Honors Commodity – Một nhà buôn tại Sing trực thuộc chính phủ Trung Quốc, đã nhận 1.200 lô đường thô – tương đương 61.000 tấn. Đây chỉ là 1 phần nhỏ của tổng hợp đồng giao dịch trị giá 11.351 lô – hay 576.660 tấn.
Công ty phân bón và hạt giống Corteva Inc. (một tách nhánh từ cuộc hôn phối giữa tập đoàn hóa chất Dow Chemical và Dupont), tỏ ra lạc quan về tăng trưởng doanh số từ nhu cầu cho mặt hàng thuốc trừ sâu tăng cao. Tuy nhiên, cũng dự báo về sự biến động giá cao cho nguyên liệu đầu vào cũng như chi phí vận tải vì đại dịch Covid-19.
Giá Hợp đồng tương lai cho Bông Cotton rớt 0,1 điểm (%), về 87,.08 xu ($) mỗi pound (lb). Giao động trong khoảng 86,8 xu đến 87,94 xu mỗi pound. Góp phần cho sự biến động giá này là do sự ổn định của Đồng Bạc Xanh Dollar và sự chờ đợi báo cáo từ cơ quan USDA của Mỹ.
Nguồn: Reuters
2/ Thương mại toàn cầu rục rịch hồi phục
Tổng giám đốc WTO Ngozi Okonjo Iweala nhận định, việc đẩy mạnh sản xuất vắc-xin sẽ cho phép các doanh nghiệp và trường học mở cửa trở lại nhanh hơn và giúp các nền kinh tế đứng vững trở lại. Ước tính năm 2021, thương mại hàng hóa thế giới sẽ bứt phá 8% về khối lượng sau khi giảm 5,3% vào năm 2020.
WTO đã theo dõi kịp thời các chỉ số liên quan đến thương mại. Đơn cử, nhiên liệu và các sản phẩm khai khoáng vẫn giảm 19% trong quý IV năm ngoái. Hầu hết các loại hàng hóa sản xuất đều có mức tăng đáng kể trong nửa cuối năm 2020. Sự sụt giảm trong thương mại sắt thép thế giới diễn ra nhanh chóng, từ 17% đến 2% trong khoảng thời gian từ quý III đến quý IV năm 2020. Hàng dệt may tăng trưởng mạnh mẽ trong cả hai quý, điều này có lẽ phản ánh nhu cầu cao đối với khẩu trang y tế. Các mặt hàng điện tử bao gồm máy tính cũng có mức tăng trưởng ổn định 12% trong nửa cuối năm 2020, được thúc đẩy bởi việc chuyển sang làm việc từ xa. Dịch vụ du lịch và vận tải trên toàn cầu giảm lần lượt 63% và 19% vào năm 2020 so với năm 2019, do ảnh hưởng của các hạn chế chứa Covid-19. Tình hình tốt hơn cả là danh mục “dịch vụ thương mại khác”, bao gồm dịch vụ tài chính và dịch vụ máy tính, chỉ giảm 2%.
Tuy số lượng các chuyến bay quốc tế hàng ngày giảm 80% trong quý đầu của 2020. Sự bùng phát trở lại của vi rút đã làm giảm các chuyến bay vào năm 2021. Đường bay quốc tế không chỉ liên quan đến du lịch, mà còn vận chuyển và hàng hóa thương mại.
Trái ngược với các chuyến bay quốc tế, vận tải đường biển ổn định hơn trong thời kỳ đại dịch. Số lượng các lượt ghé cảng giảm trong tháng 2 và tháng 4 năm ngoái cũng như vào tháng 1 năm nay, phản ánh thời kỳ cao điểm của tình trạng lây nhiễm. Sự sụt giảm gần đây là đáng lo ngại vì các quốc gia ngày càng phụ thuộc vào thương mại quốc tế để có được những nhu cầu thiết yếu như thực phẩm và thuốc men. Giá hàng ngày của các hợp đồng tương lai giảm mạnh vào tháng 3 năm 2020 khi tin tức về đại dịch lan truyền, nhưng đã tăng kể từ đó, phản ánh triển vọng kinh tế được cải thiện.
Nguồn: Báo Công Thương
3/ Thời kỳ vàng cho thương mại Việt – Mỹ
Việt Nam xếp thứ 06 trên thế giới và thứ 03 châu Á (sau Trung Quốc và Nhật Bản) xét về kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang Hoa Kỳ. Tổng kim ngạch trao đổi thương mại giữa hai nước vượt qua mốc 90 tỷ USD (đạt 90,8 tỷ USD) và cùng hướng tới con số 100 tỷ USD vào năm 2021.
Trong 3 tháng đầu 2021, Hoa Kỳ trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch 22,4 tỷ USD. Nhiều mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu đạt từ 1 tỷ USD trở lên như nội thất, dệt may, giày dép, máy vi tính, linh kiện điện tử… Hiện Hoa Kỳ đang có nhu cầu rất cao về các sản phẩm của Việt Nam như găng tay y tế, đồ gỗ nội thất, sản phẩm công nghệ cao phục vụ công nghệ thông tin, nông nghiệp, thủy sản…
Chính quyền Hoa Kỳ hiện nay đặc biệt quan tâm đến biến đổi khí hậu. Theo đó, các sản phẩm của Việt Nam với mô hình sản xuất hướng đến ít khí thải, ít ảnh hưởng môi trường sẽ là lợi thế lớn. Đặc biệt, cần quan tâm đến việc bảo hộ thương hiệu, sở hữu trí tuệ, tránh tình trạng tranh chấp thương hiệu như Gạo ST25 đang diễn ra.
