17:56 +07 Thứ năm, 19/09/2024

Trang nhất » Tin Tức » Hàng hoá - Thị trường

Những “khúc xương” trong khởi nghiệp nông nghiệp

Thứ tư - 30/05/2018 15:41
Lỗ vì đâu?

 

Năm 2017, dự án Than không khói của Lê Thị Hiền, công ty cổ phần khoa học công nghệ R2D giành giải quán quân cuộc thi Dự án khởi nghiệp nông nghiệp lần 3 của trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA). Không chỉ đến khi nhận giải startup, trước đó, Lê Thị Hiền từng có nhiều tham vọng lẫn đam mê với hòn than, cô tâm sự: nhiều năm trời đóng vai cô bé lọ lem, chui nhủi vào các lò than để tìm ra “chân lý” biến những chiếc gáo dừa thành sản phẩm than thân thiện môi trường. Rồi thì sản phẩm than không khói của Hiền cũng ra đời như kỳ vọng của cô. Tuy nhiên, sau mấy năm lăn vào khởi nghiệp, nay, Hiền thú nhận rằng, dự án đang chịu lỗ.

 

Chuyên gia Trương Cung Nghĩa cho rằng sản phẩm bao bì của Than không khói khá tốt, tuy nhiên vì yếu trong vấn đề quản trị tài chính nên bị lỗ

 

 

Nguyên nhân ban đầu, theo Hiền, xuất phát từ bài toán quản trị chi phí. Chủ dự án này cho biết, trước đây do tính toán không kỹ nên nhiều chi phí đã bị bỏ ngoài sổ sách, như thuê nhân công, chi phí marketing, giá nguyên liệu đầu vào, vấn đề trượt giá, logistics, bao bì, đầu tư máy móc… Thay vì lời 10% như dự tính ban đầu, sản phẩm than không khói với bốn đặc tính là không khói, không mùi, không nổ và không sử dụng keo trong quá trình kết dính, bị “âm” 1.000 đồng/hộp loại 4kg. Như vậy, trung bình mỗi tháng, dự án than không khói của Hiền đưa ra thị trường gần 30 tấn, tương đương với việc gánh khoản lỗ khoảng 7 triệu đồng.

 

 

Võ Văn Tiếng, với dự án sản xuất lúa loại ra khỏi danh mục thuốc trừ sâu, phân hoá học, cũng đạt giải cao trong startup nông nghiệp vài năm trước. Gạo Tâm Việt của Tiếng đã chinh phục người dùng bằng chất lượng và sự an toàn, dù giá cả cao hơn hẳn mặt bằng chung thị trường. Ấy vậy mà Tiếng vẫn không thể mở rộng được diện tích, do năng suất không như mong đợi vì không xài phân hoá học, thuốc trừ sâu. Chuỗi sản xuất lúa sinh học của Tiếng cũng chưa hoàn thiện, khâu xay xát, đóng gói phải gia công.Tiếng cũng chưa hoàn chỉnh phương pháp quản trị chi phí, nên có nhiều khâu không quản lý được.

 

 

Tương tự, dự án “Nâng cao giá trị từ rừng ngập mặn Cà Mau” của Phạm Xuân Thành, tưởng “hời to” khi tập trung trồng rừng và khai thác con tôm thiên nhiên ở rừng ngập mặn Ngọc Hiển. Ngoài sản lượng đánh bắt, Thành còn thu mua tôm tự nhiên của các hộ dân trong vùng về hấp, sấy lạnh, đưa đến các khu đô thị lớn bán với giá khoảng 1,6 triệu đồng/kg. Theo tính toán của chàng cử nhân ngành quy hoạch vùng và đô thị – trường đại học Kiến trúc TP.HCM, giá bán này giúp giá trị con tôm, cua… tăng lên từ 20 – 30%.

 

 

Tuy nhiên, “Đời như không là mơ”, chỉ đến khi được các chuyên gia tài chính phân tích, tư vấn, Thành mới nhận ra “khoản lỗ” dự án này không hề nhỏ. Nguyên nhân cũng vì chưa tính toán chi tiết những chi phí đã bỏ ra, dẫn đến việc định giá sản phẩm thấp. Trong đó, các chi phí như tiền công lao động của bố mẹ, người thân bị gạt ra khỏi giá thành. Hay như các chi phí phát sinh khi tham gia các sự kiện thương mại, phí di chuyển, thiết kế bao bì… Thành cũng… bỏ quên luôn!

