Trong có vẻ tươm tất hơn mọi khi, Anh Nguyễn Duy Thanh, một người bán rau củ, khoe nào những rỗ, rá, nào khay đựng rau củ... vừa sắm về từ hội chợ Kompong Speu ở Campuchia.
Tất cả đều là hàng Thái mua tại Campuchia mang về xài, với các đặc điểm vật liệu nhẹ, giá chấp nhận được và mẫu mã có khác biệt với đồ nhựa xứ mình.
Hội chợ hàng Thái tại Cần Thơ hồi năm ngoái cũng bán đồ nhựa nhưng không nhiều mẫu để Thanh chọn lựa. Có lẽ lúc đó, các nhà buôn hàng Thái còn thăm dò. Nhưng bây giờ, mọi chuyện đã khác.
Một cuộc đổ bộ hàng Thái, từ các loại hàng phục vụ sản xuất nông nghiệp như khay nhựa đựng đất trồng cây, chế phẩm sinh học tới cái rỗ đựng cà, đựng rau, củ quả, cục xà bông sáp…
Từ đồ melamine, quần áo, dầu thơm, dép nhựa… hầu như hễ là hàng của Thái Lan thì đều nhẹ hơn và khá tinh tế, lần lượt bước qua cửa ngõ Cần Thơ.
Bà Malinee Harmboonsong- lãnh sự thương mại Thái Lan giới thiệu về hàng Thái tại
Cần Thơ vào tháng 7.2015
Doanh nghiệp Thái giới thiệu tiềm năng du lịch
Một doanh nhân đang tính chuyện trồng rau an toàn ở Cần Thơ nói bây giờ phân bón hữu cơ vi sinh của Thái "vô nhiều lắm".
Một bà nội trợ ở Cần Thơ cho biết lần thứ hai hội chợ hàng Thái được tổ chức ở đó, bà nhìn cái chõ xôi, bình nấu nước, cái rổ nhựa... vốn dĩ là những thứ đâu phải trong nước không sản xuất được, nhưng cách họ làm, lối họ chào bán… "lại khiến mình phải dừng lại, móc tiền ra mua", cho dù có khi họ “không biết một chữ nhứt một (tiếng Việt)”.
"Vì sao như vậy"? "Tui cũng không biết, chỉ thấy sau khi mang về nhà để ở nhà bếp, đặt lên bàn ăn thấy như nó làm cho không gian đó đầy đặn ra..." bà trả lời.
Không chỉ tinh tế phát hiện nhu cầu và thị trường ngách, các doanh nhân và chính khách ở các tỉnh miền Trung Thái Lan cũng bắt đầu chú ý tới thị trường ĐBSCL.
Bà Chollada Areerajjakul, Giám đốc phòng Xúc tiến Đầu tư nước ngoài – Cục đầu tư Thái Lan - đã tìm hiểu thông tin, cách thành lập doanh nghiệp, các chính sách hỗ trợ đầu tư nước ngoài hiện có ở Cần Thơ để mở rộng cánh cửa này.
Pataya, công ty Thái về thực phẩm, là doanh nghiệp thành công ở Việt Nam, từng được bình chọn HVNCLC, khi tham gia những chương trình tiếp cận người tiêu dùng.
Các doanh nhân Thái sống khá thoải mái tại Cần Thơ. Họ hiểu chính sách, cách sống và xu hướng của cả hai phía Thái – Việt.
Ông Yuttana Thongphur, Phó tổng giám đốc CP Việt Nam, phụ trách ngành thủy sản, nhận xét rằng người Việt Nam cũng thích xài đồ của Thái.
Ông bảo mối quan hệ của Thái và Việt Nam tốt, môi trường đầu tư ở Cần Thơ tốt, ngành thực phẩm có nhiều tiềm năng. Lao động ở miền Nam của Việt Nam cần cù, siêng năng, nhảy việc ít nhưng... nhậu nhiều. Ông chia sẻ với doanh nhân Thái, nếu muốn đầu tư ở VN thì sản phẩm phải khác biệt.
Từ 29/6 đến 1/7/2016, một phái đoàn của tỉnh Chachoengsao, Thái Lan, đã bắt đầu chuyến khảo sát, tìm cơ hội đầu tư tại Cần Thơ.
Sau khi tham quan các điểm du lịch, KCN Trà Nóc, Vườn ươm Công nghệ - Công nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc, với con mắt của các nhà chuyên nghiệp, lập tức, họ tổ chức 8 gian trưng bày gạo Berry Thái, hoa giấy, sản phẩm từ dừa, mỹ phẩm, nước hoa và các điểm đến thuộc hệ du lịch sinh Thái.
Cho đến nay, các nhà đầu tư Thái Lan mới chỉ có 5 dự án tại Cần Thơ, tổng vốn hơn 49 triệu USD, chiếm tỷ trọng 3,6% tổng số vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn thành phố, đứng hàng thứ năm trong các quốc gia và lãnh thổ đầu tư tại đây.
Phó tỉnh trưởng tỉnh Chacheongsao là ông Decha Jaiya đang tìm cách thay đổi con số này thông qua những dự án hợp tác trong lĩnh vực du lịch, đầu tư, thương mại và kêu gọi Cần Thơ tham dự chương trình "Phát kiến trưng bày sản phẩm 5 tỉnh miền trung Thái Lan" từ 26/7-01/8".
