17:23 +07 Thứ năm, 19/09/2024

Trang nhất » Tin Tức » Dòng chảy hàng Việt

Thách thức lớn vẫn là năng lực cạnh tranh

Thứ bảy - 13/08/2016 11:30
Ngày 11 – 12.08.2016, tại TP cần Thơ, Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn, Viện khoa học nông nghiệp Việt Nam phối hợp với UBND TPCT tổ chức hội thảo quốc gia về khoa học cây trồng lần thứ 2, có chủ đề “Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thích ứng với Biến đổi khí hậu” thu hút nhiều nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành trong và ngoài nước.

39/160 báo cáo thuộc 3 tiểu ban: 1/Di truyền giống và công nghệ sinh học (14 báo cáo) , 2/ Kỹ thuật trồng trọt và bảo vệ thực vật (12 báo cáo); 3/ Đất, phân bón, môi trường và hệ thống nông nghiệp (13 báo cáo), được Hội đồng Khoa học công nghệ chọn công bố tại hội thảo.


Hội thảo thu hút gần 1.000 đại biểu tham dự (ảnh: Ngọc Bích)
 
Bất ngờ từ rau quả
 
Ngay hôm đầu tiênông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, cho biết điều bất ngờ từ rau quả: Thời gian qua ngành rau quả tuy nhận được rất ít sự quan tâm đầu tư, nhưng kết quả xuất khẩu lại hết sức ấn tượng và liên tục tăng trưởng. Năm 2013, xuất khẩu rau quả chỉ đạt 900 triệu USD. Năm 2014, đã đạt 1,47 tỷ USD và trong năm 2015 đạt 1,85 tỷ USD Mỹ. Tính đến hết tháng 7/2016, trị giá xuất khẩu rau quả đã đạt 1,37 tỷ USD. Ông Doanh cho rằng cần chú trọng nguồn lực nghiên cứu, phát triển nhiều hơn cho lĩnh vực này.
 
Theo ông Doanh, 3 hạn chế của ngành nông nghiệp hiện nay: 1/ Giống: chưa có nhiều loại giống tạo được lợi thế cạnh tranh; 2/Kỹ thuật: Chi phí trồng trọt hiện còn quá cao, khiến lợi nhuận nông dân giảm, công tác đào tạo chỉ chú trọng tới lĩnh vực công tác học, chưa chú ý tới hướng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ tiên tiến; 3/Bảo quản chế biến.
 
Dù tỷ trọng đầu tư cho nông nghiệp thấp, chỉ chiếm 5,8% trong tổng đầu tư ngân sách ( tính mức trung bình 30 năm gần đây) nhưng ngành nông nghiệp đóng góp cho GDP đất nước khoảng 18%/năm.
 
Những năm gần đây, nông nghiệp là lĩnh vực đưa Việt Nam ra với thế giới sau chiến tranh thông qua các ngành hàng xuất khẩu chủ lực, hiện tại, lĩnh vực trồng trọt đã đóng góp 7 mặt hàng xuất khẩu có giá trị từ 1,26 cho đến 2,9 tỷ USD. Giai đoạn 2013-2015, Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam có 50 giống được công nhận là giống chính thức, 70 giống được công nhận sản xuất thử, trong đó đã chuyển nhượng bản quyền và ủy quyền kinh doanh 34 giống cây trồng với tổng giá trị trên 90 tỷ đồng (28 giống lúa, 8 giống bắp) cho 12 doanh nghiệp.
 
PGS TS Trịnh Khắc Quang, Q. Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam nói, ngoài giống, các quy trình canh tác cũng được quan tâm như quy trình thâm canh, tái canh, cải tạo vườn cây ăn quả, cây công nghiệp. Một số quy trình được ứng dụng và triển khai có hiệu quả: Ghép tạo cây ăn quả, tái canh cà phê, phòng trừ đốm nâu thanh long, thâm canh điều…
 


Cũng theo PGS TS Trịnh Khắc Quang - Q Viện trưởng Viện Khoa học Nông nghiệp VN - ảnh HĐ (ảnh: Ngọc Bích)
 
Cũng theo PGS TS Trịnh Khắc Quang, các ý kiến từ 3 tiểu ban, nổi lên 4 vấn đề thách thức về nông nghiệp trong thời gian tới: 1/Biến đổi khí hậu, thiên tai, hạn hán xảy ra bất thường, xâm ngập mặn tại các tỉnh ĐBSCL diễn ra nhanh, kéo dài hơn;2/ Quá trình hội nhập sâu, khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do, đồng nghĩa với áp lực cạnh tranh về thị trường đã đặt ra bài toán về chất lượng, số lượng cho nông sản; 3/Vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường nông nghiệp; 4/Áp lực tăng trưởng ngành, xuất khẩu, an ninh lương thực.
 
