho thấy, tuy khó khăn, thách thức nhiều nhưng thực tiễn chứng minh ta làm được. Việt Nam đã chơi thì phải tự tin.

Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!

Nguyệt Quế

Theo Trí thức trẻ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Các sáng lập viên

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 118

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 117


Hôm nayHôm nay : 35674

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 590975

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 50009609



thiet ke ho ca koi mai hien di dong cong ty to chuc su kien thang may tai hang thang mang tai khach