05:42 +07 Thứ hai, 16/09/2024

Trang nhất » Tin Tức » Dòng chảy hàng Việt

Bí quyết lập đề án kinh doanh cho nhà khởi nghiệp

Thứ ba - 02/08/2016 18:18
Tại buổi tập huấn phương pháp làm đề án kinh doanh dành cho các thí sinh lọt vào vòng Chung khảo Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can (GTTNLVC) 2016 (diễn ra hôm 1/8 tại trường Đại học Mở TP. HCM), các doanh nhân đã cung cấp cho các thí sinh - những nhà khởi nghiệp tiềm năng nhiều kiến thức và kinh nghiệm bổ ích liên quan.

Chú trọng nghiên cứu thị trường

Có nhiều sản phẩm hoặc ý tưởng kinh doanh bị "chết" rất nhanh, chỉ trong vòng 3 - 4 tháng đầu tiên ra mắt thị trường, nguyên nhân chủ yếu bởi chúng không đáp ứng nhu cầu có thật của khách hàng. Trong quá trình lập đề án kinh doanh, không ít nhà khởi nghiệp chỉ chú trọng đến chất lượng sản phẩm mà xem nhẹ khâu xác định khách hàng mục tiêu khiến sản phẩm không phục vụ người mua trên thị trường, ông Nguyễn Thanh Tân – Viện trưởng Viện Quản trị Quốc tế, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Quốc tế BMG cho biết.

 

Gần 50 thí sinh GTTNLVC 2016 tham gia buổi tập huấn làm đề án kinh doanh hôm 1/8
Để đánh giá tính khả thi của một dự án kinh doanh, nhà đầu tư thường quan tâm đến bức tranh tổng quan của thị trường mà nhà khởi nghiệp sẽ tham gia vào, như mức độ cạnh tranh, các đối thủ cạnh tranh, đặc biệt là nhu cầu có thật của khách hàng đối với sản phẩm/dịch vụ - vốn được thể hiện thông qua các nghiên cứu, số liệu cụ thể.

 

"Đã có nhiều nhà khởi nghiệp vì quá tâm huyết với sản phẩm của mình mà hướng khách hàng nghĩ theo suy nghĩ của họ khiến sản phẩm không được đón nhận, bởi khách hàng không có nhu cầu sử dụng chúng trên thực tế", ông Tân nhận định. Do đó, nghiên cứu thị trường là khâu cực kỳ quan trọng giúp nhà khởi nghiệp đánh giá được tính khả thi của một ý tưởng kinh doanh, đây cũng là khâu đầu tiên của một chiến lược marketing.

 

Doanh nhân Nguyễn Thanh Tân - Viện trưởng Viện Quản trị Quốc tế, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Quốc tế BMG, Phó trưởng Ban tổ chức GTTNLVC 2016
Tuy nhiên, trong trường hợp có quá nhiều sản phẩm cạnh tranh trên thị trường, nhà khởi nghiệp cần xác định được nhu cầu tiềm ẩn (insight) của khách hàng để tìm ra hướng đi khác biệt cho sản phẩm. "Không phải lúc nào khách hàng cũng biết mình muốn gì. Do đó, khả năng nhạy bén của một nhà kinh doanh sẽ được thể hiện qua cách họ dẫn dắt nhu cầu thị trường hướng đến sản phẩm mà họ kỳ vọng sẽ được khách hàng đón nhận trong tương lai", ông Tân nói. 

 

Yếu tố quan trọng thứ hai trong xây dựng chiến lược marketing là xác định vị trí của thương hiệu trong tâm trí của khách hàng, hay còn gọi là định vị thương hiệu. Phương pháp SWOT hay Brand Key là hai trong nhiều công cụ định vị thương hiệu phổ biến hiện nay, tuy nhiên không ít nhà khởi nghiệp bỏ qua công cụ này trong khi chúng giúp họ nhận ra đâu là điểm mạnh, điểm yếu của dự án kinh doanh.

 

Sinh viên tham gia trò chơi tương tác với các doanh nhân
Phân tích rõ kế hoạch tài chính

 

"Thông qua mức độ đầu tư vào kế hoạch kinh doanh, nhà đầu tư sẽ đánh giá được tâm huyết của nhà khởi nghiệp dành cho ý tưởng cũng như khả năng thành công của dự án đó. Với những dự án có số vốn đầu tư dù chỉ từ 400 - 500 triệu đồng nhưng phù hợp với năng lực thực tế của nhà khởi nghiệp sẽ được nhà đầu tư đánh giá cao hơn so với những dự án có quy mô hàng tỷ đồng nhưng "quá sức" với người trẻ", doanh nhân Đinh Hà Duy Trinh - Phó chủ tịch HĐQT Công ty DV Tin học HPT nhận xét dưới góc độ một nhà phân tích tài chính.

