Khi được dẫn vào trong, chúng tôi gặp Võ Trọng Nghĩa đang ngồi trao đổi với một nhân viên trong khung cảnh hơi tối do không bật đèn. Những khu làm việc bên trong công ty này cũng tương tự, các kiến trúc sư (khá nhiều người nước ngoài) làm việc trong yên lặng, với ánh sáng tự nhiên.
Vị kiến trúc sư nổi tiếng làm giám đốc nhưng không có phòng riêng. Chỉ đến khi bắt đầu cuộc trò chuyện, Nghĩa mới với tay bật đèn cho sáng khu mình ngồi. Nghĩa nói:"Không có ai bắt tắt đèn đâu mà mọi người thích như vậy đấy. Chắc là do họ và tôi thiền quen nên thế".
BỎ DỞ THÀNH CÔNG ĐỂ ĐI TÌM... THẤT BẠI
Võ Trọng Nghĩa sinh năm 1976, là con út trong một gia đình có 7 chị em ở xã Phú Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình (chỗ bắt đầu đường mòn Hồ Chí Minh). Khi còn học cấp 1, ngôi trường của Nghĩa năm nào cũng bị đổ bởi gió bão, phải dựng lại và cậu cùng bạn bè được "nghỉ thoải mái".
Cũng chính vì điều này mà cậu học trò ngày ấy nuôi giấc mộng trở thành kiến trúc sư để làm giàu và xây được những ngôi trường… chẳng bao giờ sập. Khi thi đỗ 3 trường đại học, Nghĩa chọn Đại học Kiến trúc Hà Nội chứ không phải Bách khoa hay Xây dựng.
Thầy nói, đi về học thất bại còn hơn là cứ mãi thành công. Tôi chấp nhận lời của thầy, và đó cũng là ý nguyện của tôi
Năm 1996, Võ Trọng Nghĩa nhận học bổng của chính phủ Nhật Bản, theo học khoa Kiến trúc Học viện Kỹ thật Nagoya và tốt nghiệp thủ khoa năm 2002. Trong thời gian học, năm 1999, Võ Trọng Nghĩa có công trình thiết kế nhà ở đoạt giải thưởng lớn của một tập đoàn Nhật Bản.
Học tiếp thạc sĩ ở Đại học Tokyo, đề tài nghiên cứu được anh chọn là khí động học, gió và nước. Đây cũng là yếu tố nền tảng tạo nên thành công ban đầu cho những công trình thiết kế của Võ Trọng Nghĩa sau này.
Tốt nghiệp bằng thạc sĩ hạng ưu của Đại học Tokyo năm 2004, Nghĩa tiếp tục làm tiến sĩ tại đây và đoạt giải thưởng xuất sắc cho nghiên cứu ở luận án tiến sĩ. Thế nhưng, khi việc học ở đất nước mặt trời mọc chưa hoàn tất, người thầy của Nghĩa – Giáo sư Hiroshi Naito nói với cậu: "Ta đào tạo con để con làm kiến trúc sư giỏi chứ không phải để nghiên cứu"
"Thầy nói, đi về học thất bại đi còn hơn là cứ thành công mãi. Tôi chấp nhận lời của thầy, và đó cũng là ý nguyện của tôi" Nghĩa tâm sự. Sau đó, nghiên cứu sinh này bỏ dở bằng tiến sĩ để quay về Việt Nam lập nghiệp ở tuổi 30.
Về nước, năm 2007, Võ Trọng Nghĩa lại tiếp tục thành công với Cafe Gió và Nước tại Bình Dương. Đây là công trình ứng dụng nguyên tắc khí động học tiêu biểu, sử dụng năng lượng gió và khả năng làm mát của nước để tạo ra những chiếc máy điều hòa tự nhiên.
Công trình kiến trúc độc đáo này đã đoạt huy chương vàng Giải thưởng Hội Kiến trúc sư châu Á (Arcasia Awards) 2007-2008. Võ Trọng Nghĩa là kiến trúc sư đầu tiên của Việt Nam được nhận giải thưởng này và cũng là giải cao nhất.
GIẤC MỘNG TAN VỠ
Thế nhưng, ngoài giải thưởng quốc tế đầu tiên, Võ Trọng Nghĩa liên tiếp gặp thất bại trong kinh doanh. Trong hơn 5 năm đầu tiên mở công ty, Nghĩa có rất ít việc để làm, nhiều công trình được thiết kế ra nhưng không được thi công. Công ty kiến trúc Võ Trọng Nghĩa luôn trong tình trạng thua lỗ, gặp khó khăn rất lớn khi đến kỳ trả lương cho nhân viên nhưng lại muốn thuê những người có trình độ tốt nhất.
