Đại biểu Dương Trung Quốc: Lời chúc nhau "làm người tử tế" rất đáng suy ngẫm

Đại biểu Dương Trung Quốc: Lời chúc nhau "làm người tử tế" rất đáng suy ngẫm

Cần có sự minh bạch, rõ ràng hơn trong việc đánh giá vai trò, sự hài lòng của người dân đối với hoạt động Quốc hội.


Trao đổi với chúng tôi, đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cho rằng cần có cơ chế để đánh giá người có năng lực thực sự làm đại biểu Quốc hội và cơ chế giám sát hiệu quả hoạt động của các đại biểu Quốc hội.

Đồng thời, vị Đại biểu này cho rằng lời chúc nhau "làm người tử tế" mà một vị Đại biểu Quốc hội gửi đến rất đáng để suy ngẫm

Theo ông, với những người trực tiếp tranh cử thì có nên hưởng ứng đối chất trực tiếp hay không để cử tri nhận ra ai là người thực sự có năng lực?

Ở Việt Nam chưa có cơ chế đó. Ai cũng mong muốn vậy nhưng chưa có cơ chế đối chất trực tiếp để mỗi người tự chứng minh năng lực của mình. Đối với nhau còn nể nang nên còn hạn chế phần nào. Cử tri vẫn còn tâm lý chọn người cũ cho yên tâm vì chưa biết người mới thế nào. Cho nên tôi cho rằng phải cải thiện vấn đề này, đặc biệt là giới truyền thông phải vào cuộc để tạo ra sự thúc đẩy, càng nhiều nhân tố mới càng tốt.

Trong danh sách ứng cử có nhiều người thuộc giới văn nghệ sỹ. Ông có ủng hộ?

Tôi cho rằng đây là vấn đề đáng mừng. Còn nhớ trong kỳ họp đầu tiên tôi tham gia là Quốc hội khóa XI, có rất nhiều anh chị văn nghệ sỹ tham gia ứng cử, trong đó có Chủ tịch hội nhạc sỹ, Viện trưởng viện âm nhạc quốc gia, Chủ tịch hội nghệ sỹ tạo hình… nhưng hai nhiệm kỳ gần đây không có, rất là hụt hẫng.

Kể cả nơi tôi đang làm việc là Ủy ban Văn hóa Giáo dục thiếu niên nhi đồng cũng có sự hụt hẫng vì những đại biểu thuộc ngành giáo dục còn thiếu. Dù phẩm chất của một đại biểu Quốc hội cần mở rộng ở nhiều lĩnh vực những sự có mặt của những người thuộc nhiều lĩnh vực là đúng đắn.

Cái quan trọng cuối cùng là người đó có năng lực làm đại biểu Quốc hội không chứ không phải năng lực thuần túy chuyên môn của mình.

Nhiều đại biểu quốc hội nhiệm kỳ vừa rồi có tâm tư, đại biểu chuyên trách được chi phí nhiều nhưng vai trò chưa được đảm bảo, khiến cử tri băn khoăn. Vậy theo ông Đại biểu Quốc hội chuyên trách cần làm gì để nâng cao năng lực của mình?

Vì tôi là đại biểu không chuyên trách nên phát biểu vấn đề này có nhiều vấn đề tế nhị. Tuy nhiên, với một đại biểu Quốc hội chuyên trách, phát biểu vấn đề này trên nghị trường thì cũng rất đáng suy nghĩ.

Rõ ràng người dân đòi hỏi cao.Và mặc dù mức chi cho đại biểu Quốc hội còn thiếu thốn nhưng người dân đòi hỏi nhiều. Vì nếu làm không tốt thì thà để người khác làm tốt hơn. Mỗi người rõ ràng cần làm tốt hơn vai trò của mình sao cho tương xứng. Và phải đầu tư cơ chế cho hoạt động tốt nhất.

Cũng cần chú ý đến việc 2/3 đại biểu còn lại không chuyên trách, thậm chí sống xa khu vực được cử tri bầu ra thì sẽ có những hạn chế nhất định.

Có hiện tượng gần bầu cử, nhiều cán bộ cấp phó được đưa lên cấp trưởng để tiện cho bầu cử, dẫn tới tình trạng nhiều đại biểu chuyên trách chỉ “đút chân gầm bàn” chứ không có năng lực như đại biểu không chuyên trách?

Đó là do việc nhận xét trình độ của đại biểu Quốc hội được thực hiện cuối nhiệm kỳ chứ không phải trong cả kỳ Quốc hội. Tuy nhiên, dư luận xã hội luôn quan tâm là liệu có hiện tượng chạy không? Có vấn đề tiêu cực không?

Tôi cho rằng cần sự đánh giá đại biểu Quốc hội để ghi nhận năng lực ngay trong quá trình hoạt động chứ không phải là hết nhiệm kỳ - khi có những người đã chuẩn bị về hưu và sự đánh giá còn mang tính ban phát, phục vụ cho lợi ích của họ.

Đại biểu Lê Nam có phát biểu ở phần cuối : “Chúc các đại biểu sống tử tế”. ông suy nghĩ gì về lời nhắn nhủ này?

Tôi nghĩ lời nhắn nhủ này đặt ra nhiều suy nghĩ. Câu hỏi thế nào là tử tế là điều cần phải bàn.

Nhiệm kỳ khóa XIII sắp kết thúc. Là đại biểu quốc hội, ông có tâm tư gì?

Với báo cáo tổng kết, những thành tựu Quốc hội là điều tôi phải công nhận. Nhưng ta mới đánh giá Quốc hội mà thiếu sự tương tác giữa Quốc hội với cử tri của mình, cũng như chưa có cơ chế, công cụ để thực sự biết người dân hài lòng hay không. Ta chỉ dám nói chỗ này ng dân đã hài lòng, chỗ kia còn băn khoăn, nhưng tôi mong muốn Quốc hội phải có cơ chế khoa học để tập hợp, phân tích phản ứng người dân đánh giá Quốc hội thay đổi như thế nào.

Một bước lùi của Quốc hội, đó là việc bấm nút dù có những hiệu quả tích cực như chính xác, có tác dụng lưu trữ hồ sơ, nhanh chóng nhưng lại tù mù, giống bỏ phiếu kín. Cho nên mới nảy sinh nhiều vấn đề mà Quốc hội tự cảm thấy xấu hổ như tại sao sỹ số lung tung? Bên cạnh đó, không minh bạch, không ai biết chính kiến đại biểu quốc hội như thế nào. Ng dân không giám sát được đại biểu do mình bầu ra… Điều đó tôi đã phát biểu nhiều lần, viết văn bản gửi Quốc hội nhưng chưa được thông qua.

An Ngọc

Theo Trí thức trẻ