Tham luận chung của ông Nguyễn Khắc Giang và Nguyễn Đức Thành (Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách - VEPR - Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết qua nghiên cứu, tổng ngân sách nhà nước năm 2014 chi cho các hội - đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội lên tới khoảng 14.000 tỉ đồng.
Nếu tính cả nguồn thu từ hội phí, thu từ quản lý các loại quỹ và hợp tác quốc tế thì các hội đoàn, tổ chức trên mỗi năm thu được trên 27.900 tỉ đồng (khoảng 1,25 tỉ USD).
TS Hoàng Ngọc Giao, viện trưởng Viện Chính sách pháp luật và phát triển, đánh giá riêng số tiền 14.000 tỉ đồng đã cao gần gấp đôi ngân sách dành cho Bộ Giáo dục - đào tạo và Bộ Y tế...
Đặc biệt, ông Giao cũng trích dẫn nghiên cứu cho rằng nếu tính đủ cả chi phí kinh tế - xã hội, tức là gồm cả đất đai, nhà cửa, xe cộ và các tài sản khác, chi phí cho toàn hệ thống các hội đoàn mỗi năm dao động 45.600-68.100 tỉ đồng (tương đương 1-1,7% GDP).
Trong khi đó, theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, Chính phủ cũng đã công khai số liệu về biên chế tại các hội. Cụ thể, theo tờ trình Luật về hội của Chính phủ gửi lên Quốc hội thì tính đến tháng 12-2014 cả nước đã có tới 52.565 hội (483 hội hoạt động phạm vi cả nước và 52.082 hội hoạt động phạm vi địa phương).
Biên chế năm 2015 đã giao cho các hội đặc thù là 7.445 biên chế. Với số lượng người như trên, ông Hoàng Ngọc Giao nhận xét chi phí cũng không thể nhỏ.
Theo ông Hoàng Ngọc Giao, dự thảo Luật về hội lần này đã không quy định về cơ chế, tiêu chí, điều kiện thành lập, phân bổ kinh phí, giám sát hoạt động của các hội đoàn đang được Nhà nước đảm bảo kinh phí.
Vì vậy, ông cho rằng đây là “sự khiếm khuyết” đã bỏ mất cơ hội sử dụng công cụ pháp luật để tăng cường hiệu quả hoạt động của các tổ chức hội kể trên, giảm thiểu xu thế bao cấp, tăng khả năng tự chủ.
Trong khi đó, ông Giao khẳng định hoàn toàn có thể xây dựng quy định mà qua đó có thể giảm thiểu, tiến tới xóa bỏ bao cấp với hội.
Bởi ngay cả hội do Đảng, Nhà nước thành lập thì nguyên tắc kinh phí gắn liền với nhiệm vụ được giao sẽ giúp hạn chế lập hội và xin kinh phí tràn lan, giảm khả năng lãng phí, tham nhũng, hành chính hóa các hội...
Với các hội thành lập mới, ông Hoàng Ngọc Giao đánh giá dự thảo luật lại có các quy định không phù hợp khiến quyền lập hội của dân bị hạn chế.
Đơn cử quy định “lĩnh vực hoạt động chính của hội không được trùng lặp với hội đã thành lập trước đó”, theo ông Giao, có thể khiến trong một lĩnh vực chỉ được thành lập một hội, không bình đẳng và thực tế là hạn chế quyền lập hội của dân.
Nguồn tin: Tuoi tre Online
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Đang truy cập : 130
•Máy chủ tìm kiếm : 3
•Khách viếng thăm : 127
Hôm nay : 7101
Tháng hiện tại : 631804
Tổng lượt truy cập : 50050438