15:39 +07 Thứ bảy, 02/12/2023

Trang nhất » Tin Tức » Dòng chảy hàng Việt

Gia tăng giá trị cho nông sản Việt từ cách nghĩ khác, làm khác

Thứ tư - 27/07/2016 10:54
“Muốn nâng cao chất lượng, bao bì, bảo quản sản phẩm và công nghệ sau thu hoạch của nông sản Việt, không cách nào khác hơn là chúng ta phải nghĩ khác, làm khác. Đừng để những cái cũ trì kéo chúng ta lại”, TS Nguyễn Thanh Mỹ, Tổng Giám đốc Công ty Rynan Agrifoods chia sẻ tại buổi tọa đàm “Xu hướng tiêu thụ nông sản mới và sản phẩm giá trị gia tăng từ nông sản trên thế giới – Cơ hội nào cho doanh nghiệp Việt?” tổ chức ngày 24.07.2016 tại TP Cần Thơ trong chuỗi hoạt động chuyên đề của Chương trình Quản trị kinh doanh hội nhập do LBC phối hợp với công ty GIBC tổ chức riêng cho 4 tỉnh ABCD Mekong.


Bắt kịp xu hướng


 
Ngoài các học viên lớp IBA Mekong – Buổi tọa đàm còn thu hút các doanh nghiệp, HTX và viện trường tham dự
 
“Nắm bắt được sự thay đổi xu hướng tiêu dùng sẽ giúp chúng ta nắm  được vô vàn cơ hội xung quanh. Rất nhiều cơ hội, đừng lo không có việc để làm”, TS Nguyễn Thanh Mỹ nói.
 
Người tiêu dùng thế hệ 8X, 9X tận dụng tiến bộ của công nghệ, đầu năm 2016, Walmart ở Mỹ đóng cửa 269 cửa hàng thực phẩm để bán qua APP khi nhiều người không đến siêu thị để đở mất nhiều thời gian. 5 năm vừa qua, 40% siêu thị bán thực phẩm ở Mỹ đóng cửa, người tiêu dùng chỉ cần gõ trên bàn phím, 20 phút sau hàng hóa đặt mua được giao tới tận. Thương mại điện tử phát triển, việc phân phối cần thiết bị thông minh, để có thể bán được sản phẩm trực tiếp tốt hơn xu hướng mới nhờ điện toán đám mây, internet vạn vật, các APP…
 
Theo TS Mỹ, đại lý chia sẻ lợi ít nhiều nhất (30%) trong chuỗi giá trị mà không đóng góp nhiều về giá trị. Sử dụng APP sẽ cắt bớt được khâu trung gian. Đối với  việc sản xuất và tiêu thụ nông sản, thay đổi cái nhìn trong chuỗi giá trị và phân phối thì nông dân mới giàu lên được. Chúng ta có thể tận dụng thiết bị đo nối với internet, điện toán đám mây…làm được nhiều việc, giúp nông dân có ông bác sĩ nông học tại nhà, bằng các thiết bị thông minh…
 
TS Mỹ chứng minh cách nghĩ mới của mình bằng việc ứng dụng công nghệ làm “phân bón thông minh”. Khác với loại phân bón thông dụng hòa tan trong nước liền, thất thoát đạm 60 – 70%; Phân bón thông minh tan chậm và cung cấp đủ dinh dưỡng cho cây trồng gắn chu kỳ sinh trưởng, phòng trừ được cỏ dại và diệt được cả ốc bươu vàng.
 
Rynan Agrifoods đang triển khai thí điểm tại Trà Vinh và Đồng Tháp; Phân bón tan chậm có kiểm soát, chứa các loại khoáng chất, vi lượng trong vỏ bọc polymer, hạt đẹp hơn, thân thiện môi trường hơn và chi phí sản xuất giảm rõ rệt.
 
Cách nghĩ mới sẽ tạo ra điều kỳ diệu
 
AHLD thời kỳ đổi mới Hồ Quang Cua chia sẻ: Khuynh hướng thay đổi cơ cấu bữa ăn (Giảm cơm, tăng thịt cá, rau quả, tăng các thức ăn chế biến sẵn; Chú ý an toàn vệ sinh thực phẩm; Hướng về thực phẩm hữu cơ, thực phẩm chức năng) và hệ thống sản xuất nông nghiệp của Việt Nam đang thay đổi theo hướng tốt hơn (Sản xuất để bán; Sự chuyển dịch lao động nông nghiệp sang công nghiệp làm lao động nông thôn “có giá” hơn; Quy mô sản xuất đang dần lớn hơn; Tính thâm canh ngày càng cao…).
 
Theo ông, 4 điểm mà thị trường hiện nay cần: 1/Hàng hóa có chất lượng và đồng nhất; 2/Khối lượng ngày càng lớn để đáp ứng nhu cầu hệ thống phân phối tiên tiến; 3/Giao hàng đúng hẹn; 4/Giá cạnh tranh.
 
Ông Hồ Quang Cua, tác giả giống lúa nổi tiếng ST, cảm nhận những giới hạn trong sản xuất nông nghiệp, hầu hết đều có nguyên nhân:
 
1/ Chất lượng không ổn định, thiếu chứng nhận.
 
2/ Kỹ thuật canh tác lệ thuộc nhiều nông hộ nhỏ nên không đồng đều.
 
3/ Hoạt động sản xuất phân tán manh mún, thiếu liên kết theo chuỗi giá trị.
 
