14:19 EDT Thứ ba, 14/05/2024

Trang nhất » Tin Tức » Dòng chảy hàng Việt

Trung Quốc và con bài hướng đông TPP

Thứ năm - 18/06/2015 06:12
Chính sách hướng đông của Mỹ đang đặt cược vào TPP, và nước này, theo lời Tổng thống Obama, muốn viết lại các luật lệ của nền thương mại toàn cầu chứ không phải là Trung Quốc. Thế mà, tuần trước, Tổng thống Mỹ ngỏ ý: Trung Quốc có thể tham gia TPP. Thực chất của điều này là gì?
 

Ngoại trưởng John Kerry trong cuộc họp với các nhà lãnh đạo quốc gia
thảo luận về TPP. Ảnh: TL
 
Lần giở lại lịch sử thì có thể thấy ràng việc Trung Quốc đánh tiếng tham gia TPP là có thật. Cuối tháng 3.2013, quyền đại diện Thương mại Mỹ khi đó là Demetrios Marantis tuyên bố Mỹ vẫn để ngỏ khả năng Trung Quốc tham gia TPP. Ngày 30.5.2013, người phát ngôn bộ Thương mại nước này đã cho biết là Trung Quốc sẽ nghiên cứu khả năng tham gia đàm phán TPP trên cơ sở bình đẳng cùng có lợi. Một loạt các tuyên bố sau đó cũng cho thấy nước này cũng cho thấy sự quan tâm. Mỹ thì cũng chưa bao giờ phủ nhận khả năng này, và hai bên cứ lời qua tiếng lại cũng đã mấy năm nay. Vậy liệu Trung Quốc có định tham gia TPP thật sự?
 
Khi đàm phán Doha về tự do hoá thương mại toàn cầu lâm vào bế tắc, thì các hiệp định mậu dịch tự do khu vực đang đưa nhiều nền kinh tế vượt ra khỏi khuôn khổ các quy tắc của tổ chức Thương mại thế giới (WTO). TPP, với 12 thành viên đàm phán hiện tại được cho là nòng cốt sau này để phát triển ra cả một khu vực rộng hơn, cụ thể là các quốc gia thành viên của diễn đàn Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC). APEC hiện có 21 thành viên trong đó có cả Trung Quốc.
 
Người Mỹ có vẻ đang lo lắng về một sự trỗi dậy từ Trung Quốc và TPP là một con bài để chế ngự trong chính sách hướng đông. TPP quan trọng như tàu sân bay là lời của bộ trưởng Quốc phòng Ash Carter, còn Tổng thống Barack Obama thì cảnh báo nếu Mỹ không viết ra các quy tắc thương mại toàn cầu thì Trung Quốc sẽ làm điều đó. Người Mỹ cùng lúc đang đàm phán một FTA với EU gọi là TTIP. Một hiệp định thương mại đa phương quan trọng khác hiệp định Thương mại dịch vụ (TiSA) cũng có vai trò dẫn dắt rất lớn của Mỹ. Trung Quốc có vẻ như đang bị gạt sang bên lề những hiệp định như vậy, nếu không thì cũng bị đặt ở vị trí sau cùng. Trong thông cáo báo chí tuần trước về chuyện đăng bản phụ lục rò rỉ về chăm sóc y tế trên WikiLeaks, nhà sáng lập trang này là Julian Assange cảnh báo rằng chớ nên coi TPP chỉ là một hiệp định đơn lẻ, mà rồi TPP sẽ gắn kết với hai thoả thuận khác là TiSA và TTIP để tạo nên một đại hiệp định thống nhất, tạo nên một thế cục phương Tây chống lại phần còn lại của thế giới.
 
