02:10 EDT Thứ sáu, 29/03/2024

Trang nhất » Tin Tức » Nghiên cứu - Chia sẻ

Học cách Philippines đối đầu với nạn "chảy máu chất xám"

Thứ năm - 05/05/2016 06:35
Từ nhiều năm nay, những người Philippines có nhiều tham vọng đều biết rằng con đường chắc chắn nhất để thành công là hãy rời khỏi Philippines. Ra nước ngoài, nhiều người chỉ làm những công việc chân tay như dọn vệ sinh, phụ bếp và công nhân xây dựng, nhưng cũng có không ít người làm bác sĩ, giáo viên và kỹ sư công nghệ. Tất cả đều có một điểm chung: không nhìn thấy triển vọng sẽ kiếm được mức lương tốt hay đạt được mục tiêu nghề nghiệp nếu như ở lại quê nhà.

Trong quá khứ những con người tài năng đã dẫn đầu làn sóng ra nước ngoài sinh sống, nhưng hiện tại chính họ lại bắt đầu dẫn đầu xu hướng trở về Philippines. Sự ổn định chính trị và mức tăng trưởng kinh tế vượt bậc (trung bình 6,2% trong 5 năm gần đây, cao thứ hai ở Đông Á) đang khiến họ phải thay đổi suy nghĩ.

 

Kể từ khi đạt đỉnh hơn 10,4 triệu người sống ở nước ngoài vào năm 2011 (tăng gấp rưỡi so với năm 2005), con số đang dần giảm xuống. Ngoài lý do kinh tế Philippines phát triển còn có một nguyên nhân quan trọng khác: nhu cầu lao động ở những nước Trung Đông không còn nhiều như trước. Tổng thống Benigno Aquino III mới đây cho rằng làn sóng người Philippines trở về quê hương chính là một trong những thành tựu nổi bật trong nhiệm kỳ của ông.

Chưa có số liệu chính thức về số lao động “cổ cồn trắng” đã trở về, nhưng xu hướng đang ngày càng mạnh lên. Đó là nhận định của Raphael Oriel, biên tập viên tạp chí Balikbayan. Tên của tạp chí này có nghĩa là “người trở về” theo tiếng Philippines và thường xuyên đăng những bài báo nói về những người hồi hương. Oriel cho biết trong vài năm trở lại đây lượng đặt báo đã tăng mạnh.

Paco Sandejas đang ở ĐH Stanford vào những năm 1990, khi anh thành lập Brain Gain Network – một cộng đồng kết nối những chuyên gia công nghệ người Philippines ở nước ngoài. “Khi đó chúng tôi không thu hút được nhiều sự chú ý. Nhiều người lắc đầu và nói họ chẳng có lý do nào để trở về. Nhưng giờ đây câu chuyện đã hoàn toàn khác”, anh nói.

Một số người quay trở lại để thành lập những startup hoặc đảm nhiệm vị trí lãnh đạo cấp cao ở các công ty. Làn sóng này mang lại cho nền kinh tế Philippines vẻ năng động mới.

Sandejas đang điều hành Narra Venture Capital, một trong vài công ty đầu tư mạo hiểm ở thủ đô Manila. Brain Gain Network cũng đã có tới 2.500 thành viên.

Gần một nửa số người Philippines ở nước ngoài vẫn muốn định cư ở nước ngoài, nhưng trong số này vẫn có những người nặng tình với quê hương.

John San Pedro đã không đặt chân đến Philippines suốt 40 năm qua, sau khi gia đình anh rời đi vào những năm 1970. Tuy nhiên, năm 2014, anh từ bỏ sự nghiệp thành công ở Mỹ để thành lập một startup ở Manila. “Tôi nhận ra rằng có điều gì đó đang thực sự diễn ra ở đây”.

Làn sóng này có tiếp tục hay không sẽ phụ thuộc một phần vào cuộc bầu cử ngày 9/5 tới. Tổng thống Aquino đã tạo được sự ổn định chính trị và giải quyết vấn nạn tham nhũng sau 6 năm cầm quyền. Củng cố những thành tựu này sẽ là chìa khóa để thuyết phục những người con xa xứ trở về phục vụ đất nước.

Dĩ nhiên vẫn đang có hàng nghìn người Philippines rời đi mỗi ngày. Nhưng gần 4 triệu việc làm đã được tạo ra ở nước này sau 6 năm kể từ khi ông Aquino trở thành Tổng thống. Nếu người lãnh đạo tiếp theo có thể xóa bỏ tham nhũng trong kinh doanh và khuyến khích đầu tư, sẽ ngày càng nhiều doanh nhân trở về và giữ chân lao động trẻ ở lại.

Thu Hương

Theo Trí thức trẻ/WSJ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Các sáng lập viên

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 235

Máy chủ tìm kiếm : 5

Khách viếng thăm : 230


Hôm nayHôm nay : 23541

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 1496370

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 42396182



thiet ke ho ca koi mai hien di dong cong ty to chuc su kien thang may tai hang thang mang tai khach