Chổi bông sậy
Làng nghề bó chổi bông sậy Cồn Nhỏ (Phú Bình-Phú Tân, An Giang) được UBND tỉnh An Giang công nhận vào cuối năm 2006. Trước đó, không biết bao lâu, chổi bông sậy Cồn Nhỏ được dân trong làng mang đi thụ khắp vùng, thậm chí đã xuất khẩu sang Campuchia và Đài Loan
Làng nghề bó chổi bông sậy Cồn Nhỏ (Phú Bình-Phú Tân, An Giang) được UBND tỉnh An Giang công nhận vào cuối năm 2006. Trước đó, không biết bao lâu, chổi bông sậy Cồn Nhỏ được dân trong làng mang đi thụ khắp vùng, thậm chí đã xuất khẩu sang Campuchia và Đài Loan.
Anh Bảy Dô (trái) và cán bộ XDGN xã Phú Bình
Qua đò Bến Cát (sông Hậu) đi chừng trăm mét là đến cổng làng nghề bó chổi bông sậy Cồn Nhỏ. Con đường làng trải nhựa quanh co men theo bờ sông Hậu vẫn còn nhiều ngôi nhà sàn vượt lũ lêu têu trên cọc, xen lẫn trong đó là những căn nhà tường khang trang còn mới màu vôi . Anh Cao Văn Dô (Bảy Dô), người giữ báo vật của làng (Bằng công nhận làng nghề tiểu thủ công nghiệp do Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lâm Minh Chiếu tặng tháng 11-2006) cho biết, có nhiều gia đình làm nghề bó chổi bông sậy nối tiếp 2-3 thế hệ.
Bảo vật của làng
Theo sách xưa, năm 1849 gia đình Đức cố quản Trần Văn Thành sinh sống ở Cồn Nhỏ ven sông Hậu, vùng đất cù lao hoang vu cỏ sậy mọc um tùm, người dân Cồn Nhỏ cắt bông sậy để bó chổi. Thông thường, lũ lớn làm cây lúa mùa nổi bị chết ngộp, nhưng bông sậy vẫn phất phơ trước gió, cư dân Cồn Nhỏ coi nghề bó chổi bông sậy như chiếc phao cứu đói. Anh Bảy Dô so sánh thu nhập từ nghề bó chổi của gia đình nhiều hơn hẳn lợi nhuận canh tác 1,5 ha trồng hai vụ lúa. Nhà anh bó một tháng được 1.500 cây chổi, trừ tiền mua nguyên liệu còn lãi ròng gần 5 triệu đồng.
Nguyên liệu chính để bó chổi là bông sậy, trúc làm cán, cây lác ốp cán, dây cước để buộc và dây ny-lon để bện mái chổi. Mấy chục năm trước, người dân làng Cồn Nhỏ cắt bông sậy quanh vùng cù lao sông Hậu- sông Tiền, vùng tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười. Từ khi đồng ruộng chuyển sang trồng lúa hai vụ, cây sậy không còn nhiều, cư dân làng nghề phải đi ghe xuống tận rừng U Minh (Kiên Giang và Cà Mau) hay sang Campuchia mua bông sậy. Nghề bó chổi làm quanh năm nhưng cây sậy chỉ trổ bông vào tháng 7 và 8 âm lịch. Chọn cắt những bông sậy mới nhú ra khỏi búp, có màu trắng mượt bó chổi mới đẹp. Vào chính vụ, bông sậy phơi khô giá chỉ 5.000đ-6.000đ/kg nhưng trái vụ giá tăng gấp đôi vẫn khan hiếm hàng.
Nhà anh Lý Chí Tâm có 4 người bó chổi, mỗi tháng làm được từ 4.000-5.000 cây chổi chở đi tiêu thụ ở TP. Hồ Chí Minh và Đồng Nai. Mùa bông sậy trổ, anh đưa 2 chiếc ghe xuống rừng U Minh mua 20 tấn bông sậy nhưng chỉ làm được 4 tháng, hết nguyên liệu phải lên tận Đà Lạt mua bông cỏ (đót) giá tới 20.000đ/kg về bó chổi. Gia đình bà Ngô Thị Cờ có 4 lao động chính, mỗi ngày bó được 200 cây chổi, sản phẩm có 4 loại, giá bán sĩ từ 6.000đ-14.000đ/cây chổi. Mỗi chuyến hàng đi bán dạo ở Tân Châu, An Phú hay Chợ Mới, chiếc xe đẩy chở 350 cây chổi bán trong 3-4 là hết hàng, kiếm lời thêm 600.000đ, nhà không cục đất chọi chim, nhờ có nghề nghề bó chổi mà gia đình bà có được cái ăn.
Anh chị Tâm luôn miệt mài với cây chổi Bông sậy
Chị Phượng, người dân làng nghề đầu tiên làm hàng xuất khẩu
Tuy chỉ là cây chổi nhưng dân Cồn Nhỏ rất chịu khó tìm đầu ra. Chị Cao Thị Phượng, mỗi ngày bó được 80 -100 cây chổi. Mới đây có người mua 4.000 cây chổi bông sậy xuất khẩu sang Đài Loan. “ Làm hàng xuất khẩu không khó nhưng phải theo đúng quy cách mẫu mã: Cán chổi dài 60cm, mái chổi rộng 38 cm, sử dụng dây cước trắng để bó chổi”- Chị Phượng, nói tiếp: Khi có nơi mua số lượng lớn, cái khó là thiếu vốn mua nguyên liệu để làm. Lần đầu tiên, tôi có hợp đồng cung ứng 6.000 cây chổi nhưng chỉ đáp ứng được 2/3, phần còn lại phải hẹn đến mùa bông sậy. Cái khó của chị Phượng cũng là cái khó chung của dân làng bó chổi bông sậy Cồn Nhỏ. Ngân hàng Chính sách xã hội ở Phú Tân cho vay mỗi hộ 7 triệu đồng nhưng nguồn vốn này không đủ so nhu cầu. Theo chị Phượng, mỗi hộ cần vốn 50 triệu đồng mua nguyên liệu dự trữ cho sản xuất cho 6 tháng, chứ đi vay nóng lãi suất cao đâu còn lời lóm gì.