Trong ba đề tài, các tỉnh ABCD (An Giang, Bến Tre, Cần Thơ, Đồng Tháp) là nhà tổ chức của diễn đàn hầu như đều nhìn nhận: Quan trọng nhất là hiểu sâu, bắt mạch được “xu hướng thị trường” là điều sẽ chi phối toàn bộ hoạt động của người nông dân và các doanh nghiệp (DN). Để thoát khỏi lời nguyền “chi phí cao, chất lượng thấp” mà ngân hàng Thế giới đã khái quát hoá khi nói về kinh tế nông nghiệp Việt Nam. Và cũng hướng tới việc kết thúc nạn giải cứu liên miên từ ngành này tới ngành khác, mùa vụ này tới mùa vụ khác.
Hình ảnh mà tôi bị ám ảnh nhất về nông nghiệp đồng bằng, đó là “rau hai luống, chuồng hai ngăn”. Bất chấp an toàn cho người tiêu dùng, bất chấp chất lượng.
Cuộc thảo luận chuẩn bị cho Diễn đàn Mekong Connect 2019 (sẽ diễn ra tại Cần Thơ tháng 11/2019) không thấy ai nhắc đến hai chữ “thuận thiên” thể hiện ở nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về Phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, nhưng tinh thần “thuận thiên” đi sâu vào từng câu chuyện được phân tích. Hầu như ai nấy đều thống nhất phải chuyển từ “tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế, chú ý hợp tác, hình thành chuỗi trong làm ăn, từ biệt hẳn mô hình “chi phí cao, chất lượng thấp”. Tức là chạy theo sản lượng, coi đó là cứu cánh của nông nghiệp, để rồi cứ “được mùa mất giá” và tiếp tục giải cứu.
Đến kết nối chuỗi…
Một số hoạt động đang được tiến hành tại bốn tỉnh ABCD cho thấy sự năng động thu thập kinh nghiệm hay từ thị trường, từ các chuyến đi học về thị trường. Cách làm là tổ chức trung tâm sản xuất thử nghiệm để “giúp DN nhỏ và DN khởi nghiệp sản xuất sản phẩm mẫu, tiếp cận thử thị trường” của trung tâm Innopolis Thái Lan được các DN Đồng Tháp ghi nhận và đề xuất với tỉnh sau chuyến study tour ThaiFex tháng 6/2019 (nay đang được thực hiện), sẽ phối hợp với trung tâm Nghiên cứu công nghệ mới và sản xuất thử của Cần Thơ. Việc kết nối các đại học mà dẫn dắt là ĐH Cần Thơ, trong chương trình nghiên cứu thị trường cung cấp cho nông sản đồng bằng cũng đang được tiến hành, sẽ đưa vào chương trình chuẩn bị thiết thực cho Mekong Connect 2019.
Điều cho chúng ta hy vọng là với bốn tỉnh ABCD-Mekong, gần đây, đã có nhiều thử nghiệm thay đổi một quan niệm xưa cũ kéo dài là “sản lượng là mục tiêu phấn đấu”. Lúa ba vụ là một minh chứng rõ nét nhất. Đến lúc cần chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả sang trồng các cây có giá trị kinh tế cao; thiết lập và thực hiện mô hình sản xuất theo chuỗi sản phẩm; mô hình canh tác chuyển đổi từ độc canh cây lúa sang các hình thức canh tác bền vững hơn trên nền lúa như mô hình lúa-cá, lúa-tôm, lúa-sen, lúa-màu, lúa-cây ăn trái. Ngoài ra, nhiều cuộc kết hợp sản xuất nông sản với du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng rất thành công ở Bến Tre, Cần Thơ, Đồng Tháp.
Trong cuộc tái cấu trúc nông nghiệp Đồng Tháp, hình thức hội quán được phát triển nhanh mà thực chất đã làm nền cho một quan điểm đúng: hợp tác, hợp tác với nhau một cách tự nguyện là giải pháp cần thiết. Triết lý của HTX là lợi thế dựa trên quy mô. Quy mô HTX càng lớn, thành viên HTX càng nhiều, sẽ giúp giảm giá thành do lợi thế mua chung, tăng khả năng thích ứng với thị trường và năng lực đàm phán nhờ bán chung.
Chuỗi ngành hàng phải được hình thành dựa trên niềm tin của từng đối tác trong chuỗi đó. Niềm tin chỉ có được khi thông tin thị trường đầy đủ, minh bạch, không bị méo mó vì những lý do lợi ích cục bộ. Vai trò “dẫn dắt thị trường” của DN là điều kiện cần và điều kiện đủ là người sản xuất phải được chia sẻ đầy đủ thông tin đó.
Kim Hạnh (theo TGHN)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Đang truy cập : 111
•Máy chủ tìm kiếm : 1
•Khách viếng thăm : 110
Hôm nay : 32692
Tháng hiện tại : 616908
Tổng lượt truy cập : 50035542