Cần giải pháp thiết thực
 
Trước thực tế BĐKH, lãnh đạo Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam kiến nghị với Bộ NN&PTNT, Bộ KHCN và các Bộ, ngành liên quan:
 
1/ Tập trung ưu tiên cho các nghiên cứu đối với những ngành hàng xuất khẩu, sức sản xuất lớn, theo hướng xanh, các giống mới, cây trồng thích ứng BĐKH
 
2/ Quan tâm chọn tạo giống chất lượng, tăng sức chống chịu, cải tạo giống bản địa
 
3/ Kỹ thuật canh tác: xác định giống, kỹ thuật phù hợp với đặc tính từng địa phương, chú ý vấn đề nước tưới
 
 4/ Đẩy mạnh liên kết sản xuất, liên kết các tác nhân trong chuỗi giá trị, hợp tác nghiên cứu, chuyển giao cho địa phương và doanh nghiệp. Đặc biệt, quan tâm vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, đẩy mạnh nghiên cứu, nhân rộng các mô hình rau của quả an toàn…
 
 “Việt Nam có nhu cầu lớn về Bệnh viện cây trồng. Việc thiếu kinh phí, nhận thức về mô hình này còn thấp, khả năng liên kết giữa các bên kém và thiếu nguồn nhân lực chính là những thách thức trong việc nhân rộng các Bệnh viện cây trồng, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao nhằm thích ứng biến đổi khí hậu tại Việt Nam”, TS  Sivpragasam, chuyên gia Trung tâm Nông nghiệp và Sinh học quốc tế CABI (Centre for Agriculture and Biosciences International), bổ sung: “Đây  là một cách tiếp cận để đưa nông nghiệp đi theo hướng sạch, an toàn, nhưng số này ở khu vực ĐBSCL còn rất ít. Chúng tôi rất muốn nhân rộng mô hình này ở các tỉnh khác như Đồng Tháp, Hậu Giang, Cần Thơ… Khi nông dân tiếp cận được các BVCT sẽ giúp nhà quản lý rất nhiều trong việc kiểm soát chất lượng thuốc giả, kém chất lượng”.
 
CABI đã phối hợp với Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam triển khai dự án Bệnh viện cây trồng (BVCT) ở 4 tỉnh: Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Tiền Giang và Bến Tre (dự án triển khai được gần 4 năm), nhằm nâng cao các dịch vụ chẩn đoán bệnh cây trồng và cung cấp thông tin hỗ trợ thông qua Ngân hàng kiến thức chăm sóc sức khoẻ cây trồng, đào tạo lực lượng cán bộ, bác sĩ cây trồng, hỗ trợ nông dân quản lý dịch bệnh, sâu hại. Hiện nay, dự án xây dựng được 40 bệnh viện cây trồng.  
 
Năng lực thương mại hóa
 
TS Trần Ngọc Thạch, Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL cho biết Viện đã nghiên cứ và đưa ra 13 giống lúa mới, khả năng chịu mặn 3-4‰, tính kháng rầy, kháng bệnh đạo ôn, ngắn ngày, năng suất cao: OM6976, OM2517, OM5629, OM8017, OM9921, OM8018, OM6677, OM10252, OM6162, OM5451, OM4900, OM7347, ĐTM126. Các giống cây trồng khác như: đậu tương HL 07-15, HLĐN29, HLĐN910, giống vừng (mè) đen ĐH-1); chọn tạo giống mới một số giống cây cây ăn quả – cây đầu dòng sầu riêng, chôm chôm, xoài, nhãn lai. Viện lúa còn đưa ra một số giải pháp kỹ thuật như cải tiến giống, gốc ghép mới chống chịu với điều kiện bất lợi của môi trường như khả năng chịu phèn, chịu hạn, chịu mặn, chống chịu bệnh thối rễ.
 
Một số thành công của khoa NN&SHƯD, các trung tâm, các Viện tại trường ĐH Cần Thơ, được PGS.TS Lê Văn Hoà, trưởng khoa Nông nghiệp và sinh học ứng dụng, trường ĐH Cần Thơ, cho thấy hướng nghiên cứu để giải quyết những vấn đề đặt ra trong thực tế như tạo sức đề kháng cho cây, tăng khả năng chống chịu, cải tạo môi trường sống, quản lý dinh dưỡng đất, rửa mặn, phèn, chọn tạo và phóng thích giống kháng rầy nâu, chịu mặn, chịu phèn; xây dựng vùng sản xuất đạt chứng nhận GlobalGAP cho 1 số mô hình sản xuất như rau màu, xoài, hồ tiêu, nghiên cứu biện pháp giảm khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính từ trồng trọt….


                                             
                                     Nghiên cứu giống lúa ở Viện lúa ĐBSCL (ảnh: Đức Toàn)



Theo Cục trồng trọt điều tra giống lúa năm 2015, từ thành tựu nghiên cứu giống lúa mới đã chuyển giao, đến tháng 5/2015 cả nước có 379 giống lúa có trong danh mục giống cây trồng được phép sản xuất kinh doanh (trong đó 270 giống lúa tẻ thường, 88 giống lúa ưu thế lai, 21 giống lúa nếp).
 
