1 Tin Tức Khảo sát

Doanh nghiệp “giàu nhanh” ẩn chứa những kẽ hở

Thứ sáu - 31/07/2015 08:28 1 1 1
Kinh doanh ở Việt Nam nhìn từ một chiều cạnh nào đó có thể nói là rất dễ, vì luật lệ của Việt Nam có những lỗ hổng và từ lỗ hổng đó, những người biết về luật và hiểu sâu sự vận hành của nền kinh tế  dễ dàng lách luật, sử dụng lỗ hổng của pháp luật để kinh doanh có lợi cho mình. Đó là nhận định của chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Trí Hiếu trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Hải quan.
1
 

Thời gian qua, trên phương tiện truyền thông cho thấy hiện tượng một số DN với tên rất mới bỗng công bố những dự án lớn, khối tài sản đồ sộ. Có thể thấy đó là những DN giàu lên nhanh chóng với các số liệu doanh thu, lợi nhuận... tăng cao chỉ trong thời gian ngắn. Ông có nhận định gì về vấn đề này?

Thông thường, bắt đầu từ thời điểm khởi nghiệp, DN cần khoảng 3 năm để đạt được việc hòa vốn (doanh thu bằng chi phí). Sau thời điểm này DN mới có lãi. Thực tế là có khoảng 1/3 DN chưa đến thời điểm hòa vốn đã thất bại. Những DN vượt qua được giai đoạn 3 năm đầu này thường sẽ phát triển ổn định và có lãi. Các DN Việt Nam nhìn chung cũng nằm trong quy luật này.

Thời gian qua, có một số DN Việt Nam phất lên rất nhanh, có thu nhập lớn với tỷ lệ sinh lời rất cao trước thời điểm hòa vốn này. Điều này có thể do DN có năng lực tốt và có vận may khi họ tiếp cận được thị trường đang bỏ ngỏ và tung ra sản phẩm phù hợp với thị trường... Nhưng thường thì việc “ăn may” như thế rất hiếm, mà thực tế là do DN sản xuất được sản phẩm đặc chủng. Tuy nhiên, trong các yếu tố “ăn may” của DN ở Việt Nam là do DN  nhận được sự hỗ trợ của thế lực đằng sau họ, ví dụ như ngân hàng. Các ngân hàng thành lập các công ty con và các công ty này không cần phải qua sự kiểm chứng theo quy luật thông thường. Bên cạnh đó, không loại trừ có DN được thành lập từ tiền tham nhũng, tiền không chính thống và mục đích hoạt động của DN là rửa tiền, đặc biệt là các DN trong lĩnh vực BĐS. Tiền “bẩn” được đưa vào đầu tư, sau khi có sản phẩm, tiền thu về đã là tiền sạch.

Hiện nay không có thống kê nào để phân biệt rạch ròi là có bao nhiêu % DN phất lên là do vận may, bao nhiêu % là do có sự hỗ trợ đằng sau. Ở Việt Nam có những DN lên rất nhanh và xuống cũng rất nhanh, đặc biệt là những DN có nguồn tiền hỗ trợ của các ngân hàng và ngân hàng trở thành sân sau của các DN đó. Còn những DN có những hỗ trợ của dòng tiền không chính thống, điều này mình không thể biết được nhưng cũng không loại trừ.

Sự tăng trưởng quá nhanh của một số DN và cũng đã có những DN cũng bị giảm sút nhanh qua những biến cố. Theo ông, những điều này tác động đến sự tăng trưởng bền vững của nền kinh tế?

Trong tất cả các thị trường mới nổi đều có hiện tượng này. Trong bối cảnh nền kinh tế đang non trẻ, đang trong trạng thái phát triển mạnh mẽ nên Việt Nam cũng không thoát khỏi điều đó. Nhiều DN ăn nên làm ra, phát triển rất nhanh. Họ có thể thâu tóm các DN cùng ngành nghề và cả các DN khác ngành nghề để có thể trở thành các tổng công ty đa sản phẩm, đa thị trường. Sự phát triển nhanh của DN có điểm tích cực: những  DN đó là ăn rất khấm khá, như “diều gặp gió”, họ phất lên rất nhanh, có khả năng đóng thuế tốt, tạo công ăn việc làm cho nhiều người lao động trong địa bàn mà họ hoạt động, họ đóng vai trò quan trọng trong các lĩnh vực như BĐS, xuất khẩu...

Nhưng mặt tiêu cực của hiện tượng những DN giàu lên nhanh chóng là thiếu bền vững. Như tôi đã nói, bất cứ DN nào để trưởng thành thường trải qua quá trình tương đối lâu dài, tỷ suất sinh lời của họ ổn định. Thường các DN lớn hoạt động theo chuyên ngành, nghĩa là họ biết cái họ làm và làm cái họ biết. Còn những DN quá dàn trải thì rủi ro là rất lớn, do họ ít có kinh nghiệm trong các thị trường và tham gia vào các thị trường như thế mang tính chất phiêu lưu. Trong trường hợp này, những DN được sự hỗ trợ của các ngân hàng thì hậu quả của nó rất lớn, do họ vay mượn vốn đầu tư ở ngân hàng và hoạt động lại không có lãi, sự thất bại của DN kéo chậm cả ngân hàng. Trong thời gian gần đây đã thấy hiện tượng này. Đây là rủi ro về tài chính, về kinh tế của việc DN mới nổi và nổi rất nhanh.