DN xuất khẩu Việt Nam, nhất là ngành thực phầm, cần phải nắm vững những quy định của FDA đối với việc xuất khẩu thực phẩm đến Hoa Kỳ. Theo đó U.S. FDA là cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm của Chính phủ Hoa Kỳ với hai vai trò chính là “người giữ cổng” và “cảnh sát”. Trong vai trò “người giữ cổng”, FDA thực hiện cấp giấy phép cho những bộ phận quyết định về dược phẩm, thiết bị y tế, phụ gia thực phẩm… phù hợp với thị trường. Họ đặt ra những tiêu chuẩn, thường dành cho sản phẩm đầu vào của công chúng và công nghiệp. Còn đứng trên vai trò “cảnh sát”, FDA được quyền đặt ra các quy định và thực hiện thanh tra việc tuân thủ các quy định đó. Đồng thời, phát hành những “thư cảnh cáo” kết hợp bắt giữ cùng với hải quan, khởi tố vi phạm…
Với những quy định của Hoa Kỳ thì các cơ sở sản xuất, chế biến, đóng gói, kho bãi, nơi lưu trữ sản phẩm phải thực hiện đăng ký số FDA. Ngoài ra, việc đăng ký số FDA không được sử dụng cho mục đích quảng cáo, không sử dụng logo của FDA trên các sản phẩm thực phẩm, thực phẩm chức năng. FDA sẽ không thanh tra cơ sở trước khi cấp số đăng ký, tuy nhiên các cơ sở nộp hồ sơ đăng ký cần đồng thanh tra hậu kiểm của FDA. Đăng ký số FDA tại Hoa Kỳ phải được gia hạn bắt buộc vào các năm chẵn…
Nguồn: Báo Công Thương
4/ Dệt May: “bài toán” nguyên phụ liệu nào trong các FTA?
Chưa tận dụng triệt để!
Tỷ lệ sử dụng C/O ưu đãi xuất khẩu (XK) sang các thị trường có FTA của ngành dệt may hiện khoảng 58%. Ông Phạm Xuân Hồng – Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP. Hồ Chí Minh – cho hay, tỷ lệ này đồng đều giữa các FTA. Đơn cử, Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đạt khá, khoảng 60 – 70%, chủ yếu là C/O xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản; Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đạt tỷ lệ thấp, chỉ 20 – 30%.
Ông Cao Hữu Hiếu – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam – cho rằng, tỷ lệ C/O còn khiêm tốn và DN dệt may chưa tận dụng triệt để lợi ích các FTA mang lại. Nguyên nhân là do trở ngại lớn về nguồn gốc xuất xứ. Đơn hàng của DN hiện chủ yếu là may gia công, nguồn vải nhập khẩu, việc đáp ứng nhu cầu về xuất xứ từ sợi, vải trở đi khá khó khăn. Cho dù có FTA, khả năng khai thác hạn chế bởi các loại sợi, vải trong danh sách linh hoạt xuất xứ khá đặc biệt, ít dùng… Để được hưởng ưu đãi về thuế, DN XK cần đảm bảo các yêu cầu về tuân thủ chứng minh xuất xứ, khai báo DN, lưu trữ hồ sơ, chứng từ rất nghiêm ngặt.
Một nguyên nhân nữa là áp lực cạnh tranh từ khối DN FDI. Từ năm 2015 tới nay, ngành dệt may thu hút khoảng 100 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký hơn 2 tỷ USD- tăng nguy cơ DN Việt thua trên chính sân nhà.
Về vĩ mô, các quốc gia đối thủ XK dệt may như Trung Quốc, Ấn độ, Bangladesh, Pakistan, Indonesia… đưa ra những động thái hỗ trợ cụ thể cho DN để tạo lợi thế cạnh tranh. Đơn cử, Ấn Độ có các quỹ hỗ trợ XK, quỹ giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu máy móc, giảm thuế DN; Trung Quốc phá giá Nhân dân tệ thúc đẩy XK…
Do vậy, DN dệt may cần được hỗ trợ phát triển các khu công nghiệp theo chuỗi khép kín; có chính sách ưu đãi về thuế, đất đai, môi trường riêng cho ngành dệt; bỏ thuế VAT khi mua nguyên phụ liệu trong nước; giảm chi phí logistics. Bên cạnh đó, Chính phủ cần phát triển công nghiệp phụ trợ đủ mạnh, đáp ứng nhu cầu về nguyên phụ liệu để gia tăng hàm lượng nội địa cho hàng hóa XK. Trước mắt, cần thu hút và cấp phép cho các dự án dệt nhuộm, nhất là dự án có trình độ thiết bị công nghệ tiên tiến và quy trình xử lý nước thải bảo đảm thân thiện môi trường.
Nguồn: Báo Công Thương
5/ Nghị Viện Châu Âu với thỏa thuận hậu Brexit
Ngày 28/4, Anh đã bày tỏ hoan nghênh việc Nghị viện châu Âu (EP) phê chuẩn thỏa thuận thương mại hậu Brexit. Thủ tướng Anh Boris Johnson đánh giá việc phê chuẩn này là “bước cuối cùng trong một hành trình dài.”
