18:56 +07 Thứ năm, 19/09/2024

Trang nhất » Tin Tức » Dòng chảy hàng Việt

Đối xử với ý tưởng đổi mới sáng tạo như thế nào?

Thứ ba - 19/07/2016 18:23
Cạnh tranh với nhau trên từng centimet, nhưng hai đối thủ tưởng một mất một còn có thể bắt tay nhau cùng hợp tác? Và làm thế nào để "bắt" đối thủ cùng suy nghĩ theo hướng với mình? Câu trả lời là hãy sáng tạo! Nhưng làm như thế nào?...

Trong ngành sản xuất nón cho phi công, kính của nón sẽ là màn hình luôn và thông tin được hiện thị trên đó cho người phi công dễ điều khiển. Trên thế giới chỉ có 2 công ty sản xuất được loại nón này. Họ cạnh tranh với nhau về giá để giành các hợp đồng của các Chính phủ. Nhưng nếu cứ mãi cạnh tranh về giá như thế thì cả hai sẽ tồn tại được bao lâu?



Nhận ra điều đó, cả hai công ty bèn gặp nhau và bắt tay nhau để cứ mỗi hợp đồng có được thì hai bên chia đều 50-50. Kết quả là cả hai công ty đều thành công. Họ trở thành độc quyền trong lĩnh vực này và kiểm soát giá của sản phẩm.
 
Câu chuyện trên được Tiến sĩ Jaime Amsel, sáng lập viên và CEO của Strategy and POIESYE, kể trong khóa huấn luyện đặc biệt về đổi mới sáng tạo lần thứ hai diễn ra tại Trung tâm BSA từ ngày 18 – 21.07.2016.
 
Từ câu chuyện này, Tiến sĩ Jaime Amsel cho rằng, ngay cả với các đối thủ tưởng như không đội trời chung, cạnh tranh gay gắt thì vẫn có những lĩnh vực họ có thể hợp tác với nhau. Nghĩa là họ suy nghĩ theo kiểu win - win – cả hai bên cùng thắng trong vấn đề hợp tác.
 
Vấn đề là với các doanh nghiệp hiện nay lại nghĩ rằng, một khi họ có một ý tưởng tốt, họ sẽ không chia sẻ với nhóm của mình hay cho các đối tác bởi sợ người ta sẽ ăn cắp ý tưởng đó. Tư duy lúc này, theo Tiến sĩ Jaime Amsel, là "tư duy bằng không, theo kiểu không ai được gì hết".
 
Ở đây, đầu tiên, với nguyên tắc rủi ro thì luôn luôn có thể thất bại, và nguyên tắc thứ 2 là đổi mới sáng tạo mà không có sự tin tưởng lẫn nhau thì rất khó.
 
Chính vì thế, Tiến sĩ Jaime Amsel khuyên doanh nghiệp rằng nếu chưa có sự tin tưởng trong hợp tác thì hãy xây dựng lòng tin. Dĩ nhiên, điều này cần nhiều thời gian và nỗ lực.
 
Theo ông, nếu chấp nhận rủi ro và tin tưởng nhau thì bước đầu tiên là cần làm chính là một thỏa thuận về mặt pháp lý trong nhóm quy định các bên không tiết lộ thông tin, ý tưởng đó ra ngoài.
 
“Ở đây tôi muốn các bạn hãy tư duy theo hướng rộng hơn, mọi thứ nhiều hơn cho tất cả mọi người thì giải pháp sẽ xuất hiện cho việc đổi mới sáng tạo, chứ chúng ta đừng nghĩ hợp tác là mất đi gì đó…”, ông nói.
 
Để lối tư duy về hợp tác trong đổi mới sáng tạo thành công, theo Tiến sĩ Jaime Amsel, các doanh nghiệp phải biết chắc đặc thù, năng lực cốt lõi của mình trong vấn đề hợp tác đó.
 
Câu hỏi đặt ra là làm sao để cho đối thủ của mình có cùng suy nghĩ theo kiểu hợp tác để đôi bên cùng có lợi.
 
“Chỉ có cách là xây dựng lòng tin, thiết thực nhất là xây dựng lòng tin ngay trong nội bộ của doanh nghiệp… để lan tỏa điều đó ra bên ngoài”, Tiến sĩ Jaime Amsel nhận định.
 
Theo ông, nếu các doanh nghiệp nhỏ không có đủ nguồn lực thì cách tốt nhất là tập hợp các nguồn lực, thiết lập quan hệ đối tác với những doanh nghiệp khác để gom góp lại để có được quy mô.
 
Cấp quản lý làm gì với ý tưởng đổi mới sáng tạo?
 
Theo tiến sĩ Jaime Amsel, cách mà các tổ chức tạo ra nhiều sự đổi mới sáng tạo là họ thành lập nhiều nhóm khác nhau trong các dự án. Điều này tạo ra sự cạnh tranh cho các nhóm, buộc các thành viên phải có những sáng tạo và như thế năng lực cạnh tranh sẽ cao hơn.


