18:16 EDT Thứ ba, 14/05/2024

Trang nhất » Tin Tức » Dòng chảy hàng Việt

Khi ông lớn để mắt tới nông nghiệp

Thứ tư - 13/04/2016 22:00
Các doanh nghiệp nối bước những doanh nghiệp lớn đi trước đã đầu tư vào nông nghiệp vì thị trường này còn rất tiềm năng.

Trồng rau, nuôi heo số lượng khủng

Giữa tháng 4/2015, Tập đoàn Vingroup chính thức công bố tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp với thương hiệu VinEco có vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng. Bước đầu, VinEco tập trung sản xuất rau quả hữu cơ và rau quả sạch theo mô hình tập trung khép kín và nhận chuyển giao công nghệ từ Nhật, Israel, Hà Lan… Điều khác biệt đầu tiên là những bó rau VinEco được sản xuất theo một qui trình khép kín từ trồng trọt đến thu hoạch và bán lẻ đến người tiêu dùng, thông qua hệ thống siêu thị VinMart và chuỗi cửa hàng tiện lợi VinMart+. Đặc biệt, những sản phẩm này cũng chỉ có mức giá tương đương với những cửa hàng rau sạch nhỏ lẻ khác trên thị trường.

Thị trường rau sạch được đánh giá là có tiềm năng vô cùng to lớn bởi an toàn thực phẩm đang là mối quan tâm hàng đầu của tất cả gia đình người Việt Nam. Nhưng cho đến hiện nay, vẫn chủ yếu là những hộ nông dân cá thể, những hợp tác xã đơn lẻ… cung cấp loại thực phẩm này, trong khi chưa có một đơn vị nào đầu tư sản xuất rau sạch qui mô đủ lớn. Thị trường cung cấp rau sạch gần như bỏ trống.

Tương tự, một cái tên vốn nổi tiếng trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh thép là Tập đoàn Hòa Phát (HPG), trong những ngày đầu năm 2016 cũng công bố thành lập công ty nông nghiệp quản lý hoạt động chăn nuôi và sản xuất thức ăn chăn nuôi với tên: Công ty cổ phần Phát triển nông nghiệp Hòa Phát. Công ty mới có vốn điều lệ 2.500 tỷ đồng và sẽ “gom” lại toàn bộ vốn của Hòa Phát tại 5 công ty con đang hoạt động trong lĩnh vực liên quan. Thực tế ngay từ đầu năm 2015, Hòa Phát đã chi 300 tỷ đồng để thành lập công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi ở Hưng Yên, có công suất 300.000 tấn/năm và mục tiêu hướng tới doanh thu 3.000 tỷ đồng trong 3 năm.

Trong thông điệp gửi đến cổ đông đầu năm 2015, Chủ tịch Hội đồng quản trị HPG Trần Đình Long cho biết: “Năm 2015 sẽ là bước ngoặt đổi mới quan trọng của Hòa Phát. Công ty sẽ mở ra một nhánh kinh doanh hoàn toàn mới – hoạt động thương mại và sản xuất thức ăn chăn nuôi. Lĩnh vực mới không dễ dàng, áp lực cạnh tranh thậm chí lớn hơn ngành thép. Nhưng tôi tin tưởng với kinh nghiệm áp dụng qui trình sản xuất khép kín qui mô lớn, Hòa Phát sẽ tiếp tục thành công”. Ngoài sản xuất thức ăn chăn nuôi, ông chủ Hòa Phát cũng chia sẻ với các cổ đông là trước mắt sẽ tập trung vào chăn nuôi gia súc và xem đây là ngành kinh tế mũi nhọn mới của công ty với mục tiêu đến năm 2020 sẽ đạt sản lượng 1 triệu tấn thức ăn gia súc và 1 triệu con lợn.

Sự tham gia của Hòa Phát vào lĩnh vực này bị một số cổ đông cho là liều lĩnh. Bởi thị trường thức ăn chăn nuôi Việt Nam được đánh giá là tiềm năng với doanh số khoảng 6 tỷ USD. Nhưng bên cạnh lượng nhập khẩu lớn, thị trường này hầu như vẫn do các doanh nghiệp ngoại thống lĩnh. Báo cáo từ Hiệp hội Chăn nuôi cho thấy, các doanh nghiệp liên doanh và 100% vốn đầu tư nước ngoài chiếm hơn 60% tổng sản lượng thức ăn chăn nuôi sản xuất ra. Các doanh nghiệp trong nước dù “quân số” đông, nhưng chỉ chiếm khoảng 40% thị phần. Để chiếm lĩnh và lọt được vào danh sách Top 10 công ty dẫn đầu thị trường thức ăn gia súc không phải là chuyện chỉ 1-2 năm…