Theo Thủ tướng Johnson, việc EP thông qua thỏa thuận này sẽ tạo ra “sự ổn định” trong quan hệ giữa Anh và Liên minh châu Âu (EU). Về phía châu Âu, Anh vẫn là “người bạn và đối tác quan trọng” của EU.
Cùng ngày, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cũng hoan nghênh việc EP thông qua TCA, đồng thời nhấn mạnh việc thực thi thỏa thuận này là rất quan trọng. Trước đó cùng ngày, với 660 phiếu thuận, 5 phiếu chống và 32 phiếu trắng, EP đã phê chuẩn TCA, trong đó định hình mối quan hệ thương mại giữa EU và Vương quốc Anh.
Thỏa thuận này bao gồm những quy định về quan hệ song phương trên quy mô rộng, trong đó bảo đảm tự do thương mại với hàng hóa sản xuất tại Anh xuất sang EU và ngược lại, thiết lập các quy định về hợp tác trong một số lĩnh vực, bao gồm đánh bắt cá, hàng không và vận tải hàng hóa cùng một số dịch vụ khác.
Nguồn: Vietnam Plus
6/ Cần chuỗi cung ứng hoàn chỉnh hơn nữa để tận dụng CPTPP
Hơn 2 năm kể từ khi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực, Hiệp định này đã trở thành động lực đối với trao đổi thương mại Việt Nam và các quốc gia đối tác. Tuy nhiên, tại thị trường châu Mỹ – vốn rất tiềm năng, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vẫn chưa được như kỳ vọng.
Thị trường màu mỡ
Canada là quốc gia đầu tiên phê duyệt Hiệp định CPTPP. Sau 2 năm, kim ngạch xuất khẩu sang Canada đạt 4,4 tỷ USD, tăng 45% so với năm 2018. Trong 3 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu tiếp đà tăng trưởng năm ngoái, tăng 15%.
Bà Đỗ Thị Thu Hương – Tham tán Thương mại Việt Nam tại Canada – cho biết, Canada đang là thị trường tiềm năng của Việt Nam – giá trị nhập khẩu trên đầu người cao gấp đôi Mỹ dù quy mô dân số chỉ bằng 1/10.
CPTPP mang lại nhiều cơ hội rất lớn. Tuy nhiên, thị phần hàng nhập khẩu từ Việt Nam tại Canada vẫn còn khiêm tốn, chiếm 1,4% trong năm 2020. Tuy nhiên, không phải mặt hàng nào cũng được hưởng ưu đãi. Đối với mặt hàng thực phẩm, thuế suất nhập khẩu đối với hàng hoá xuất xứ từ nước ngoài là rất thấp. 56% mặt hàng thực phẩm từ Việt Nam đã nhận được mức thuế suất 0% dù không có Hiệp định CPTPP. 7-8% đối với hàng dệt may, 9-11% đối với hàng nội thất, 7-11% đối với hàng túi xách.
Một quốc gia khác tại Châu Mỹ cũng thuộc CPTPP là Mexico, lại có ý nghĩa như một cửa ngõ cho hàng hoá Việt Nam. Hiện, Mexico đã ký kết FTA với 16 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó 2 hiệp định lớn gồm khối Liên minh Thái Bình Dương (Mexico, Chilê, Columbia, Peru với 230 triệu dân, GDP: 2.100 tỷ USD) và Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (Mỹ, Canada, Mexico với gần 500 triệu dân, GDP: 21.000 tỷ USD).
“Có rất nhiều văn phòng đại diện của các công ty lớn ở châu Mỹ đặt tại Mexico. Chúng ta sử dụng thuận lợi này để có thể xuất khẩu sang các nước khác trong khu vực châu Mỹ”, ông Lưu Vạn Khang – Tham tán Thương mại Việt Nam tại Mexico – cho biết.
Ông Nguyễn Chánh Phương – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Đồ gỗ và mỹ nghệ TP.HCM: “Doanh nghiệp vẫn chờ người mua hàng đến là nhiều, thiếu chủ động.”
Ông Thân Đức Việt – Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 – chia sẻ: “Khó khăn lớn nhất của chúng tôi là các quy tắc xuất xứ. Đối với các nước châu Âu, họ chỉ yêu cầu từng đường may, còn đối với các nước ký kết CPTPP, họ yêu cầu từng sợi chỉ. Khi chúng tôi xúc tiến thương mại, nếu chỉ may không có xuất xứ từ Việt Nam thì họ cũng sẽ không cho phép nhập khẩu vào thị trường Canada. Do đó, nguồn nguyên liệu vải, sợi là nút thắt ảnh hưởng đến việc liệu có áp dụng được quy tắc xuất xứ hay không. Trong tương lai gần, Việt Nam cần phải xây dựng chuỗi cung ứng hoàn chỉnh để chúng ta hưởng toàn bộ ưu đãi thuế quan, không chỉ là CPTPP mà còn là EVFTA.”
Theo ông Việt, dù chỉ 30% trong tổng số 6,5 triệu USD giá trị hàng hoá của Công ty May 10 xuất khẩu vào Canada được ưu đãi thuế suất 0%, và để nhận được ưu đãi thuế quan, công ty này đang liên kết rất chặt chẽ với các nhà sản xuất vải và sợi trong nước để tìm ra các mặt hàng tạo thành chuỗi cung ứng.
