11:05 EDT Thứ tư, 15/05/2024

Trang nhất » Tin Tức » Nghiên cứu - Chia sẻ

Khi chính sách đến nhầm đối tượng

Thứ ba - 31/03/2015 08:02
Thời gian qua, để nâng cao thu nhập, nâng cao mức sống cho nông dân, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ. Tuy nhiên, trên thực tế, nông dân hưởng lợi từ các chính sách đó không nhiều, thậm chí không thể tiếp cận được. Vậy nhưng, nhiều chính sách không hiệu quả vẫn đang tiếp tục được thực thi, dẫn đến kết cục là người nông dân khó vẫn hoàn khó. 
 
 
Mùa gặt
 
Một trong những chính sách đã và đang thực hiện lâu nay phải kể đến chính sách thu mua tạm trữ lúa gạo của nông dân. Mặc dù đây là chính sách với hai mục tiêu chính là hướng đến nâng cao vị thế của người nông dân trong chuỗi giá trị lúa gạo cũng như giúp cho hạt gạo Việt Nam có thể cạnh tranh được với gạo của nhiều quốc gia trên thế giới. Thế nhưng trên thực tế, cả hai mục tiêu đó đều chưa đạt được. 
 
Lý do là bởi, việc thu mua lúa gạo của các DN đầu mối hiện nay đều thông qua hệ thống thương lái. Nếu như chính sách thu mua tạm trữ lúa gạo của Chính phủ quy định giá sàn thu mua lúa, đảm bảo nông dân lãi ít nhất 30%, song lại để tồn tại quá nhiều khâu trung gian khiến cho người mục tiêu nói trên hầu như không thể đạt được. Đơn giản là bởi, thương lái – khâu trung gian -  không thể thu mua lúa của nông dân theo giá sàn để rồi phải bán lại cho doanh nghiệp với giá sàn để chịu lỗ. Vì lẽ đó, người nông dân thường xuyên bị  thương lái phải ép giá lúa thấp hơn giá sàn quy định. Ngược lại, người nông dân cũng không thể không bán lúa cho thương lái, vì việc thu mua lúa lâu nay đều lệ thuộc vào thương lái. Nếu muốn doanh nghiệp thu mua theo đúng giá sàn quy định, người nông dân buộc phải trực tiếp chở lúa  đến DN. Điều đó sẽ làm cho chi phí sản xuất tăng cao, lại mất nhiều thời gian, nên nông dân đành chấp nhận bán lúa cho thương lái.
 
Kết cục, lâu nay các khâu trung gian được hưởng lợi nhiều từ chính sách thu mua tạm trữ lúa gạo của Chính phủ. Bởi thế mới có câu chuyện, đến hẹn lại lên, khi Chính phủ có quyết định thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo, ngay lập tức giá lúa lên. Song chỉ một thời gian ngắn sau đó, khi kết thúc chương trình, giá lúa lại hạ xuống. Người nông dân lại khóc dở mếu dở vì lúa rớt giá. Thực tế này đã tồn tại nhiều năm nay. Và những bất cập liên quan đến chính sách tạm trữ lúa gạo mà Chính phủ đang thực thi cũng đã được bàn nhiều. Song, đến thời điểm này, những bất cập đó vẫn chưa được giải tỏa (!).
 