Ưu thế qui mô và công nghệ

Sự tham gia của các doanh nghiệp lớn vào lĩnh vực nông nghiệp đến nay không còn là chuyện lạ. Những đơn vị đi trước như Hoàng Anh Gia Lai, Đức Long Gia Lai, Masan Group… đều đã thu được thành quả đáng kể từ việc chăn nuôi bò, sản xuất cám… Điểm mấu chốt của các đơn vị nêu trên đều là đầu tư lớn, bài bản từ khâu giống đến chế biến, phân phối hay sẵn sàng mua công nghệ hiện đại từ các quốc gia có nền nông nghiệp phát triển. Vì vậy, với lợi thế là đại gia trong lĩnh vực công nghệ, FPT cũng tự tin sẽ thành công với mô hình của mình khi cuối năm 2015 chính thức công bố hoàn thành xây dựng Trung tâm Hợp tác nông nghiệp thông minh FPT – Fujitsu, hợp tác cùng Tập đoàn Fujitsu của Nhật. Với diện tích hơn 400m2, trung tâm này là nơi ứng dụng công nghệ điện toán đám mây trong ngành thực phẩm và nông nghiệp cũng như toàn bộ những kỹ thuật tối tân, những kiến thức và bí quyết dành cho lĩnh vực nông nghiệp mà Fujitsu đã đúc rút được từ trước đến nay. Hai mô hình sản xuất nhà kính (Green house) và nhà máy rau (Vegetable factory) được vận hành để trồng thử nghiệm và giới thiệu những loại rau có giá trị gia tăng cao…

nongnghiep1

Sau thành công tại Nhật, Việt Nam là quốc gia đầu tiên được Tập đoàn Fujitsu đầu tư mở rộng phát triển mô hình nông nghiệp thông minh ra nước ngoài. Trong mô hình này, ví dụ thông qua “SaaS ứng dụng trong nhà kính” là dịch vụ dành cho nhà sản xuất ứng dụng công nghệ Akisai, hệ thống cảm biến sẽ thu thập mọi thông tin về môi trường (nhiệt độ, độ ẩm, CO2, lượng ánh sáng, lượng mưa, hướng gió, tốc độ gió…) từ đó tự động điều khiển mành che, cửa sổ, quạt để cho ra đời những trái cà chua cỡ vừa, có hàm lượng dinh dưỡng và độ ngọt tự nhiên rất cao. Hay mô hình nhà máy trồng trọt hoàn toàn khép kín được vận hành tại “Nhà máy rau”, hệ thống cảm biến sẽ có những điều chỉnh phù hợp với điều kiện phát triển của cây trồng…

Theo ông Trần Tuấn Dương, Tổng giám đốc Tập đoàn Hòa Phát, dù đi sau có thiệt thòi vì ít kinh nghiệm, nhưng doanh nghiệp lại có thuận lợi là áp dụng công nghệ hiện đại ngay từ đầu. Hơn nữa, công ty có tiềm lực tài chính mạnh, thương hiệu doanh nghiệp lớn, có kinh nghiệm quản trị sản xuất lớn…

“Doanh nghiệp trong nước đông, nhưng lại lép vế về thị phần, một phần do nội lực không đủ sức cạnh tranh. Chúng ta cần thêm những doanh nghiệp nội đủ lực tham gia sâu vào thị trường nông nghiệp, giúp cân bằng trở lại. Nếu có nhiều doanh nghiệp như Hòa Phát hay toàn xã hội tham gia thì nông nghiệp Việt Nam mới tiến lên quy mô sản xuất lớn được”, ông Trần Tuấn Dương chia sẻ. Còn theo ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT, hiện nay năng suất lao động, an toàn thực phẩm, quy mô mặt hàng, ứng dụng khoa học công nghệ, liên kết ngành cũng đang là vấn đề nóng của ngành nông nghiệp Việt Nam. Do đó, việc áp dụng công nghệ sẽ là hướng giải quyết các vấn đề của ngành nông nghiệp. Ngoài ra, phải tạo được chuỗi liên kết ngay từ đầu, giữa người cấp giống, người trồng cây, người phân phối, người mua hàng nhằm tránh trường hợp dư thừa nhân lực, sản phẩm như đã xảy ra. Trong đó, bản thân các doanh nghiệp phải là trung tâm trong cuộc tái cấu trúc nông nghiệp Việt Nam, đưa công nghệ cao vào nông nghiệp, liên kết chuỗi sản xuất và góp phần giải quyết vấn đề an toàn thực phẩm.

