Thống kê của Cục SHTT trong 11 tháng đầu năm 2015 đã tiếp nhận 4.584 đơn đăng ký sáng chế, 387 đơn đăng ký giải pháp hữu ích. Trong đó mới xử lý và cấp được 1271 bằng độc quyền sáng chế và 106 bằng độc quyền giải pháp hữu ích. Trong đó, số bằng độc quyền sáng chế và giải pháp hữu ích của khối trường ĐH là 4-4, của khối viện nghiên cứu là 10-16. Con số này của các cá nhân hay doanh nghiệp cao hơn 2-10 lần.
Khảo sát cụ thể tại Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội và ĐH Bách khoa TP.HCM, hai đơn vị này có hàng trăm sáng chế chưa đăng ký bảo hộ SHTT.
Cụ thể, TS Trương Vũ Thanh, ĐH Bách khoa TP HCM cho biết hiện anh có hai đề tài đang làm đơn đăng ký xin cấp bằng sáng chế độc quyền. Mặc dù có sự hỗ trợ của ĐH Quốc gia TP.HCM trong việc nộp đơn tuy nhiên do các thủ tục hành chính phức tạp với việc khai đi khai lại nhiều chi tiết nên mặc dù đã tiến hành hơn một năm rưỡi nay nhưng vẫn chưa biết khi nào mới có kết quả. Trước đó, TS Thanh cũng đã có một đề tài nộp lên Cục SHTT nhưng vẫn đang trong thời gian thẩm định nên chưa có phản hồi
“Khi làm TS ở Mỹ, tôi có đăng ký một sáng chế độc quyền thì thủ tục rất đơn giản. Cũng có những điểm mình không biết nhưng họ cho đăng ký online, mình cứ điền và nộp trực tuyến. Phần nào chưa được họ trả lời rất rõ ràng trong một khoảng thời gian chính xác và mình sẽ sửa lại để gửi, không phải đi lại nhiều nên không khiến nhà khoa học nản lòng” – TS Trương Vũ Thanh cho biết. Vì vậy, TS Thanh kiến nghị triển khai đăng ký sáng chế độc quyền trực tuyến và nếu cần bổ sung giấy tờ gì thì chuyển qua bưu điện. Nếu có vấn đề gì có thể phản hồi bằng email, hạn chế tối đa thời gian đi lại.
Đồng quan điểm với TS Thanh, PGS.TS Nguyễn Đức Toàn, Phó Chủ nhiệm Bộ môn Gia công vật liệu và Dụng cụ công nghiệp - Viện Cơ khí, ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết anh chưa đăng ký bảo hộ SHTT với đề tài nghiên cứu nào vì… ngại thủ tục hành chính rườm rà. “Nếu đăng ký được sáng chế độc quyền hay giải pháp hữu ích để Nhà nước bảo hộ thì rất tốt, nhất là đối với một nhà khoa học công tác tại một đơn vị như ĐH Bách khoa thì điều đó là cần thiết. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại tôi muốn tập trung nghiên cứu sâu hơn đề tài trước khi mất nhiều thời gian cho việc đăng ký bảo hộ sáng chế”.
Ảnh minh họa.
Rút ngắn thời gian thẩm định
Tại buổi làm việc của Đoàn Giám sát Quốc hội với Cục SHTT, Bộ KH&CN diễn ra mới đây, ông Lê Bộ Lĩnh, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đặt câu hỏi tại sao số bằng bảo hộ sở hữu công nghiệp được cấp trong vòng 10 năm (2005-2015) chỉ bằng 2,5% số đơn đăng ký.
Ông Phan Ngân Sơn, Phó Cục trưởng Cục SHTT cho biết, theo Luật SHTT cơ quan quản lý phải thẩm định nội dung đơn xin cấp bằng độc quyền sáng chế và giải pháp hữu ích. Thời gian thẩm định là 18 tháng. Đây là quy trình rất chặt chẽ bởi ở các nước, hầu như tác giả chỉ công bố sáng chế, khi có tranh chấp cơ quan quản lý mới can thiệp. Tuy nhiên, trên thực tế Cục SHTT thường mất ít nhất 2 năm để thẩm định trước khi cấp bằng. Nguyên nhân là Cục SHTT chưa có cơ sở dữ liệu chuyên dụng về sáng chế, giải pháp hữu ích dành riêng cho cán bộ thẩm định.
“Về phía người nộp đơn xin cấp bằng sáng chế cũng khó khăn trong việc viết bản mô tả theo quy ước của hệ thống SHTT thế giới nên mất nhiều thời gian để chỉnh sửa, dễ dẫn đến việc nản lòng” – ông Phan Ngân Sơn nhấn mạnh.
Trả lời băn khoăn của ông Phạm Tất Thắng, Uỷ ban Văn hoá - Giáo dục - Thanh thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội về việc số bằng sáng chế cấp cho các viện nghiên cứu và trường ĐH còn thấp so với tiềm năng, ông Phan Ngân Sơn cho rằng: “Việc đăng ký sáng chế phụ thuộc vấn đề sản phẩm có thương mại hoá được hay không. Bởi nếu không ra thị trường thì việc cấp bằng cũng vô nghĩa”.
Về phía nhà khoa học, PGS.TS Nguyễn Đức Toàn cho rằng hiện nay hệ thống thực thi quyền SHTT của Việt Nam chưa tốt. Khi liên hệ với doanh nghiệp để triển khai sáng chế trên diện rộng có thể chưa làm thì đã có hàng nhái tràn lan trên thị trường. Nếu có phát hiện thì kẻ vi phạm cũng chỉ bị phạt hành chính 1-2 triệu đồng thì không đủ tính răn đe.
Giải pháp để thúc đẩy sáng chế đăng ký bảo hộ SHTT, theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Việt Thanh, bên cạnh việc tăng cường thông tin tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về SHTT, cần rút ngắn quá trình thẩm định, xác lập quyền. Hiện Cục SHTT đang tiến hành tạo cơ sở dữ liệu điện tử toàn văn về bằng sáng chế tại Việt Nam và đưa lên website của Cục, hoà nhập với cơ sở dữ liệu toàn cầu Patent Scope của Tổ chức SHTT thế giới.
“Thủ tướng đã phê duyệt Chương trình Phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016-2020 trong đó có tăng chất lượng và tốc độ xử lý đơn đăng ký bảo hộ sở hữu công nghiệp. Cục SHTT sửa đổi quy trình, phân cấp mạnh mẽ để quy trình thẩm định đơn của cán bộ nhanh gọn hơn” - Thứ trưởng Trần Việt Thanh nói.
Thu Hương - Tuệ Minh
Nguồn tin: Đại Đoàn Kết
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Đang truy cập : 147
•Máy chủ tìm kiếm : 8
•Khách viếng thăm : 139
Hôm nay : 4628
Tháng hiện tại : 629331
Tổng lượt truy cập : 50047965