Bà Đỗ Thị Thu Hương, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Canada đề xuất, các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động hơn nữa trong việc tìm hiểu về Hiệp định CPTPP, tìm hiểu sâu, rõ về thuế nhập khẩu ưu đãi, quy tắc xuất xứ, thủ tục lưu trữ, chứng minh xuất xứ.
Nguồn: Báo Công Thương
7/ UKVFTA: lợi thế cạnh tranh cho Việt Nam
Từ ngày 1/5/2021, hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Vương quốc Anh (UKVFTA) chính thức có hiệu lực đầy đủ. Đặc biệt, UKVFTA tạo lập lợi thế cạnh tranh cho nhiều sản phẩm Việt Nam như nông sản, thủy sản, giày dép, sản phẩm cao su, đồ gỗ…
Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Cảnh Cường – Tham tán Thương mại Việt Nam tại Anh kiêm nhiệm Ireland – với phóng viên Báo Công Thương.
Theo ông Cường, nhờ UKVFTA, hầu hết các sản phẩm Việt Nam được Anh cho miễn thuế nhập khẩu ngay lập tức hoặc theo lộ trình giảm thuế khá nhanh (1 năm, 3 năm, 5 năm, 7 năm hoặc 8 năm). Các mặt hàng được miễn thuế nhập khẩu không hạn ngạch ngay lập tức gồm: cà phê, chôm chôm, xoài, vải nhãn, thanh long, dừa, dưa,… Các sản phẩm tôm, cá ngừ, cá xay, gạo thơm, tinh bột sắn và một số nông sản khác cũng được miễn thuế theo hạn ngạch. Các sản phẩm công nghiệp được miễn thuế ngay gồm có túi xách, ví, cặp, vali, giày bảo hộ và giày thể thao, hàng dệt may là đồ lót, áo choàng tắm, quần áo ngủ, đồ mặc trong nhà, đồ bơi, khăn tay, khăn choàng và cavat (trừ loại tơ tằm), găng tay, quần tất, quần áo trẻ em, áo blouse hoặc sơ mi dệt kim dành cho nữ hoặc trẻ em gái…
Trong 3 tháng đầu 2021, xuất khẩu của Việt Nam sang Anh đạt gần 1,6 tỷ USD, tăng 22,1% so với cùng kỳ năm ngoái. UKVFTA cũng tạo cơ hội cho những mặt hàng xuất khẩu chủ lực khác của Việt Nam như đồ gỗ, sản phẩm dệt may, sản phẩm cao su, gạo, giày dép,…. Dung lượng thị trường nhập khẩu hơn 700 tỷ USD hàng hóa của Anh quốc còn nhiều dư địa để các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận và khai thác.
Không những thế, UKVFTA còn tạo lập lợi thế cạnh tranh cho nhiều sản phẩm Việt Nam như đã nêu trên trước các sản phẩm cùng loại đến từ Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines, Ấn Độ, Brazil, … Đây là các quốc gia có năng lực sản xuất và thương mại rất mạnh nhưng họ chưa kịp có Hiệp định Thương mại tự do với Anh. Những doanh nghiệp Việt Nam đã thiết lập được quan hệ bạn hàng vững chắc tại Anh và có sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng của EU hoặc của Anh sẽ có khả năng tận dụng lợi thế cạnh tranh nhờ UKVFTA nhanh hơn các doanh nghiệp mới để gia tăng thị phần.
Các doanh nghiệp Việt Nam có thể tra cứu Biểu thuế nhập khẩu của Anh (UKGT) trên đường link https://www.gov.uk/guidance/tariffs-on-goods-imported-into-the-uk để xác định xem sản phẩm của mình có được miễn thuế nhập khẩu vào Anh hay không và đánh giá mức độ cạnh tranh của mình so với các đối thủ đến từ các nước khác.
Để tận dụng được những ưu đãi mà UKVFTA mang lại, ông có lời khuyên gì đối với các doanh nghiệp Việt Nam?
Để thụ hưởng và tận dụng được các ưu đãi từ UKVFTA, doanh nghiệp Việt Nam phải đáp ứng được yêu cầu chất lượng và quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn EU hoặc tiêu chuẩn UK. Doanh nghiệp Việt Nam còn có thể học hỏi từ chính đối thủ cạnh tranh của mình thông qua www.amazon.co.uk, www.alibaba.com, www.made-in-china.com … Bên cạnh đó, việc tham dự các hội chợ, triển lãm thương mại quốc tế chuyên ngành để giới thiệu sản phẩm mẫu cũng là một phương thức tiếp cận khách hàng hiệu quả.
Doanh nghiệp Việt Nam có thể tìm kiếm các công ty thương mại hoặc nhà phân phối cho sản phẩm của mình trên các trang danh bạ như www.ukdirectory.co.uk hoặc www.esources.co.uk. Trong các giao dịch thư điện tử, doanh nghiệp Việt Nam không nên dùng dịch vụ email miễn phí như: Gmail, yahoo, Hotmail mà email chính thống của doanh nghiệp có địa chỉ và số điện thoại đăng ký như trên website. Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam có thể đăng ký để trở thành nhà cung cấp cho các siêu thị lớn của Anh quốc thông qua hướng dẫn trên website của họ.
