Là một quốc gia có trên 80% dân số sống ở vùng nông thôn nên việc phát triển OVOP ở Việt Nam có tác dụng rất tốt đến thu nhập của người dân. Chính phủ Việt Nam rất quan tâm tới công cuộc phát triển ngành nghề nông thôn nói chung và các sản phẩm vùng miền nói riêng, coi đây là yếu tố quan trọng để phát triển đất nước.
Năm 2005, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã xây dựng đề án về “Chương trình phát triển mỗi làng một nghề giai đoạn 2006 – 2015”, gắn với triển khai chương trình quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2020. Trong đó, mỗi làng sẽ tự chọn và quyết định hình thành, phát triển một nghề có nhiều hộ và doanh nghiệp tham gia. Mỗi xã quyết định phát triển ít nhất một làng nghề có sản phẩm đặc trưng của địa phương. Từ đó đưa mức tăng trưởng ngành nghề nông thôn đạt 15%/năm; mức tăng trưởng xuất khẩu sản phẩm ngành nghề đạt 20-22%/năm.
|
Nghề dệt lụa ở Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội (Ảnh: HNV) |
Tuy nhiên, có thể thấy, cho tới nay, OVOP với Việt Nam vẫn còn khá mới mẻ, chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp, làng nghề. Các chính sách hỗ trợ chưa cụ thể, chưa thật sự đáp ứng được nhu cầu doanh nghiệp. Việc quảng bá, tiêu thụ sản phẩm vẫn gặp nhiều khó khăn. Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp, người dân làng nghề chủ yếu đang sản xuất ở quy mô nhỏ lẻ, sản phẩm đại trà chứ chưa mang tính "độc quyền", chưa tạo được sự độc đáo, chuyên biệt.
Theo Hiệp hội xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ (TCMN) Việt Nam, việc phát triển phong trào OVOP ở mỗi một quốc gia có những đặc thù riêng, song cơ bản đây là sự lựa chọn các sản phẩm mang tính đặc trưng nhất của mỗi một địa phương, mỗi vùng miền và mỗi quốc gia để gia nhập thị trường trong nước và quốc tế. Để phát triển thành công thị trường cho các sản phẩm OVOP đòi hỏi mỗi quốc gia phải khai thác tối đa các lợi thế cạnh tranh của sản phẩm, đặc biệt là tạo ra các giá trị gia tăng cho sản phẩm nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Việc phát triển thị trường cho các sản phẩm OVOP cũng đòi hỏi phát triển toàn diện các yếu tố trong chuỗi giá trị của sản phẩm, từ công tác phát triển nguyên liệu, chế biến đến việc thúc đẩy các hoạt động quảng bá và phát triển thị trường.
Riêng đối với Hà Nội, theo Sở Công Thương TP, đây là một “đất trăm nghề” với tên tuổi của bao làng nghề nổi tiếng, là niềm tự hào của mỗi người Việt Nam. Với 1.350 làng có nghề, chiếm tới 67% số làng nghề cả nước, Hà Nội tự hào là một trong những thành phố có nhiều làng nghề thủ công nhất trên thế giới với lịch sử hình thành và phát triển lâu đời, trong đó có 244 làng nghề truyền thống được gìn giữ và phát triển qua nhiều thế hệ.
Thống kê theo Báo cáo điều tra của tổ chức JICA Nhật Bản nêu rõ, Hà Nội có 47/52 nghề toàn quốc với hàng chục nhóm nghề đang phát triển như: gốm sứ, da giày, điêu khắc, khảm trai, thêu ren, sơn mài, mây tre đan, chế biến nông sản thực phẩm, cơ kim khí... trong đó có một số nhóm nghề đang phát triển nhanh như: gốm sứ, mây tre đan, sơn mài, điêu khắc, chế biến nông sản thực phẩm, nuôi trồng sinh vật cảnh... Làng nghề Hà Nội không chỉ góp phần tạo thu nhập và việc làm cho người thợ thủ công mà còn tạo nét văn hóa riêng đặc trưng của mảnh đất thủ đô ngàn năm văn hiến này.
|
Nghề thêu truyền thống ở Hội An, Đà Nẵng (Ảnh: HNV) |
Cũng theo Sở Công Thương TP Hà Nội, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của thủ đô đa dạng, phong phú nhưng cũng đang phải đối diện với nhiều khó khăn để có thể trở thành mô hình OVOP thực sự, trước hết là công tác đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là đào tạo kỹ năng thiết kế và phát triển sản phẩm, sản xuất các mặt hàng tinh xảo có giá trị gia tăng cao.
