18:55 +07 Thứ hai, 07/10/2024

Trang nhất » Tin Tức » Dòng chảy hàng Việt

Tăng lương phải gắn với tăng năng suất lao động

Thứ bảy - 13/08/2016 09:43
Việc tăng lương nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng và đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của người lao động (NLĐ). Tuy nhiên, song song với việc tăng lương cần có những giải pháp để tăng năng suất lao động (NSLĐ) chất lượng nguồn nhân lực… góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập. Đây là chia sẻ của bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da – Giầy – Túi xách Việt Nam trong cuộc trao đổi với phóng viên TBTCVN.


* PV: Mới đây, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã thống nhất chọn phương án đề xuất điều chỉnh tăng 7,3% lương tối thiểu năm 2017. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, hiện tăng NSLĐ chưa đi đôi với việc tăng lương. Quan điểm của bà về vấn đề này như thế nào?

- Bà Phan Thị Thanh Xuân: Việc tăng NSLĐ phụ thuộc vào nhiều yếu tố chứ không chỉ dựa vào mỗi yếu tố chi phí lao động. Theo đó, muốn tăng NSLĐ cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tay nghề công nhân; đồng thời, cần nâng cao trình độ quản lý, quản trị hiệu quả doanh nghiệp (DN). Đặc biệt, DN cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, hiện đại vào trong quá trình sản xuất để hỗ trợ NLĐ tạo nên những sản phẩm chất lượng tốt hơn, thời gian sản xuất ra sản phẩm được rút ngắn hơn…

Tiền lương là chi phí trả cho NLĐ để tái tạo sức lao động, khi lương tăng sẽ là động lực để NLĐ làm việc hăng hái hơn, tích cực hơn. Tuy nhiên, có một thực tế hiện nay, mức tiền lương tối thiểu luôn được điều chỉnh tăng định kỳ hàng năm, song năng suất, chất lượng lao động của Việt Nam lại chưa ghi nhận những mức tăng tương ứng. Ở Việt Nam, tiền lương tối thiểu trung bình tăng khoảng 20% mỗi năm trong giai đoạn 2005 - 2015. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng tiền lương tối thiểu lại cao hơn tốc độ tăng NSLĐ ít nhất 3 lần. 

 
 
vuan
Bà Phan Thị Thanh Xuân
 

Theo đánh giá của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), NSLĐ của Việt Nam thuộc nhóm thấp nhất ở châu Á – Thái Bình Dương. Cụ thể, thấp hơn Singapore gần 15 lần, Nhật Bản 11 lần và Hàn Quốc 10 lần. Ngay cả khi so sánh với các nước láng giềng trong khu vực Đông Nam Á có mức thu nhập trung bình thì NSLĐ của Việt Nam cũng chỉ bằng 1/5 Malaysia và 2/5 Thái Lan…

* PV: Theo bà, khi lương tối thiểu tăng quá nhanh so với tăng NSLĐ thì sẽ có những tác động như thế nào?

Bà Phan Thị Thanh Xuân: Khi lương tối thiểu tăng quá nhanh so với tăng NSLĐ có thể phát sinh nhiều tác động tiêu cực đến cả DN và NLĐ. Bởi lẽ, đối với DN, khi các chi phí đầu vào tăng (như chi phí về nguyên liệu, chi phí về vốn, chi phí trả cho NLĐ …) nhưng hiệu quả, năng suất làm việc không cao dẫn đến DN phải bù lỗ, gây sức ép lớn cho DN, thậm chí có những DN phải thu hẹp sản xuất, ngừng hoạt động… kéo theo một bộ phận NLĐ sẽ rơi vào cảnh thất nghiệp, mất việc làm.

Đơn cử như trong ngành Da giầy, 7 tháng đầu năm 2016, tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của ngành mới đạt được 5%, trong khi mục tiêu đặt ra là 10%. Như vậy, nhiều đơn hàng giảm, ảnh hưởng đến doanh thu của DN, nhiều DN đã phải cắt giảm sản xuất, sản xuất cầm chừng…

Bên cạnh đó, tôi cho rằng có một điểm cần lưu ý là mặc dù lương tối thiểu tăng nhưng NLĐ có thực sự được hưởng mức tăng đó không thì phải xem xét rõ ràng. Bởi, hiện phần lớn DN đã  trả lương lao động hơn mức lương tối thiểu rồi, nên mức lương này thường được cố định không thay đổi. Trong khi đó, lương tối thiểu là lương nền cho việc đóng các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, phí công đoàn… Khi lương tối thiểu tăng, những khoản đóng góp trên sẽ tăng theo, trong khi lương thực trả cho NLĐ không đổi khiến thu nhập của người công nhân lại tụt xuống. Đấy là nghịch lý của tình trạng mặc dù tăng lương nhưng thu nhập của NLĐ lại giảm. 

* PV: Trong bối cảnh hội nhập, việc tăng NSLĐ chưa đi đôi với tăng lương sẽ có những tác động như thế nào, thưa bà?

Bà Phan Thị Thanh Xuân: Từ trước đến nay, những “điểm cộng” trong so sánh lợi thế cạnh tranh của Việt Nam vẫn dựa vào chi phí nhân công rẻ và nguồn lao động dồi dào, dân số vàng.... Tuy nhiên, khi mức tăng trưởng tiền lương tăng quá nhanh so với tăng NSLĐ thì những lợi thế vốn có của Việt Nam sẽ bị giảm dần. Thêm vào đó, Việt Nam đang trong quá trình hội nhập sâu rộng với nền kinh tế khu vực và toàn cầu, theo đó, những tiêu chuẩn, yêu cầu trong sản xuất lao động cũng tăng cao. Do đó, nếu chất lượng nguồn nhân lực, NSLĐ … trong các DN Việt không đáp ứng được sẽ khiến nhiều nhà đầu tư chuyển đổi đối tác làm ăn, dịch chuyển nhà máy sang các nước khác có lợi thế cạnh tranh tốt hơn.

Đơn cử như trong ngành Da giầy, hiện NSLĐ của công nhân trong ngành là 3 - 4 đôi giầy/người/ngày. Trong khi đó, một trong những đối thủ của Việt Nam là Trung Quốc có mức năng suất lao động đạt 7 - 8 đôi giầy/người/ngày. Điều này đã khiến nhiều nhà đầu tư dịch chuyển những đơn hàng ra khỏi Việt Nam và chuyển sang Trung Quốc.   

Tôi cho rằng, bài toán tăng NSLĐ không thể giải quyết ngay trong một sớm một chiều, cũng như đây là vấn đề cần sự chung sức từ nhiều phía của cả Chính phủ cũng như DN, NLĐ … Tuy nhiên, trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt của quá trình hội nhập, nếu chúng ta không có những giải pháp đồng bộ để từng bước tăng NSLĐ, tăng năng lực cạnh tranh thì rất dễ bị thua ngay trên “sân nhà” chứ chưa nói đến vươn ra “biển lớn”.

* PV: Xin cảm ơn bà

Nguồn tin: TBTCVN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Các sáng lập viên

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 54

Máy chủ tìm kiếm : 6

Khách viếng thăm : 48


Hôm nayHôm nay : 34384

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 110689

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 50539233



thiet ke ho ca koi mai hien di dong cong ty to chuc su kien thang may tai hang thang mang tai khach