Giải pháp chủ đạo mà doanh nghiệp Việt Nam cần làm là nâng cao năng lực cạnh tranh và tham gia tích cực vào chuỗi giá trị để trở thành một bộ phận tạo nên giá trị gia tăng của nền kinh tế quốc gia và kinh tế toàn cầu.
Vừa qua, Thương vụ Việt Nam tại Anh đã cùng 4 chuyên gia thị trường sở tại biên soạn một cuốn sách điện tử ‘Thị trường Anh: Những điều cần biết’. Doanh nghiệp quan tâm đến thị trường Anh có thể download miễn phí trên link https://vnuk.vn/. Trong thời gian tới, Thương vụ sẽ tích cực tiếp cận các nhà nhập khẩu sở tại để quảng bá sản phẩm Việt Nam và hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam có uy tín tiếp cận thị trường Anh.
Xin cảm ơn ông!
Nguồn: Báo Công Thương
8/ Cần nắm rõ văn hóa bản địa khi xuất khẩu sang Anh
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Vương quốc Anh (UKVFTA) chính thức có hiệu lực từ ngày ⅕. Tuy nhiên, để hàng hóa Việt Nam thâm nhập sâu vào thị trường Anh, các chuyên gia cho rằng doanh nghiệp Việt Nam phải nắm rõ văn hóa bản địa cũng như tìm hiễu kỹ hơn về phương thức thanh toán và các kênh phân phối tại đây.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, 3 tháng đầu 2021, xuất khẩu sang Anh đạt gần 1,6 tỷ USD, tăng 22,1%. Dư địa tăng trưởng cho các mặt hàng có thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam như sản phẩm gỗ, đồ gỗ, dệt may, cao su, cà phê, gạo, giày dép… Đặc biệt, mặt hàng đồ gỗ của Việt Nam khi xuất khẩu sang thị trường Anh có khả năng cạnh tranh bởi chất lượng cao nhưng chi phí lại thấp.
Dù vậy, các doanh nghiệp phải tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, phải giữ được các khách hàng đã có và phát triển thêm khách hàng mới với những mặt hàng mới trước các đối thủ lớn đến từ Trung Quốc, Italy, Đức, Ba Lan và Hoa Kỳ. Hiệp định UKVFTA chỉ rõ ngay khi hiệp định có hiệu lực các mặt hàng dệt may của Việt Nam được giảm thuế nhập khẩu về 0% (từ 12%) và tập trung vào mặt hàng nguyên liệu và dệt may. Ngoài ra, giày dép cũng có nhiều dư địa để vào thị trường này.
Ngay sau khi áp dụng EVFTA, 37% các dòng thuế đối với giày dép Việt Nam sẽ về 0% từ mức thuế trung bình 6,7%. Cùng với đó, các loại gạo thơm của Việt Nam cũng được dự báo sẽ nhanh chóng mở rộng thị phần tại Anh trong thời gian tới.
Mặt khác, doanh nghiệp Việt muốn xuất khẩu sản phẩm sang Anh cần xây dựng website bằng tiếng Anh. Đáng lưu ý, doanh nghiệp sản xuất Việt Nam nên liên kết cùng nhà phân phối sở tại để sản phẩm phù hợp với từng phân khúc thị trường.
Riêng với phương thức thanh toán, hình thức thanh toán an toàn nhất là doanh nghiệp Việt Nam bán giá FOB (giá tại cửa khẩu của bên xuất hàng) qua thư tín dụng trả ngay không hủy ngang. Nếu khách hàng không chấp nhận L/C (thanh toán qua thư tín dụng) cho các hợp đồng trị giá nhỏ, yêu cầu khách đặt cọc ít nhất 20% giá trị, phần còn lại chỉ giao bộ chứng từ gốc khi khách hàng thanh toán phần còn lại.
Nguồn: Vietnam Plus
9/ Cơ hội từ EVFTA cho thương mại giữa Việt Nam và Romania
Trong Khoá họp lần thứ 6 Uỷ ban hỗn hợp (UBHH) về kinh tế giữa Việt Nam – Romania năm 2019, Bộ trưởng hai nước đã thống nhất thành lập Nhóm Công tác chung với nhiệm vụ vụ rà soát tình hình hợp tác kinh tế – thương mại giữa hai nước, các khó khăn, vướng mắc, từ đó tham mưu cho các Bộ trưởng – đồng Chủ tịch UBHH các giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển quan hệ này, đồng thời xây dựng kế hoạch hành động để triển khai các nội dung được nêu trong Biên bản Khóa họp lần thứ 16, đặc biệt trong lĩnh vực hợp tác thương mại.
Có thể nói, các khung khổ từ EVFTA, nền tảng mới cho quan hệ hợp tác kinh tế thương mại giữa Việt Nam và Romania đã được thiết lập. Cộng đồng doanh nghiệp hai nước đang đứng trước những vận hội mới. Do đó, hai Bên cùng nhất trí Romania và Việt Nam cần tiếp tục đi đầu trong việc đưa các Hiệp định EVFTA và EVIPA vào thực thi, đem lại hiệu quả thiết thực cho doanh nghiệp hai nước.