4/ Những mô hình truyền thống sản xuất và kết nối cung cầu chưa được tổng kết và hệ thống hóa. Những mô hình ở các nước đi trước khó áp dụng vì: Quy mô sản xuất nông  hộ của ta đa phần là nhỏ, manh mún; Tập quán tiêu dùng còn lạc hậu; Mãi lực người tiêu dùng còn giới hạn.
 
5/ Là nước nông nghiệp nhưng nhiều loại nông sản  không cạnh tranh được với các nước lớn (heo, bò, gà). Ngành chế biến tiến không kịp nhu cầu.
 
6/ Khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm còn giới hạn
 
Là người âm thầm tìm kiếm giá trị gia tăng cho nông sản theo chuỗi giá trị, anh Phạm Minh Thiện, TGĐ DNTN Cỏ May, lạc quan nói rằng công nghệ không thiếu để hiện thực hóa cách nghĩ, cách làm ra nhiều sản phẩm giá trị gia tăng từ cây lúa.
 
Làm ra dầu cám gạo, nấm rơm sạch, tinh dầu sen, phụ phẩm từ cá làm ra mỹ phẩm, dầu ăn, thức ăn chăn nuôi….hoàn toàn có thể thực hiện được, vấn đề là cách nghĩ và hết lòng. Theo anh Phạm Minh Thiện: Trong quá trình thu hoạch lúa, lâu nay cọng rơm bị bỏ đi hoặc cho bò ăn, đốt đồng. Gần đây, Cỏ May quan tâm và cho ra quy trình sản xuất nấm sạch từ rơm. “10kg rơm với giá 1.000 đồng/kg cộng với các chi phí khác (công cán, meo giống) 40.000 đồng. Tổng cộng là 50.000 đồng để cho ra 1kg nấm rơm sạch, bán với giá 160.000 đồng. Đề tài bã rơm sau trồng nấm, xơ dừa, phân trùn quế là rất có giá trị trong tổ hợp sản xuất phân vi sinh an toàn, thậm chí có thể xuất khẩu”, anh Thiện khẳng định.
 
Cơ hội luôn ở quanh ta


 
Các diễn giả chia sẻ tại buổi tọa đàm
 
Ông Phan Văn Mãi, Phó Bí thư thường trực tỉnh Bến Tre, băn khoăn: Nông sản Việt Nam rất phong phú, đa dạng nhưng đa phần nông dân vẫn sản xuất cực nhọc và lợi nhuận thấp so với các ngành nghề khác.
 
Theo ông, khó khăn hiện nay là nền sản xuất quá manh mún, mỗi hộ chừng 3000 m2. Vì vậy, tổ chức lại sản xuất theo tổ hợp tác, hợp tác xã để sản xuất theo chuỗi là những việc tỉnh Bến Tre rất quan tâm. Bến Tre chọn sản phẩm chủ lực để làm trước, coi trọng ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong từng khâu.
 
Đặc biệt, trong điều kiện hội nhập, có nhiều lúc chúng ta chỉ nghĩ xuất khẩu trong khi thị trường 90 triệu dân lại không quan tâm. Nếu quan tâm, đầu tư đúng xu hướng tiêu dùng thì hoàn toàn có thể sống yên tâm với sản phẩm của chúng ta”, ông Mãi, đặt hàng: BSA với nguồn lực nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp nên hỗ trợ các địa phương giải quyết câu chuyện thị trường, đẩy mạnh truyền thông giá trị mới….
 
Rynan Agrifoods đang liên kết với Bùi Văn Ngọ xây dựng mô hình hợp tác xã với 300 ha trồng lúa, TS Nguyễn Thanh Mỹ cho biết: Bùi Văn Ngọ có hệ thống sấy, chà, kết hợp với công nghệ đóng gói khí cải tiến của Rynan Agrifoods, sẽ cho ra thành phẩm giảm nhiều khâu trung gian. 40% phế liệu từ lúa qua gạo sẽ được tận dụng để làm ra gỗ và sản phẩm có giá trị cao. Mô hình liên kết này thu hút chú ý của chuyên gia Viện nông nghiệp Yanmar.
 
Ông Nguyễn Thể Hà, chủ nhiệm CLB hỗ trợ nông gia nhắc lại bài toán liên kết và kêu gọi các thành phần trong chuỗi (nông dân, THX, THT, doanh nghiệp chế biến, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hỗ trợ, các Viện, trường và Hiệp hội, Trung tâm) cùng nhau đoàn kết, để sản phẩm nông nghiệp ở ĐBSCL không bị thua trên sân nhà.Việc đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị giúp ích rất nhiều cho việc xây dựng mối quan hệ lâu dài, sản xuất bền vững.
 
Bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp đã thử đặt ra những câu hỏi phản biện nhấn mạnh bài toán thương mại, vai trò của việc xây dựng thương hiệu và truyền thông. Trong đó, làm tốt bài toán về thương mại thì chắc chắn sản phẩm nông sản của Việt Nam có thể tự tin cạnh tranh khi hội nhập.
 
Riêng TS Nguyễn Thanh Mỹ, cho rằng hầu hết người sản xuất đều có trong tay những thiết bị thông minh, cơ hội luôn chung quanh chúng ta, vấn đề là doanh nghiệp phải đón nhận bằng một cách nghĩ mới “, TS Mỹ nhấn mạnh.
 
Bài, ảnh: Ngọc Bích

Nguồn tin: BSA

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Các sáng lập viên

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 313

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 312


Hôm nayHôm nay : 38254

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 82087

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 37268224



thiet ke ho ca koi mai hien di dong cong ty to chuc su kien thang may tai hang thang mang tai khach