Hiện nay có 26 giống lúa chiếm diện tích gieo trồng trên 50.000 ha, 13 giống gieo cấy trên 100.000 ha trở lên, 100 giống có diện tích sản xuất nhỏ hơn, phân bố rải rác và có tính đặc thù và 122 giống không còn được đưa ra sản xuất. Ở ĐBSCL 45/52 giống lúa tẻ chiếm 98,9% (4,12 triệu ha), 5 giống lúa lai, chủ yếu ở vùng phù sa nhiễm mặn, vùng lúa-tôm, diện tích chiếm trên 31.000 ha, chiếm 0,8% và các giống lúa nếp mới và giống địa phương chiếm hơn 15.000 ha, chiếm 0,4%. Khoảng 10 giống lúa tẻ đang phổ biến như: IR50404, OM5451, OM6976, OM4900, Jasmine 85, OM4218, Nàng Hoa 9, OM7347, OM2517….
Rất đa dạng, nhưng loại nào có thể  trở thành ứng viên cho chiến lược thương hiệu lúa gạo quốc gia, vùng, địa phương? Loại nào có thể tạo dựng thanh thế và trụ vững trên thị trường như các giống câu trồng Thái Lan, Campuchia? Giữa công trình nghiên cứu khoa học và năng lực cạnh tranh, định vị thương hiệu vẫn là khoảng cách khá lớn, thậm chí là thách thức lớn khi Việt Nam muốn tiến về phía trước.
 
PGS TS Trịnh Khắc Quang – Quyền Viện trưởng Viện KHNN Việt Nam (VAAS):
 
Dân số nước ta  sẽ trên 100 triệu người, đất canh tác qui mô nông hộ ngày càng nhỏ. Đất chật, người đông, nếu chúng ta không chuyển theo hướng nông nghiệp CNC thì nền nông nghiệp nước ta không thể phát triển được. Định hướng của Chính phủ và Bộ NN-PTNT là phát triển nông nghiệp Việt Nam trở thành nền nông nghiệp CNC và có bước đi phù hợp.
 
Đầu tiên cần có giống tốt, kế đến là qui trình SX kỹ thuật tốt, trong đó xem xét các biện pháp canh tác trong nhà lưới, nhà màng… Trong những năm gần đây, BĐKH cùng với thời tiết bất thường diễn biến rất rõ. Đầu năm ở miền Bắc hứng chịu đợt không khí lạnh sâu, nhiệt độ nhiều vùng thấp nhất trong lịch sử quan trắc và gây ra một đợt rét đậm, rét hại trên diện rộng. Miền Trung - Nam Trung bộ, Tây Nguyên gặp hạn hán, vùng ĐBSCL vừa cùng lúc gặp hạn và mặn. Đó là nguyên nhân chủ yếu làm thiệt hại nặng nề hơn 249.000 ha lúa, hơn 19.200 ha hoa màu, hơn 37.300 ha cây ăn quả tập trung và hơn 163.000 ha cây lâu năm…với tổng giá trị lên hơn 142.144 tỉ đồng và lần đầu tiên GDP toàn ngành nông nghiệp nước ta giảm 0,78%. Do đó, chúng ta cần có những biện pháp nghiên cứu giống cây trồng mới và tìm giải pháp canh tác thích ứng trước BĐKH.
 
Có 3 động lực cơ bản để phát triển ngành trồng trọt, đó là tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, đầu tư và cải thiện cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng sản xuất và chế biến sâu nông sản và đổi mới chính sách. Nền nông nghiệp nước ta trong đó lĩnh vực cây trồng nói riêng là một nền sản xuất mở, hội nhập sâu rộng vào kinh tế khu vực và quốc tế, do vậy để đảm bảo sản xuất hiệu quả, nâng cao thu nhập của người dân, khoa học cây trồng cần cung cấp kịp thời các giải pháp về quản lý, tổ chức sản xuất, công nghệ để nâng cao chuỗi giá trị cho mỗi sản phẩm theo nguyên tắc đầu tư vật chất và tài nguyên ít hơn, lao động ít hơn, rủi ro ít hơn song giá trị sản xuất và thu nhập cao hơn.
 
Định hướng tái cơ cấu trong lĩnh vực trồng trọt, hướng nghiên cứu khoa học nông nghiệp sắp tới sẽ tập trung vào 6 đối tượng cây trồng chính là: Lúa gạo, cà phê, hồ tiêu, cây điều, cây sắn và rau quả. Nghiên cứu chọn tạo giống theo hướng nâng cao chất lượng và thích ứng BĐKH, kỹ thuật  canh tác tiên tiến để giảm chi phí đầu vào, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người sản xuất. Theo chỉ đạo của Bộ NN-PTNT cần nghiên cứu về hình thức tổ chức sản xuất, ứng dụng các tiến bộ khoa học để sản phẩm nông nghiệp của nước ta đi vào thị trường có hiệu quả và đạt giá trị cao hơn.
                                                                                                                                                                                                                   Đức Toàn
 
 
                                                                                                       Đức Toàn – Ngọc Bích

Nguồn tin: BSA

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Các sáng lập viên

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 103

Máy chủ tìm kiếm : 3

Khách viếng thăm : 100


Hôm nayHôm nay : 30563

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 614779

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 50033413



thiet ke ho ca koi mai hien di dong cong ty to chuc su kien thang may tai hang thang mang tai khach