Đánh giá chung về hợp tác thương mại, hai bên nhất trí mặc dù chịu ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19, thương mại hai chiều Việt Nam – Romania vẫn có sự tăng trưởng tích cực. Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, tổng kim ngạch thương mại hàng hóa giữa Việt Nam và Romania năm 2020 đạt 288,4 triệu USD, tăng 10,4% so với năm 2019. Trong đó, xuất khẩu từ Việt Nam sang Romania đạt khoảng 220,2 triệu USD, tăng 13,6% so với năm 2019 và nhập khẩu từ Romania đạt 68,2 triệu USD, tăng 1,1% so với năm 2019. Trong 3 tháng đầu năm 2021, tổng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Romania đạt 79,9 triệu USD, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm 2020.
Hai bên sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác thực thi EVFTA và EVIPA thông qua cung cấp thông tin về các cơ hội kinh doanh, thương mại và đầu tư cho doanh nghiệp hai nước. Việt Nam khuyến khích các nhà nhà đầu tư Romania đầu tư vào các dự án công nghiệp nền tảng, hợp tác chuyển giao các công nghệ cho doanh nghiệp Việt Nam.
Mặt khác, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, doanh nghiệp hai nước nên chủ động tìm hiểu cơ hội kinh doanh tại thị trường của nhau.
Nguồn: Báo Công Thương
10/ Chủ động trong Phòng Vệ Thương Mại (PVTM) để dành ưu thế cạnh tranh
Những năm gần đây, số lượng các vụ PVTM của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đang gia tăng. Đến hết quý I/2021, đã có 203 vụ việc PVTM do 21 quốc gia/vùng lãnh thổ khởi xướng điều tra hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam. Trong đó, số lượng vụ việc năm 2020 là 39 vụ, cao gấp hơn 2,5 lần trong cả năm 2019. Đặc biệt, số lượng PVTM vịn rằng hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sử dụng nguyên liệu chính được nhập khẩu từ những khu vực đang bị họ áp dụng biện pháp PVTM.
Lý do chính là do xuất khẩu của ta tăng nhanh trong thời gian vừa qua – nhờ tác động tích cực từ các FTA. Tạo ra sức ép cạnh tranh lớn tại thị trường nước nhập khẩu, khiến DN tại các nước này đề nghị chính phủ họ điều tra áp dụng các biện pháp PVTM.
Bên cạnh đó, một nguyên nhân khác xuất phát từ tác động của đại dịch Covid-19 đến nhiều nền kinh tế, khiến nhiều ngành phải thu hẹp sản xuất, sa thải công nhân.
Mặc dù PVTM là nội dung tương đối mới với Việt Nam, nhưng trong những năm gần đây, có thể thấy, chúng ta cũng đã bắt đầu chủ động sử dụng công cụ PVTM để thiết lập môi trường cạnh tranh công bằng và bảo vệ lợi ích chính đáng của ngành sản xuất trong nước. Tính đến hết quý I/2021, Bộ Công Thương đã điều tra 23 vụ việc PVTM, gồm 15 vụ việc chống bán phá giá, 1 vụ việc chống trợ cấp, 6 vụ việc tự vệ và 1 vụ việc chống lẩn tránh biện pháp tự vệ với các sản phẩm thép, kính nổi, dầu ăn, bột ngọt, phân bón, màng BOPP, nhôm, ván gỗ, sợi, đường… Trong số đó, Bộ Công Thương đã ban hành quyết định áp dụng 7 biện pháp chống bán phá giá, 5 biện pháp tự vệ và 1 biện pháp chống lẩn tránh biện pháp tự vệ.
Nhờ có các biện pháp PVTM, các ngành sản xuất trong nước được bảo vệ trước những hành vi cạnh tranh không bình đẳng của hàng nhập khẩu, từ đó có điều kiện để phát triển, tạo thêm việc làm và giá trị gia tăng cho nền kinh tế.
Ở góc độ tiêu dùng, các biện pháp PVTM trong dài hạn giúp cho nền kinh tế không bị phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu, đem lại sự ổn định và bền vững hơn trước các các tác động và cú sốc từ bên ngoài.
Như đối với mặt hàng tôn mạ trước đây mỗi năm nhập khẩu đều tăng gấp đôi so với năm trước thì sau khi áp dụng biện pháp chống bán phá giá, lượng nhập khẩu đã giảm.
Đặc biệt, các biện pháp PVTM cũng góp phần ổn định giá đầu vào cho một số ngành sản xuất trong nước. Cụ thể, như đối với phân bón DAP, khi có sản xuất trong nước để tạo đối trọng, giá mặt hàng này đã thấp hơn thời kỳ phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu trước đó. Bằng chứng là trước năm 2009, khi Việt Nam không có ngành sản xuất DAP trong nước, giá phân bón DAP (chủ yếu là từ Trung Quốc) đã từng bị đẩy lên ở mức rất cao (18.000 đồng/kg năm 2008) dẫn đến chi phí sản xuất lúa tăng cao. Nhưng sau khi hai nhà máy sản xuất DAP đi vào hoạt động, giá DAP đã giảm liên tục.
Đầu năm nay, do biến động của thị trường thế giới, giá phân bón DAP nhập khẩu có lúc lên đến trên 15.000 đồng/kg nhưng giá phân bón DAP sản xuất trong nước được bán ra trên thị trường chỉ dưới 11.000 đồng/kg. Ngoài ra, qua thực tế cho thấy nhiều doanh nghiệp sản xuất trong nước đã tăng cường xuất khẩu sau khi biện pháp PVTM được áp dụng cho thấy năng lực cạnh tranh quốc tế của doanh nghiệp vẫn được đảm bảo.