Phải chăng vì thế nên nước này sẽ phải tham gia TPP? Thực tế thì Trung Quốc đang thúc đẩy quá trình đàm phán hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) gồm mười quốc gia ASEAN và sáu đối tác của khu vực này là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia và New Zealand. Cho dù đây không phải là sáng kiến của Trung Quốc thì nước này, với vị thế kinh tế số một của khu vực, có vai trò không nhỏ, nếu không muốn nói là dẫn dắt. RCEP dự kiến sẽ kết thúc vào tháng 11 năm nay, kết nối một khu vực kinh tế đông đúc và hùng mạnh của cả khu vực. Ngân hàng Xây dựng cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) cũng nhận được nước này xúc tiến thành lập với sự tham dự của nhiều đồng minh thân cận của Mỹ. Sau FTA với Hàn Quốc, vốn cũng nằm ngoài TPP, thì Trung Quốc đang thúc đẩy một FTA ba bên gồm họ và hai đối tác là Hàn Quốc và Nhật Bản.
 
Trong khi đó, TPP đang đi đến hồi kết, Trung Quốc coi như vuột mất tư cách nhà đàm phán sáng lập, vì thế nếu có tham gia thì đành phải tuân thủ những luật chơi do Mỹ chủ xướng. Mà luật chơi mới đó đầy những hàm ý về các vấn đề hết sức nhạy cảm của Trung Quốc như doanh nghiệp nhà nước, quyền sở hữu trí tuệ, mua sắm công, lao động, môi trường hay sở hữu trí tuệ. Tham gia WTO Trung Quốc đã phải sửa đổi chừng 2.300 văn bản luật và quy phạm pháp luật ở cấp trung ương. Ở cấp địa phương thì con số này là hơn 19.000 văn bản. Nếu gia nhập TPP nữa thì việc sửa đổi luật lệ sẽ còn nhiều nữa vì các tiêu chuẩn của hiệp định này cao hơn nhiều so với WTO. Nước này trước đó cho rằng TPP đi ngược lại với lợi ích của Trung Quốc trong khu vực. Còn nhiều người thì cho rằng TPP thực chất là để kiềm toả Trung Quốc. Tờ Forbes mới đây có một bài bình luận TPP tiếng là chống Trung Quốc nhưng thực chất là dọn mâm cỗ ra để mời Trung Quốc đến nhập tiệc. Ấy là chuyện sau này, chừng mươi năm nữa, chứ ở thời điểm hiện tại thì chưa.
 
TPP là chiến lược hướng đông của Mỹ, muốn củng cố vị thế ở châu Á, cho nên TPP không có Trung Quốc. Còn trong RCEP thì dĩ nhiên là không có Mỹ nên vai trò Trung Quốc lại nổi bật. Cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng ở châu Á – Thái Bình Dương vì thế sẽ nóng lên, với những lợi ích đan xen, vừa hợp tác, vừa đấu tranh…
 
Có cảm giác rằng các hiệp định thương mại tự do lớn mà thiếu đi một trong hai tay chơi lớn nhất này thì có vẻ như chưa được hoàn thiện.
 
Trong khi đó, tuần trước, ngoài câu chuyện bản rò rỉ về phụ lục Chăm sóc y tế mà các chuyên gia cho rằng các quốc gia đang phát triển sẽ bất lợi và các công ty dược phẩm sẽ có thêm nhiều quyền, thì một vấn đề khác cũng được quan tâm đó là quyền đàm phán nhanh (TPA). Dù được Hạ viện thông qua, và trước đó được Thượng viện nhất trí trao cho Tổng thống, thì TPA vẫn bị vô hiệu. Sở dĩ có điều này là vì TPA phải đi kèm với TAA, một đạo luật chương trình hỗ trợ các lao động bị mất việc làm dưới tác động của các hiệp định thương mại lại bị Hạ viện bác bỏ. Mọi sự chú ý đang đổ dồn đến ngày 16.6 với việc bỏ phiếu lần hai.
 
Nếu không có thể phải chờ hai năm nữa khi nước Mỹ bị cuốn vào cuộc chạy đua Tổng thống.    
 
theo Trần Phi Tuấn (báo Thế Giới Tiếp Thị)
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Các sáng lập viên

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 180

Máy chủ tìm kiếm : 25

Khách viếng thăm : 155


Hôm nayHôm nay : 64883

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 900607

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 44268292



thiet ke ho ca koi mai hien di dong cong ty to chuc su kien thang may tai hang thang mang tai khach