Đa số các nhóm sản phẩm làng nghề của Hà Nội còn phục vụ chủ yếu cho thị trường nội địa, một số xuất khẩu nhưng khó khăn là công tác đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn... còn manh mún, nhỏ lẻ, thiếu quy mô. Thêm nữa, mặc dù có quy hoạch 15 làng nghề kết hợp du lịch trên địa bàn TP như: làng nghề khảm trai Chuôn Ngọ, thêu Thắng Lợi, sơn mài Hạ Thái; làng nghề gốm sứ Bát Tràng... nhưng còn bộc lộ nhiều hạn chế: người dân chưa quen với hình thức du lịch làng nghề, thiếu kiến thức về du lịch, thiếu kiến thức tiếp thị và trình độ ngoại ngữ còn hạn chế; cơ sở hạ tầng đặc biệt là dịch vụ cần thiết đón khách còn thiếu. Sản phẩm du lịch làng nghề còn chủ yếu dựa vào tài nguyên sẵn có, ít tạo sự khác biệt, do đó, thiếu sức hút với khách du lịch...
Theo Câu lạc bộ doanh nhân sáng tạo (VCE Club), để phong trào OVOP Việt Nam thực sự phát huy hiệu quả, nên tiếp thu quan điểm phát triển sản phẩm/dịch vụ công nghiệp sáng tạo. Điều đó có nghĩa là các làng nghề hoặc những nghề, loại sản phẩm được lựa chọn tham gia chương trình OVOP cần chú trọng vào việc làm sao nâng cao giá trị sản phẩm từ việc gia tăng giá trị thặng dư của chúng dựa vào hàm lượng sáng tạo của sản phẩm.
Thế mạnh của Việt Nam là nguyên liệu dồi dào, là các công thức, phương pháp sản xuất dạng bí truyền; là trình độ tay nghề cao để làm ra những sản phẩm tinh xảo và là đặc trưng văn hóa thấm vào từng sản phẩm. Cái thiếu lúc này của các làng nghề là một chiến lược định vị chính xác cho từng loại sản phẩm; thiết kế tạo mẫu cho phù hợp với từng phân khúc thị trường; bao bì, đóng gói và một chiến lược truyền thông tiếp thị nhất quán, bài bản để kể những câu chuyện thương hiệu, văn hóa của sản phẩm gây tò mò cho người tiêu dùng.
Muốn làm được điều này cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Nhà nước – nhà tư vấn – nhà nghiên cứu – nhà đầu tư và nhà nông. Trong mối quan hệ đó, Nhà nước đóng vai trò hỗ trợ cơ chế chính sách và luật pháp; Nhà tư vấn (hỗ trợ chiến lược định vị, sáng tạo, quảng bá và phát triển tổng thể); Nhà nghiên cứu (hỗ trợ sưu tầm, biên tập, chuẩn hóa những câu chuyện lịch sử, văn hóa của làng nghề); Nhà đầu tư – Nhà phân phối (đầu tư vốn, công nghệ, dây chuyền và tiêu thụ sản phẩm); Nhà nông (các làng nghề) – Nhà sản xuất (doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm thủ công mỹ nghệ).
Phong trào OVOP được khởi xướng ở từ thành phố Oita, Nhật Bản từ năm 1979. Có 3 nguyên tắc cơ bản để phát triển Phong trào OVOP là Hành động địa phương nhưng suy nghĩ toàn cầu (2) Tự tin và sáng tạo (3) phát triển nguồn lực. Điểm cốt lõi của OVOP là mỗi làng phải chọn cho mình một sản phẩm đặc biệt nổi trội, có tính cạnh tranh cao nhất so với các địa phương khác. Chính quyền sẽ hỗ trợ về chính sách, kỹ thuật, vốn và thị trường nhằm mang lại giá trị gia tăng cao nhất. Phong trào OVOP đã đem lại thành công cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Oita và lan rộng toàn nước Nhật. Phong trào này sớm trở nên nổi tiếng như một điển hình của việc phát triển ngành nghề nông thôn trên cơ sở tận dụng các nguồn lực địa phương. |
Nguồn tin: ĐCSVN
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn