Chính quyền Hà Bắc đã công bố kế hoạch chuyển các nhà máy thép, xi măng và sản xuất thủy tinh sang các nước Đông Âu, châu Phi, châu Mỹ - Latin và các khu vực khác của châu Á. Theo kế hoạch, những nhà máy sản xuất 20 triệu tấn thép và 30 triệu tấn xi măng sẽ được Trung Quốc chuyển ra nước ngoài vào năm 2023, Tân Hoa Xã đưa tin.
Khói cuộn lên từ một nhà máy sản xuất thép ở Hà Bắc, Trung Quốc. | ẢNH: KEVIN FRAYER/GETTY IMAGES
Iron & Steel Hà Bắc, nhà sản xuất thép lớn nhất Trung Quốc, đã bắt đầu di chuyển. Cuối năm 2014, công ty cho biết họ sẽ xây dựng nhà máy có khả năng sản xuất 5 triệu tấn thành phẩm mỗi năm ở Nam Phi. Họ muốn nhà máy mới hoạt động vào năm 2017 để đóng cửa nhà máy ở Hà Bắc vì quá ô nhiễm.
Theo nhà chức trách Trung Quốc, tình trạng ô nhiễm sẽ không được giải quyết nếu các nhà máy ở Hà Bắc vẫn tồn tại. Chúng tạo ra 200 triệu tấn thép/năm, chiếm ¼ tổng sản lượng thép của Trung Quốc và lớn gấp 2 lần ngành công nghiệp chế tạo thép của Mỹ. Việc xuất khẩu ô nhiễm của Trung Quốc mang lại nhiều lợi ích từ môi trường tới giảm sản lượng thép dư thừa hay giảm các khoản vay ưu đãi để đầu tư công nghiệp.
Tuy nhiên, nỗ lực xuất khẩu ô nhiễm cũng gây tác động tới kinh tế tỉnh Hà Bắc vì sụt giảm doanh thu từ thuế và các loại phí. Dẫu vậy, người dân ở thủ phủ ngành thép Trung Quốc sẽ có cuộc sống lành mạnh hơn. Trong khi đó, người dân các nước được đầu tư có cơ hội phát triển kinh tế dù phải trả cái giá rất đắt về môi trường.
Tom Miller, chuyên gia phân tích cấp cao của trung tâm nghiên cứu Gavekal Dragonomics – trụ sở tại Bắc Kinh, nhận định:
Trong xu thế toàn cầu hóa, phạm vi hoạt động của các doanh nghiệp không chỉ gói gọn trong biên giới một quốc gia. Các tập đoàn dễ dàng tìm được mảnh đất màu mỡ để phát triển ở các nước nghèo và đang phát triển, nơi giá nhân công rẻ, chi phí hoạt động thấp và các quy định về môi trường chưa chặt chẽ. Thậm chí, một số quốc gia sẵn sàng đánh đổi môi trường trong sạch lấy các lợi ích về kinh tế.
Trong một nghiên cứu độc lập, Đại học North Carolina của Mỹ nhắc tới Brazil như nạn nhân lớn nhất của tình trạng xuất khẩu ô nhiễm. “Thung lũng thần chết”, cái rốn ô nhiễm của Brazil, được coi là nơi ô nhiễm nhất trên trái đất. Chào đón các tập đoàn nước ngoài tới xây dựng nhà máy nhưng những gì người dân khu vực này nhận được là đói nghèo và cộng thêm ô nhiễm.
Thung lũng Cubatao hay “Thung lũng thần chết” nằm cách Sao Paulo khoảng 1 giờ lái xe về phía nam. Đây là nơi sống và làm việc của 100.000 người. Các nhà máy công nghiệp trong thung lũng xả hàng nghìn tấn chất gây ô nhiễm vào môi trường mỗi ngày. Phóng viên National Geographic tác nghiệp ở Cubatao mô tả: “Khi mới đến, ngực tôi đau dữ dội vì không khí ở đây. Tôi khó thở và có cảm giác như bị viêm phế quản”.
Không khí trong khu vực này có nhiều chất gây ung thư. Một trong 10 công nhân làm việc ở đây có nguy cơ mắc bệnh máu trắng hoặc các khiếm khuyết liên quan tới máu. Tỷ lệ trẻ sơ sinh tử vong cao hơn 10% so với các khu vực khác. Gần 1/3 số cư dân mắc các bệnh về đường hô hấp.