Nhận lời mời, nhưng cơ quan xúc tiến Cần Thơ khó khăn lắm mới tuyển chọn được 5-7 mặt hàng dù trên hồ sơ đăng ký Cần Thơ có tới 15.000 doanh nghiệp, tổng số vốn đăng ký kinh doanh 96.633 tỷ đồng.
Trong khi đó thì các doanh nhân Thái luôn tìm cách quảng bá hình ảnh ở mọi nơi, sẵn sàng bất kỳ lúc nào.
Tháng 2/2016, phái đoàn 5 tỉnh miền Trung của Thái Lan do bà M. Panpimon Suwannapongse, Tổng lãnh sự Thái Lan tại TP Hồ Chí Minh làm trưởng đoàn tới Cần Thơ.
Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hội chợ triển lãm Cần Thơ đều sẵn sàng hỗ trợ để xoài, dây nịt, túi xách, gạo, sữa, sản phẩm điêu khắc 3D, củi than bằng dừa… có nơi chào bán.
Người Thái thành công là phải
GSTS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường ĐH Nam Cần Thơ, đã dành thời gian nghiên cứu thực địa tại Hội chợ Lương thực, thực phẩm, đồ uống diễn ra từ 26 - 30/5/2016 ở thủ đô Bangkok, Thái Lan.
Theo đề xuất của Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ Doanh nghiệp (BSA), GS Xuân chia sẻ những điều mắt thấy tay nghe với 20 doanh nghiệp tại Cần Thơ, ngày 13/6/2016.
Theo giáo sư Xuân, kinh nghiệm từ năm 1924, các nhà tổ chức tích lũy một danh mục rất phong phú với tên của những chủ siêu thị, nhà hàng, khách sạn, và các nhà chế tạo máy móc thiết bị và sản xuất hàng liên quan đến chế biến nông thủy sản, để mời đến tham quan và mua hàng.
Quy mô hội chợ năm 2016 tăng vượt bậc so những năm trước: 1.675 công ty đến từ 33 quốc gia đến triển lãm hàng hóa diện tích các khu triển lãm tăng thêm 10.000 m
2 đưa tổng diện tích khu triển lãm lên đến 80.000 m
2..
Mặt hàng tham gia phong phú từ Thực phẩm & Nước giải khát (trưng bày thực phẩm HALAL dành cho người Hồi giáo và thực phẩm hữu cơ); Dịch vụ cung cấp thức ăn; Công nghệ thực phẩm; Dịch vụ đãi khách và Bán lẻ & Nhượng quyền.
Ngành gạo có 162 gian hàng giới thiệu gạo và sản phẩm chế biến sau gạo, trong đó Thái Lan có 96 gian hàng, Campuchia có 11 gian hàng và Việt Nam có 9 gian hàng (trong tổng số 25 gian hàng từ Việt Nam).
“Cả 9 gian hàng này đều là do nhà phân phối đứng ra chứ không phải nhà sản xuất gạo. Công ty Minh Phong (Minh Phong Green Agricultural Products JSC) triển lãm giới thiệu gạo ST20 và ST21 đây là sản phẩm gạo của tỉnh Sóc Trăng”, GS Xuân cho biết.
Hội chợ có trái cây tươi và luôn luôn có sản phẩm chế biến tăng giá trị trái cây theo cách sáng tạo của người Thái: sầu riêng, xoài, nhãn, bòn bon, bưởi, măng cụt, nước dừa tươi...
“Riêng với lúa cao sản của Thái Lan kỹ thuật đã tiến tới tầm của Việt Nam”, GS Xuân nhận xét.
Ông cho biết các doanh nghiệp Thái đã đầu tư mạnh về giống, máy móc chế biến, bao bì sản phẩm và đặc biệt là chính sách thương mại khi sản phẩm ra thị trường.
Thực tế, sản phẩm nông sản của Việt Nam cũng rất ngon, phong phú nhưng còn bị hạn chế bởi bao bì, chất lượng không đồng đều, giá không ổn định.
Trong khi đó, Thái Lan đã liên kết sản xuất, tạo thành quy mô lớn, nhờ đó chất lượng và mẫu mã của hàng nông sản Thái Lan rất ổn định.
Theo bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm BSA, từ năm 2013, Thái Lan đã có chương trình tập trung hỗ trợ DNVVN (SME).
Chương trình này có tên là: Pracha Rath (Đất nước của người dân) theo hình thức hợp tác công- tư.
Theo đó, các doanh nghiệp lớn kết nối hỗ trợ DNVVN, có vai trò chủ trì của nhà nước và ngân hàng.
Sau khi AEC hình thành, tháng 2/2016 Thái Lan đã tiến hành giai đoạn 2 gọi là SME-Proactive.
Chính phủ Thái Lan đã chi 10 tỷ USD cho 3 năm để hỗ trợ SME. Có lúc khó khăn, Chính phủ có chương trình bổ sung như 6 tháng cuối năm 2013, đã rót 2,1 tỷ USD cho 500 doanh nghiệp đi dự 81 hội chợ quốc tế và thị trường mục tiêu là khu vực Đông Nam Á.