Hiện tượng một số DN giàu lên nhanh chóng trong thời gian ngắn vừa qua, điều này có liên quan như thế nào đến môi trường kinh doanh, hệ thống pháp luật của chúng ta, thưa ông?

Kinh doanh ở Việt Nam ở chiều cạnh nào đó có thể nói là rất dễ, vì luật lệ của Việt Nam có những lỗ hổng, từ lỗ hổng đó, những người biết về luật và hiểu sâu sự vận hành của nền kinh tế dễ dàng lách luật, sử dụng lỗ hổng của pháp luật để kinh doanh có lợi cho mình. Bên cạnh đó, yếu tố tham nhũng cũng “đóng góp” vào vấn đề này. Ngoài ra, thị trường của Việt Nam còn mới mẻ nên có rất nhiều mảng kinh doanh mà từ đó DN có thể đánh trúng vào tâm lý của thị trường và làm ăn tốt lên nhanh chóng.

Tuy nhiên, Việt Nam đang ngày càng đi sâu vào kinh tế thị trường, cần sự ổn định, vì thế những cơ hội đến một cách nhanh chóng càng ngày sẽ càng ít đi. Đây cũng là điều tốt để DN ngày càng làm ăn bài bản. DN cần có kế hoạch, phương án kinh doanh tổng thế về vốn, thị trường ngách, sản phẩm đặc thù, khách hàng mục tiêu, kênh phân phối, chính sách nhân sự... Tất cả đều phải được định nghĩa trong kế hoạch kinh doanh, nhưng lưu ý đó là phương án linh động, không cứng nhắc.

Theo ông, chúng ta có nên khuyến khích điều này không? Nếu khuyến khích thì cần khuyến khích như thế nào và làm sao để kiểm soát rủi ro?

Dĩ nhiên, DN “ăn nên làm ra” ở bất cứ điều kiện nào (trừ những điều kiện vi phạm) là rất đáng mừng và đó là điều nên khuyến khích, hoan nghênh, nhất là đối với những lĩnh vực có nhiều lao động và cần có những DN sử dụng các lao động đó như: nông nghiệp nông thôn, chế biến khai thác thủy hải sản, khai khoáng, tiêu dùng, dệt may... Những DN trong các lĩnh vực này đóng góp lớn cho việc tạo công ăn việc làm cho người lao động ở các địa phương.

Tuy nhiên, do có độ rủi ro lớn khi các DN tăng trưởng quá nhanh, cho nên trước hết các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần có sự quan tâm đối với các DN mới nổi, cần hỗ trợ về nhiều mặt để DN làm ăn có hiệu quả. Nhưng chính quyền cũng cần cảnh giác về vấn đề ô nhiễm môi trường từ hoạt động của DN, do các DN chưa có biện pháp quản lý môi trường một cách thích hợp, có thể do thiếu kinh nghiệm hoặc do tăng trưởng quá nhanh nên họ không kiểm soát hết được. Ngoài ra, các DN làm ăn bền vững, có độ tin cậy cao phải có báo cáo kiểm toán độc lập, nhưng hiện nhiều DN không có báo cáo này.

Về phía Ngân hàng Nhà nước, cơ quan thanh tra của Ngân hàng Nhà nước phải rất sát sao trong việc thanh tra kiểm tra các ngân hàng nhằm phát hiện ra việc cho vay một cách bừa bãi, tập trung cho DN sân sau vay. Trong thời gian qua có nhiều ngân hàng tập trung tài trợ cho các công ty liên quan, chính vì thế các DN coi đây là “tiền chùa” nên không có trách nhiệm đúng với đồng tiền họ được vay, đầu tư dàn trải dẫn đến thất thoát. Từ thất thoát này, các ngân hàng gánh chịu hậu quả khi các DN này thất bại. Chính vì thế, ngân hàng cũng như các cơ quan quản lý phải rất sâu sát trong việc phối hợp giám sát ngân hàng sử dụng tiền của dân chúng để cho vay, phát hiện ra những trường hợp tiêu cực phải cảnh cáo, có biện pháp kịp thời, ngăn chặn không để thiệt hại xảy ra.

Bên cạnh ngăn chặn trường hợp tiêu cực, Chính phủ cũng tìm cách hỗ trợ nhiều hơn các DN làm ăn tốt, phát triển tốt. Tuy nhiên, ngay cả các DN làm ăn tốt, nếu sự phát triển là “quá đà” thì nó cũng ẩn chứa những kẽ hở. Trong phát triển, nếu phát triển chậm nhưng bền vững, hiệu quả thì vẫn tốt hơn.

Trân trọng cảm ơn ông!


Nguồn tin: BHQ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa:kinh doanh, có thể, luật lệ, lỗ hổng, vận hành, dễ dàng, sử dụng, pháp luật, nhận định, chuyên gia, kinh tế, trao đổi, phóng viên, hải quan, thời gian, phương tiện, hiện tượng, công bố, dự án, tài sản, nhanh chóng

Bình luận mới

Bạn cần đăng nhập thành viên để sử dụng chức năng này

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn