22:57 EDT Thứ năm, 27/03/2025

Trang nhất » Tin Tức » Khảo sát

Khoảng trống ở Châu Á sau khi Mỹ rút khỏi TPP

Thứ tư - 23/11/2016 05:30
Tổng thống Mỹ mới đắc cử Donald Trump ngày 21.11 công bố những việc sẽ làm ngay trong ngày đầu tiên nhậm chức vào Nhà Trắng, trong đó có việc rút Mỹ khỏi Hiệp định thương mại đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) - thoả thuận mà chính quyền Tổng thống Barack Obama khởi xướng và dày công vun đắp. Rút khỏi TPP, Mỹ sẽ để lại khoảng trống lớn về ảnh hưởng kinh tế và chính trị ở Châu Á - Thái Bình Dương.

Rút khỏi TPP và đầu tư nhiều hơn vào quan hệ song phương


Tuyên bố được đưa ra trong một video phác thảo những gì ông Trump dự định làm đầu tiên khi nhậm chức vào tháng 1.2017. “Hôm nay tôi muốn cập nhật thông tin cho người Mỹ về cuộc chuyển giao tại Nhà Trắng và các kế hoạch chính sách trong 100 ngày đầu tiên. Về thương mại, tôi sẽ ra thông báo rút khỏi Hiệp định Thương mại đối tác xuyên Thái Bình Dương. Thay vào đó, chúng ta sẽ thương lượng những hiệp định thương mại công bằng, song phương, đem công ăn việc làm trở về đất Mỹ” - ông Trump phát biểu trong video được Reuters đăng tải. Tổng thống đắc cử khẳng định, dù ủng hộ tự do mậu dịch, nhưng ông không tán thành TPP hay các thỏa thuận hiện hành khác như Hiệp định Tự do thương mại Bắc Mỹ (NAFTA) vì theo ông, các hiệp định này không được thương lượng công bằng và không phục vụ lợi ích nước Mỹ.

TPP nhắm tới việc tự do hóa thương mại trong khu vực, chiếm 40% nền kinh tế thế giới, bao gồm các thành viên khác là Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam. Theo các điều khoản của TPP được ký kết ở New Zealand trong năm nay, hiệp định chỉ có thể được thực thi nếu nó được ít nhất 6 nước thông qua, trong đó 6 nước này phải chiếm 85% GDP của tổng cộng 12 nước tham gia TPP. Do Mỹ đã chiếm đến 60% GDP của toàn khối, Nhật Bản chiếm gần 20%, nên TPP không thể thực thi nếu không có sự tham gia của Mỹ.

Chính quyền của Tổng thống sắp mãn nhiệm Barack Obama kỳ vọng, thỏa thuận chiếm 40% sức mạnh kinh tế thế giới TPP sẽ giúp Mỹ đề ra nghị trình mậu dịch toàn cầu trước sức trỗi dậy của Trung Quốc. Nhật Bản và các nước Châu Á tham gia hiệp định này cũng mong muốn thiết lập một đối trọng với chính sách bành trướng của Bắc Kinh ở khu vực Thái Bình Dương trong lúc Trung Quốc đang tìm cách mở rộng phạm vi ảnh hưởng kinh tế, chính trị tại đây. Vì vậy, chỉ hai ngày sau khi ông Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, Hạ viện Nhật đã nhanh chóng thông qua thỏa thuận thương mại do chính phủ Obama dẫn đầu mà ông Trump mạnh mẽ phản đối. Các nhà lập pháp Nhật hy vọng, việc họ thông qua TPP sẽ gửi một thông điệp tới Mỹ, nhưng thông điệp đó xem ra không có tác dụng.

Khoảng trống ở Châu Á sau khi Mỹ rút khỏi TPP ảnh 1
Lao động ngành may ở châu Á kỳ vọng sẽ được hưởng lợi khi quốc gia của họ tham gia TPP.

Tuy nhiên, Chính phủ Nhật Bản hôm 22.11 vẫn tái khẳng định cam kết với TPP, ngay cả khi Mỹ rút khỏi hiệp định này. Trước đó, phát biểu từ cuộc họp báo ở Buenos Aires hôm 21.11, Thủ tướng Abe cho biết thêm, kể từ sau cuộc bầu cử Mỹ hôm 8.11, không một nước nào tham gia TPP trì hoãn các nỗ lực nội bộ chấp thuận TPP hay hủy bỏ thỏa thuận này. Thủ tướng Abe khẳng định, TPP sẽ là “vô nghĩa” nếu không có sự tham gia của Mỹ. Ông cũng nói rằng hiệp định này không thể đàm phán lại, vì “điều đó sẽ làm xáo trộn sự cân bằng cơ bản của các lợi ích”.