Tuy nhiên, rất ít người dân sống trong thung lũng phàn nàn về môi trường ô nhiễm. Đối với họ, khói là mùi của công việc và của thu nhập. Số người nhận ra sự đe dọa mà bản thân và gia đình đang phải đối mặt lại không thể chuyển đi nơi khác vì quá nghèo. Ngôi nhà họ sống cũng được xây dựng trên những bãi rác thải.
Oswaldo Campos, giáo sư đại học về y khoa, cho rằng, bầu không khí ô nhiễm ở Cubatao đơn giản là hệ quả của các chính sách ưu tiên kinh tế:
Trong khi đó, Lawrence Summers, nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới và cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ, lại cho rằng, cái giá mà các nước nghèo đang trả là phù hợp. Xét trên phương diện kinh tế, những thiệt hại do ô nhiễm gây ra trên nước nghèo sẽ thấp hơn nhiều so với thiệt hại của ô nhiễm ở nước phát triển. Tương tự, chi phí dọn dẹp ô nhiễm ở nước nghèo cũng thấp hơn trong khi người dân không quá coi trọng môi trường trong sạch so với thu nhập.
Phản ứng trước quan điểm của Summers, nhiều nhà phê bình cho rằng đây là cái nhìn thế giới lệch lạc thông qua “lăng kính méo mó của kinh tế thị trường” và gọi quan điểm của ông là “công thức cho sự đổ nát”. Tuy nhiên, họ cũng không thể phủ định vấn đề tồi tệ nhất với các nước thế giới thứ 3 là nghèo và phát triển kinh tế là cần thiết.
Dẫu vậy, không nên xem nhẹ tác động của ô nhiễm môi trường tới kinh tế. Thiệt hại về môi trường làm giảm năng suất của nền kinh tế, giảm tuổi thọ người dân, tăng chi phí chữa bệnh và phúc lợi xã hội. Ở các nước giàu, bảo vệ môi trường là bảo tồn các loài nguy cấp, giữ gìn tầng ozone và ngăn chặn biến đổi khí hậu trong khi các nước nghèo quan tâm tới không khí ô nhiễm, xói mòn đất, đốt phá rừng hay nước sạch.
Trong những thập niên gần đây, cụm từ “làng ung thư” ngày càng trở nên phổ biến trên khắp thế giới. Chúng xuất hiện xung quanh các khu công nghiệp độc hại, nơi các nhà máy xả chất thải ô nhiễm vào môi trường. Nó là sự phản ánh xác thực nhất về tác động của ô nhiễm môi trường tới sức khỏe con người và cái giá mà phát triển kinh tế không bền vững mang lại.
“Làng ung thư” là thuật ngữ để gọi những cộng đồng dân cư bị tàn phán bởi căn bệnh quái ác, nơi tỷ lệ người mắc ung thư cao đột biến so với bình thường. Trung Quốc, quốc gia đông dân nhất thế giới, cũng là nơi có nhiều làng ung thư nhất được phát hiện. Nó là cái giá của 3 thập niên phát triển kinh tế ồ ạt nhưng chưa quan tâm đúng mức tới môi trường.
Theo China Daily, tỷ lệ mắc ung thư ở Trung Quốc tăng 80% trong 3 thập niên qua. Trong khi đó, phần lớn nước ngầm ở Trung Quốc đã bị ô nhiễm. Không khí tại các thành phố lớn, bao gồm thủ đô Bắc Kinh, thường xuyên bị một lớp khói mù bao phủ. Thủ đô Trung Quốc bị liệt vào danh sách những thành phố ô nhiễm không khí hàng đầu thế giới.
Không chỉ xuất hiện tại Trung Quốc, làng ung thư còn mọc lên ở nhiều quốc gia khác như Ấn Độ, Bangladesh, Brazil…, nơi sức khỏe của con người chưa được đánh giá đúng mức với nhu cầu phát triển kinh tế.
Gõ cụm từ “làng ung thư” trên thanh công cụ của trang tìm kiếm Google, 651.000 kết quả hiện ra trong khoảng 0,39 giây. Nó cho thấy vấn đề này thu hút sự quan tâm lớn tại đất nước hình chữ S. Tuy nhiên, sự quan tâm này có đủ để ngăn chặn sự hình thành của các “làng ung thư” hay không thì khó có thể trả lời.
Một người phụ nữ đang lấy mẫu nước ở dòng sông Jian, Hà Nam, Trung Quốc. | ẢNH: STR/AFP/GETTY IMAGES
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Đang truy cập : 128
•Máy chủ tìm kiếm : 3
•Khách viếng thăm : 125
Hôm nay : 7523
Tháng hiện tại : 632226
Tổng lượt truy cập : 50050860