Kem là mảng kinh doanh nổi tiếng nhất của Thủy Tạ với thương hiệu lâu đời kem Thủy Tạ, được ưa chuộng chẳng kém gì kem Tràng Tiền. Thế nhưng, đó lại không phải là lĩnh vực đem lại lợi nhuận lớn nhất cho doanh nghiệp này.
Doanh thu từ kem lớn nhất, nhưng lợi nhuận chỉ xếp thứ 2
Những con số công bố của Thủy Tạ cho thấy hoạt động kinh doanh của đơn vị lâu năm này rất êm ả với doanh thu và lợi nhuận không có biến động lớn trong vòng 4 năm qua.
Mảng kem đem về cho Thủy Tạ doanh thu từ 40 - 50 tỷ đồng mỗi năm, cũng là mảng có doanh thu lớn nhất. Đứng thứ 2 là lĩnh vực kinh doanh nhà hàng với doanh thu từ 30 – 40 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, kinh doanh nhà hàng lại có lợi nhuận gộp từ 20 – 25 tỷ đồng tương đương tỷ suất lợi nhuận gộp biên tới hơn 60%.
Trong khi đó, lợi nhuận gộp từ mảng kem có xu hướng đi xuống và yếu thế hơn. Từ con số gần 22 tỷ đồng vào năm 2013, đã giảm xuống hơn 10 tỷ đồng trong năm 2014 và đến năm 2015 đạt 17 tỷ đồng. Con số này tương đương tỷ suất lợi nhuận gộp biên không nhỏ, đạt trên dưới 30%.
Dù vậy, nếu so với một đại gia ngành kem khác là Kido (KDC) thì kem Thủy Tạ quá nhỏ bé. 6 tháng đầu năm 2016, kem mang lại 116 tỷ đồng lợi nhuận cho KDC. Dự kiến tới cuối năm, con số này có thể đạt 200 tỷ đồng.
Đồng thời, mảng kem - vốn có tỷ suất lợi nhuận gộp rất cao đã giúp biên lợi nhuận gộp quý 2/2016 của Kido lên tới 58%.
Báo cáo phân tích của CTCK VPBS dẫn nguồn từ nghiên cứu của Euro Monitor cho biết, tốc độ tăng trưởng doanh thu toàn ngành kem tại Việt Nam trong 4 năm qua đạt trung bình gần 13%/năm. Trong đó, năm 2013, thị phần trong mảng kem của Kido đứng đầu với 29%, đứng thứ 2 là Vinamilk với 10% và Thủy Tạ đứng thứ 3 với 4%. Năm 2015, thị phần của Kido đã lên tới 36,9%.
Thế nhưng kết quả của kem Thủy Tạ dường như vẫn giống như bao năm trước.
Thủy Tạ không chỉ bán kem
CTCP Thủy Tạ có vốn điều lệ 30 tỷ đồng, tiền thân là Nhà hàng Thủy Tạ được thành lập từ tháng 5/1958. Đây là nhà hàng duy nhất được giữ vị trí đẹp bên bờ hồ Gươm.
Thương hiệu Kem Thủy Tạ đã xuất hiện tại Hà Nội từ năm 1945 nhưng với quy mô sản xuất nhỏ và ít hương vị. Đến năm 1999, công ty đưa nhà máy kem mới đi vào hoạt động với công suất 1 triệu lít/năm. Từ 14 sản phẩm, đến nay kem Thủy Tạ đã có hơn 50 loại sản phẩm. Hàng năm, kem đem về cho Thủy Tạ từ 40 – 50 tỷ đồng doanh thu.
Nhưng đây không phải là mảng kinh doanh duy nhất. Thủy Tạ là một hệ thống nhà hàng và các cửa hàng kinh doanh dịch vụ, án ngữ tại những vị trí đẹp nhất xung quanh hồ Gươm. Nhà hàng Đình Làng phục vụ các món ăn dân tộc của ba miền Bắc Trung Nam tại ngay số 1 Lê Thái Tổ, nhà hàng Mamarosa phục vụ ẩm thực châu Âu tại số 6 Lê Thái Tổ, nhà hàng Long Vân phục vụ các món ăn nhanh, các loại kem và bánh ngọt tại số 3 Lê Thái Tổ - 3 nhà hàng lớn với 3 phong cách đều thuộc sở hữu của Thủy Tạ.
Chưa hết, Thủy Tạ còn sở hữu cửa hàng đồ lưu niệm Viet Silk tại phố Hàng Gai, một hiệu ảnh đã có lịch sử 20 năm hoạt động mang tên Photolab Hồng Vân tại số 3B Lê Thái Tổ và một thương hiệu nước uống, đá viên là Pha Lê.
Theo báo cáo thường niên 2015, cổ đông lớn nhất của Thủy Tạ là Tổng công ty thương mại Hà Nội (Hapro) nắm 51,245%; Công ty TNHH Rồng vàng Thái Bình Dương nắm 11,175%; ông Nguyễn Mạnh Hà nắm 10,25% và Ngân hàng TMCP Á Châu nắm 10%; bà Nguyễn Minh Hương nắm 9,416%.
Là công ty thành viên của Hapro, có thể nói Thủy Tạ có những lợi thế về địa điểm kinh doanh và chi phí thuê mặt bằng mà không doanh nghiệp nào có được. Thế nhưng, với tỷ suất lợi nhuận ròng chỉ 6%, kết quả hoạt động của Thủy Tạ dường như chưa tương xứng với thương hiệu 60 năm tuổi này.
Theo Trí thức trẻ
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Đang truy cập : 144
•Máy chủ tìm kiếm : 7
•Khách viếng thăm : 137
Hôm nay : 4647
Tháng hiện tại : 629350
Tổng lượt truy cập : 50047984