17:59 +07 Thứ năm, 19/09/2024

Trang nhất » Chân dung » Chân dung

Tâm tư của hiệu trưởng trẻ nhất Việt Nam về đại học cho số đông

Thứ tư - 21/01/2015 18:37

 

"Ai làm giáo dục cũng muốn trường mình toàn những sinh viên giỏi, học trò của mình là những học trò tài năng. Nhưng những băn khoăn về một trường học phí rẻ và giúp đỡ những người yếm thế thành công hơn trong cuộc sống vẫn lởn vởn trong đầu". Đó là tâm tư của một thầy giáo Việt Nam khi đến thăm một trường Đại học ở Mỹ, nơi mà đối tượng nhập học đa phần là người lớn tuổi và thiếu học hành, nhiều người còn chưa tốt nghiệp trung học.

Bài viết sau đây được thầy giáo, Tiến sĩ Đàm Quang Minh, hiệu trưởng Đại học FPT chia sẻ trên trang nội bộ của tập đoàn này. Ông Minh được biết đến là hiệu trưởng trẻ tuổi nhất Việt Nam vào thời điểm ông được bổ nhiệm.


Tôi đến thăm Trường Đại học Phoenix, tiểu bang Arizona thuộc Tập đoàn Apollo, tập đoàn tư nhân lớn nhất thế giới về giáo dục, với một cảm giác khó tả. Nếu đọc trên các đánh giá tại đây, có thể nói rằng trường thể hiện một chất lượng tồi tệ. Khi biết tôi định sang thăm trường, anh cố vấn cấp cao của FPT nhắc nhở tuyệt đối không nên "dây dưa" gì với Apollo và Phoenix bởi rất khó có cơ hội hợp tác với các trường tốt của Mỹ. Tầng lớp tinh hoa không bao giờ chấp nhận tên tuổi mình bị gán với những gì tầm thường, âu cũng là điều dễ hiểu. Thế nên đến thăm trường áy náy vô cùng nhưng sự tò mò vẫn khiến tôi quyết tâm đi.

Làm thế nào để một trường "tai tiếng" như vậy, mới thành lập năm 1976 mà có tới 300.000 sinh viên, đông nhất nước Mỹ? Phải chăng sinh viên Mỹ dễ bị dụ dỗ đến vậy. Cô bạn đồng nghiệp từ Apollo nhiệt tình giới thiệu: "Người sáng lập trường vốn là người nghèo khó, sau này cố gắng học tập mà thành công. Ông muốn tạo điều kiện cho những người đồng cảnh ngộ như mình được thành công". Do đó, đối tượng nhập học của trường đa phần là người lớn tuổi và thiếu học hành, nhiều người còn chưa tốt nghiệp trung học. Có thể kể ra đó là những bà mẹ đơn thân, người ông bố có con nhỏ, những người yếm thế trong xã hội nhưng có một ước mơ học tập để đổi đời.

Phoenix khác hẳn với các trường thuộc "tháp ngà", họ không từ chối ai. Chính vì vậy, họ bị/được coi là cố tình "phạm tội" vì cho nhập học cả những người không thể thành công để lấy tiền và hỗ trợ của chính phủ. Với đối tượng như vậy nên phương thức học đa phần là trực tuyến, người học tranh thủ làm bài vào buổi tối và cuối tuần. Và tỷ lệ không hoàn thành khóa học cũng rất cao, lên tới 40%. Họ cũng giảng dạy phần nhiều là những nghề đơn giản như y tá, trông trẻ... để người học có cơ hội cao hơn một chút trong cuộc sống. "Thầy" không phải là các giáo sư với đầy kiến thức uyên thâm mà lại là những người đi làm, những chuyên gia được thuê để "truyền nghề".

Trường cũng không có thư viện nguy nga mà chỉ toàn tài liệu online mua rẻ của các nhà xuất bản và trao đổi online với giảng viên. Ấn tượng sâu sắc nhất khi ở Apollo là căn phòng gồm 800 nhân viên, đa phần là các chuyên gia tâm lý và chuyên môn đang chăm chú vào màn hình hay tai nghe điện thoại. Nhiệm vụ của họ là tư vấn học tập cho những người rất thiếu khái niệm về học hành, một cách nhẫn nại và chu đáo. Khuôn viên trường cũng là những sinh viên lớn tuổi và có dáng hình khắc khổ. Ở họ toát lên sự nhẫn nại đến tội nghiệp hơn là hình ảnh sinh viên trẻ trung, năng động, sáng tạo hay được các trường đăng trong quảng cáo.

Chúng ta biết nhiều đến Harvard, Yale, MIT danh giá với tỷ lệ chọi cao ngất. Nhưng ở những nơi đó, họ gạt không biết bao nhiêu người để chỉ lấy những người xuất chúng. Và thực tế đó là nguồn cung cấp dồi dào những người thành công trong xã hội.

Nhưng chẳng nhẽ những người khác không có quyền thành công theo tầm vóc của họ. Họ vốn là những người bất hạnh không được tạo hóa cung cấp trí tuệ. Thay vì nâng đỡ, chúng ta thường lại nhạo báng họ. Trong gia đình, nếu có một người con không được thông minh thường bị chê là "không hiểu sao lại dốt thế, không được như anh, chị, em". Tôi vẫn nhớ hình ảnh phụ huynh gần như kinh ngạc nói với tôi khi con họ được nhận giấy khen tại FPT Polytechnic: "Tôi tưởng nó là đồ bỏ đi rồi, thế mà thầy còn cho nó giấy khen!". Cậu sinh viên này sau đó tốt nghiệp FPT Polytechnic sớm hơn bạn cùng phổ thông, đi làm ngay và có mức lương khởi điểm 5 triệu đồng. Cậu rất tự tin cho cuộc sống tự lập của mình. Sau đó cậu cho biết bạn bè năm sau mới tốt nghiệp vì đỗ đại học nhưng không xin được việc lại nhờ cậu giúp đỡ.

Ai làm giáo dục cũng muốn trường mình toàn những sinh viên giỏi, học trò của mình là những học trò tài năng, ĐH FPT cũng vậy nên mới có những sinh viên dành giải cao trong các cuộc thi quốc gia, quốc tế. Nhưng những băn khoăn về một trường học phí rẻ và giúp đỡ những người yếm thế thành công hơn trong cuộc sống vẫn cứ lởn vởn trong đầu. Liệu ai sẽ trả lời cho những băn khoăn này? Chắc vẫn sẽ phải làm cả hai việc vậy!

>> Đại học FPT có hiệu trưởng trẻ nhất Việt Nam

Đàm Quang Minh

Phoenix, Arizona, Mỹ

Theo Trí Thức Trẻ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Các sáng lập viên

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 158

Máy chủ tìm kiếm : 3

Khách viếng thăm : 155


Hôm nayHôm nay : 31414

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 615630

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 50034264



thiet ke ho ca koi mai hien di dong cong ty to chuc su kien thang may tai hang thang mang tai khach