Nhưng hơn một tháng trước, Go-Viet (thành viên của Go-Jek, Indonesia) xuất hiện, cuộc chơi chia thành hai “chiến tuyến”: Grab và phần còn lại mà đại diện là Go-Viet. Hai bên bắt đầu tung những chiêu độc. Còn khách hàng thì… cười!
Thớt có tanh tao…
Không hề có lương cứng và những quyền lợi khác nên đối với tài xế, hễ nhà cung cấp dịch vụ nào có nhiều ưu đãi để thu nhập cao hơn, họ tham gia. Ông Huy, một nhân viên vừa hết hạn với một công ty truyền thông, nhưng không thèm tìm việc ở một lĩnh vực mà ông đã gắn bó gần mười năm.Huy quyết định làm tài xế Go-Viet.
“Tại sao làm tài xế Go-Viet à? Dễ hiểu thôi, dù nắng nôi, mưa gió nhưng tự do và có thu nhập cao. Tạm thời là vậy, nhưng không biết làm được bao lâu”, ông Huy chia sẻ.
Trước mắt, Go-Viet cho tài xế các khoản: mỗi cuốc xe có cự ly dưới 8km được khách trả 9.000 đồng (cách đây một tuần là 5.000 đồng), hãng trợ giá 12.000 – 16.000 đồng, tuỳ thời điểm trong ngày. Go-Viet có ba mức thưởng: 10 điểm được thưởng 80.000 đồng, đạt 18 điểm thưởng thêm 100.000 đồng, nếu đạt 28 điểm thưởng thêm 120.000 đồng. Theo ông Huy, nếu tài xế trong ngày đạt được 28 điểm có mức thưởng là 300.000 đồng. Mỗi cuốc xe chở khách sẽ được 1 điểm, nếu giao hàng tính 1,5 điểm; từ 6 – 9h và từ 17 – 20h, mỗi cuốc xe được 2 điểm. Ông Huy tính: “Mỗi ngày chạy từ 6 – 9h có thể đạt mức 1, thu nhập sẽ là 200.000 đồng, mức 2 (7 – 8 tiếng) sẽ có thu nhập từ 370.000 – 400.000 đồng; mức 3 (11 tiếng) sẽ có thu nhập từ 650.000 – 700.000 đồng.
Với chiến lược kinh doanh “thả tép bắt tôm”, từ đầu tháng 8 đến nay tại TP.HCM, Go-Viet thu hút chừng 20.000 tài xế cho cả hai dịch vụ chở khách (Go-Bike) và giao nhận hàng (Go-Send). Theo giám đốc một công ty dịch vụ truyền thông, tốc độ tăng trưởng của Go-Viet còn nhanh hơn cả Grab, Uber… khi bắt đầu thâm nhập tại thị trường Việt Nam. Trên trang cá nhân LinkedIn, chủ tịch Go-Jek Andre Soelistyo đã đăng: “Trong vòng ba ngày, kể từ ngày ra mắt (1/8/2018), Go-Viet đã đạt tới 10% thị phần tại TP.HCM!” Nếu quả thực Go-Viet có 20.000 tài xế, so với 90.000 tài xế GrabBike, thị phần của Go-Viet phải là 16 – 17%!
Grab phản đòn!
Tuần trước, Grab đã phản đòn bằng chiêu khuyến mãi: cự ly từ 8km trở xuống, khách hàng đặt xe chỉ trả cho tài xế 2.000 đồng/cuốc. Phần còn lại, Grab trả cho tài xế.
Grab hiện là nhà cung cấp dịch vụ gọi xe công nghệ lớn nên chiêu khuyến mãi trên, ai cũng hiểu chỉ áp dụng trong thời gian ngắn. Ngoài ra, theo ông Hùng, một tài xế GrabBike “kỳ cựu”, Grab Việt Nam áp dụng mức tính thưởng: 10 cuốc được tặng 100.000 đồng, 12 cuốc tặng 150.000 đồng, còn 18 cuốc là 300.000 đồng. Grab còn có chính sách “Nhận lại ngay 5% doanh thu mỗi tuần” áp dụng cho các tài xế GrabBike, GrabBike Premium và GrabExpress tại TP.HCM từ ngày 6/8/2018. Để nhận lại 5% doanh thu mỗi tuần, các tài xế chỉ cần hoàn tất tối thiểu 7 cuốc xe mỗi tuần (tính từ thứ hai đến chủ nhật), kèm theo các điều kiện: tỷ lệ nhận cuốc đạt 90% trở lên với đánh giá sao từ 4/8, không từ chối hoặc huỷ cuốc xe thanh toán qua GrabPay. Riêng với GrabCar tại Hà Nội, Grab có các chính sách thưởng “giờ cao điểm theo tuần”, “thưởng đón khách” nhằm khuyến khích tài xế đón khách ở xa. Số tiền thưởng do Grab chi trả, không khấu trừ phí sử dụng ứng dụng của tài xế…
Gần đây, nhiều tài xế GrabBike cho biết, mỗi ngày phải xác thực hình ảnh hai lần trên ứng dụng GrabDriver. Nếu khuôn mặt không trùng với hình có trong tài khoản đang sử dụng, tài xế đó không thể nhận cuốc xe tiếp theo. Hiện nay, có nhiều tài xế GrabBike giả mạo áo và mũ bảo hiểm của Grab, sử dụng ứng dụng Grab “nhái” để chở khách với mức cước cao hơn Grab thật từ 50 – 100%, mua bán tài khoản… nên Grab dùng tính năng trên để minh bạch thông tin tài xế và bảo vệ thương hiệu.
Một tài xế GrabBike nói tại các điểm tuyển dụng của Go-Viet có nhân viên Grab xuất hiện để bí mật chụp hình chân dung tài xế và biển số xe. Những khuôn mặt và số xe nào có trong hệ thống của Grab, tài xế đó sẽ bị cắt tài khoản.
Thùng rỗng kêu to
Là gương mặt mới của dịch vụ xe công nghệ, nhưng FastGo (có mặt tại Hà Nội vào tháng 6/2018 và TP.HCM vào tháng 8/2018) phát đi những “đại ngôn”. FastGo được mPOS đầu tư hơn 30 tỷ đồng và 70 tỷ đồng từ quỹ đầu tư VinaCapital. Trong buổi ra mắt dịch vụ gần đây tại TP.HCM, giám đốc Nguyễn Hữu Tuất “nổ”: “FastGo đặt mục tiêu từ 30 – 40% thị trường gọi xe công nghệ tại Việt Nam trong vòng hai năm. Hiện tại, FastGo đã tuyển dụng hơn 15.000 tài xế xe ôtô và xe máy tại TP.HCM và Hà Nội, kết nối thành công hơn 15.000 chuyến. Từ nay đến đầu năm 2019, FastGo sẽ phát triển tại các thành phố lớn: Đà Nẵng, Nha Trang, Cần Thơ…”. Nổ là vậy nhưng tại TP.HCM, chưa thấy tài xế đội mũ màu xanh của FastGo.
bài, ảnh Hoàng Triều (theo TGTT)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Đang truy cập : 172
•Máy chủ tìm kiếm : 10
•Khách viếng thăm : 162
Hôm nay : 32612
Tháng hiện tại : 54219
Tổng lượt truy cập : 50482763