Ông Trương Gia Bình nhấn mạnh: để mô hình nông nghiệp thông minh lan tỏa trên quy mô cả nước, cần phải cải cách cơ chế, chính sách, môi trường kinh doanh trong nông nghiệp để tăng tính hấp dẫn và mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp. “Tôi tin rằng khi có môi trường tốt thì nông nghiệp sẽ là cơ hội hấp dẫn cho các doanh nghiệp Việt Nam”, ông Bình nói.

Trong khi đó, đánh giá cao sự tham gia của các doanh nghiệp vào lĩnh vực nông nghiệp, TS. Nguyễn Văn Ngãi, Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM nhận xét, chỉ có những doanh nghiệp lớn mới đủ sức đầu tư sản xuất qui mô lớn và tạo ra được qui trình khép kín, xây dựng được thương hiệu và tìm đầu ra cho nông sản Việt. Từ đó thay thế dần kiểu sản xuất nhỏ lẻ của nông dân bao đời nay. Nếu tìm hiểu kỹ, đi sâu các doanh nghiệp sẽ thấy khi đầu tư có bài bản, sản xuất qui mô lớn thì đây là ngành có tiềm năng, tỷ suất sinh lời cao và bền vững.

Tổ chức lại sản xuất

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Trần Tuấn Dương của Tập đoàn Hòa Phát cho rằng, trên thực tế, các doanh nghiệp tham gia đầu tư sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp hiện vẫn gặp nhiều vướng mắc về đất đai, thuế, tài nguyên môi trường… Việc tham gia nhiều hiệp định tự do thương mại gần đây, nhất là việc tham gia Hiệp định TPP được cho là sẽ đem lại nhiều cơ hội và thách thức với kinh tế Việt Nam, nhất là lĩnh vực nông nghiệp. Do đó, vai trò kiến tạo, xây dựng chính sách của Nhà nước là rất quan trọng để thu hút mạnh hơn cộng đồng doanh nghiệp trong thời gian tới.
> Hòa Phát đã chi 300 tỷ đồng để thành lập công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi ở Hưng Yên và mục tiêu hướng tới doanh thu 3.000 tỷ đồng trong 3 năm.

Theo phân tích của GS.TS Bùi Chí Bửu, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, hiện nay, Việt Nam chỉ mới đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp khoảng 5 – 6% tổng chi ngân sách nhà nước hàng năm. Riêng tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, mức chi đầu tư từ ngân sách còn thấp hơn, chỉ từ 2 – 4%. Trong khi tại các nước phát triển, dù nông nghiệp chiếm tỷ trọng không cao trong GDP, nhưng chi đầu tư cho lĩnh vực này lại cao hơn, từ 15 – 20% tổng chi ngân sách nhà nước. Việc tham gia đầu tư của các doanh nghiệp lớn vào nông nghiệp là cơ hội để tạo ra được chuỗi giá trị cao hơn, song, bên cạnh việc tạo ra các chính sách khuyến khích để nhiều doanh nghiệp tham gia, Nhà nước cũng phải gia tăng đầu tư hơn nữa để thúc đẩy sự thay đổi của lĩnh vực quan trọng này. Điều quan trọng nhất, theo GS.TS Bùi Chí Bửu là phải tổ chức lại sản xuất. Trong đó khuyến khích người nông dân liên kết, hợp tác với nhau để họ được hưởng lợi nhiều hơn. Đồng thời gia tăng việc áp dụng khoa học công nghệ cao vào lĩnh vực nông nghiệp.

“Ở các nước phát triển như Hà Lan, Israel khoa học kỹ thuật đóng góp đến 80 – 90% vào tốc độ phát triển của ngành nông nghiệp, trong khi tỷ lệ đó của Việt Nam chỉ khoảng 30%. Sản xuất trong nông nghiệp rất rủi ro, từ thời tiết đến giá cả đều biến động nhanh và khó lường. Vì vậy, việc các doanh nghiệp đầu tư sau này phải áp dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất là tất yếu để nâng cao năng suất, đảm bảo chất lượng sản phẩm… Ngoài ra, Nhà nước cũng phải xem xét tăng đầu tư cho hoạt động nghiên cứu của ngành nông nghiệp, bởi khoản đầu tư 300 tỷ đồng một năm cho hoạt động này là quá thấp, chỉ bằng ngân sách cho một trung tâm nghiên cứu của nước ngoài. Như thế rất khó tạo ra được nhiều dự án nghiên cứu có giá trị cao”, ông Bửu kiến nghị.

Phương Mai

Nguồn tin: Doanh nhân

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Các sáng lập viên

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 266

Máy chủ tìm kiếm : 109

Khách viếng thăm : 157


Hôm nayHôm nay : 64883

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 909117

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 44276802



thiet ke ho ca koi mai hien di dong cong ty to chuc su kien thang may tai hang thang mang tai khach