Nguồn: Báo Công Thương
11/ ePing phiên bản tiếng Việt: Hệ thống cảnh báo thương mại toàn cầu
Hệ thống cảnh báo thương mại toàn cầu ePing với phiên bản tiếng Việt sẽ giúp đơn vị xuất nhập khẩu nhận được đầy đủ thông tin của WTO một cách kịp thời nhất.
Hệ thống cảnh báo thương mại toàn cầu ePing hỗ trợ, tạo điều kiện tuân thủ các yêu cầu liên quan đến quy định an toàn và sức khỏe, về sản phẩm, quy trình thử nghiệm và chứng nhận, các biện pháp cần thiết khác để tiếp cận thị trường quốc tế.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, Hệ thống cảnh báo thương mại toàn cầu ePing đã được Trung tâm ITC phối hợp với Cục Xúc tiến đưa vào kế hoạch hoạt động trong khuôn khổ Dự án “Đối phó với hàng rào phi thuế quan” từ 2018.
Hệ thống ePing phiên bản tiếng Việt có nội dung tập trung vào một số lĩnh vực chính và có tiềm năng như nông sản, thủy sản, da giầy, thực phẩm, thiết bị xây dựng, thức ăn chăn nuôi, phân bón, dược phẩm, thiết bị điện…
“Đối với hoạt động nâng cao năng lực và phổ biến về ePing, cho đến nay, đã có 3 khóa huấn về hệ thống ePing triển khai trực tuyến. Đối tượng là các tổ chức xúc tiến thương mại và doanh nghiệp đều có phản hồi tích cực”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, bà Pamela Coke-Hamilton – Giám đốc Trung tâm thương mại quốc tế ITC cho biết, ePing với phiên bản tiếng Việt sẽ giúp đơn vị xuất nhập khẩu nhận được đầy đủ thông tin của WTO kịp thời nhất. Từ đó các doanh nghiệp sẽ có bước giải quyết nhanh chóng trước những thay đổi về quy định tại các quốc gia đối tác và giúp họ xác định rõ hơn những trở ngại có thể phải đối mặt trong quá trình tuân thủ quy định mới.
Cũng theo chia sẻ của Giám đốc ITC, hiện nay, nhiều doanh nghiệp Việt Nam gặp khó khăn trong việc cập nhật các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động thực vật và các rào cản kỹ thuật trong thương mại tại thị trường nước ngoài.
Nguồn: Báo Quốc Tế
12/ RCEP: kỳ diệu và thách thức
Trong bối cảnh Covid-19 làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và khu vực, RCEP đánh dấu mốc quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế của Việt Nam và ASEAN. RCEP bao gồm các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand.
Các quốc gia cùng ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) đã bắt đầu quá trình thảo luận thông qua Hiệp định. Ngày 8/3, chính phủ Trung Quốc thông báo chính thức phê chuẩn RCEP. Ngày 28/4, Quốc hội Nhật Bản đã thông qua RCEP.
Việc áp dụng 1 bộ quy tắc xuất xứ cho cả khu vực RCEP thay cho 5 bộ quy tắc xuất xứ riêng ở năm FTA ASEAN + hiện hành, giữa ASEAN với từng đối tác, là thuận lợi nổi bật của RCEP đối với các nước phải nhập khẩu nhiều nguyên liệu như Việt Nam.
Hơn nữa, RCEP sẽ thiết lập một sân chơi khu vực với một khuôn khổ ràng buộc pháp lý chặt chẽ hơn tại các FTA ASEAN+ hiện hành. Tạo cơ hội nhiều hơn cho các nước có quy mô kinh tế vừa phải như các thành viên ASEAN.
Thách thức của RCEP nằm ở tận dụng ưu đãi trong hiệp định này, khả năng duy trì và cải thiện năng lực cạnh tranh xuất khẩu và tăng nhập siêu. Việt Nam có thêm cơ hội thu hút FDI từ tác động của chiến tranh thương mại, công nghệ Mỹ-Trung Quốc, cũng như xu hướng mới trong và sau đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, xử lý hiệu quả nhập siêu gắn với đầu tư nước ngoài ở thị trường RCEP là một thách thức lớn.
Nghiên cứu của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) chỉ rõ, để thực hiện hiệu quả RCEP gắn với bảo đảm mức độ tự chủ cao, cần một số nhóm giải pháp như: Tiếp tục thực hiện các cải cách đối với kinh tế vi mô nói chung, bao gồm cả chính sách cạnh tranh, môi trường kinh doanh, các thị trường nhân tố sản xuất.
Đặc biệt, đặt chính sách đầu tư ở vị trí trung tâm, gắn với một tư duy định hướng, khả thi về một số ngành cần ưu tiên phát triển, các ngành cần thúc đẩy tự do cạnh tranh, mức độ tham gia chuỗi giá trị ở khu vực RCEP và mức độ tự chủ trong thu hút, sử dụng các dự án FDI từ khu vực… RCEP là do ASEAN khởi xướng, nhưng muốn tối đa hóa lợi ích, không thể thiếu sự hợp tác của các đối tác lớn.
