Silk Khmer Srây Skốth
Srây Skốth có những ngày nắng chói chang và những ngày không có gì để làm. Đi sâu vào phum sóc, những người già ngồi trước thềm rị mọ vá những chiếc chăn cũ. Thỉnh thỏang, một chiếc xe bò trống trơn từ thị trấn Tri Tôn (An Giang), rẽ vào Tỉnh lộ 948 về Văn Giáo (Tịnh Biên) và rẻ vào Srây Skốth ...
Srây Skốth có những ngày nắng chói chang và những ngày không có gì để làm. Đi sâu vào phum sóc, những người già ngồi trước thềm rị mọ vá những chiếc chăn cũ. Thỉnh thỏang, một chiếc xe bò trống trơn từ thị trấn Tri Tôn (An Giang), rẽ vào Tỉnh lộ 948 về Văn Giáo (Tịnh Biên) và rẻ vào Srây Skốth ... chỉ nghe tiếng chuông gõ từng nhịp theo bước chân của cặp bò gầy.
Dệt lụa ở Văn Giáo
Làng dệt Khmer Srây Skốth cả trăm tuổi im tiếng, thợ giỏi nghề sang Cô Tô (Tri Tôn) hoặc Ba Hòn (Kiên Giang) đập đá mưu sinh. Nhiều gia đình như vậy, họ không tìm được nơi mua lụa. Ngược lại, lụa là, vải vóc từ Thái Lan ào ạt tràn vào. Trong ký ức của người Srây Skốth, không chỉ có làng này mà gia đình Khmer nào ở Bảy Núi cũng có ít nhất một khung dệt để tự dệt xà-rông, khăn vằn, vải. Các thiếu nữ được truyền nghề để tự tay dệt những khúc lụa đẹp nhất cho ngày cưới. Cuộc sống tự cung tự cấp là vậy, đến mùa lễ hội thì các thiếu nữ có dịp khoe tài. Từ xa xưa, ưu tú hơn cả trong làng dệt là Srây Skốth. Nghề dệt ở Srây-Skốth từng chinh phục dân Phnom Penh (Campuchia) khi tạo sắc thái mới so hàng bản địa, với những hoa văn hình vuông, tròn hoặc đa giác đều (bắt bông trơn). Nếu là thảm, rèm, trướng... dân Srây Skốth dùng kỹ thuật “chằng hun” (bắt bông dâu) và bao giờ cũng nhuộm từ nhựa vỏ cây theo phương pháp cổ truyền chứ không xài thuốc nhuộm. Nhờ đó, lụa càng óng ả. Hơn nữa, với kỹ thuật dệt ba lớp tơ ( ba màu khác nhau trên cùng một mảnh vải), lụa Srây Skốth có thể thay đổi màu, khi đứng thấy màu xanh, lúc ngồi trông màu đỏ, nhìn nghiêng thấy màu cam.
Chị Lê Kim Khá, cán bộ Hội Phụ nữ xã Văn Giáo ( Tịnh Biên, An Giang) cho biết: “ Chiến tranh biên giới tây nam khiến làng nghề đóng cửa. Mãi đến cuối thập niên 1980, Néang Nhây là một trong vài hộ bắt đầu dệt lụa trở lại. Mọi việc thật lặng lẽ và đơn độc vì tương lai chỉ là tia yếu ớt ở cuối đường hầm. Năm 1999, nghệ nhân Néang Khol, Néang Kim Lương, Néang On... bắt đầu trở lại với nghề. Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh An Giang, Tổ chức CARE biết tin này đã đến phum Srây Skốth giúp 36 chị em Khmer khôi phục khung dệt, học cách dệt theo mẫu kết hợp phong cách truyền thống và hiện đại. Tới nay số học việc lên tới 50 người, dân Srây Skốth đã lập ra HTX dệt Văn Giáo, quy mô 136 khung dệt, 136 xã viên- chưa kể 239 lao động phụ việc.
Srây Skốth khôi phục khung dệt nhưng chưa tự tin khi lập làng nghề. Mãi đến năm 2005, UBND tỉnh An Giang phê duyệt đề án làng nghề thì quy trình sản xuất khép kín từ trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ và dệt lụa mới định hình rõ ràng. Cụ Châu Mun (74 tuổi) - người thợ đóng khung dệt chan-hun (khăn vấn đầu, xà-rông) nổi tiếng ở Văn Giáo, nói: Dệt là nghề truyền thống của phụ nữ Khmer Srây Skốth, hổng có nghề sống cực lắm. Lúc đầu, có nghề sống chưa sướng nhưng không sợ đói. Còn bây giờ, giỏi thì có tiền”. Bà Néang On (64 tuổi) - thợ dệt ở Srây Skốth nói: Đất ruộng, tui có mấy công. Sống cực lắm. mò cua bắt ốc chứ làm sao. Có nghề mà đem ra chợ không được là sống không nổi. May có HTX.
HTX Văn Giáo có trong tay cái nghề từng tồn tại 100 năm, nhưng cả quảng thời gian dài khôi phục họ cũng chỉ có thể bán ra trên 8000 sản phẩm. Những sản phẩm còn có thể đếm được tức là chưa nhiều lắm. Thu nhập bình quân của xã viên 20 - 25 ngàn đồng/ngày, mỗi lao động phụ việc kiếm được 15 ngàn đồng/ngày, tức chưa quá 1 mỹ kim. Làm sao sự tinh xảo, độc đáo ấy được nhiều người biết tới, hàng bán nhiều hơn và thu nhập của cộng đồng nhỏ này được cải thiện là điều mà dân Srây Skốth luôn khao khát.