05:35 EDT Thứ ba, 19/03/2024

Trang nhất » Tin Tức » Nghiên cứu - Chia sẻ

Áp chuẩn OECD với điều kiện kinh doanh

Thứ ba - 05/09/2017 06:10

Yêu cầu của Thủ tướng trong cuộc họp Chính phủ tuần qua, rằng phải “áp chuẩn OECD” về chất lượng văn bản quy phạm pháp luật để rà soát và bãi bỏ giấy phép và quy định kinh doanh bất hợp lý, là phản ứng kịp thời của Chính phủ trước xu hướng sụt giảm niềm tin, động lực kinh doanh của doanh nghiệp trong thời gian gần đây.

Nhiều ý kiến cho rằng con số hơn 3 tỉ đô la Mỹ mà người Việt bỏ ra để mua bất động sản ở Mỹ trong một năm là chỉ dấu đáng lo ngại không mấy tích cực: một số doanh nhân ưu tú của nền kinh tế đang mệt mỏi với chuyện làm ăn ở Việt Nam, họ muốn rời đi và tìm cơ hội ở những môi trường khác thuận lợi hơn. Quá nhiều rào cản pháp lý, chính sách không ổn định, quyền tài sản không được đảm bảo, chi phí kinh doanh tăng cao, sự tham nhũng và lạm quyền từ cơ quan công quyền là những nguyên nhân được nhắc đến nhiều nhất, lý giải cho lựa chọn này.

Trong bối cảnh đó, trên bình diện chính sách, Chính phủ nhận được sự ủng hộ khi lựa chọn năm 2017 là năm “giảm chi phí cho doanh nghiệp”. Các hoạt động cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là thủ tục hải quan, thủ tục thuế đã được tiến hành khá rốt ráo trong thời gian qua. Nhưng, “tảng băng ngầm” điều kiện kinh doanh và giấy phép con thì vẫn chưa được công phá hữu hiệu.

Hai Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh gần đây nhất (năm 2017, năm 2016) đều liệt kê khá chi tiết danh sách các điều kiện kinh doanh - giấy phép con, thủ tục hành chính mà từng bộ, ngành phải cắt bỏ, sửa đổi. Nhưng cho đến nay, chỉ có một vài điểm sáng hiếm hoi, đơn cử như việc Bộ Tài chính bỏ điều kiện kinh doanh trong dịch vụ đòi nợ thuê. Các loại điều kiện kinh doanh bất hợp lý từ đó đẻ ra các loại giấy phép con, giấy phép cháu làm khó doanh nghiệp vẫn còn đầy ra đó.

Có thể kể ra, như các rào cản kinh doanh với doanh nghiệp nhỏ và vừa nhập khẩu ô tô trong Thông tư 20 của Bộ Công Thương đã không bị bãi bỏ mà “biến hình” vào Thông tư 11 mới được ban hành của Bộ Giao thông Vận tải. Điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo, điển hình là yêu cầu doanh nghiệp phải có nhà máy xay xát, kho chứa, vẫn chưa được sửa đổi dù bị hối thúc bởi chính Chính phủ. Bên cạnh đó là hàng loạt giấy phép “tinh vi”, dưới dạng can thiệp vào tự chủ nhân sự của doanh nghiệp, bằng cách yêu cầu chứng chỉ chuyên môn, chứng chỉ hành nghề...

Quả là một ma trận phức tạp, khiến tuy số ngành nghề kinh doanh có điều kiện chỉ 243 nhưng số điều kiện kinh doanh lại hơn 4.000 loại khác nhau. Số giấy phép con, giấy phép cháu mà các điều kiện kinh doanh này đẻ ra còn khủng khiếp hơn nữa.

Đối diện với bức tranh giấy phép con đầy nhức nhối, sự sốt ruột không chỉ dừng lại ở tốc độ chậm chạp trong việc rà soát và bãi bỏ chúng, khả năng thành công trong cuộc chiến chống giấy phép con của Chính phủ vẫn là câu hỏi khi nhìn sâu vào cách tiếp cận vấn đề. Cách làm của Chính phủ hiện nay vẫn là cách làm cũ - vốn đã thất bại trong quá khứ. Thứ nhất, đó là việc giao cho các bộ tự rà soát và sửa đổi các loại giấy phép. Giấy phép vốn là “nồi cơm”, là “lợi ích” của các bộ. Không ai tự lấy đá ghè chân mình, cũng không ai muốn tự đập vỡ nồi cơm của mình. Tính xung đột lợi ích khiến việc rà soát và tự bãi bỏ thất bại. Thứ hai, cắt bỏ, sửa đổi giấy phép mà không đi kèm với cải cách triệt để hệ thống quản lý bằng điều kiện kinh doanh và quy định hành chính trong kinh doanh - tức là “gốc rễ” đẻ ra giấy phép, thì cắt xong giấy phép này, giấy phép khác sẽ lại mọc ra. Nói cách khác, không chỉ “cắt” mà còn cần đến cải cách thể chế, cải cách hệ thống hành chính đi kèm mới có thể kiểm soát vấn nạn loạn giấy phép và nâng cao chất lượng và tính hiệu quả của giấy phép. Kinh nghiệm các quốc gia chuyển đổi lẫn các quốc gia phát triển đều cho thấy điều đó: bãi bỏ và sửa đổi, ngôn ngữ chuyên môn chính sách gọi là de-regulation, cần đi kèm với cải cách và hoàn chỉnh hệ thống giấy phép và quy định hành chính (tức regulatory reform).

Chính phủ đã rất đúng khi xác định trọng tâm của chương trình hành động nhiệm kỳ này là cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế. Chỉ có cải thiện môi trường kinh doanh mới có thể chữa được bệnh “chán kinh doanh” - khôi phục lại niềm tin và sự hứng khởi cho cộng đồng doanh nghiệp. Nhưng chiến lược “đi” như thế nào vẫn cần tiếp tục được phân tích và thảo luận rộng rãi để có một cách tiếp cận đúng và phù hợp. Nếu duy trì cách làm cũ, những nỗ lực của Chính phủ hiện nay khó có thể tạo ra đột phá và kết quả kỳ vọng.

Nguồn tin: TBKTSG Online

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Các sáng lập viên

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 301

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 300


Hôm nayHôm nay : 48743

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 946919

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 41846731



thiet ke ho ca koi mai hien di dong cong ty to chuc su kien thang may tai hang thang mang tai khach