Một câu chuyện khác, đó là chính sách hỗ trợ tiền trực tiếp cho bà con nông dân. Được biết, để thực hiện mục tiêu giữ đất trồng lúa, hàng năm, ngân sách Nhà nước hỗ trợ người sản xuất lúa từ nguồn kinh phí chi thường xuyên với mức hỗ trợ 500 nghìn đồng/ha/năm cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sản xuất lúa trên đất chuyên trồng lúa nước. Hỗ trợ 100 nghìn đồng/ha/năm cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sản xuất lúa trên đất lúa khác, trừ đất lúa nương được mở rộng tự phát không theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trồng lúa. Với mức hỗ trợ này, trong ba năm (từ 2011-2013), ngân sách nhà nước đã hỗ trợ người sản xuất lúa tổng số tiền là hơn 11 nghìn tỷ đồng... Số tiền từ ngân sách là rất lớn song, thực tế, ở nhiều địa phương, người nông dân không mặn mà với chính sách này. Lý do là bởi, quy mô ruộng đất của người nông dân quá nhỏ. Trong khi đó, đối với những bà con ở vùng sâu vùng xa, để tìm được đến với nguồn hỗ trợ, vừa mất thời gian, vừa mất thêm chi phí về phương tiện vận chuyển… Dẫn đến thực tế, nông dân khá thờ ơ với chính sách nói trên.
 
Có thể khẳng định, các chính sách hỗ trợ ngành nông nghiệp đang bộc lộ những bất cập khi mà chưa đạt được mục tiêu cuối cùng là nâng cao đời sống cho nông dân. Nhiều chuyên gia đặt câu hỏi: Tại sao không thay đổi một cách linh hoạt hơn, thay vì hỗ trợ trực tiếp, các chính sách nên hỗ trợ gián tiếp cho bà con nông dân. Cụ thể, theo GS.TS Đỗ Kim Chung (Học viện Nông nghiệp Việt Nam), chính sách hỗ trợ trực tiếp 500 ngàn đồng/ha lúa, 2 triệu đồng/ha cho chuyển đổi cây trồng hoặc hỗ trợ giống cây trồng sau thiên tai  đang bộc lộ bất cập là: Trong nhiều trường hợp, sau khi nhận hỗ trợ, nông dân vẫn ào ạt trồng cùng một loại cây để rồi dẫn đến thực trạng, cung vượt cầu… kết cục, nông dân lại bị thua thiệt, như vậy thà không trồng còn hơn. 
 
Tương tự, chính sách thu mua tạm trữ lúa gạo ở trên với mục đích giúp người nông dân hưởng lợi thì cuối cùng người hưởng lợi lại là… thương lái.
 
Giới chuyên gia ngành nông nghiệp đánh giá, lâu nay, các chính sách hỗ trợ cho nông dân nhưng lại chưa đến trực tiếp người nông dân nên đã tạo ra nhiều kẽ hở cho thương lái trục lợi. Bất cập này không những gây lãng phí nguồn vốn đầu tư của Nhà nước mà còn đánh mất niềm tin nông dân vào các chính sách của nhà quản lý. 
 
Từ cái nhìn sâu sắc về các chính sách hỗ trợ nông dân hiện nay, GS. TS Đỗ Kim Chung cho rằng, cái mà người nông dân cần nhất chính là tiêu thụ được sản phẩm. Bởi vậy, các chính sách cần hướng đến mục tiêu kết nối được giữa doanh nghiệp và nông dân, để nông dân biết được thông tin thị trường, có được thị trường và chủ động sản xuất theo nhu cầu thị trường, như vậy sẽ hiệu quả hơn rất nhiều theo cách hỗ trợ trực tiếp như đang làm. 
 
 
Lâu nay các khâu trung gian được hưởng lợi nhiều từ chính sách thu mua tạm trữ lúa gạo của Chính phủ. Bởi thế mới có câu chuyện, đến hẹn lại lên, khi Chính phủ có quyết định thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo, ngay lập tức giá lúa lên. Song chỉ một thời gian ngắn sau đó, khi kết thúc chương trình, giá lúa lại hạ xuống. Người nông dân lại khóc dở mếu dở vì lúa rớt giá. 
 
Phương Thảo

Nguồn tin: Đại Đoàn Kết

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Các sáng lập viên

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 143

Máy chủ tìm kiếm : 11

Khách viếng thăm : 132


Hôm nayHôm nay : 39182

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 936522

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 44304207



thiet ke ho ca koi mai hien di dong cong ty to chuc su kien thang may tai hang thang mang tai khach