Trung Quốc tận dụng cơ hội?

Tháng 9 năm nay, Tổng thống Barack Obama đã cảnh báo, nếu Mỹ không xúc tiến TPP để đề ra những quy chuẩn cho mậu dịch công bằng tại thị trường Châu Á, thì Mỹ sẽ bị hất chân, sẽ là một thua thiệt lớn cho các doanh nghiệp Mỹ trong lúc Bắc Kinh đang thúc đẩy một hiệp định tự do thương mại trong khu vực với các luật lệ không có lợi cho người lao động và doanh nhân Mỹ.

Không có gì đáng ngạc nhiên khi Bắc Kinh coi chiến dịch xoay trục của Mỹ sang Châu Á và TPP là một kế hoạch nguỵ trang để kiềm chế sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc. Nhưng với việc ông Trump tuyên bố Mỹ rút khỏi TPP, giờ đây Trung Quốc sẽ hối thúc các chính phủ Châu Á so sánh độ tin cậy về những cam kết của Trung Quốc so với Mỹ. Ngay tại Hội nghị thượng đỉnh APEC, Chủ tịch Tập Cận Bình đã nói với các nhà lãnh đạo thế giới rằng, đã đến lúc phát triển quan hệ đối tác mạnh mẽ, các giải pháp hai bên cùng có lợi và các sáng kiến chiến lược. Trung Quốc sẽ không đóng cửa với thế giới bên ngoài mà ngược lại sẽ mở rộng cửa. Các quan chức tháp tùng ông Tập không mất thời gian để tiến hành các cuộc thảo luận về những hiệp định thương mại ít tham vọng hơn mà Bắc Kinh chống lưng, như Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) hay khu vực thương mại tự do Châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP). Những thoả thuận này diễn ra song song với sáng kiến “Một vành đai, một con đường” của Trung Quốc, cùng những thể chế cho vay mới phát triển như Ngân hàng Đầu tư hạ tầng Châu Á AIIB.

PHẢN ỨNG CỦA THẾ GIỚI

THỦ TƯỚNG AUSTRALIA MALCOLM TURNBULL: “Thời gian sẽ trả lời liệu chính quyền mới và quốc hội mới của Mỹ có tham gia TPP hay không, tham gia ở mức độ nào. 11 nước còn lại ủng hộ mạnh mẽ thông qua TPP và đưa thoả thuận này vào thực thi. Vì vậy ông Donald Trump và quốc hội mới sẽ phải ra quyết định vì lợi ích của Mỹ. Quan điểm của Australia rất rõ ràng, việc tiếp cận lớn hơn cho các mặt hàng xuất khẩu và dịch vụ của Australia tới những thị trường lớn như vậy là mối quan tâm của chúng tôi”.

THỦ TƯỚNG NEW ZEALAND JOHN KEY: “Mỹ không phải là một hòn đảo. Họ không chỉ ngồi yên một chỗ và nói rằng không giao thương với phần còn lại của thế giới. Ở khía cạnh như vậy, Mỹ cần cân nhắc lại quyết định của mình”.

THỦ TƯỚNG MALAYSIA NAJIB RAZAK: “Đó là quyền của Tổng thống đắc cử Donald Trump, vì nhà lãnh đạo được bầu một cách dân chủ sẽ đưa ra quyết định chính sách mà ông nghĩ là đúng. Tôi là người ủng hộ mạnh mẽ phát triển thương mại và chủ nghĩa khu vực mở ở Châu Á - Thái Bình Dương. Đó là chìa khoá mang lại lợi ích cho người dân của chúng ta. Tôi mong muốn được làm việc với Tổng thống đắc cử Donald Trump về những mục tiêu chung như tăng cường an ninh và đảm bảo tăng trưởng toàn diện, bền vững và công bằng cho tất cả chúng ta”.

PARAG KHANNA, TRUNG TÂM CHÂU Á VÀ TOÀN CẦU HÓA:“Không có gì bất ngờ, nhưng các chính sách thương mại của ông ấy sẽ làm suy yếu lợi ích mà TPP sẽ mang lại cho Mỹ”.            V.A


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Các sáng lập viên

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 303

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 302


Hôm nayHôm nay : 68747

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 2143592

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 56925926



thiet ke ho ca koi mai hien di dong cong ty to chuc su kien thang may tai hang thang mang tai khach