Bỏ lại sau lưng những thành công trong học vấn ở Nhật, bỏ dở luận án tiến sĩ để về Việt Nam “học thất bại” theo lời khuyên của Giáo sư Hiroshi Naito, Võ Trọng Nghĩa đã có những bài học thất bại đúng nghĩa. Tuy nhiên, điểm sáng trong thời kỳ khó khăn này là Nghĩa vẫn mời được một thủ khoa về kiến trúc của Đại học Tokyo về cùng làm việc với mình từ những ngày đầu.
Làm kiến trúc ở Việt Nam mà không bản lĩnh thì luôn luôn nghèo, muốn tạo ra những tác phẩm xuất sắc thì sẽ rất nghèo, thậm chí càng đam mê để tạo ra tuyệt tác kiến trúc thì còn nghèo kiết xác luôn
Mặc dù đoạt hàng chục giải thưởng danh tiếng nhất về kiến trúc của thế giới cho những công trình tại Việt Nam mà Võ Trọng Nghĩa là tác giả, nhưng công ty mà anh làm chủ luôn trong tình trạng khó khăn về tài chính. Nghĩa cho biết, sau 9 năm mở công ty, đến tháng 7/2015, tiền thiết kế phí mới đủ trả lương cho nhân viên.
"Ở Việt Nam, người ta không sẵn sàng trả đủ phí thiết kế cho một công trình kiến trúc xuất sắc. Trên thế giới, phí thiết kế trung bình khoảng 10% giá trị công trình, với các căn nhà nhỏ thì tỷ lệ sẽ cao hơn; con số này ở Việt Nam rất thấp. Với nhiều công trình khó và đoạt giải quốc tế, phí thiết kế của mình bị kêu đắt nhưng không có mấy người tin là mức đó là bị lỗ nặng"
NHỮNG QUY ĐỊNH KỲ LẠ VÌ SÙNG BÁI THIỀN
Thất bại liên tiếp, kinh doanh khó khăn kéo dài nhiều năm, Võ Trọng Nghĩa bị stress triền miên. Anh tìm đến thiền để giải toả căng thẳng trong công việc, nhưng thật bất ngờ, thiền đem lại cho Nghĩa nhiều hơn thế. Trong một lần trả lời phỏng vấn, Nghĩa cho biết, 3 bí quyết trong công việc của mình là kiên nhẫn, sự tĩnh lặng trong tâm hồn và sống theo quy luật của tự nhiên. Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, anh nói: “Đó cũng là những nguyên lý từ thiền”.
Kể từ khi ngộ ra nhiều triết lý từ thiền, anh không chỉ luyện tập cho riêng mình mà thiền trở thành một chính sách bắt buộc tại công ty. Bất cứ nhân viên nào vào làm việc tại Vo Trong Nghia Architects đều phải qua một khoá thiền 10 ngày, mỗi ngày thiền 10 tiếng và 1 tiếng nghe phát thoại. Trong thời gian đó, người học không điện thoại, không nhắn tin, không máy tính… và ăn chay.
Nếu ở công ty, mọi người đều dành 2 tiếng trong ngày để thiền (7h30-8h30 sáng và từ 5h-6h chiều) và không có ngoại lệ. Nghĩa giải thích:"Thiền quan trọng với tất cả mọi người, chỉ có người nào nhận ra hay không thôi. Tất cả các mâu thuẫn trong xã hội kể cả giữa các quốc gia là do đầu óc điên rồ của cái tôi lớn quá và sự xa rời thiên nhiên làm cho con người ta hoang dại. Thiền giúp con người cân bằng, sống gần gũi với thiên nhiên hơn và giảm bớt ý định về mâu thuẫn đâu. Chắc chắn là như thế!".
Đó chính là cái giảm xóc cho mình, họ cân bằng hơn thì làm việc cho mình cũng tốt hơn. Vì thế, sau này mình có mở các văn phòng trên thế giới thì văn hoá đó cũng không thay đổi
Sự sùng bái thiền của Võ Trọng Nghĩa thậm chí hơi cực đoan. Năm 2015, thời điểm công ty đang phát triển bùng nổ và rất cần tuyển thêm nhân sự mới, Nghĩa vẫn cho nghỉ việc những người không thể đi thiền hàng ngày kể cả họ giỏi chuyên môn.
Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, Võ Trọng Nghĩa nhấn mạnh một quan điểm rất khác biệt của riêng mình: "Làm kiến trúc không quan trọng bằng đào tạo ra người làm kiến trúc. Đào tạo kiến trúc sư không quan trọng bằng một đội ngũ trong công ty cùng tu tập và thiền tốt; và điều đó lại không quan trọng bằng trong công ty xuất hiện một người thiền rất giỏi".
Theo Trí Thức Trẻ/CafeF
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Đang truy cập : 47
•Máy chủ tìm kiếm : 3
•Khách viếng thăm : 44
Hôm nay : 10498
Tháng hiện tại : 496260
Tổng lượt truy cập : 49914894