12:50 +07 Thứ sáu, 29/03/2024

Trang nhất » Tin Tức » Hàng hoá - Thị trường

Không vô được Co.opmart thì ta… tìm đường khác

Thứ ba - 12/09/2017 15:36
Sau hai ngày lặn lội trong hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao Đồng Nai (30.8 – 4.9.2017), chuyên gia về tiếp thị thương hiệu đã có một báo cáo đầy hình ảnh rất sôi động, thực tế nhằm phân tích, đánh giá về những cố gắng, tiến bộ thực sự của từng doanh nghiệp nhỏ. Mới thấy thật đáng cảm phục các doanh nghiệp nhỏ Việt Nam càng khó, càng xoay trở quyết liệt, xông xáo đến cùng chứ không co tay ngồi than…
Trăm cái khó cũng ló chục cái khôn
 
Điều dễ nhận thấy nhất là với hơn 400 gian hàng của 150 doanh nghiệp, có hơn 10 doanh nghiệp đăng tấm bảng “tìm đại lý”, đa số được in trắng đen “nổi bật” giữa rừng màu sắc. Rõ ràng doanh nghiệp đâu chỉ nhắm bán hàng, mà còn tính chuyện xa hơn: kết nối giao thương. Rồi cũng có một số doanh nghiệp tự in tờ rơi, chạy về những ngôi chợ xa lắc, gần tới Lâm Đồng phát kèm phiếu giảm giá rủ rê vô hội chợ mua. Các bạn bộc bạch, sếp không có biểu, nhưng mình được duyệt tiền nên phải ráng cho đáng đồng tiền bát gạo. Dễ thương và đáng phục chưa?


                                      Gian hàng Qui Phúc đẹp mắt tại hội chợ


Cũng có doanh nghiệp khi hỏi sâu thì có những câu chuyện bán hàng rất hay, bổ sung mắm muối chút là có thể trở thành các “câu chuyện thương hiệu” sâu sắc mà người trong nghề liếc qua là có thấy tiềm năng liền. Một số doanh nghiệp kể câu chuyện khiến phải ngậm ngùi, đó là đụng vào hệ thống siêu thị, kể cả doanh nghiệp vẫn hô hào “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” là Co.opmart, thì cũng bị hét cái giá chiết khấu mấy chục phần trăm (huê hồng phân phối) làm doanh nghiệp chùn tay. Và thế là họ phải quay ra tìm các kênh khác.
 
Biết mình nhỏ nên phải ráng học võ!
 
Nằm ở vị trí đầu tiên khi vừa bước vào hội chợ là gian hàng của một doanh nghiệp nước mắm Quốc Hải từ Phú Quốc, mà tên tuổi trên thị trường đến nay vẫn chưa được biết đến rộng rãi, dù so với chính mình thì doanh nghiệp đã đi một bước dài. Quan sát vận hành của gian hàng, thấy rõ là có sự đầu tư nghiêm túc, sự chịu khó và kiên trì đáng nể trong cách tiếp cận người tiêu dùng, và quan trọng hơn chính là cách họ kể “câu chuyện thương hiệu” của riêng mình. Thay vì trực diện và nói thẳng rằng “sản phẩm tôi sạch, hãy mua đi”, thì họ kể câu chuyện thật rằng: con cá cơm được đánh bắt và bảo quản thế nào, cách thức đóng chiếc thùng chượp cá cực kỳ công phu thế nào, rồi cách họ thức khuya dậy sớm để canh từng mẻ mắm… mà những giọt nước mắm tinh tuý phải chắt lọc từ 10.000 lít mới được 100 lít ngon nhất, đặc biệt nhất về độ đạm, sự tinh khiết. Họ cũng bỏ nhiều tiền để làm một thùng nước mắm minh hoạ, và thực hiện những đoạn clip về quy trình đầy cực nhọc. Đại diện doanh nghiệp sau khi giới thiệu tất cả, thì nói: đến thời điểm này cũng chỉ làm tốt trong khuôn khổ hội chợ mà thôi, còn trong suốt những tháng không đi hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao, muốn mang câu chuyện của mình đến với phần lớn người tiêu dùng cũng thật là khó. Anh ngậm ngùi: có đại gia nước mắm “chẳng có bí quyết gì cả, chỉ mướn gia công nước chấm công nghiệp” mà dựng lên một thương hiệu bá đạo trên truyền thông, cũng giết chết được nhiều sản phẩm địa phương, còn mình “làm thiệt, ăn thiệt” mà sao không đủ tiền chơi như họ, nên cứ lúng túng.