 

 

Một ngày cuối tháng 5 vừa rồi, gặp Nguyễn Thị Hiếu với dự án “Nấm linh chi”, Võ Thanh với “Bồ kết thiên nhiên”, lỗi mắc phải cũng y vậy. Có rất nhiều chi phí, lẽ ra đã phải tính vào giá; nhưng không hiểu sao các bạn vẫn hồn nhiên bỏ qua, để rồi, nay phải thừa nhận “việc tính toán tài chính vẫn là vấn đề đau đầu nhất”!

 

 

Yếu về quản trị tài chính

 

 

Đa số các dự án khởi nghiệp tại Việt Nam hiện nay rất yếu trong việc quản trị tài chính, trong đó đặc biệt là vấn đề quản lý dòng tiền nên bị lỗ, đánh giá của nhiều chuyên gia tư vấn khởi nghiệp của BSA chỉ ra như vậy.  Chuyên gia Trương Cung Nghĩa và Trương Cẩm Minh cho rằng, các dự án khởi nghiệp hiện nay chủ yếu làm theo kiểu “lấy công làm lời”, chứ chưa có nhiều dự án biết áp dụng các chiến lược về tài chính để phát triển. “Điều quan trọng là ngoài việc xây dựng thương hiệu, các dự án cần phải biết những tính toán kỹ về tài chính để không bị lỗ”, ông Trương Cẩm Minh nhận xét.

 

 

Còn ông Trương Cung Nghĩa thì dẫn dụ: ngay như dự án “Than không khói”, khi mới bắt đầu khởi nghiệp, Lê Thị Hiền đã không lường trước về sự biến đổi của những yếu tố kèm theo. Chẳng hạn, khi quy mô còn nhỏ, khâu nhân công Hiền có thể nhờ bạn bè, người thân hỗ trợ không công. Khi lên doanh nghiệp thì bắt buộc phải trả công lao động cho họ chứ không thể nhờ vả, loại chi phí này ra được.

 

 

Hay như việc tạo nguồn nguyên liệu chẳng hạn, ông Nghĩa phân tích khi mới khởi nghiệp nhiều người có thể tận dụng nguồn tài nguyên tại chỗ, không tốn kém (như việc khai thác tôm thiên nhiên từ rừng ngập mặn Cà Mau của Phạm Xuân Thành). Nguồn tôm, cua từ tự nhiên, không tốn công nuôi, thức ăn nên giá đầu vào tương đối thấp. Nhưng khi dự án đã phát triển đến mức độ nào đó, yêu cầu nguồn nguyên liệu phải mua từ nơi khác, phải có nguồn gốc, chất lượng, an toàn thì bắt buộc chủ dự án phải bỏ thêm chi phí nhân công, chi phí vận chuyển, phí bảo quản… chi phí để làm marketing, thậm chí là quản trị chất lượng… “Chúng tôi kiểm tra mới phát hiện các bạn chưa tính các chi phí này vào giá thành sản phẩm.Và còn nhiều chi phí khác cũng bị bỏ qua, nếu cộng lại chắc chắn tổng chi sẽ tăng mạnh”, chuyên gia này chia sẻ.

 

Chuyên gia Trương Cung Nghĩa:
“Ngoài việc tìm cách phát triển dự án, những người khởi nghiệp cần quan tâm nhiều đến vấn đề xây dựng thương hiệu ngay từ khi bắt đầu khởi nghiệp. Bên cạnh đó, việc quản lý dòng tiền tốt là một trong những tiền đề để các dự án khởi nghiệp không bị thua lỗ, dẫn đến thất bại. Muốn vậy, các bạn startup cần tìm đến các lớp học liên quan, nhất là những lớp tập huấn của Chương trình Sáng tạo khởi nghiệp (SKC) của Trung tâm BSA, hay tạo và tận dụng các mối quan hệ với chuyên gia uy tín để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ.

Phạm Xuân Thành – Chủ dự án “Nâng cao giá trị từ rừng ngập mặn Cà Mau”:
“Mình biết nhiều chi phí ẩn sau chưa được tính toán và là khoản tiền không nhỏ.Tuy nhiên, với mức độ, quy mô dự án, mình vẫn chưa nghĩ tới được và chưa biết làm gì, làm như thế nào.Chi phí dành ra để phục vụ cho việc học nâng cao quản trị tài chính còn hạn chế, và bản thân chưa muốn mạo hiểm”.

           

    Bài, ảnh Anh Tuấn

Theo TGTT

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Các sáng lập viên

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 169

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 168


Hôm nayHôm nay : 31311

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 615527

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 50034161



thiet ke ho ca koi mai hien di dong cong ty to chuc su kien thang may tai hang thang mang tai khach