Nguồn: Báo Quốc Tế
13/ Tầm quan trọng của quy tắc xuất xứ trong VJEPA
Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản (VJEPA) có những yêu cầu nghiêm ngặt về quy tắc xuất xứ. Do đó, để đáp ứng được là rất khó khăn. Tuy nhiên về lâu dài, nếu doanh nghiệp Việt Nam làm tốt việc này, cơ hội rất lớn sẽ mở ra đối với hàng hóa xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.
Trong đó, hàng hóa được xác định có xuất xứ khi: Có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ tại nước thành viên. Riêng hàng hóa có xuất xứ không thuần túy chỉ được coi là có xuất xứ khi: Có hàm lượng nội địa (LVC) hơn 40% và công đoạn sản xuất cuối được thực hiện tại nước thành viên; tất cả các nguyên liệu không có xuất xứ được sử dụng trong quá trình sản xuất ra hàng hóa tại nước thành viên trải qua một quá trình chuyển đổi mã số hàng hóa (CTC) ở cấp độ 4 số theo Hệ thống hài hòa. Cùng đó, hàm lượng LVC của một sản phẩm tính theo công thức quy định tại Điều 5 không được nhỏ hơn tỷ lệ phần trăm cụ thể quy định cho sản phẩm đó.
Hàng hóa thuộc danh mục Quy tắc sản phẩm cụ thể được coi là có xuất xứ nếu đáp ứng quy định tại Phụ lục 2 – VJEPA. Trường hợp một quy tắc sản phẩm cụ thể quy định việc lựa chọn áp dụng một trong các tiêu chí như LVC, CTC, công đoạn gia công chế biến hàng hóa, hoặc quy định cần có sự kết hợp các tiêu chí này, người xuất khẩu của nước thành viên được lựa chọn một tiêu chí phù hợp để xác định xuất xứ hàng hóa.
Hiệp định cũng quy định tỷ lệ không đáng kể nguyên liệu không đáp ứng tiêu chí CTC. Trong đó, hàng hóa không đáp ứng tiêu chí CTC vẫn được coi là hàng hóa có xuất xứ nếu: Hàng hóa thuộc các chương 16, 19, 20, 22, 23, từ chương 28 đến chương 49 và từ chương 64 đến chương 97 thuộc Hệ thống hài hòa có tổng giá trị của nguyên liệu không có xuất xứ, không đạt tiêu chí xuất xứ CTC không vượt quá 10% giá trị FOB của hàng hóa đó; hàng hóa thuộc các chương 9, 18 và 21 có tổng giá trị của nguyên liệu không vượt quá 10% hoặc 7% giá trị FOB; hàng hóa thuộc chương 50 đến chương 63 có trọng lượng của nguyên liệu không vượt 10% tổng trọng lượng hàng hóa. Ngoài ra, hàng hóa phải đáp ứng tất cả các tiêu chí khác để được là hàng hóa có xuất xứ.
VJEPA cũng quy định cộng gộp nguyên liệu có xuất xứ của một nước thành viên được sử dụng để sản xuất ra hàng hóa ở nước thành viên khác được coi là nguyên liệu có xuất xứ của nước thành viên nơi diễn ra công đoạn gia công, chế biến hàng hóa đó.
Theo đánh giá từ nhiều chuyên gia, quy tắc xuất xứ chặt chẽ cộng với tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm tại thị trường Nhật Bản cao khiến VJEPA sau hơn 10 năm được ký kết có tỷ lệ tận dụng ưu đãi không cao, ngay cả với một số mặt hàng xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam. Đơn cử mặt hàng tôm, thị trường Nhật Bản rất mở với mặt hàng này nhưng do một số doanh nghiệp đã bị “tuýt còi” về vệ sinh an toàn thực phẩm, dẫn tới việc kiểm tra và giám sát gắt gao mặt hàng tôm của Việt Nam.
Nguồn: Báo Công Thương
14/ WTO: những yếu tố quyết định chi phí thương mại toàn cầu
WTO mới đây ước tính các rào cản chính sách thương mại như thuế quan và các quy định chiếm ít nhất 14% chi phí thương mại. Chỉ số này đo lường chi phí giao dịch quốc tế so với giao dịch trong nước và chỉ ra rằng chi phí xuất khẩu cao hơn đối với phụ nữ, các doanh nghiệp nhỏ hơn và lao động phổ thông. Điều này được giải thích một phần là do sự tập trung của các nhóm này trong một số lĩnh vực nhất định như dịch vụ.
Trong khi đó, chi phí vận tải và đi lại chiếm phần lớn nhất trong các chi phí thương mại khi các nền kinh tế có mức thu nhập cao giao thương với nhau hoặc với các nền kinh tế có mức thu nhập thấp hơn.
Tuy chi phí thương mại toàn cầu đã giảm 15% từ năm 2008 đến năm 2018. Về mặt xuất khẩu, mức giảm rõ rệt nhất được quan sát thấy ở các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) mới hơn như Latvia, Croatia, Bulgaria, Cyprus và Slovenia.
Chỉ số cũng cho thấy chi phí thương mại đối với dịch vụ cao hơn chi phí thương mại đối với hàng hóa nông nghiệp, trong khi chi phí thương mại đối với hàng hóa sản xuất là thấp nhất.
Nguồn: Vietnam Plus
BSA Tổng hợp
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Đang truy cập : 117
•Máy chủ tìm kiếm : 14
•Khách viếng thăm : 103
Hôm nay : 33080
Tháng hiện tại : 54687
Tổng lượt truy cập : 50483231