     Miliket biết thu hút NTD đến gian hàng của mình để mua hàng và trải nghiệm sản phẩm



Còn với gạo sạch Phong Lan Vàng, nằm trong một góc nhỏ của hội chợ thì không gian trưng bày hơi xuề xoà, nhưng nhìn cận cảnh thì đây là gạo organic, kết quả của một hành trình gian khổ mấy năm trời trầy trật bắt tay liên kết với bà con nông dân, thuyết phục họ “hy sinh” năng suất 8 tấn/hécta khi trồng lúa thương phẩm thường, để “chấp nhận” mức 1,5 tấn/hécta của gạo organic. Không dám tính đủ chi phí khi bán hàng, doanh nghiệp chấp nhận bù giá để mong có cơ hội đưa đến người tiêu dùng sản phẩm của mình. Thật não lòng. Sản phẩm thì quá tốt, câu chuyện thì tuyệt hay, nhưng đường đến với người tiêu dùng còn gập ghềnh quá. Gạo hữu cơ này đến nay chỉ mới đưa vào được vài hệ thống siêu thị nhỏ.
 
Một gian hàng hơi lạ, chuyên gia nói thường gặp ở các phiên chợ “đưa hàng Việt về nông thôn” là hàng nội ngoại thất Qui Phúc, cũng bật ra một sự cố gắng khá tập trung và toàn diện. Những ông lớn như Duy Tân thì chuyên nghiệp lắm. Còn Qui Phúc vẫn còn nét mộc mạc nhưng cố gắng khá toàn diện. Chuyên gia nói, vì thay đổi, nên ông đã chụp bảy tấm ảnh từ bảy góc nhìn khác nhau của Qui Phúc. Đặc biệt là ý tưởng đưa không gian xanh vào gian hàng, tạo cảm giác vừa thân thiện với môi trường, vừa đưa sản phẩm vào đúng bối cảnh tiêu dùng, khiến người tiêu dùng thấy dễ có thiện cảm.
 
Các nhóm hàng cũng được xếp đặt theo phân chia khu vực khoa học. Nhân viên bán hàng rất nhiệt tình và thường xuyên có kích hoạt, cũng là điểm nổi bật. Chuyên gia có viết một đoạn dài bày tỏ tiếc rẻ cho một thương hiệu rượu, đã rất công phu và bản lĩnh trong thiết kế không gian theo kiểu bar, nhà hàng, nhưng lại để không khí yên ắng quá trong bối cảnh chung quanh tưng bừng, nên không thu hút được khách hàng. Cuối cùng, nêu tên mười doanh nghiệp có cố gắng đáng biểu dương, thì chuyên gia nêu:  Quốc Hải, Qui Phúc, Naturen, Megasun, Mỹ phẩm Sài Gòn, Điện Quang, Duy Tân, Mê Trang, Việt Thành, Miliket.
 
Chuyện kể ở đây là những ghi nhận trên bề mặt một không gian nhất định, và chỉ ghi nhận một số cố gắng nổi bật của các doanh nghiệp nhỏ. Những đại gia nhiều kinh nghiệm vẫn giữ tư thế chuyên nghiệp, cao cấp thì không được đề cập ở đây. Để nhận ra điều đáng lạc quan: dù muôn vàn khó khăn, doanh ngghiệp vẫn tìm đường, vẫn “đi học võ”, vẫn tìm đường học khôn trong hoàn cảnh khó. Như vậy mà chính sách chung, các hội đoàn, các cơ quan xúc tiến không ra sức giúp họ, thì sao có thể ra rả tự xưng là “đồng hành”, “bạn tốt” của doanh nghiệp?
 
Theo Phạm Vũ Khanh (TGTT)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Các sáng lập viên

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 227


Hôm nayHôm nay : 22610

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 1495439

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 42395251



thiet ke ho ca koi mai hien di dong cong ty to chuc su kien thang may tai hang thang mang tai khach