Theo tìm hiểu của chúng tôi, năm 2014, Nhà máy đạm Ninh Bình đã được giải ngân 225 triệu USD, tương đương 4.800 tỷ đồng. Số nợ phải trả trong năm 2015 là 534 tỷ đồng. Tổng Công ty hóa chất (Vinachem) đang phải thu xếp trả nợ theo hiệp định đã ký với nhà thầu Trung Quốc. Việc nhà thầu Trung Quốc thi công chậm tiến độ đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất, kinh doanh của Nhà máy đạm Ninh Bình. Ngược lại, do Nhà máy đạm Ninh Bình chậm trả tiền cho nhà thầu Trung Quốc dẫn đến nhùng nhằng kéo dài giữa hai bên.
Ông Nguyễn Đình Khang, cựu Tổng Giám đốc Vinachem cho biết, năm 2008 dự án vay Ngân hàng Eximbank Trung Quốc 250 triệu USD, tương đương 5.000 tỷ đồng với lãi suất 4%/năm, thời hạn 15 năm. Lý giải việc phải lựa chọn nhà thầu Trung Quốc làm tổng thầu, ông Khang cho biết, trong các điều khoản cam kết với Eximbank Trung Quốc, Việt Nam phải sử dụng nhà thầu của họ. Và tại dự án Nhà máy đạm Ninh Bình, Tập đoàn China Huanqiu Contracting & Enginneer được giao làm Tổng thầu EPC. Vị lãnh đạo này thừa nhận, dây chuyền của nhà máy sử dụng công nghệ châu Âu nhưng có một số thiết bị, máy móc gia công tại Trung Quốc.
Một cựu lãnh đạo Vinachem cho biết, hiện Bộ Công Thương đang tiến hành thanh tra toàn bộ hoạt động kinh doanh sản xuất… tại Nhà máy đạm Ninh Bình.
Vinachem đứng ra vay các tổ chức tín dụng khác 4.300 tỷ đồng và 326 triệu USD để phục vụ cho dự án. Không chỉ gồng mình trả nợ Trung Quốc, Nhà máy đạm Ninh Bình rơi vào tình trạng càng sản xuất càng lỗ, chỉ trong 4 năm hoạt động, nhà máy này đã lỗ lũy kế hơn 2.000 tỷ đồng.
Năm 2013, Vinachem phải vay tín chấp tại ngân hàng V. 862,8 tỷ đồng với lãi suất 11% /năm. Mục đích khoản vay là để trả cho một khoản nợ khác Vinachem vay của ngân hàng D. trước đó để xây dựng nhà máy. Năm 2014, Nhà máy đạm Ninh Bình phải tiếp tục vay 1.200 tỷ đồng và 6,4 triệu USD của ngân hàng A. Vào thời điểm khởi công xây dựng nhà máy, ngân hàng D. ký các hợp đồng tài trợ vốn cho Vinachem với tổng mức tín dụng lên tới 3.400 tỷ đồng và 76 triệu USD. Với mức lãi suất như cam kết với các ngân hàng, hằng năm Vinachem phải trả khoảng 1.000 tỷ đồng, tương đương mỗi ngày phải trả 2,6 tỷ đồng tiền lãi cho Nhà máy đạm Ninh Bình.
Thiết bị Trung Quốc, hoạt động phập phù
Theo tìm hiểu của PV, dự án Nhà máy đạm Ninh Bình được hình thành từ chương trình phát triển phân bón, nhằm đảm bảo an ninh lương thực của Chính phủ. Theo đó, dự án xây dựng Nhà máy đạm Ninh Bình được khởi động từ đầu năm 2000.
Lý giải về nguy cơ đóng cửa nhà máy, ông Chu Văn Tuấn - Phó Tổng giám đốc Vinachem cho rằng, nghiên cứu ban đầu khi lập dự án năm 2000, giá nguyên liệu đầu vào là than cám trên thị trường khoảng 35 đến 36 USD/tấn, dự tính đưa vào dự án khoảng 50USD/tấn. Giá u-rê trên thế giới khoảng 600USD/tấn, đưa vào dự án khoảng 500USD/tấn. Tuy nhiên, giá bán u-rê hiện nay còn khoảng 250USD/tấn, giá bán than hiện nay của Tập đoàn Công nghiệp than và khoáng sản khoảng 90USD/tấn. Như vậy, giá nghiên cứu và thực tế đã chênh lệch gấp đôi so với thời điểm nghiên cứu thị trường.
Một cựu lãnh đạo Vinachem cho rằng, Nhà máy đạm Ninh Bình lỗ là do giá đạm trên thị trường giảm mạnh so với tính toán ban đầu, trong khi giá than nguồn nguyên liệu đầu vào lại tăng cao. Bên cạnh đó, nhà máy mới đi vào hoạt động nên việc tính khấu hao tài sản rất lớn, trong khi đó phải trả các khoản nợ gốc và lãi suất đầu tư ban đầu.
Ông Nguyễn Gia Tưởng, Tổng Giám đốc Vinachem xác nhận, dây chuyền, máy móc thiết bị Nhà máy đạm Ninh Bình chủ yếu nhập từ Trung Quốc, chất lượng trung bình, thường xảy ra sự cố. Việc mua thiết bị dự phòng phụ thuộc nhà thầu Trung Quốc. Về việc này, Vinachem từng đề cập tới phương án đóng cửa nhà máy này.
Không riêng Đạm Ninh Bình, năm 2013-2014, Cty TNHH MTV Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc thuộc Vinachem đã phải vay của một số ngân hàng hơn 5.000 tỷ đồng để thực hiện Dự án cải tạo, mở rộng Nhà máy Phân đạm Hà Bắc.
Tiền phong
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Đang truy cập : 142
•Máy chủ tìm kiếm : 8
•Khách viếng thăm : 134
Hôm nay : 35674
Tháng hiện tại : 590864
Tổng lượt truy cập : 50009498