Bà Trinh lưu ý các thí sinh: Khi thuyết trình trước nhà đầu tư, nội dung ý tưởng cần được trình bày ngắn gọn, súc tích, nhưng kế hoạch tài chính thì chi tiết hóa bao nhiêu sẽ tốt nhiêu.

 

Doanh nhân Đinh Hà Duy Trinh - Phó chủ tịch HĐQT Công ty CP Dịch vụ Công nghệ Tin học HPT
Bên cạnh chỉ số Hiện giá thuần (NPV) và Tỷ suất sinh lời nội bộ (IRR) để xác định tính khả thi của dự án, nhà khởi nghiệp cần chú ý đến thời gian hoàn vốn và lãi suất ngân hàng cho vay thực tế. "Có không ít đề án kinh doanh vì muốn thuyết phục nhà đầu tư về khả năng sinh lời cao nên đã chọn cách "điều chỉnh" tổng doanh thu dự kiến lớn hơn tổng chi phí bỏ ra hoặc rút ngắn thời gian hoàn vốn xuống, mà không biết rằng những cách làm này càng khiến dự án ít khả thi hơn", bà Trinh cho biết.

 

Trong trường hợp dự án không gọi đủ số vốn đầu tư và tìm đến ngân hàng để vay, nhà khởi nghiệp cần tính toán để số tiền lãi thu được phải lớn hơn chi phí vốn đã bỏ ra (bao gồm cả tiền lãi vay ngân hàng). "Một dự án vay vốn mà tiền lãi không đủ bù đắp tiền lãi vay ngân hàng thì dự án đó sẽ bị đánh giá kém khả thi", bà Trinh nhấn mạnh.

 

Doanh nhân Võ Thị Phương Lan - Tổng giám đốc Công ty CP Giao nhận Vận tải Mỹ Á
Liên quan đến tính khả thi của dự án, bà Võ Thị Phương Lan - Tổng giám đốc Công ty CP Giao nhận Vận tải Mỹ Á lưu ý người lập đề án cần xác định đúng giá bán, số lượng của từng công cụ, dụng cụ, tài sản ứng với nhu cầu sử dụng trong quá trình vận hành để từ đó hạch toán vào mục chi phí. "Dù là những chi tiết nhỏ nhưng nếu không sát với thực tế cũng đủ để nhà đầu tư đánh giá về tính khả thi của toàn bộ dự án", bà Lan phân tích.

 

Riêng đối với những dự án kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất, nhà khởi nghiệp cần mô phỏng được quá trình sản xuất, đáp ứng các quy định kiểm định vệ sinh an toàn thực phẩm hay chất lượng môi trường sản xuất. Đặc biệt, dự án cần tính toán được giá trị khấu hao tài sản cổ định, dòng tiền vào/ra,... để xác định đúng chỉ số NPV, IRR từ đó kết luận về tính khả thi của đề án.

 

Sinh viên nêu thắc mắc với các doanh nhân
"Với những đề án của các nhà khởi nghiệp trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm kinh doanh, nhà đầu tư sẽ không đòi hỏi quá cao về yêu cầu lập kế hoạch tài chính chi tiết. Tuy nhiên, các bạn cần hiểu được mục đích kinh doanh, và phác thảo chính xác những yếu tố cơ bản cần có để bước đầu thu hút nhà đầu tư rót vốn vào dự án của mình", bà Trinh chia sẻ.

 

 

Từng nhiều năm hướng dẫn sinh viên tham gia cuộc thi khởi nghiệp, bà Trinh nhận xét, nhiều bạn trẻ thường quên tính các khoản chi phí khấu hao tài sản cố định; không có cơ sở hình thành, phương pháp định lượng để tính ra kết quả doanh thu; xem thuế như một khoản chi phí để đưa vào khấu trừ; nhầm lẫn giữa dòng tiền và mức lãi, lỗ của dự án...
5 cách xác định tính khả thi của ý tưởng kinh doanh

 

Tính khả thi - yếu tố sống còn của đề án kinh doanh

Tính khả thi thể hiện qua số liệu khảo sát thực tế

VÂN THẢO - Ảnh: QUÝ HÒA

Nguồn tin: DNSG

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Các sáng lập viên

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 63

Máy chủ tìm kiếm : 7

Khách viếng thăm : 56


Hôm nayHôm nay : 9081

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 494843

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 49913477



thiet ke ho ca koi mai hien di dong cong ty to chuc su kien thang may tai hang thang mang tai khach