                     Tiến sĩ Jaime Amsel đưa ra những bài tập thực hành tại khóa học

“Tôi nghĩ 3  - 12 người sẽ thành lập được một đội tốt, còn nếu đông hơn thì hơn sẽ khó hơn”
 
Theo Tiến sĩ Jaime Amsel, cấp độ quản lý thường là rào cản với sự đổi mới sáng tạo. Thường những người quản lý nghĩ họ rất sáng tạo và nhân viên chỉ là người làm việc mà thôi. Và một khi đã có có tư duy đó, thì nếu trong nhóm có người đưa ra ý tưởng mới thì họ thường không nghe.
 
“Tệ hơn nữa là nghe xong ý tưởng đó thì “chôm” luôn và lên báo cáo với “sếp” trên”, Tiến sĩ Jaime Amsel nói.
 
Chính vì thế, ông Jaime Amsel  cho rằng vai trò đúng của các cấp quản lý chỉ là người hỗ trợ cho sự sáng tạo từ bên dưới chứ không được xem mình là trung tâm của sự sáng tạo. "Người quản lý giỏi là người có thể huy động nguồn lực để hỗ trợ cho những ý tưởng mới".
 
Ông nhận định rằng trong thực tế là chẳng công ty nào có đủ nguồn lực để làm mọi thứ, do đó, vấn đề còn lại là ưu tiên nguồn lực nào.
 
Theo Tiến sĩ Jaime Amsel , người quản lý giỏi là người phải biết ưu tiên nguồn lực cho những ý tưởng quan trọng nhất. Trong môi trường đổi mới sáng tạo, ông chủ không phải là người đổi mới sáng tạp nhất, hay quan trọng nhất mà là những người trực tiếp làm các nhiệm vụ khác nhau ở từng bộ phận mới là những người quan trọng nhất.
 
“Một nhà quản lý giỏi cần khuyến khích nhân viên đưa ra ý tưởng hơn là phán xét ý tưởng đó xấu hay tốt. Bởi nếu như thế nhân viên sẽ chẳng đưa ra ý tưởng gì cả”.
 
Mấu chốt trong quản lý là không bao giờ kết hợp khâu quản lý tính khả thi với việc hình thành ra ý tưởng. Lý do là chuyện đưa ra ý tưởng và đánh giá về ý tưởng là 2 việc hoàn toàn khác nhau.
 
Tiến sĩ Jaime Amsel cho rằng đừng bao giờ giao cho một nhóm đưa ra ý tưởng rồi lại giao cho chính nhóm đó đánh giá về ý tưởng đó. Lý do theo ông là làm như thế sẽ có rất ít hoặc không có ý tưởng nào được đưa ra cả.
 
Lý tưởng nhất, theo ông, là cấp quản lý nên là người khơi gợi, khuyến khích và để việc phán xét ý tưởng mà nhân viên mình đưa ra cho các phòng ban khác hay nhân viên khác...…
 
Vì thế, với một nhà quản lý, khi nhân viên đưa ra ý tưởng mới thì "đừng phản ứng ngay". Việc cần làm chính là "khuyên họ nên chia sẻ ý tưởng với đồng nghiệp của họ xem ý tưởng đó thế nào". Nếu ý tưởng không hay thì bản thân những người đồng nghiệp sẽ nói cho nhân viên đó biết. Mà khi đồng nghiệp nói với nhau vẫn "đỡ hơn bị sếp chê ý tưởng đó".
 
Còn nếu ý tưởng đó hay thì những đồng nghiệp đó sẽ nói với sếp là nó hay. Bằng cách hành xử như thế nó sẽ tạo ra thói quen, văn hóa sáng tạo trong nhân viên.
 
7 tính khả thi
-       Về mặt kỹ thuật
-       Về mặt chức năng
-       Khách hàng có mua hay sử dụng không? Tại sao
-       Có khả thi về mặt tài chính hay không
-       Yếu tố có được sự ủng hộ của lãnh đạo công ty không, của cộng đồng hay lĩnh vực đó hay không
-       Liệu ý tưởng này khi triển khai có phải xin giấy phép hay không (môi trường luật định)
-       Cuối cùng là yếu tố đạo đức có khả thi không
 
Vậy, việc phải “thưởng” như thế nào cho nhân viên đưa ra ý tưởng đổi mới sáng tạo mang lại lợi ích cho doanh nghiệp? Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang đau đầu xử lý vấn đề này.
 
Các chuyên gia tại khóa huấn luyện đặc biệt về đổi mới sáng tạo sẽ có câu trả lời trong những ngày học tiếp theo để đưa ra lời giải cho các doanh nghiệp.
 
Bài, ảnh: Trần Quỳnh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Các sáng lập viên

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 115

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 114


Hôm nayHôm nay : 32707

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 616923

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 50035557



thiet ke ho ca koi mai hien di dong cong ty to chuc su kien thang may tai hang thang mang tai khach