Ngay sau quyết định này, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn với các chuyên gia để đưa ra những bàn luận xung quanh quyết định lần này của NHNN.
TS. Lê Đăng Doanh
TS. Lê Đăng Doanh, Nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM)cho rằng đây là quyết định kịp thời để đáp lại việc phá giá đồng nhân dân tệ xấp xỉ 2% của Trung Quốc.
"Việc nới rộng biên độ lần này đã đáp ứng mọi sức ép của thị trường xuất hiện gần đây thúc đẩy xuất khẩu đặc biệt từ xuất khẩu nông sản. Tuy nhiên xuất khẩu đối với mặt hàng công nghiệp có mức độ giá trị gia tăng thấp thì tác động của tỷ giá cũng chỉ ở mức hạn chế", ông Doanh nói.
Theo ông Doanh, NHNN vẫn cần tiếp tục theo dõi để điều chỉnh để phù hợp với biến động của tỷ giá trên thế giới.
Cũng đồng quan điểm trên, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng: "Đó là chuyện hiển nhiên. Theo ông, NHNN không thể nào giữ giá trần như cũ, quyết định này trung hòa phần nào tác động của việc Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ.
Một chuyên gia khác, TS. Nguyễn Minh Phong đánh giá động thái của NHNN mới đây là quyết định hợp lý, tạo biên độ "mềm", để đảm bảo cạnh tranh và đảm bảo không bị nhập siêu hơn nữa.
Vậy động thái NHNN bất ngờ tăng biên độ từ +/-1% lên +/-2% có khác gì việc tăng tỷ giá thêm 1% hay không? Các chuyên gia đều cho rằng điều này có thể suy diễn là như vậy.
Trước giờ NHNN tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng và cho biên độ là 1%. Còn hiện tại là giữ nguyên tỷ giá bình quân liên ngân hàng và cho biến động 2% thì cũng không khác gì việc tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng 1% và cho biên độ 1%.
Tác động tiêu cực đến lạm phát và nợ công
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, quyết định của NHNN lần này sẽ tác động tích cực đối với các doanh nghiệp xuất khẩu và gây bất lợi cho các doanh nghiệp nhập khẩu.
TS. Nguyễn Trí Hiếu
Các doanh nghiệp xuất khẩu có hai giải pháp: Hoặc là giữ nguyên giá bán USD và khi nhận được tiền thanh toán từ người mua từ nước ngoài, họ đổi ra tiền đồng thì nhận tiền đồng với lượng tiền lớn hơn. Hoặc thay vì bán giá USD như cũ với động thái tăng biên độ lần này, họ sẵn sàng hạ giá bán USD xuống tăng khả năng cạnh tranh của hàng xuất khẩu.
Tuy nhiên với các doanh nghiệp nhập khẩu, họ phải mua lượng USD lớn hơn để thanh toán cho nhà xuất khẩu nước ngoài nên sẽ gặp khó khăn.
Về kinh tế vĩ mô, theo quan điểm của ông Hiếu, về mặt tích cực, chi phí mà NHNN phải gánh để can thiệp vào thị trường sẽ giảm đi. Trước đó khi thị trường tự do biến động, NHNN phải bán ra ngoại tệ can thiệp thị trường để giữ được tỷ giá trong biên độ ấn định. Hiện NHNN tăng biên độ sẽ làm hạ nhiệt thị trường tự do đồng thời cũng không cần phải can thiệp quá mạnh tay như trước.
Tuy nhiên, ông chỉ ra rằng hàng hóa nhập khẩu tính ra tiền đồng giá sẽ cao hơn, đi vào giỏ hàng hóa của cả nước có thể làm tăng lạm phát.
"Việc tỷ giá tăng có tác động tiêu cực đến lạm phát và làm tăng nợ công", ông Hiếu nhận định.
Ông cho biết thêm, nợ công bằng đồng ngoai tệ tính ra tiền đồng sẽ tăng đáng kể. Số nợ công đó sẽ tăng thực chứ không phải trên sổ sách và gây bất lợi cho Chính phủ.
Theo Trí thức trẻ
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Đang truy cập : 105
•Máy chủ tìm kiếm : 4
•Khách viếng thăm : 101
Hôm nay : 5846
Tháng hiện tại : 630549
Tổng lượt truy cập : 50049183